Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên bản sắc văn hóa địa phương tỉnh Tiền Giang

Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang - Ảnh: baoapbac.vn

Tiền Giang là một trong những địa phương có sức thu hút hàng đầu về nguồn du khách, đặc biệt là du khách quốc tế đến với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và Nam Bộ nói chung. Tuy nhiên, yêu cầu phát triển bền vững về du lịch với các quan điểm, định hướng quan trọng về du lịch của Đảng và Nhà nước hiện nay, đặc biệt với các mục tiêu lớn liên quan tới hệ thống sản phẩm du lịch tỉnh Tiền Giang trong thời kỳ mới, cần phải tiếp tục xây dựng và phát triển nâng cao hơn nữa về số lượng, đặc biệt là về chất lượng dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa đặc trưng địa phương là vấn đề có ý nghĩa lớn cả về khoa học lẫn thực tiễn. Bài viết bước đầu khái quát toàn cảnh vấn đề đặt ra cả về lý luận, thực tiễn lẫn giải pháp, trong đó, du lịch Tiền Giang được xem như một nghiên cứu trường hợp điển hình.

1. Xác định vị thế của du lịch Tiền Giang trong giai đoạn mới

Vị thế địa lý và kinh tế của du lịch Tiền Giang

Tiền Giang nằm trải dọc theo bờ Bắc ở cửa ngõ vùng cuối sông Tiền, cách TP.HCM 70km qua tỉnh Long An, giáp ranh với Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long và có 32km bờ biển. Là một vùng đất có nhiều sông ngòi, kênh rạch tạo nên những vườn cây trái xanh tươi bốn mùa, với nhiều đặc sản nổi tiếng, Tiền Giang vừa là một địa phương thuộc ĐBSCL (Tây Nam Bộ) (1), nhưng đồng thời cũng có điều kiện để được xác định là thuộc địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm chủ yếu các tỉnh Đông Nam Bộ vốn được xem là trung tâm công nghiệp, đô thị hàng đầu của cả nước với trung tâm lớn nhất là TP.HCM (2). Về giao thông, Tiền Giang nằm trên các tuyến giao thông quan trọng không chỉ của vùng Nam Bộ mà của cả Việt Nam, thậm chí có thể nối kết mở rộng ra các nước trong khu vực: Tiền Giang có vị trí bản lề giữa TP.HCM với ĐBSCL, tạo điều kiện thuận lợi để du lịch Tiền Giang phát triển, kết nối với TP.HCM và các tỉnh trong vùng. Tiền Giang cũng là một trong những điểm kết nối sông Mekong với biển Đông, có thể trở thành điểm đầu tuyến kết nối các tuyến du lịch sông Mekong với các tuyến du lịch theo đường hàng hải quốc tế trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Thành tựu của du lịch Tiền Giang

Từ đầu những năm 2000, với lợi thế về khoảng cách và điều kiện giao thông thuận lợi, những điểm du lịch như: Mỹ Tho, Cái Bè, Cù lao Thới Sơn… của Tiền Giang đã từng bước trở thành điểm đến nổi bật và có thương hiệu đối với khách du lịch quốc tế. Từ năm 2015, Tiền Giang đón 1.525.129 lượt khách, trong đó có trên 517.198 lượt khách quốc tế, không tính giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, liên tiếp nhiều năm, số lượng khách ngày càng tăng với tốc độ bình quân gần 10% hằng năm và là một trong những địa phương thường xuyên dẫn đầu so với các tỉnh, thành ở ĐBSCL… Đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 50 đơn vị kinh doanh lữ hành (14 đơn vị lữ hành quốc tế) với 245 hướng dẫn viên du lịch (91 hướng dẫn viên quốc tế); có 31 cơ sở lưu trú được xếp hạng từ 1-3 sao, gồm: 1 khách sạn 3 sao; 9 khách sạn 2 sao; 21 khách sạn 1 sao với tổng số buồng là 718 buồng. Hiện nay, đang thu hút được một số dự án cơ sở lưu trú cao cấp như Khách sạn River Moon, Khu nghỉ dưỡng nhà hàng khách sạn MeKong Paradise… Đáng chú ý, các doanh nghiệp và tập thể du lịch cộng đồng địa phương tập trung phát triển mạnh các phương tiện vận chuyển đường thủy với 400 tàu vận chuyển du lịch, 300 đò chèo… Tính đến nay, lực lượng đó đã đóng vai trò nòng cốt cho hoạt động 16 điểm du lịch chính, 180 nhà nghỉ du lịch và 8 homestay, 14 làng nghề truyền thống, 234 cơ sở lưu trú du lịch, 28 nhà hàng du lịch cùng với 81 hộ nhà vườn kinh doanh các dịch vụ du lịch các loại… (3).

Hạn chế và những vấn đề cấp thiết đối với xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của Tiền Giang

Thời gian qua, Tiền Giang thu hút đông đảo khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế nhưng hiệu quả kinh tế từ du lịch thấp, chưa có nhiều dịch vụ gia tăng để thu hút và giữ chân du khách. Hiện nay, du khách đến Tiền Giang chủ yếu vẫn là mục đích tham quan, trải nghiệm du lịch sông nước, khám phá văn hóa nông thôn miệt vườn... Tuy nhiên, du khách chỉ đi trong ngày là về, do trên địa bàn chưa có nhiều khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng nổi bật để giữ chân khách. Hoạt động du lịch mang tính nhỏ lẻ, trùng lặp, chưa phát huy được giá trị cốt lõi bản sắc dân tộc... Nhìn rộng và sâu hơn, du lịch Tiền Giang chưa khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch trên toàn địa bàn tỉnh để tạo ra những sản phẩm du lịch quy mô và đa dạng, có chất lượng cao, có sức cạnh tranh mạnh. Du lịch mới phát triển tập trung chủ yếu tại một số khu vực trung tâm lớn. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển du lịch...

2. Định hướng xây dựng và phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang

Về nguyên lý, hoạt động du lịch với sự tương tác giữa các chủ thể du lịch gồm doanh nghiệp/ cán bộ du lịch, khách du lịch, ngành/ cơ quan quản lý du lịch, cộng đồng tham gia du lịch… dựa trên các nguồn tài nguyên/ môi trường du lịch bao gồm tài nguyên/ môi trường thiên nhiên và tài nguyên/ môi trường nhân văn (gồm cả tài nguyên con người và tài nguyên/ môi trường văn hóa) để tạo nên và duy trì, phát triển các sản phẩm du lịch gồm các tuyến điểm và các dịch vụ du lịch dựa trên bản sắc văn hóa nổi trội của địa phương. Nói tới bản sắc văn hóa là nói tới nét riêng đặc thù của văn hóa một cộng đồng dân tộc (tộc người) hoặc một địa phương (quốc gia, vùng, miền, tỉnh, thành...) được hình thành bằng một quá trình lịch sử nhất định và được thể hiện ra thông qua con người - hoạt động văn hóa - sản phẩm văn hóa của chính cộng đồng đó, gồm: 1) Tính bản địa : Liên quan các khía cạnh “địa - văn hóa” tức những cơ tầng gốc rễ về tự nhiên, về lịch sử - văn hóa và xã hội tạo nên những nét đặc thù của vùng, miền, địa phương; 2) Tính truyền thống: Đó là dấu ấn đọng lại mang tính chất tinh hoa, động lực trong mọi khía cạnh hoạt động văn hóa của tập thể, cộng đồng liên quan những vốn cổ truyền, dân gian là các nguồn mạch sức mạnh, thành tựu trong dòng chảy văn hóa dân tộc qua mọi thử thách lịch sử; 3) Tính di sản: Liên quan mọi vốn văn hóa vật thể và phi vật thể mang tính chất tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại. Các nội dung như vậy có thể được sơ đồ hóa:

Dựa trên cơ sở các nhận thức nền tảng trên, kết hợp tình hình thực tế và dựa theo định hướng quy hoạch chung là phát triển sản phẩm du lịch theo 3 loại hình trụ cột: du lịch biển - du lịch sinh thái - du lịch văn hóa, chúng ta có thể bước đầu phác thảo một số đề xuất về các sản phẩm du lịch đặc trưng tiêu biểu dựa trên bản sắc văn hóa địa phương với các tiềm năng tài nguyên du lịch nổi trội của tỉnh Tiền Giang như sau:

 Hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên yếu tố bản địa của Tiền Giang

Tiền Giang là địa phương có tính đa dạng sinh thái nhất trong vùng ĐBSCL với cả 3 vùng sinh thái điển hình: Cảnh quan sinh thái nông nghiệp nước ngọt: dọc sông Tiền với đặc trưng về cảnh quan là các cồn nổi trên sông với các sản phẩm du lịch sinh thái sông nước miệt vườn gắn với thương hiệu vương quốc trái cây, tiêu biểu là cù lao Thới Sơn và các miệt vườn ở Cái Bè, Cai Lậy… với các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên nổi bật bao gồm hệ thống cồn/ cù lao nổi trên sông Tiền (Thới Sơn, Tân Long, Tân Phong, Ngũ Hiệp…)… với những đặc sản như ẩm thực, trái cây… tạo thành những vùng sinh thái nông nghiệp gắn với các sản vật có thương hiệu (vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim, Châu Thành; xoài cát Hòa Lộc - Cái Bè…); Cảnh quan sinh thái nông nghiệp đất phèn: thuộc vùng Đồng Tháp Mười, chủ yếu ở huyện Tân Phước, với đặc trưng là hệ thống rừng tràm, đồng cỏ ngập nước theo mùa và hệ thống kênh rạch chằng chịt, các ruộng khóm đặc trưng...; Cảnh quan sinh thái biển và ven biển: tập trung ở khu vực phía Đông của tỉnh như thị xã Gò Công và các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông với nét đặc trưng là bờ biển cát đen và vùng sinh thái ngập mặn ven bờ với rừng ngập mặn, các bãi bồi… Đặc biệt, dải bờ biển dài khoảng 30km với những điểm nổi bật như các bãi biển cát đen ở Tân Thành, Tân Điền (Gò Công Đông); các cồn nổi ven biển như: Cồn Ngang, Cồn Vượt (Tân Phú Đông); các bãi bồi bán ngập và hệ sinh thái rừng ngập mặn…

Ngoài ra, nhằm tìm cơ sở cho việc đầu tư nâng cao chất lượng “đặc trưng” cho các sản phẩm du lịch sinh thái của Tiền Giang, chúng ta có thể đề cập đến khái niệm văn hóa sinh thái như là một định hướng mang tính khoa học cần thiết: Văn hóa sinh thái là tất cả các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình tác động và biến đổi giới tự nhiên nhằm tạo ra một môi trường sống tốt đẹp hơn, trong lành và hài hòa với tự nhiên, hướng đến cái đúng, cái tốt, cái đẹp vì sự phát triển lâu bền của xã hội.

Theo đó, những nội dung liên quan đến giải pháp giữ gìn kết hợp phương thức làm cho những giá trị lịch sử - văn hóa liên quan tài nguyên thiên nhiên và nhân văn gồm cả các di sản văn hóa góp phần tạo nên môi trường văn hóa tổng thể của Tiền Giang có thể đem lại hiệu quả tích cực và bền vững cho đời sống văn hóa cũng như cho du lịch của địa phương theo hướng tạo ra những “sản phẩm du lịch văn hóa sinh thái” mang được nét đặc trưng “bản địa” riêng biệt, độc đáo cho hệ thống sản phẩm tiêu biểu cho từng khu vực: Khu vực trung tâm (thành phố Mỹ Tho - huyện Châu Thành - huyện Chợ Gạo) gồm: tuyến du lịch văn hóa sinh thái sông nước, miệt vườn và lịch sử truyền thống Tiền Giang; tuyến du lịch văn hóa sinh thái đô thị từ hiện đại đến truyền thống của Tiền Giang; tuyến du lịch văn hóa sinh thái sông Mekong Việt Nam - Campuchia…; Khu vực phía Tây (huyện Cái Bè - huyện Cai Lậy - thị xã Cai Lậy - huyện Tân Phước) gồm những ngôi nhà cổ ở xã Đông Hòa Hiệp (4) và xã Hòa Khánh, vườn cây ăn trái cù lao Tân Phong… có thể xác định đó là tuyến du lịch văn hóa sinh thái chợ - nhà vườn của Tiền Giang, tuyến du lịch văn hóa sinh thái Đồng Tháp Mười - Tiền Giang, trong đó Thiền viện Trúc Lâm ở Tân Phước (lớn hàng đầu ở Nam Bộ) có thể được xác định trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh Phật Giáo của Tiền Giang…; Khu vực phía Đông (thị xã Gò Công - huyện Gò Công Đông - huyện Tân Phú Đông - huyện Gò Công Tây) gồm tuyến du lịch sinh thái văn hóa truyền thống và lịch sử của Tiền Giang, tuyến du lịch sinh thái văn hóa dân gian của Tiền Giang…; Khu du lịch biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông) tập trung xây dựng tuyến du lịch sinh thái văn hóa biển của Tiền Giang gồm văn hóa lễ hội, văn hóa thể thao (thi đấu thể thao, đua thuyền…), công trình điểm nhấn về biển (công viên hải dương, tháp biểu tượng, quảng trường biển); Nối kết hệ thống cồn và cù lao (Thới Sơn, Tân Long, Ngũ Hiệp, Tân Phong…) theo đề án phát triển đã phê duyệt (5) xây dựng thành tuyến du lịch sinh thái văn hóa cồn/ cù lao đặc trưng (của Tiền Giang nói riêng, sông Mekong và vùng ĐBSCL nói chung)…

Hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên yếu tố truyền thống và di sản văn hóa của Tiền Giang

Truyền thống văn hóa lịch sử với nét đặc trưng sản phẩm du lịch Tiền Giang

Tiền Giang là một trong nhưng nơi đầu tiên ở vùng Tây Nam Bộ mà người Việt đã đặt chân đến trong công cuộc Nam tiến. Những địa danh như Mỹ Tho Đại Phố hình thành từ gần 400 năm trước, Làng Thành phố ở Gò Công với gần 200 năm lịch sử là một trong những nét văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc của địa phương. Từ TK XVII, Mỹ Tho cùng với Biên Hòa (Cù lao Phố) là những trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với Sài Gòn (nay là TP.HCM) cả đường bộ (quốc lộ 1A), đường thủy (kênh Chợ Gạo) và đường sắt. Cuối TK XIX, tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho là tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam và cả Đông Dương, được xây dựng từ năm 1881 và khai trương vào ngày 20-7-1885 (6). Đáng chú ý là bên cạnh người Việt, cộng đồng người Hoa Minh Hương cũng đã gắn bó với vùng đất này ngay từ đầu với nhiều dấu ấn lịch sử - văn hóa sâu đậm. Qua bao biến động của thời cuộc, những giá trị văn hóa, lịch sử và những truyền thống của cộng đồng… cùng với những tư liệu, sự kiện lịch sử như đã nói, có thể là những chất liệu cho những nội dung thiết kế, thuyết minh các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Các di sản văn hóa với sản phẩm du lịch đặc trưng của Tiền Giang

Đến năm 2020, ngoài nghệ thuật đờn ca tài tử đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, Tiền Giang có 182 di tích được xếp hạng, trong đó 1 di tích Quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 160 di tích cấp tỉnh (7). Một số di tích đã được trùng tu, tôn tạo để trở thành nơi tổ chức các sinh hoạt lễ hội kỷ niệm quy mô tại địa phương và có thể tạo điều kiện tốt cho hoạt động tham quan du lịch, ví dụ như chùa Vĩnh Tràng, lăng Hoàng Gia, lăng mộ Trương Định và di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (8)…

Các làng nghề, ẩm thực truyền thống và sản vật địa phương

Tiền Giang là vùng đất có sự phát triển khá mạnh về các làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề có thương hiệu, lịch sử lâu đời, đồng thời cũng là tỉnh có sự phong phú về ẩm thực và các sản vật nông nghiệp đặc sản của địa phương. Các tài nguyên này được phân bố khá rộng trên các huyện, thị và hầu như mỗi huyện, thị đều có những sản phẩm ẩm thực truyền thống và sản vật đặc sản mang nét đặc trưng có thể nghiên cứu tạo thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, như: bánh Giá Chợ Giồng, mắm Còng Tân Phú Đông, mắm tôm Chà Gò Công…

Các sản phẩm du lịch lễ hội, sự kiện

Đến nay, Tiền Giang vẫn còn bảo lưu được 17 lễ hội dân gian như lễ hội Nghinh ông, lễ hội Kỳ Yên, lễ hội Quan Thánh Đế Quân... Trong vài năm gần đây, Tiền Giang có hướng đi mới khi khai thác các sự kiện văn hóa thể thao kết hợp với du lịch để tạo thành một số sản phẩm du lịch lễ hội, thu hút đông đảo du khách. Vấn đề đặt ra ở đây là phải đề cao khía cạnh văn hóa của các lễ hội để góp phần khẳng định bản sắc văn hóa địa phương. Ngoài ra, chúng ta có thể tiếp tục nghiên cứu xây dựng kịch bản lễ hội Rạch Gầm - Xoài Mút theo hướng định kỳ 2, 3 năm để tạo ra “thời điểm mạnh” nhằm góp phần đánh thức vốn lịch sử - văn hóa địa phương gắn với các thành tựu kinh tế - xã hội đương đại của Tiền Giang, đặc biệt là đánh thức văn hóa sông Tiền vốn vừa là bộ mặt vừa là linh hồn của Mỹ Tho và Tiền Giang...

3. Giải pháp phát triển bền vững sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Tiền Giang

Định hướng chung về giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng đạt chuẩn chất lượng

Chất lượng sản phẩm du lịch trước hết và sau cùng là khả năng làm cho mọi du khách không chỉ là sự “trải nghiệm” mang tính chất “lướt”/ “trượt” qua một cách hời hợt, mà nhất thiết phải là sự “chiêm nghiệm” lắng đọng dù trong khoảnh khắc thời gian ngắn nhất tại một điểm đến cụ thể theo nguyên lý “không phải là xây dựng các bảo tàng mà là tạo ra một môi trường du lịch và tạo điều kiện cho du khách hội nhập thật sự vào môi trường ấy một cách trọn vẹn nhất. Điều đó hoàn toàn phù hợp với xu hướng quan trọng nhất của du lịch trong thời đại mới: khách không chỉ “nhìn, ngắm” mà còn là nghiên cứu sâu, “sống thật” với sản phẩm du lịch”. Điều này liên quan đến khoa học, nghệ thuật thiết kế, thuyết minh sản phẩm du lịch trên cơ sở những thành tố đặc trưng trực tiếp liên quan từng loại hình và giá trị văn hóa cụ thể.

Đổi mới cơ chế, chính sách về mở rộng điều kiện huy động vốn đầu tư ưu tiên cho xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

 Trên thực tế, việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đòi hỏi rất nhiều điều kiện không chỉ về chuyên môn mà còn cả về cơ chế, chính sách về thuế đối với các dự án đầu tư du lịch, thuê đất cho tất cả các dự án đầu tư (khu, điểm du lịch, sân golf, sản xuất và mua bán sản vật, đặc sản địa phương...), thuế cho các doanh nghiệp lữ hành khai thác, tổ chức được các sản phẩm du lịch mới, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động đối với trường hợp các dự án sử dụng lao động tại địa phương, miễn giảm thuế đối với ngành sản xuất hàng lưu niệm cho khách tại các làng nghề truyền thống, chế độ ưu đãi, khuyến khích của các ngành hàng xuất khẩu, chính sách về đầu tư, huy động vốn đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt cho việc thực hiện các dự án bảo tồn văn hóa và bản sắc địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi (có thể xây dựng các cơ chế ưu đãi đặc thù về thuế, về thủ tục hành chính) để thu hút vốn đầu tư­ trực tiếp nư­ớc ngoài (FDI) hoặc liên doanh với n­ước ngoài.

Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch và đầu tư nghiên cứu xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

Với yêu cầu thực tế giai đoạn mới, việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch nhất thiết phải gắn với đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong ngành Du lịch; phát triển du lịch thông minh; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; quản lý khách du lịch và hoạt động du lịch, tài nguyên du lịch, kiểm soát, giám sát và cảnh báo ô nhiễm trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và nền tảng công nghệ số. Liên kết giữa ngành Du lịch và khoa học, công nghệ trong hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Tăng cường liên kết với TP.HCM, Hà Nội để khai thác thị trường khách du lịch trong nước lẫn quốc tế; đồng thời liên kết các tỉnh, thành khác để đẩy mạnh khai thác thị trường du lịch nội địa. Tập trung khai thác các tuyến du lịch đã liên kết với các tỉnh, thành phố Nam Bộ như TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ, gần gũi là với các tỉnh thành ĐBSCL, đặc biệt là với tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm 3 tỉnh Tiền Giang - Long An - Đồng Tháp (9)…

Phát huy vai trò du lịch cộng đồng để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

Du lịch cộng đồng có thể góp phần bảo tồn, phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và bản sắc của địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng theo định hướng phát triển bền vững. Giải pháp chung nhất đó là vai trò cộng đồng cư dân tại chỗ với tư cách là chủ thể của mọi giá trị văn hóa của địa phương phải luôn đề cao tính chủ động vẫn là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Thực chất vấn đề đặt ra ở đây là việc phát huy vai trò của cư dân tại chỗ đối với việc phát triển bền vững du lịch sinh thái (cả tự nhiên lẫn nhân văn) tại địa phương thông qua du lịch cộng đồng nhằm “phấn đấu biến các giá trị lịch sử - văn hóa trở thành cái “thần”, cái “hồn” độc đáo cho thiên nhiên vốn có nhằm tạo ra những “đặc sản” có quy mô đầu tư ngày càng lớn, có sức thu hút ngày càng mạnh, có khả năng cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường du lịch trong nước và trên thế giới”. Đối với Tiền Giang đây là vấn đề lớn bởi hiện nay bên cạnh việc giữ gìn môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy tốt các tài nguyên thiên nhiên và nhân văn khá phong phú vốn có để tạo ra thật nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch có chất lượng, có khả năng thu hút và lôi cuốn đông đảo du khách (đặc biệt là du khách quốc tế) nhằm tăng thời gian lưu trú của họ tại địa phương đó là việc có ý nghĩa hết sức cấp thiết. Ngoài những nỗ lực của Nhà nước (thông qua ngành Du lịch) để xúc tiến đầu tư các công trình du lịch trọng điểm thì không thể khác, việc phát huy vai trò của cộng đồng cư dân tại chỗ trước sau vẫn là một trong những yếu tố mang tính chiến lược của địa phương.

Thay lời kết

Về nguyên lý “đa dạng hóa và nâng cao chất lượng” sản phẩm du lịch là nhiệm vụ chiến lược thường xuyên liên tục của ngành Du lịch, trong đó “đa dạng hóa” chủ yếu là phát triển về số lượng, tần suất loại hình sản phẩm còn “nâng cao chất lượng” chủ yếu là nâng cao tính “đặc sản”, ở đây chính là tính đặc trưng dựa trên bản sắc văn hóa địa phương. Cũng về nguyên lý cho thấy “đa dạng hóa và nâng cao chất lượng” như vậy phải gắn liền với quá trình liên tục “đổi mới”, bởi sản phẩm du lịch vốn là một loại hàng hóa dịch vụ đặc biệt, luôn tùy thuộc vào nhu cầu và thị hiếu của các loại đối tượng du khách khác nhau. Liên hệ thực tế du lịch Tiền Giang, tuy phát triển sớm và mạnh so với nhiều địa phương trong vùng với những lợi thế nhất định về thương hiệu, về quan hệ với các chuỗi phân phối, kinh nghiệm về quản lý, kinh doanh du lịch cùng với những điều kiện thuận lợi khác về vị trí địa lý… nhưng sức mạnh cạnh tranh bắt đầu từ chất lượng có thật của những sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương vẫn là một tồn tại lớn. Đối chiếu với lý luận kết hợp liên hệ thực tế tỉnh Tiền Giang, việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên bản sắc văn hóa địa phương thực chất là việc góp phần bảo tồn và phát huy tốt mọi nguồn tài nguyên du lịch gồm tài nguyên tự nhiên và nhân văn (gồm cả tài nguyên văn hóa) là một mục tiêu, giải pháp mang tính chiến lược lâu dài do đó nhất thiết phải gắn với yếu tố bản địa truyền thống - di sản với các giải pháp đầu tư phát triển về chuyên môn, khoa học công nghệ, cơ chế chính sách, liên kết thúc đẩy du lịch cộng đồng… Thực chất vấn đề đó là việc huy động mọi nguồn lực tổ chức, vật chất và tinh thần của toàn ngành trong mối quan hệ chặt chẽ với toàn xã hội nhằm phát huy mọi nguồn tài nguyên vốn có của địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch không chỉ mang nét đặc trưng bản sắc văn hóa địa phương mà còn tạo nên một cú hích mới thúc đẩy du lịch Tiền Giang tiến lên chặng phát triển mới ngày càng bền vững hơn nữa.

__________________________

1. Gồm các tỉnh, thành: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

2. Gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An,Tiền Giang

3. Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo năm của Sở VHTTDL Tiền Giang, 2022-2023.

4. Đã có hơn 150 năm tuổi được tổ chức JICA của Nhật tài trợ tôn tạo với kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng đang khai thác dịch vụ nghỉ đêm ở nhà dân (Homestay).

5. Gồm: Điền Lan thôn trang (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành), làng Tre (xã Thiện Chí, huyện Cái Bè), vườn lan Thảo Nguyên (xã Thới Sơn, Thành phố Mỹ Tho), Điểm du lịch Công Đoàn (xã Thới Sơn, Thành phố Mỹ Tho), Trại rắn Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành), điểm Du lịch Như ý (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy), điểm du lịch Hồ Gia Trang (xã Bình Tân, huyện Chợ Gạo), nhà cổ Ba Đức (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè), điểm du lịch sinh thái Long Hưng (xã Long Hưng, huyện Châu Thành), vườn táo Sáu Hồi (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông), Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Phường 1, Thành phố Mỹ Tho).

6. Do thua lỗ, tuyến đường sắt này đã dừng hoạt động năm 1958. Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ tuyến đường sắt Hồ Chí Minh - Cần Thơ dự kiến xây dựng mới dài 174 km.

7. Quyết định số 4581/QĐ-UBND, ngày 25-12-2019 sửa đổi một số điều của Quyết định số 2010/QĐ-UBND, ngày 25-7-2018 của UBND tỉnh Tiền Giang quy định phân công quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

8. Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (xã kim Sơn, Song Thuận, Bình Đức, huyện Châu Thành và Thới Sơn, Thành phố Mỹ Tho) theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg, ngày 31-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ.

9. Theo tinh thần cuộc hội thảo với chủ đề Liên kết phát triển du lịch Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Thành phố Hồ Chí Minh do UBND tỉnh Tiền Giang chủ động phối hợp với các địa phương liên quan tổ chức ngày 1-12-2017 tại huyện Cái Bè.

PGS, TS HUỲNH QUỐC THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024

;