Thực trạng phát triển các mô hình sản phẩm dịch vụ du lịch đêm tại Phú Quốc

Phú Quốc là một trong 12 địa phương được chọn thí điểm Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”. Được đánh giá có rất nhiều lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch đêm (SPDLĐ). Thực tế, trước khi có đề án, Phú Quốc đã là điểm đến có các hoạt động du lịch đêm rất sôi động và phong phú. Bài viết nêu thực trạng phát triển các mô hình SPDLĐ tại Phú Quốc, trong đó phân tích các điều kiện phát triển du lịch, khái quát về các SPDLĐ và đánh giá về mức độ hài lòng của du khách đối với các mô hình. Kết quả thu được góp phần đề ra một số giải pháp phát triển loại hình du lịch này, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến Phú Quốc.

Mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật đêm: Show diễn Grand World - Ảnh: Grand World Phú Quốc

1. Các khái niệm

 Kinh tế đêm

Kinh tế đêm không phải là một bộ phận tách rời của nền kinh tế, mà tập trung phát triển các hoạt động dịch vụ diễn ra từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, cụ thể như: dịch vụ văn hóa, vui chơi, thể thao, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm, du lịch, lễ hội, sự kiện gia đình. Thông thường, kinh tế đêm được chia thành “kinh tế buổi tối” (từ 18 giờ tối hôm trước đến 0 giờ sáng hôm sau) và “kinh tế đêm muộn” (từ 0 giờ sáng đến 6 giờ sáng).

Thuật ngữ kinh tế đêm (night-time economy) được đưa ra lần đầu tiên tại Anh vào những năm 1970, bao gồm các hoạt động phổ biến liên quan đến dịch vụ giải trí, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, lễ hội, sự kiện, trung tâm thương mại, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm. Nhìn chung, khái niệm “kinh tế ban đêm” hiện có khá nhiều định nghĩa, nhưng phổ biến nhất được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 18 giờ tối hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm: mua bán tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24h, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm. Kinh tế ban đêm tạo nguồn thu nhập lớn, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao cơ hội việc làm cho người dân, thu hút khách du lịch, quảng bá bản sắc văn hóa địa phương, tạo động lực phát triển văn hóa khu vực trong và ngoài nước với các ngành công nghiệp giải trí mang tính sáng tạo như: âm nhạc, điện ảnh, xuất bản và thiết kế thời trang có thể hoạt động xuyên suốt và hiệu quả hơn.

Theo các chuyên gia, kinh tế ban đêm chắc chắn không chỉ gói gọn trong chợ đêm, các vũ trường, quán bar, karaoke hay phố đi bộ mà bao gồm nhu cầu mua sắm, ăn uống của du khách đến thành phố vào buổi tối, người lao động hết giờ làm việc vào buổi tối và hàng loạt dịch vụ khác như dịch vụ vận tải, thương mại, thậm chí là giao dịch tài chính xuyên quốc gia do đặc thù múi giờ khác nhau khi kinh tế ban đêm phát triển vì những thành phố công nghiệp sẽ không chia ra ban đêm hay ban ngày, mà là hoạt động 24 giờ.

Sản phẩm dịch vụ du lịch

Với cách tiếp cận theo nghĩa rộng trên thì sản phẩm du lịch nên được hiểu như thế nào? Theo quan điểm hệ thống “sản phẩm dịch vụ du lịch là một chỉnh thể phức hợp của nhiều yếu tố bao gồm tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất hạ tầng du lịch và nguồn nhân lực. Sản phẩm dịch vụ du lịch bao gồm những sản phẩm hữu hình và những sản phẩm vô hình nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, nghỉ ngơi, giải trí, giao lưu, khám phá và học hỏi của du khách”. Hay nói cách khác, sản phẩm dịch vụ du lịch là các hàng hóa, dịch vụ và tiện nghi đáp ứng nhu cầu và mong muốn của khách du lịch.

Sản phẩm du lịch có nghĩa là các giá trị tạo ra cho khách hàng, đó chính là các lợi ích tạo ra để thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của khách hàng, chất lượng của dịch vụ và giá trị của đồng tiền. Điều này cũng đồng nhất với quan điểm của nhiều học giả cho rằng về cơ bản là trải nghiệm phức hợp của con người gồm giá trị gia tăng và chất lượng.

Các mô hình phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm

Sau khi Quyết định số 1129/QĐ-TTg về phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, ngày 14-7-2023 Bộ VHTTDL ban hành Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”. Theo Đề án, có 5 mô hình:

Mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật đêm

Dịch vụ đặc trưng: biểu diễn nghệ thuật thực cảnh, chương trình âm nhạc, nghệ thuật, trình diễn ánh sáng, thời trang, hội thi người đẹp, người mẫu, lễ hội pháo hoa, lễ hội hóa trang, biểu diễn nghệ thuật đường phố.

 Dịch vụ bổ trợ: mua sắm, ẩm thực, thể thao, làm đẹp, các dịch vụ giải trí.

Mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp về đêm

Dịch vụ đặc trưng: cung cấp dịch vụ thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp về đêm: thể thao bãi biển, tắm biển, thể thao trong nhà, ngoài trời, golf, spa, yoga, massage, xông hơi, tắm thuốc; tổ chức lễ hội, liên hoan, giải đấu, sự kiện thể thao trong nước theo khung thời gian cố định và các hoạt động giao lưu, trình diễn quốc tế theo định kỳ.

Dịch vụ bổ trợ: mua sắm, ẩm thực, các dịch vụ giải trí.

Mô hình mua sắm, giải trí đêm

Dịch vụ đặc trưng: tổ chức dịch vụ mua sắm tại chợ đêm, đường phố, hệ thống bán lẻ, trung tâm thương mại, tổ hợp mua sắm giải trí; tổ chức các sự kiện trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng hóa vùng miền, nghề truyền thống, các lễ hội mua sắm đêm theo khung thời gian cố định và các hoạt động giao lưu, triển lãm quốc tế theo định kỳ. Tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí tổng hợp về đêm, giải trí trong nhà, giải trí ngoài trời, casino và các hoạt động vui chơi có thưởng.

Dịch vụ bổ trợ: ẩm thực, thể thao, chăm sóc sức khỏe, spa, làm đẹp, dịch vụ khác.

Mô hình tham quan du lịch đêm

Dịch vụ đặc trưng: tổ chức hoạt động tham quan, giải trí về đêm (kéo dài đến 24 giờ) bằng phương tiện vận chuyển mới và phương tiện truyền thống, các loại hình phương tiện đặc trưng địa phương tham quan thành phố, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa, công trình nghệ thuật, bảo tàng, danh lam thắng cảnh, du thuyền.

Dịch vụ bổ trợ: ẩm thực, mua sắm, thể thao, làm đẹp, bar, karaoke, vũ trường, vui chơi có thưởng và các dịch vụ giải trí khác.

Mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm

Dịch vụ đặc trưng: cung cấp sản phẩm, dịch vụ ăn uống giới thiệu ẩm thực truyền thống Việt Nam và ẩm thực thế giới.

Dịch vụ bổ trợ: mua sắm, thể thao, làm đẹp, bar, karaoke, vũ trường, các dịch vụ giải trí.

2. Thực trạng phát triển các mô hình sản phẩm dịch vụ du lịch đêm tại Phú Quốc

Các sản phẩm du lịch đêm tại Phú Quốc sắp xếp theo mô hình

Mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật đêm: Show diễn Grand World

Hệ sinh thái các dự án Sun Group Phú Quốc như: Tổ hợp vui chơi Sun World Hòn Thơm Nature Park, đảo Thiên Đường Hòn Thơm, Sun Secret Valley Bãi Dài, Biệt thự Sun Tropical Village, Sun Grand City Hillside Residence, Khu đô thị kiểu mẫu New An Thới, Sun Premier Village Primavera, Shophouse Melodia bãi Kem.

Mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp về đêm: các dịch vụ spa, massage tại khu vực trung tâm thị trấn Dương Đông.

Mô hình mua sắm, giải trí đêm: khu chợ đêm Phú Quốc.

Mô hình tham quan du lịch đêm: câu cá, thẻ mực, trải nghiệm làm ngư dân.

Mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm: các khu vực tập trung thu hút cả du khách và dân địa phương tại phường Dương Đông và phường An Thới.

Tổ hợp giải trí đêm: theo phân loại của Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”, các khu vực có kết hợp từ 3 mô hình trở lên được xác định là tổ hợp giải trí đêm, tại Phú Quốc có 2 điểm đáp ứng điều kiện này là Hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng của Vin Group và Hệ sinh thái các dự án của Sun Group.

Như vậy, tại Phú Quốc hiện có các mô hình kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch giải trí về đêm gồm: mô hình chăm sóc sức khỏe, làm đẹp về đêm; mô hình mua sắm, giải trí ban đêm; mô hình tham quan du lịch về đêm; mô hình ẩm thực, dịch vụ ăn uống ban đêm; tổ hợp giải trí ban đêm.

Các điều kiện phát triển dịch vụ du lịch đêm tại Phú Quốc

Tài nguyên: Ngoài các tài nguyên sẵn có đang được khai thác hiệu quả phục vụ khách du lịch, Phú Quốc còn có rất nhiều tài nguyên khác phù hợp để khai thác SPDLĐ :

Nhà tù Phú Quốc - di tích quốc gia đặc biệt, tại đây có thể đầu tư, cải tạo, tái tạo các hình ảnh, hoạt động thực tế đã xảy ra để khai thác sản phẩm tham quan đêm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách.

Vườn quốc gia Phú Quốc với hệ sinh thái tự nhiên và thiên nhiên hoang dã, còn nhiều loài thú quý hiếm đang được quản lý tốt. Tại đây, có thể khai thác để tổ chức các hoạt động tham quan ban đêm.

Các trại nuôi và bảo tồn giống chó Phú Quốc, các cơ sở nuôi cấy khai thác ngọc trai, các vườn tiêu, sim, cơ sở sản xuất nước mắm… tại Phú Quốc với những sản phẩm độc đáo, thú vị giúp đa dạng hóa hoạt động giải trí, mua sắm. Từ đây, có thể kéo dài thời gian hoạt động của các cơ sở này sau khoảng 18 giờ hằng ngày, giúp cho du khách có thêm hoạt động và bản thân các cơ sở tăng nguồn doanh thu.

Phú Quốc có nhiều món ăn nổi tiếng và đã tự tạo thành thương hiệu như: gỏi cá trích Phú Quốc, bún quậy, bún kèn, nhum biển nướng, bánh bò thốt nốt… Ngoài ra, còn có sẵn nguồn hải sản tươi ngon phong phú là điều kiện để phát triển mô hình ẩm thực nói chung và ẩm thực ban đêm nói riêng.

Nằm trong vịnh Thái Lan, mệnh danh là “đảo ngọc’’ với cảnh quan thiên nhiên tuyệt sắc, các bãi biển dài, đầy nắng chính là các điều kiện tự nhiên để thu hút du khách đến Phú Quốc. Và chính từ yếu tố không quá xa đất liền cũng là các điều kiện tiện lợi cho khách kết nối từ các điểm đến khác như Hà Tiên, Rạch Giá và ngược lại.

Cơ sở hạ tầng: Phú Quốc có sẵn cơ sở hạ tầng và thuộc loại tốt nhất tại Việt Nam và khu vực, giao thông trên đảo thuận lợi vì mật độ dân số không quá lớn. Trên đảo có sân bay quốc tế có đường bay kết nối với gần như tất các các trung tâm kinh tế lớn trong nước. Có các tuyến tàu cao tốc và phà di chuyển nhanh về Hà Tiên và Rạch Giá.

Khí hậu: ôn hòa và ổn định phù hợp với nhiều lứa tuổi và quốc tịch. Đặc biệt, chỉ có 2 mùa khô và mùa mưa, điều này rất thuận lợi cho việc khai thác tài nguyên từ biển phục vụ phát triển sản phẩm du lịch. Các loại hình du lịch tắm, lặn biển, câu cá, mực, lặn biển được thực hiện quanh năm.

Trào lưu tiêu dùng các SPDLĐ: các loại hình hoạt động vui chơi giải trí về đêm ở Phú Quốc rất đa dạng, có sức thu hút, được đông đảo người dân và khách du lịch tham gia. Đặc biệt các điểm vui chơi này trong thời gian qua đã xây dựng được thương hiệu và tin yêu của du khách như Grand World - Thành phố không ngủ. Hay trải nghiệm câu mực cùng ngư dân…

Các yếu tố khác: Phú Quốc là 1 trong 12 địa phương tại Việt Nam được chọn thí điểm Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” của Bộ VHTTDL, ngoài sự quan tâm và hỗ trợ các chính sách từ chính quyền tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc còn nhận được sự khích lệ, theo dõi hỗ trợ từ trung ương.

Đánh giá mức độ hài lòng của du khách với các mô hình sản phẩm dịch vụ đêm tại Phú Quốc

Phần đánh giá mức độ hài lòng của khách du lịch đối với các mô hình SPDLĐ Phú Quốc dựa trên phân tích bảng hỏi dành cho khách du lịch đã trải nghiệm các sản phẩm (110 khách du lịch đã tham gia trả lời).

Theo Bảng 1, đối với cơ cấu theo giới tính thì khách nữ (57%), khách nam (43%). Cơ cấu theo độ tuổi thì khách ở độ tuổi từ 20-30 tuổi chiếm đông nhất (40%), tiếp đến là khách từ 31-40 tuổi (27%) còn lại là nhóm tuổi từ 41-50 và trên 50 (17% và 16%)... Điều này cho thấy đa số khách quan tâm và ưa thích trải nghiệm SPDLĐ là giới trẻ.

Bảng 1: Cơ cấu khách tính theo giới tính, quốc tịch và độ tuổi - Nguồn: Điều tra của tác giả, 2024

Kết quả điều tra cho thấy khách du lịch có xu hướng ưa thích tham gia các hoạt động du lịch vào ban đêm tại Phú Quốc, với 92% số khách lựa chọn. Thống kê kết quả khảo sát đánh giá mức độ hấp dẫn của khách du lịch về SPDLĐ (Bảng 2) cho thấy có sự khác biệt rất lớn về mức độ hài lòng đối với mô hình “Tổ hợp giải trí ban đêm” so với các mô hình khác. Có 73% du khách được hỏi ưa thích và đánh giá “rất hấp dẫn” với sản phẩm dịch vụ trong các tổ hợp giải trí ban đêm của các Tập toàn Vin Group, Sun Group; 22% đánh giá “Hấp dẫn”, chỉ có 2% đánh giá kém hấp dẫn và không có khách đánh giá mức “không hấp dẫn”.

Trong các mô hình khác, đa số khách đánh giá ở mức “hấp dẫn” hoặc “bình thường”. Cảm nhận mức độ “bình thường” cao hơn “rất hấp dẫn”như: ẩm thực, dịch vụ ăn uống ban đêm (28%/18%); Mua sắm, giải trí ban đêm (30%/13%); Chăm sóc sức khỏe, làm đẹp (28%/12%). Riêng mô hình tham quan du lịch về đêm nhận được sự đánh giá khá cao từ du khách với lần lượt mức độ “rất hấp dẫn” (24%) “hấp dẫn” (35%). Nhìn chung mức hộ đánh giá “không hấp hẫn” cũng không quá cao. Điều này cho thấy các mô hình sản phẩm đêm tại Phú Quốc đáp ứng được một phần nhu cầu của du khách nhưng chưa có điểm nhấn đủ mạnh để gây ấn tượng sâu sắc.

Bảng 2: Mức độ hấp dẫn của các mô hình sản phẩm du lịch đêm Phú Quốc (P = 110; ĐVT/1 khách) - Nguồn: Tác giả tổng hợp

Khảo sát bằng phỏng vấn trực tiếp đã chỉ ra một số vấn đề còn hạn chế đối với SPDLĐ Phú Quốc, như: các quán ăn vỉa hè thải rác gây mất vệ sinh; các hoạt động vui chơi giải trí về đêm còn ít; các sản phẩm dịch vụ chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm thị trấn Dương Đông. Trong khi đó khu vực quy hoạch cho ẩm thực quá gần khu chợ đêm dẫn tới việc ồn ào và ô nhiễm tiếng ồn. Đối với các tổ hợp giải trí đêm rất hấp dẫn nhưng chỉ tiện lợi nếu khách lưu trú trong các khách sạn hoặc resort cùng hệ sinh thái, nếu lưu trú tại Dương Đông thì phải di chuyển rất xa. Ngược lại, du khách lưu trú tại các điểm này lại cho rằng bất tiện khi phải di chuyển về thị trấn mới có thể tham quan, trải nghiệm các sản phẩm đêm khác đang có tại Phú Quốc.

Phỏng vấn trực tiếp khách ngoại quốc, đa số cho rằng Phú Quốc cần quy hoạch khu giải trí đêm theo phong cách phương Tây cho khách ngoại quốc và cả khách Việt Nam như khu phố Bùi Viện (TP.HCM) vì đối tượng khách nước ngoài đang ngày một nhiều và phong cách, gu thưởng thức có khác biệt.

Kết quả phân tích cho thấy Phú Quốc có tất cả các điều kiện để phát triển SPDLĐ phục vụ du khách và trên thực tế đã hình thành các sản phẩm dựa theo các mô hình và được vận hành hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, để việc phát triển được bài bản và hiệu quả hơn nữa, tác giả xin kiến nghị một số ý kiến để Phú Quốc phát triển SPDLĐ tốt hơn.

Thứ nhất, chính quyền và ngành Du lịch cần xây dựng chiến lược phát triển tổng thể của loại hình SPDLĐ áp dụng riêng cho Phú Quốc. Hiện nay, theo giới thiệu từ Bộ VHTTDL có 5 mô hình phát triển kinh tế đêm. Phú Quốc có thể triển khai và áp dụng tất cả các mô hình này vì điều kiện cho phép. Tuy nhiên, để các mô hình phát huy tốt tác dụng, thì cần có quy hoạch đúng và khoa học. Việc quy hoạch này không chỉ trong giới hạn sản phẩm đêm mà còn tính toán tới các sản phẩm đã phát triển tại Phú Quốc, các sản phẩm vui chơi, giải trí ban ngày khác. Bên cạnh đó, cần tính toán và dự báo được mức độ ảnh hưởng từ các sản phẩm đêm như tiếng ồn, tệ nạn xã hội, văn hóa và không gian sinh sống của cư dân trên đảo... làm được những việc này mới đảm bảo cho sự phát triển bền vững của SPDLĐ tại Phú Quốc.

Thứ hai, đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm đêm theo các mô hình mà Phú Quốc có ưu thế. Đối với mô hình tham quan du lịch về đêm: Ngoài tour thẻ mực cùng ngư dân đã có sẵn và nhận được sự ủng hộ của du khách, có thể đầu tư khai thác tour đêm tại điểm nhà tù Phú Quốc. Cách làm là tái hiện các hoạt động đêm tại điểm, khai thác các giá trị vốn có và làm nổi nét đặc trưng, phục vụ nhu cầu khám phá tìm hiểu lịch sử của du khách. Có thể học hỏi các điểm tham quan rất thành công tại Hà Nội, như: tại Hoàng thành Thăng Long với “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, ở Văn miếu Quốc Tử Giám với ‘Tinh hoa đạo học”… Bên cạnh đó, khai thác tour đêm coi thú tại Vườn quốc gia Phú Quốc hoặc trong khu Vinpear Safari; đẩy mạnh mua sắm, giải trí, làm đẹp về đêm. Cần xây dựng và quảng bá thương hiệu gắn liền với sản phẩm đêm để qua đó tăng thêm dịch vụ cho du khách và giúp thúc đẩy thương mại địa phương.

Thứ ba, hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật đêm hiện nay là mô hình kém phát triển nhất tại Phú Quốc, thực tế đây lại là mô hình có rất nhiều tiềm năng phát triển. Khu vực thị trấn Dương Đông tập trung rất đông khách lưu trú, tại đây chính quyền cần tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các sân khấu biểu diễn giống như các địa phương khác như: À Ố show tại TP.HCM và Hội An, Huyền thoại làng chài tại Phan Thiết... Ngoài ra, cần có quy hoạch và đầu tư khu vui chơi giải trí theo phong cách và phù hợp cho đối tượng khách quốc tế và khách Việt khi có nhu cầu.

Thứ tư, tăng cường công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm đêm gắn với điểm đến Phú Quốc an toàn tiện lợi; xúc tiến liên kết với các điểm đến lân cận để tăng cường thu hút thêm khách cho loại hình sản phẩm này như từ Rạch Giá, Hà Tiên và tỉnh Kampot (Campuchia), nơi có khoảng cách không quá xa và phương tiện rất thuận tiện để di chuyển tới Phú Quốc.

Thứ năm, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm đêm như ưu đãi về chính sách, tiền thuê đất và hỗ trợ các cơ sở hạ tầng khác như: điện, nước, giao thông. Đề xuất trong thời hạn ưu đãi thuế VAT, nghiên cứu miễn một số thuế áp dụng cho sản phẩm đêm để thu hút và khuyến khích du khách tiêu dùng.

Thứ sáu, các mô hình tại Phú Quốc hiện nay khá tốt và bắt đầu có hoạt động hiệu quả. Nhưng đa số các sản phẩm này xây dựng theo hướng kinh tế buổi tối. Chính quyền cùng doanh nghiệp cần nghiên cứu các giải pháp để phát triển thêm loại hình kinh tế đêm, để từ đó tăng thêm sự lựa chọn cho du khách và doanh thu cho doanh nghiệp.

Phú Quốc là điểm đến có nhiều tiềm năng phát triển SPDLĐ. Cơ sở hạ tầng rất phát triển, tài nguyên du lịch đêm đa dạng và ít khai thác, là 1 trong 12 địa phương tại Việt Nam được chọn thí điểm Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” của Bộ VHTTDL... Tất cả các yếu tố này vừa là điều kiện vừa là động lực, áp lực để Phú Quốc quan tâm, đầu tư và đẩy mạnh các SPDLĐ, đáp ứng nhu cầu của du khách.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đức Bảo, Trần Đức Hiệp, Kinh nghiệm phát triển kinh tế ban đêm tại một số quốc gia, Tạp chí Tài chính, 2021.

2. Bộ VHTTDL, Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL, ngày 14-7-2023, ban hành Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”, 2023.

3. Bùi Nhật Quỳnh, Thân Trọng Thụy, Đánh giá sự phát triển của sản phẩm du lịch đêm tại Thành phố Hà Nội, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TP.HCM, 2017, tr.103-111.

4. Trần Đình Thiên, Kinh tế đêm là giải pháp chớp thời cơ hậu COVID-19, Tạp chí Kinh tế Đô thị, 2020.

5. Trần Đức Thanh, Nhập môn khoa học du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.

6. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1129/QĐ-TTg, ngày 27-7-2020 phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”, 2020.

7. Matthew M. Chew, Nghiên cứu về cuộc sống về đêm tại Trung Quốc - Văn hóa về đêm, Tạp chí Xã hội học và Nhân chủng học Trung Quốc, 2009, tr.3-21.

8. Gong Chenli, Nghiên cứu thúc đẩy du lịch đêm và kinh tế đêm tại thành phố Quế Lâm, Trung Quốc, Web of Conferences, 2021, tr.2.

9. Bob Mackercher, Hilary du Cros, Du lịch Văn hóa - Sự Hợp tác giữa du lịch và quản lý di sản văn hóa, Nxb Haworth Hospitality Press, New York.

10. Guo Qin, LIN Meizhen, Meng Jin-hua, ZhaoJun-lei, Phát triển du lịch đêm đô thị dựa trên các dự án chiếu sáng cảnh quan đêm - Nghiên cứu trường hợp của Quảng Châu, Tạp chí Energy Procedia, 2011, tr.477-481.

NGUYỄN GIANG NAM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024

 

;