Tết Đoan Ngọ - nét đẹp văn hóa của xứ Huế

Hằng năm, cứ vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, người dân xứ Huế lại tích cực chuẩn bị đón Tết Đoan Ngọ. Đây là ngày con cháu nhớ về tổ tiên ông bà, là dịp những người thân trong gia đình sum vầy ấm áp bên nhau. Ngoài ra còn cầu trời đất mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và mừng cho sự trong sáng, quang đãng.

 

“Tháng tư đong đậu nấu chè

Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm”

Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi: Tết Đoan Dương, Tết mồng 5) là phong tục gắn với quan niệm về sự tuần hoàn thời tiết của năm. Trong đó, “Đoan” được hiểu là mở đầu, “Ngọ” có nghĩa là giữa trưa hay “Dương” là mặt trời. Đoan Ngọ hay Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh nhất trong năm. Bên cạnh đó, dịp lễ này theo dân gian còn gọi là “Tết diệt sâu bọ”. Bởi trong tiết trời giao mùa dịch bệnh dễ phát sinh, nên vào ngày này người ta có tục bắt, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, cũng như phòng trừ bệnh tật. Theo cách lý giải khác, Tết Mồng Năm" (hay còn gọi là Tết Đoan ngọ) là cái Tết chung của một số nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam nói chung và vùng đất Cố đô Huế nói riêng, "Tết Mồng Năm" còn mang những nét phong tục văn hóa riêng biệt.

Món ăn đặc trưng Huế

Ở xứ Huế, mâm cúng dâng lên bàn thờ gia tiên vào ngày Tết Đoan Ngọ có nhiều nét khác biệt nhau so với các vùng miền khác. Thịt vịt, chè kê, bánh tráng nướng, trái cây,… là các món không thể thiếu trong dịp này. Thịt vịt được biến tấu thành nhiều món ngon như: cháo vịt, vịt hon, bún măng vịt, vịt nướng và vịt luộc chấm nước mắm gừng. Ngoài ra, người dân xứ Huế còn chế biến món tiết canh vịt trong bữa ăn Tết Đoan Ngọ. Sự kết hợp của rau sống tươi xanh, khế chua, chuối chát cùng nhiều loại rau thơm khác đem đến món vịt luộc vô cùng hấp dẫn. Trong những ngày lập hạ oi bức của đầu tháng 5 âm lịch, thịt vịt có tính hàn (mát), khi ăn sẽ cân bằng nhiệt, bồi bổ cơ thể. Một số khác cũng giải thích rằng, từ ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch trở đi, vịt bắt đầu vào mùa, thịt béo ngậy hơn và không còn mùi hôi sau khi được nuôi dưỡng sau mùa thu hoạch lúa Thu-Đông.

Chè kê cũng là món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ của người dân xứ Huế. Để nấu món chè này khá đơn giản. Kê được lựa chọn là giống kê nếp - loại hạt mẩy tròn, dẻo thơm. Đem tróc sạch vỏ kê, rồi ngâm nước ấm để hạt nở. Sau đó nấu đến khi chín mềm, sền sệt thì thêm đường cát và nước gừng vào sẽ có được những chén chè kê vị ngọt thanh ăn kèm cùng bánh tráng nướng giòn tan.

Cùng với thịt vịt, chè kê thì bánh tráng nướng, bánh tro (hay bánh ú, bánh giò, bánh nậm, bánh nậm, bánh gói… tên gọi tùy theo từng địa phương), xôi nếp  cũng được ưa chuộng trong dịp này. Các loại trái cây theo mùa như: vải, mận, xoài, chôm chôm, dưa hấu, măng cụt, nhãn… được xem là phương thuốc tiêu trừ mầm bệnh hữu hiệu. Theo ông bà xưa truyền lại rằng, sâu bọ sẽ bị “say” với mùi thơm nồng đặc trưng của gạo nếp lên men, tiếp theo ăn các loại trái cây có vị chua sẽ khiến chúng chết nhanh hơn.

 

Lưu giữ phong tục truyền thống

Đây là dịp cúng lễ cho một tiết trời mới, được tiến hành vào giờ chính Ngọ. Theo tục lệ lưu truyền đến nay, mọi người sẽ ăn rượu nếp, hoa quả ngay khi thức dậy vào sáng sớm để tiêu diệt sâu bọ. Các loại cây lá hái trong dịp này đều có tác dụng chữa bệnh.Vì thế, đúng 12h trưa - lúc dương khí mạnh nhất, người dân thường rủ nhau hái lá cây để có được tinh túy của đất trời đem lại tác dụng chữa bệnh, đặc biệt các bệnh liên quan về da và hệ tiêu hóa. Ngoài ra, một số người cũng tìm mua cành xương rồng bỏ trong nhà để trừ … ma quỷ (?).

Tại một số vùng quê ở Huế, các gia đình thường có nghi thức rửa mặt, nhỏ nước chanh. Dùng vài lát chanh bỏ vào chậu nước sạch, đem phơi dưới nắng, rồi đợi đến giờ Ngọ thì rửa mặt bằng nước này. Kế đến ngẩng khuôn mặt hướng lên trời, cho một vài giọt chanh vào mắt với hi vọng mắt sẽ sáng rõ, khỏe mạnh. Bên cạnh đó, người ta còn tắm nước lá mùi để phòng bệnh tật và tẩy trừ “sâu bọ”.

 Vào chính Ngọ, người dân xứ Huế còn có phong tục đi hái lá mồng 5. Họ hái những loại lá người dân quen dùng thường ngày, mỗi thứ một ít mang về rửa sạch phơi khô để dùng làm thuốc, hay đun làm nước uống. Bởi họ tin rằng lá mồng Năm sẽ chữa được “bách bệnh". Theo quan niệm người xưa, bất kỳ loại lá nào được hái đúng vào giờ Ngọ mồng 5 tháng 5 đều là thuốc cả. Bởi lẽ, đó là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ này có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, âm hư. Trên thực tế, những loại lá này thường được bán sẵn ngoài chợ, đến giờ Ngọ người dân mua về với ý niệm chỉ để lấy may là chính.

 Tết Đoan Ngọ ở mảnh đất Thần Kinh là nét đẹp văn hóa truyền thống, qua đó thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đến gia đình, tổ tiên. Hái lá thuốc mồng 5/5, mâm cỗ cúng gia tiên… là những tập tục lâu đời mà người dân xứ Huế vẫn còn lưu giữ. Tất cả như một lời nhắc nhở về giá trị của các loại cây thảo dược có sẵn quanh ta và góp phần làm đẹp thêm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, một số phong tục cổ truyền này có phần bị mai một, có thể biến tướng nhưng những tập tục tốt đẹp trong ngày Tết Đoan Ngọ vẫn được người dân Cố đô Huế lưu giữ như một nét đẹp văn hóa của đất Thần Kinh - xứ Huế, góp phần làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc.

 

XUÂN TRƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022

 

;