Cửu phẩm liên hoa - Công trình văn hóa, tâm linh đặc sắc của chùa Côn Sơn

Cuối thế kỷ 13 sau khi dẹp xong giặc Nguyên Mông, củng cố triều chính, Vua Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành sáng lập ra Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm của quốc gia Đại Việt. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã xây dựng một số trung tâm lớn như chùa Côn Sơn, chùa Quỳnh Lâm, chùa Vĩnh Nghiêm để hoằng dương Phật pháp, trong đó chùa Côn Sơn trở thành Quốc tự của đất nước.

 

Theo “Thanh Mai Viên Thông tháp bi”, năm 1329, chùa Côn Sơn được Đệ nhị tổ Pháp Loa xây dựng mở rộng, đến cuối thế kỷ XIV, Đệ tam tổ Huyền Quang về trụ trì, tu bổ hoàn chỉnh các công trình kiến trúc như: Tam quan, Lầu chuông, Gác trống, Phật điện, Tổ đường, Hậu đường, 2 dãy tiền hành lang, hậu hành lang, các tòa tháp, Am Bạch Vân... Trong đó tòa Cửu Phẩm Liên Hoa là công trình tôn giáo có giá trị đặc sắc.

Trong tư tưởng Phật giáo, Cửu Phẩm Liên Hoa là một biểu tượng đặc biệt được nhắc đến trong các kinh Đại Nhật Kinh Sớ, Kinh vô lượng thọ, Kinh quán vô lượng thọ, Kinh A Di Đà, trong các sách: Tây Phương Công Cứ, A Di Đà sớ sao… Cửu Phẩm Liên Hoa là một biểu tượng tối cao của thế giới Cực Lạc, thế giới của cõi Niết Bàn, nơi Phật A Di Đà ngự chiếu giải thoát cho chúng sinh. Chức năng của tháp Cửu Phẩm Liên Hoa là biểu dương Phật pháp, ca ngợi thế giới Cực Lạc - nơi đón nhận linh hồn của những người thiện tâm, thiện đức đến vãng sinh sau khi từ trần trở về thế giới vĩnh hằng để được siêu sinh tịnh độ, tránh rơi vào kiếp địa ngục luân hồi.

Sang thời Lê (thế kỷ XVII, XVIII), các nhà sư trụ trì chùa Côn Sơn đã tôn tạo lại tòa Cửu Phẩm Liên Hoa ở Côn Sơn. Bia “Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự” (1614) cho biết: Tỳ khưu Mai Trí Bản “Hưng công xây dựng Cửu Phẩm Liên Hoa, nhà Thiêu hương, Tiền đường, Hậu đường, tiền tả hữu hành lang, hậu tả hữu hành lang, tam quan và lại trùng tu cả thượng điện, tổng cộng 83 gian. Làm mới tượng phật trên Cửu Phẩm Liên Hoa tới 385 vị”. Văn bia “Khôi Tạo Trùng Tu Phật Tổ Côn Sơn Tư Phúc Tự“ (1721) có ghi: “Nhà sư Hải Ấn trụ trì chùa Côn Sơn [...] đã cùng tín thí thập phương thành tâm xây dựng Đăng Minh Bảo Tháp, vọng đài ngắm như ngọc thạch, lại xây dựng hậu đường nguy nga, hai bên tả hữu hành lang, trùng tu cả Cửu Phẩm Liên Hoa khác nào ngọc bích”.

Như vậy, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn có từ thời Trần. Đến thời Lê được tôn tạo lại. Đây là công trình kiến trúc độc đáo, đặc sắc có giá trị tâm linh và nghệ thuật nhất ở khu di tích Côn Sơn. Tiếc rằng, giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, chùa Côn Sơn bị tàn phá bởi chiến tranh và thiên tai, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa cũng bị tàn phá trong giai đoạn này.

Được sự cho phép của Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Hải Dương, trong các năm 2012 và 2014, Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức khai quật tại sân và nền nhà Tổ đường chùa Côn Sơn với diện tích 735m2. Kết quả đã phát lộ nền móng tòa Cửu Phẩm Liên Hoa xây dựng từ thế kỷ XIV, đến thế kỷ XVII được tôn tạo lại quy mô lớn hơn.

 

Ở địa tầng cách mặt đất 0,3m là dấu tích nền móng kiến trúc thế kỷ 17. Nền móng kiến trúc kè bằng đá cuội, mặt bằng hình chữ nhật dài 16,2m, rộng 7m; phần trung tâm hình vuông (4m x 4m). Trong mặt bằng xuất lộ hệ thống trụ móng (0,9m x 0,9m), kết cấu trụ móng bằng sỏi trộn cát trên mặt đầm lèn gạch, ngói vỡ. Tại phần trung tâm, ở 4 góc là 4 trụ móng cách đều nhau 3,6m; giữa 4 trụ móng là trụ trung tâm cách đều 4 góc là 2,8m. Trụ móng này nằm trên trục tim của Thượng điện và Tổ đường. Các nhà khoa học thống nhất đây chính là mặt bằng móng của tòa Cửu Phẩm Liên Hoa được trùng tu ở thế kỷ XVII.

Dưới lớp nền móng kiến trúc thế kỷ XVII, lại phát hiện nền móng kiến trúc thứ 2 ở tầng văn hóa cách mặt đất 0,8m. Một số trụ móng kiến trúc bị hệ thống trụ móng lớp trên (thế kỷ XVII) xây dựng đè lên. Ở gian trung tâm cũng xuất lộ 4 trụ móng phân bố cách đều nhau 3,9m. Vị trí mặt bằng nền móng dịch chuyển về phía Thượng điện so với mặt bằng móng thế kỷ XVII (lớp trên) là 1m. Các nhà khoa học kết luận: đây chính là nền móng kiến trúc của tòa Cửu Phẩm Liên Hoa được xây dựng ở thế kỷ XIV, do tổ Huyền Quang hưng công.

Cuộc khai quật năm 2014 đã phát hiện phía sau chùa Côn Sơn là mặt bằng kiến trúc Cửu Phẩm Liên Hoa, nền móng tòa Tổ đường và Hậu đường xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIII, XIV); được tôn tạo ở thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII. Nền móng kiến trúc tòa Cửu Phẩm Liên Hoa thời Trần (thế kỷ XIII, XIV) mặt bằng hình vuông (3,8m x 3,8m). Công trình nằm ở tầng văn hóa cách mặt đất hiện nay 1m; Tổ đường kiến trúc hình chữ Đinh (丁) và Hậu đường hình chữ Nhất (一). Ở độ sâu 0,4m là tầng văn hóa thế kỷ XVII - XVIII, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa được tôn tạo mở rộng hơn, mặt bằng kiến trúc tòa Cửu Phẩm hình chữ Công (工), Tiền bái là tòa Cửu Phẩm, Thượng điện là bệ thờ Đức Phật A Di Đà. Phía sau tòa Cửu Phẩm Liên Hoa là nhà Tổ đường và Hậu đường thờ Tam tổ Trúc Lâm cùng các vị tổ tu hành ở chùa Côn Sơn.

Kết quả khai quật khảo cổ học trùng khớp với tư liệu ghi chép trên văn bia còn lưu giữ ở chùa. Đây là nguồn tư liệu quan trọng, làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch chi tiết chùa Côn Sơn, là tiền đề mở đầu cho cuộc đại trùng tu chùa Côn Sơn lần thứ 4 ở đầu thế kỷ 21.

Thực hiện Quy hoạch tổng thể của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30 tháng 10 năm 2014, UBND tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định số 2699/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Dựng lại tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn, thị xã Chí Linh. Quy mô đầu tư xây dựng gồm các hạng mục công trình: Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, Tổ đường, Hậu đường, Tả, hữu tiền hành lang, Các công trình phụ trợ. Năm 2015, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức lễ khởi công xây dựng lại tòa Cửu Phẩm Liên Hoa. Sau 2 năm thi công, ngày 12/2/2017, công trình đã được khánh thành đúng ngày khai hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn.

Kiến trúc tòa Cửu Phẩm Liên Hoa là một thức kiến trúc kép giữa cây phẩm chín tầng và tổng thể của toà nhà chứa cây phẩm đó.

Nhà Phẩm có kết cấu ba tầng, 12 mái. Tầng thứ nhất gồm 5 gian 2 chái, đầu kìm tạo thủy quái Makara. Tầng thứ hai thu lại còn 1 gian 2 chái, đầu đao trang trí long, lân quy chầu. Tầng thứ ba chỉ có một gian, chính giữa bờ nóc đắp hổ phù ngậm chữ “thọ”. Đầu hổ phù đội bánh xe pháp luân được trang trí bởi hệ thống hoa, lá sen bao quanh. Đầu kìm là hình tượng thủy quái Makara, đầu đao đắp long, phượng quy chầu. Toàn bộ hệ thống bờ dải, bờ guột của ba tầng mái trang trí gạch hoa chanh. Mặt bằng của nhà Phẩm có bình đồ hình chữ nhật, tuy nhiên gian chồng diêm thứ hai và thứ ba được dựng lên từ khung của bốn cột cái trung tâm nên vẫn giữ dạng bình đồ vuông. Kết cấu này tạo độ giật cấp giữa các tầng mái được rõ nét hơn, kết hợp với những đầu đao cong vút khiến cho tòa nhà thêm phần thanh thoát, bay bổng. Nhìn từ trên cao, toàn bộ nhà Phẩm sẽ giống như một bông hoa sen đang nở với 3 lớp cánh khác nhau, tạo nên điểm nhấn đẹp đẽ cho khung cảnh thanh tịnh chốn quốc tự. Chính giữa nhà Phẩm, bốn cột cái trung tâm chạy suốt từ tầng một lên đến tận tầng ba. Không gian giữa 4 cột cái đặt tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, đỉnh tháp là tượng Đức Phật A Di Đà. Công trình sử dụng vật liệu truyền thống như gỗ lim, gạch Bát Tràng, ngói mũi hài, đá xanh Thanh Hóa. Phần kết cấu chịu lực của tháp Cửu Phẩm Liên Hoa được làm bằng gỗ lim, các thành phần trang trí được làm bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng.

Tháp Cửu Phẩm liên hoa có dạng hình bát giác cao 7,9m với 9 tầng chạm sen. Mỗi mặt cạnh là 1,70m, mặt thân tháp là 0,75m. Ở các cạnh mặt tháp có hệ thống cột chạm đốt trúc, từ chân tháp lên đến đỉnh tháp làm tay vịn để quay cây phẩm. Riêng hệ thống cột nối từ bệ tháp lên đài sen tầng một được chạm rồng.  Kết cấu trục quay là một thân gỗ lớn cao từ chân tháp đến đỉnh tháp. Chân trục là cối quay bằng kim loại. Từ cây cột trụ chính ở lòng tháp có những đòn ngang đỡ các tầng Cửu Phẩm. Với dạng thức bát giác, biểu hiện cho tám hướng, mỗi mặt gồm bộ ba tượng là Đức Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Tầng trên cùng đặt tượng Phật A Di Đà ngự chiếu, dùng ánh sáng vô lượng của mình để soi rọi khắp cõi nhân gian, dùng công lực vô biên của mình cứu độ chúng sinh, tiếp dẫn các linh hồn về cõi Tây Phương Cực Lạc. Chín tầng đài sen tượng trưng cho chín cấp trong thế giới Tịnh Độ tức Cực Lạc quốc của Đức Phật A Di Đà. Thế giới của Đức Phật A Đi Đà là thế giới gắn với các kiếp đời đã qua, cho nên tòa Cửu Phẩm Liên Hoa còn gọi là Cửu Phẩm vãng sinh (sự qua lại sinh ra, tức là: theo quan niệm Phật giáo sống một ngày là chết một ngày, chết một ngày ở kiếp này là đang sinh ra một ngày ở kiếp khác). Cửu Phẩm vãng sinh được chia thành ba bậc từ trên xuống là: thượng phẩm vãng sinh, trung phẩm vãng sinh, hạ phẩm vãng sinh. Mỗi bậc lại chia làm thượng, trung, hạ sinh như: thượng phẩm thượng sinh, thượng phẩm trung sinh, thượng phẩm hạ sinh... Theo nghiệp tu thiện ác mà chúng sinh được sinh ra ở các đài cao thấp khác nhau. Điều đó có nghĩa rằng, đài sen là nơi thường trụ của những linh hồn bất diệt, tự nhiên tự tại, không bị ràng buộc bởi tham, sân, si... bởi quy luật vô thường. Với những ý nghĩa như vậy, Phật giáo quan niệm rằng nếu vừa đi, vừa đẩy tòa Cửu Phẩm quay, miệng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thì mỗi vòng quay tương ứng với 3.542.400 câu niệm Phật, cứ như vậy đến lúc được lên cõi Niết bàn.

Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn là công trình kiến trúc nghệ thuật Phật giáo đặc sắc đầu tiên được tôn tạo thành công. Công trình đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Với việc khánh thành tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, khu di tích Côn Sơn tiếp tục có thêm nét văn hóa đặc sắc, thể hiện sự sáng tạo của người dân Hải Dương; đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

PHẠM QUANG VINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 504, tháng 7-2022

 

;