Cầu treo nối nhịp suối ngàn

Đồng bào các dân tộc sinh sống ở vùng bắc Tây Nguyên thường cư trú dọc theo các con sông, dòng suối. Cây cầu treo là phương tiện thiết yếu hàng ngày giúp đồng bào đi lại và canh tác. Cầu treo đơn sơ nối nhịp suối ngàn, làm đẹp cho cảnh quan buôn làng. Cầu treo được làm từ vật liệu sẵn có trong rừng núi đó là cây gỗ, tre nứa, dây mây. Trong các thứ vật liệu để làm cây, dây mây quan trọng nhất nên có nơi người ta gọi là cầu mây.

 

Gọi là cầu treo vì nó không hề có trụ cầu ở giữa và được đứng vững nhờ các sợi dây mây lớn buộc chặt vào các thân cây, nhánh cây cổ thụ ở đôi bờ. Muốn có chiếc cầu vững chắc, người ta phải chọn nơi có cây lớn, nhánh to toả ra phía dòng suối. Nếu thân cây được làm trụ chịu lực cho chiếc cầu thì các nhánh cây lớn có tác dụng kéo chiếc cầu lên để khỏi bị chùng võng xuống dưới. Như chúng ta đã biết, miền núi nước ta là nơi có nhiều giống mây mọc tự nhiên với đủ loại to nhỏ, dài ngắn và độ bền chắc khác nhau. Mỗi loại có thể được chọn lựa kỹ tùy theo từng bộ phận của chiếc cầu. Mây voi, sợi to bằng bắp tay, có thể sống đến hàng trăm năm tuổi, được chọn làm dây cầu bắc qua sông suối. Nhờ vậy, đồng bào miền núi đã làm nên những chiếc cầu treo dài hàng chục mét bắc qua những con sông.

Khi hai trụ ở mỗi bờ được dựng xong, người ta dùng cây, dây căng ngang để làm điểm tựa cho việc giăng dây mây qua cầu. Thông thường, mỗi cầu có hai dây mây lớn căng ngang qua suối làm cái khung chính, sau đó là những dây phụ bám theo nhau từ trên xuống dưới. Các nan mây chẻ làm sợi ngang đan vào các dây mây dọc để giằng giữ và liên kết với nhau. Ở đáy cầu làm lối đi có 3 dây mây ghép phẳng, hai bên càng lên cao thì càng rộng, vừa đủ tầm tay, người nhỏ vịn phía dưới, người lớn vị phía trên để đi lại trên cầu. Cầu có “mặt cắt” hình chữ V, lối đi ở giữa và hai bên có hai tay vịn. Ở hai mố cầu, người ta làm thang bằng gỗ chắc chắn bắc lên cầu, thuận tiện cho việc lên xuống. Thang này thường bằng một đoạn cây có đẽo khấc tựa như thang lên nhà sàn. Người dưới xuôi lần đầu đi qua cầu treo có cảm thấy thú vị bởi nó chòng chành, rung rinh theo nhịp bước. Nếu phía dưới là vực sâu thăm thẳm thì có cảm giác hơi ngợp.

Về hình dáng, cầu treo giống như cái võng treo giữa dòng suối. Mắt võng rất dày nên trẻ em thường đến đây vui chơi mà không sợ nguy hiểm. Một bên cầu treo là làng bản, bến nước, nơi diễn ra cuộc sống sinh hoạt của con người. Cây cổ thụ vừa làm trụ để căng dây cầu vừa làm đẹp cảnh quan khi tán lá xanh tươi reo trong gió núi và toả bóng mát cho bản làng. Người đi rẫy có nơi dừng chân nghỉ ngơi hóng gió. Vào những ngày không đến lớp, trẻ con vui chơi, nô đùa bên bờ suối - nơi có chiếc cầu treo bắc qua. Hình ảnh bắt mắt này luôn gây cảm xúc cho những nhà nhiếp ảnh, hoạ sĩ, nhà văn về đề tài “đời thường” của đồng bào Tây Nguyên.

Ngày nay, ở các thôn bản định cư, Nhà nước đã xây dựng cho đồng bào nhiều chiếc cầu treo bằng sắt thép kiên cố. Cầu mây truyền thống chỉ còn thấy ở vùng cao hẻo lánh, dân cư không tập trung. Những chiếc cầu treo hiện đại như thế đã mang lại diện mạo mới cho thôn bản, làm cho cuộc sống, sinh hoạt, đi lại của đồng bào miền núi tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có những chiếc cầu treo bằng sắt thép. Khi Nhà nước chưa đủ tiềm lực để xây dựng cầu sắt ở hầu hết mọi nơi thì những chiếc cầu treo bằng dây mây vẫn hết sức cần thiết cho cuộc sống của đồng bào miền núi. Trẻ em đi học không phải bơi lội trong những đoạn suối nước chảy xiết rất nguy hiểm đến tính mạng như chúng ta từng thấy ở một vài địa phương. Vào mùa mưa lũ,  với bà con đồng bào các dân tộc ở hai bên sườn núi Ngọc Linh và dọc dải Trường Sơn, việc đi lại rất khó khăn, nhất là ở những nơi chưa có cầu, đường bộ kiên cố. Khi có lũ quét, lũ ống, hư hại, chia cắt giao thông, hư hỏng cầu đường, đồng bào phải tự làm những chiếc cầu treo “dã chiến” để đi lại. Những nơi không có cầu treo hoặc bị hư hỏng do mưa lũ thì bà con kết bè nứa, bè chuối hoặc dùng dây cáp treo đu người qua các đoạn sông suối. Đối với đồng bào cư trú ở vùng hẻo lánh, hiểm trở, sạt lở do thiên tai thì cầu treo là phương tiện chống lũ hữu ích.

Cầu treo truyền thống là sản phẩm mang nét đặc thù địa phương, là công trình mang đậm tri thức văn hóa bản địa của đồng bào vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Nó được nhân dân dựng lên bởi sức mạnh đoàn kết, công sức của cộng đồng. Chiếc cầu treo làm bằng vật liệu thiên nhiên không tốn nhiều tiền của như cầu bằng sắt thép nhưng hiệu quả rất cao. Khi có thiên tai, lũ lụt thì loại cầu này vẫn rất ích dụng, có thể nhanh chóng khắc phục tình trạng bị chia cắt, cô lập. Những chiếc cầu treo vẫn bắc trên đường lên rẫy về làng, giữ mạch máu lưu thông, đưa sản vật địa phương về vùng thấp, chuyển hàng hoá lên vùng cao, giúp trẻ em tới trường tới trường. Cầu treo đã in sâu vào ký ức của bao người từng sinh sống, làm việc tại vùng đất Tây Nguyên. Có những cây cầu tồn tại gần nửa thế kỷ, tiêu biểu như cầu treo bắc qua dòng sông Ba tại xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, từ năm 1954 đến năm 1975. Sau một thời gian dài vắng bóng, gần đây, Huyện đoàn huyện Kpang xây dựng lại cây cầu treo mới. Đây là công trình ý nghĩa trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống Tây Nguyên, là địa điểm du lịch, khám phá, trải nghiệm thú vị cho du khách gần xa.

Chiếc cầu dài vắt vẻo giữa không trung

 

TẤN VỊNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022

 

;