Bản sắc văn hóa tộc người góp phần phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Là huyện có nhiều khó khăn, thế nhưng Đà Bắc lại sở hữu và hội tụ những điều kiện về lịch sử, văn hóa độc đáo, đặc sắc. Điều kiện tự nhiên rừng nguyên sinh, vùng hồ, non nước hữu tình, núi non kỳ vĩ là tiềm năng riêng có để phát triển các loại hình du lịch. Trong những năm gần đây, huyện đã có nhiều giải pháp cụ thể để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) gắn với khai thác tiềm năng thiên nhiên, bản sắc văn hóa, hướng tới xóa đói giảm nghèo, cải thiện phát triển bền vững đời sống nhân dân.

Người Dao bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) biểu diễn múa chuông phục vụ du khách đến tham quan, du lịch. - Ảnh: baohoabinh.com.vn

1. Tiềm năng phát triển DLCĐ tại huyện Đà Bắc

Đà Bắc nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình, là nơi sinh sống của 5 dân tộc (Mường, Tày, Dao, Kinh, Thái). Diện tích tự nhiên hơn 779km2, gồm 17 đơn vị hành chính, trong đó có 16 xã và 1 thị trấn. Huyện Đà Bắc có các dạng địa hình đa dạng, có độ chia cắt lớn, nằm ở độ cao trung bình 560m, có nhiều ngọn núi cao trên 1.000m so với mực nước biển. Huyện Đà Bắc còn có hàng trăm km bờ hồ sông Đà với nhiều đảo nổi, bán đảo và các vịnh có cảnh quan kỳ thú.

Bên cạnh đó, địa bàn huyện có khu rừng nguyên sinh Pu Canh, thuộc địa phận xã Đồng Ruộng - Đoàn Kết - Mường Chiềng lưu giữ được nhiều thảm thực vật nguyên bản. Nhiều khu vực ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển; núi Biều, hang Lỗ Làn, vịnh Hiền Lương, khí hậu trong lành, có thác nước chảy ngày đêm không ngừng nghỉ, hứa hẹn là những điểm đến cho du khách khám phá trải nghiệm. Mảnh đất, núi rừng Đà Bắc còn chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể hấp dẫn, sắc thái văn hóa của các dân tộc Mường, Dao, Tày, Thái… tạo thành một bản hợp ca nhiều hương sắc, là cơ hội để cho du khách khám phá, trải nghiệm.

Đà Bắc nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030, là điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư phát triển các loại hình DLCĐ, nghỉ dưỡng, sinh thái và các khu thể thao, giải trí dưới nước.

2. Thực trạng phát triển DLCĐ tại huyện Đà Bắc

Tháng 6-2014, Tổ chức phi chính phủ Action on Poverty (AOP) của Australia tại Việt Nam kết hợp với huyện Đà Bắc triển khai dự án “Du lịch cộng đồng tại Đà Bắc”. Dự án tập trung hỗ trợ cộng đồng người dân tộc thiểu số có cuộc sống khó khăn, giúp họ thay đổi cách làm và phát triển sinh kế bền vững. Xóm Đá Bia là một trong những thôn bản được chọn hỗ trợ để làm DLCĐ. Vì là dự án mới, trước đó chưa có địa phương nào tại Đà Bắc từng triển khai mô hình, đa số người dân tại các vùng được dự án lựa chọn chưa từng nghĩ tới việc sẽ phát triển kinh tế dựa vào du lịch. Chính vì thế, việc vận động sự tham gia của người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Sau một thời gian vận động đã hình thành một số homestay tại mỗi xóm, như homestay Ngọc Nhềm, homestay Đinh Thu thuộc xóm Đá Bia, xã Tiền Phong (nay đổi tên thành xóm Đức Phong), homestay Hữu Thảo, homestay Sánh Thuấn thuộc xóm Ké, xã Hiền Lương. Hiện nay, xóm Đá Bia có 5 nhà nghỉ cộng đồng với không gian sinh hoạt đậm văn hóa nhà sàn của đồng bào Mường Đà Bắc. Ngoài nói tiếng dân tộc, tiếng Kinh, phần lớn phụ nữ, thanh niên, trẻ em trong bản nói rất tốt tiếng Anh và tiếng Pháp.

Cùng với việc xây dựng homestay, các tổ nhóm dịch vụ khác trong cộng đồng cũng được thành lập, được tập huấn, đào tạo các kỹ năng, tham quan học tập mô hình tại các điểm DLCĐ ở các địa phương khác để học tập thực tế trong việc cung cấp dịch vụ và đón tiếp khách.

Đầu năm 2015, du lịch cộng đồng tại Đà Bắc chính thức mở cửa đón những vị khách đầu tiên. Từ những người nông dân quanh năm chỉ quen với ngô, khoai, sắn, nay đã bắt đầu làm quen với mô hình sinh kế mới. Vừa làm nông nghiệp, vừa đón khách, vừa hoàn thiện cơ sở vật chất… Hướng đi mới bước đầu thu về kết quả rất lạc quan, mô hình DLCĐ Đà Bắc từ 2 điểm với 4 homestay sau 2 năm triển khai, đến năm 2017 đã phát triển lên thành 3 điểm với 7 homestay đã đưa vào hoạt động và nhận được sự đánh giá cao từ du khách khi ghé thăm, đặc biệt là khách nước ngoài.

DLCĐ tại huyện Đà Bắc mang lại trải nghiệm chân thực nhất về lối sống của cộng đồng dân tộc như: tìm hiểu, tham quan bản làng dân tộc Mường, Tày, Dao; ngủ tại nhà dân; tìm hiểu và tham quan các hoạt động thường ngày của người dân…; thưởng thức ẩm thực địa phương, đặc biệt là ẩm thực dân tộc Mường, thưởng thức ẩm thực cá lòng hồ và các loại sản vật núi rừng (mật ong, măng…); thưởng thức nghệ thuật dân tộc: diễn xướng Mo Mường, sân khấu hóa lịch sử, văn hóa Mường và các dân tộc ít người khác; mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; tìm hiểu các di tích lịch sử - văn hóa: di tích lịch sử chiến khu Mường Diềm (xã Trung Thành), di tích lịch sử cách mạng Tú Lương (xã Tu Lý), đài tưởng niệm Triệu Phúc Lịch (xã Toàn Sơn), bia Lê Lợi (xã Vầy Nưa), đền Hai Cô (xã Hiền Lương)…

Ngoài ra, huyện Đà Bắc còn cung cấp các sản phẩm du lịch bổ trợ: các tour tham quan, đi bộ (trekking) trong khu bảo tồn thiên nhiên; các chương trình giáo dục môi trường tham quan, học tập, nghiên cứu, đa dạng sinh học; các tour theo dõi, quan sát chim, thú, săn ảnh động, thực vật; giáo dục và trải nghiệm sinh thái: cắm trại, dã ngoại… Du lịch khám phá thiên nhiên như: tour đi bộ, đi xe đạp, xuyên rừng dã ngoại, khám phá hang động, thác, suối… Tour du lịch hái, sao chè shan tuyết, workshop hướng dẫn quy trình nhuộm chàm, in sáp ong trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền, làm thịt chua, nấu rượu hoẵng, dịch vụ ngâm chân, tắm lá thuốc…

Đến nay, huyện đã hình thành được các điểm DLCĐ mang lại sự trải nghiệm thú vị cho du khách như: xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Sưng (xã Cao Sơn), xóm Đá Bia - nay là xóm Đức Phong (xã Tiền Phong)… Đây là những địa phương còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc về phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống và nhiều lễ hội dân gian… là những yếu tố cần thiết để phát triển DLCĐ. Đặc biệt, bản Đá Bia là 1 trong 3 bản DLCĐ trên toàn quốc được bình chọn và nhận Giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN năm 2019.

Huyện Đà Bắc đã chú trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch. Năm 2019, tại hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, đăng ký, khảo sát các dự án đầu tư với số vốn lên tới 2.000 tỷ đồng. Huyện đang phối hợp với các ngành chức năng, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án, tạo sự phát triển mạnh mẽ về du lịch, dịch vụ. Hoạt động liên kết du lịch đã góp phần tăng trưởng của ngành Du lịch.

Huyện chú trọng quảng bá, kết nối thị trường; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dịch vụ du lịch một cách bền vững. Huyện Đà Bắc xây dựng Đề án phát triển du lịch huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa địa phương trở thành điểm du lịch hấp dẫn, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng dân cư và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Nhiều giải pháp cụ thể đã được chính quyền huyện Đà Bắc ban hành để phát triển DLCĐ tại các xóm Đá Bia (xã Tiền Phong), xóm Sưng (xã Cao Sơn), xóm Ké (xã Hiền Lương)… gắn với khai thác tiềm năng thiên nhiên, bản sắc văn hóa, hỗ trợ giúp chuyển đổi, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển theo hướng chuyên nghiệp.

Trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, hoạt động DLCĐ tại huyện Đà Bắc rất hiệu quả, mỗi năm đón hàng vạn lượt khách. Năm 2017, là 60.500 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 125 người, doanh thu đạt 7,2 tỷ; tạo việc làm ổn định cho 24 lao động và 35 lao động thời vụ. Năm 2018 là 79.500 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 2.900 lượt, khách nội địa là 76.600 lượt, doanh thu đạt 14,2 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho 25 lao động và 54 lao động thời vụ. Năm 2019, huyện đã đón trên 9 vạn lượt khách, trong đó, khách quốc tế 4.000 lượt, khách nội địa 86.000 lượt, doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt 20,5 tỷ đồng. Năm 2020, huyện Đà Bắc đón hơn 90 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 30 tỷ đồng.

Sau đại dịch COVID-19, cuộc sống trở lại bình thường. Lượng khách du lịch tăng mạnh. Điều này giúp cho địa phương có thu nhập cao, ổn định cuộc sống, tiếp tục đầu tư phát triển DLCĐ. Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2022, riêng xóm Đá Bia đón khoảng gần 1.000 lượt khách trong và ngoài nước. Mô hình DLCĐ ở bản Đá Bia thu hút gần 100% hộ dân tham gia trực tiếp vào các hoạt động dịch vụ du lịch... Trong năm 2023, huyện Đà Bắc đã đón 170.100 lượt khách, trong đó, khách nội địa là 146.060 lượt, khách quốc tế là 4.040 lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt 80,09 tỷ đồng (1).

3. Thách thức đặt ra trong phát triển DLCĐ tại huyện Đà Bắc

Mặc dù có nhiều lợi thế về cảnh quan, văn hóa và con người, nhưng DLCĐ tại huyện Đà Bắc vẫn gặp phải nhiều thách thức như: người dân chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa đủ khả năng để làm marketing, tìm kiếm khách hàng, chưa có đủ pháp nhân để hợp tác lâu dài với các đối tác là các công ty lữ hành, một vài điểm chưa tiếp cận được với internet và mạng xã hội, điện lưới vẫn hay bị cắt vào các tháng cao điểm, hoặc ngày cuối tuần; rác thải tại các điểm du lịch vẫn chưa được thu gom, xử lý, giao thông không thuận lợi cũng trở thành rào cản cho sự phát triển của DLCĐ Đà Bắc.

Hơn nữa, việc phát triển DLCĐ Đà Bắc còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: chưa khai thác tối đa tiềm năng du lịch, đặc biệt là nguồn tài nguyên tự nhiên. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn, chưa thu hút được nhiều khách du lịch, nhất là lượng khách quốc tế. Đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch vừa thiếu, vừa yếu, tỷ lệ lao động trực tiếp được đào tạo ngành Du lịch còn thấp; hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu khách du lịch. Hoạt động thông tin, quảng bá xúc tiến du lịch hiệu quả chưa cao…

4. Giải pháp phát triển DLCĐ tại huyện Đà Bắc

Để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và khai thác tiềm năng phát triển DLCĐ gắn với những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho các hộ dân, góp phần phát triển du lịch ở huyện Đà Bắc, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc tại huyện Đà Bắc về vai trò, lợi ích thiết thực của DLCĐ. Việc nâng cao nhận thức phải được thực hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Sau khi người dân nhận thức được những lợi ích của DLCĐ như đem lại sinh kế mới, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mở rộng cơ hội giao lưu, học hỏi, cảnh quan môi trường được bảo vệ, giá trị của di sản được bảo tồn, phát huy và lan tỏa, thì người dân sẽ tích cực, chủ động tham gia. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền phải phù hợp với tâm lý, trình độ nhận thức cũng như phong tục, tập quán riêng của từng đồng bào, tránh áp đặt, tránh cách làm rập khuôn, khiên cưỡng. Tôn trọng, gìn giữ những giá trị độc đáo, đề cao tinh thần sáng tạo của chủ thể cộng đồng trong thực hành, trao truyền, gìn giữ văn hóa.

Hai là, tăng cường nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch. Trong thời gian qua, tỉnh Hòa Bình cũng như huyện Đà Bắc đã quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng gắn với phát triển DLCĐ. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ phục vụ cho DLCĐ còn thiếu. Huyện Đà Bắc cần đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các điểm dừng chân, khu vực dã ngoại phục vụ du khách; khắc phục điện lưới bị cắt vào các tháng cao điểm, hoặc ngày cuối tuần. Đầu tư lắp đặt thêm các trạm biến áp tại các thôn bản để đáp ứng yêu cầu về điện phục vụ phát triển du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là đường giao thông, cảnh quan, môi sinh, môi trường theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; trùng tu tôn tạo, xây mới hệ thống các thiết chế văn hóa; bố trí vốn đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, cào bằng, đầu tư không hiệu quả.

Ba là, trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, công tác thông tin truyền thông của huyện Đà Bắc cần làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá vẻ đẹp của đất và người Đà Bắc với những giá trị về cảnh quan, những sắc màu văn hóa độc đáo của các dân tộc ở huyện Đà Bắc trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của du khách.

Bốn là, quy hoạch không gian làng DLCĐ, trong đó, chú trọng việc bố trí, sắp xếp vị trí các bãi đỗ xe, thùng chứa rác thải sao cho khoa học, phù hợp với bối cảnh văn hóa. Vấn đề xử lý rác thải cần có phương án chi tiết. Môi trường đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, rác thải được phân loại trong quá trình thu gom, xử lý là một trong những tiêu chí quan trọng để du khách đánh giá mức độ thu hút của điểm du lịch.

Năm là, người dân chưa có sự hỗ trợ, tư vấn cần thiết, kịp thời về mặt pháp lý, nguồn vốn, mô hình tổ chức… Mặc dù quỹ tín dụng, ngân hàng có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể vay vốn, đầu tư phát triển DLCĐ nhưng số vốn được vay còn ít, chưa đủ để đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng thương hiệu, phát triển mảng truyền thông, quảng bá… Tất cả những khó khăn này cần được sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn và sự chung tay xã hội hóa từ những tổ chức, cá nhân có nhiều kinh nghiệm.

Sáu là, tăng cường liên kết, phát triển các tuyến điểm du lịch. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các điểm du lịch ở địa phương với các địa bàn du lịch khác để hình thành hệ thống các tuyến du lịch, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút du khách. Đồng thời, liên kết với công ty lữ hành để đưa du khách từ các trung tâm có nhiều nguồn khách đến địa phương, phối hợp với các địa bàn lân cận xây dựng các chương trình du lịch.

Bảy là, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tổ chức lớp tập huấn cho các hộ dân tham gia DLCĐ những kiến thức và kỹ năng du lịch cần thiết như: kỹ năng phục vụ du lịch có trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng cung cấp các dịch vụ du lịch, kỹ năng ngoại ngữ. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý điều hành cho đại diện các hộ phát triển DLCĐ, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm và các nguồn nhân lực phục vụ DLCĐ.

Tám là, các cơ quan quản lý nhà nước tại huyện Đà Bắc tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư và mở rộng kinh doanh tại địa phương. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoàn thiện về pháp lý, điều kiện kinh doanh. Đẩy mạnh việc công bố các thông tin về quy hoạch. Hạn chế việc thanh kiểm tra, gây phiền hà cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh… trên địa bàn.

______________

1. UBND huyện huyện Đà Bắc, Hội Du lịch huyện Đà Bắc tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024, dabac.hoabinh.gov.vn, 25-1-2024.

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Xuân Đính, Giáo trình dân tộc học, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2023.

2. Phạm Mạnh Hùng, Văn hóa du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017.

3. Nguyễn Công Thảo, Hoạt động du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số Việt Nam: Một đích đến, nhiều con đường, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2023.

4. Lê Anh Tuấn, Nguyễn Thị Mai Sinh (đồng chủ biên), Giáo trình tổng quan du lịch, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2015.

5. UBND huyện Đà Bắc, Báo cáo tổng kết năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Hòa Bình, 2023.

6. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc) (tái bản, bổ sung), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.

TS NGUYỄN ĐÌNH PHÚC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024

;