Ba cơ hội của gốm sứ Việt

Trên thênh thang đại lộ 2.000 năm của gốm sứ Việt vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mã, có ba cơ hội, được ghi dấu như ba cột mốc, có ý nghĩa đột phá, đến từ những hoàn cảnh khác nhau của lịch sử. Với bản lĩnh dạn dày của một cộng đồng cư dân sớm được thừa hưởng những giá trị văn hóa và văn minh của hai dòng sông lớn ấy, người Việt đủ sức tạo dựng được một tượng đài gốm sứ nguy nga ở vùng đất này trong suốt dặm dài lịch sử.

Ba cơ hội nằm ở ba thời điểm khác nhau. Đầu tiên là mười thế kỷ đầu Công nguyên đầy gian nan và thử thách trước sức mạnh quân sự và âm mưu đồng hóa của kẻ thù phương Bắc. Tiếp đến là thời kỳ phục hưng dưới hai triều Lý - Trần vàng son của lịch sử dân tộc. Cơ hội thứ ba là sự ra đời vương triều Lê sơ, được đánh dấu bằng cột mốc Trung hưng đất nước sau gần 20 năm Minh thuộc. Giữa bối cảnh khác nhau của mỗi thời kỳ lịch sử kèm theo các yếu tố khách quan và chủ quan, khó khăn hay thuận lợi, nghề gốm Việt đã tìm ra những hướng đi riêng, để đến hôm nay, kết quả ấy được thế giới ngợi ca: Việt Nam như là một quốc gia gốm sứ. Việt Nam có một truyền thống gốm sứ riêng biệt và di sản của ngành nghề này trở thành niềm tự hào của đất nước, sánh vai với nhiều di sản khác được nhân loại ghi danh.

1. Cơ hội đầu tiên được lịch sử thử thách, khi ở những thế kỷ đầu Công nguyên, đế chế Đông Hán đưa đội quân viễn chinh hùng mạnh xuống mảnh đất này, cùng với đội quân ấy là sự ngạo nghễ của những thành tố văn minh, trong đó có công nghệ làm gốm sứ, vẫn được coi là áp đảo thời bấy giờ. Người Việt vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mã, vốn được thừa hưởng nền văn minh Đông Sơn rực rỡ, không quá bỡ ngỡ trước những thành tố văn minh du nhập và đủ sức tiếp nhận có chọn lọc, để làm nên một bản sắc riêng. Thời kỳ này, gốm sứ Việt trình ra một bộ sưu tập khá đa dạng về dáng hình, khá tiên tiến về công nghệ và khá bắt mắt với thị trường, đó là những bình con tiện, ấm ba chân, mô hình nhà, mô hình giếng, mô hình bếp… phần lớn được đổ khuôn, nung hoàn toàn trong lò ở nhiệt độ cao thay vì nung ngoài trời ở nhiệt độ thấp trong thời Đông Sơn trước đó. Nhìn vào bộ sưu tập, cảm nhận đầu tiên là sự lạ lẫm về dáng hình, nhưng chất đất tạo xương gốm vẫn là tại chỗ, kỹ thuật nặn bằng tay vẫn được kết hợp, cùng với đó là những nồi, vò, chõ đồ xôi… vốn là sản phẩm bản địa, vẫn được suy tôn, bên cạnh những loại hình “lạ lẫm” ấy, như những giá trị truyền thống được bảo lưu. Đặc biệt, hoa văn trên gốm, dường như đâu đó vẫn phảng phất hoa văn trên đồ đồng Đông Sơn, vốn là niềm tự hào, kiêu hãnh của người bản địa, với sự tỏa sáng rực rỡ của nó đối với nền văn minh khu vực đương thời. Sự xa lạ với gốm Đông Hán, qua bộ sưu tập trên đây, đã khiến các nhà nghiên cứu gốm sứ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) thốt lên rằng, họ chẳng thấy chút gì là du nhập, ngoại lai. Còn một số nhà nghiên cứu gốm sứ Mỹ coi đó như là sự ảnh hưởng mà người Việt đã nắm bắt được cơ hội để tạo nên sự riêng biệt trong bộ đồ gốm của họ. Như vậy, thuật ngữ “Việt - Hán” xưa kia của nhiều nhà nghiên cứu, dành cho bộ sưu tập gốm sứ đầu Công nguyên, hẳn không còn thích hợp nữa, mà qua một số trung tâm sản xuất ở miền Bắc, có thể minh chứng phần nào cho nhận định này.

Gốm Việt Nam TK I

Tam Thọ, thành phố Thanh Hóa là một điển hình. Ở đây, những nhà khảo cổ học tìm thấy một trung tâm sản xuất gốm có niên đại TK I-III sau Công nguyên. Trung tâm ấy có quy mô to lớn và đồ sộ với sự phân khu chức năng khá chuyên biệt: nơi tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, nơi lắng đất và lọc đất để tạo xương gốm, sân phơi gốm bán sản phẩm, nơi xây dựng những lò nung, kho sản phẩm trước khi xuất xưởng.v.v... Những dấu tích còn lại đó thể hiện một sự phân công lao động cùng giá trị hàng hóa cao, không còn tự túc, tự cấp như thời trước. Đặc biệt, ở đây, người nghiên cứu cũng có thể nhận ra một bộ sản phẩm hoàn toàn khác với chất liệu gốm chính quốc thời Đông Hán, bao gồm nhiều loại hình gần gũi với gốm bản địa như nồi, vò đáy tròn, chõ đồ xôi, bát, đĩa… Nhiều bộ sưu tập gốm tư nhân có nguồn gốc xuất xứ từ Tam Thọ đã cho thấy sự khác biệt, mang đầy tính sáng tạo của người thợ gốm vùng sông Mã, để giải quyết mối quan hệ giữa truyền thống và đổi mới, giữa tiếp nhận và kế thừa, giữa bảo lưu và hội nhập. Cách giải quyết thông minh ấy còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay, trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.

Ngoài Tam Thọ, những trung tâm gốm sứ khác ở đồng bằng sông Hồng, như Luy Lâu (Bắc Ninh), Yên Lạc (Vĩnh Phúc), Dương Xá (Hà Nội), đều cho thấy một bức tranh tương tự về khả năng thích ứng và sáng tạo của người thợ gốm Việt. Để có được khả năng ấy, người Việt phải dựa trên một cơ tầng văn hóa, văn minh đủ sức mạnh chống trả với ý đồ giải thể văn hóa bản địa của kẻ thù.

Sự bừng sáng của gốm sứ Việt đâu đó chỉ kéo dài vài ba thế kỷ đầu Công nguyên như một cơ hội, để rồi, lụi tàn dần vào những thế kỷ sau đó. Điểm sáng hiếm hoi ở TK V- VI là khu lò nung gốm sứ ở Đại Lai (Bắc Ninh): những dấu tích lò nung và phế thải đồ bán sứ gia dụng chất lượng cao nhưng không hề giống với chính quốc thời Lục Triều cho thấy nơi đây từng tồn tại một trung tâm sản xuất gốm khá quy mô và hoành tráng. Điều này chứng minh một “mạch ngầm” văn hóa bản địa vẫn âm thầm chảy trước thử thách âm mưu đồng hóa của kẻ thù, mà những cuộc chống trả về quân sự và văn hóa đã minh chứng cho mệnh đề “chính vì chống Hán - Đường mà ta mới là ta”.

Đến cuối TK X, trung tâm sản xuất gốm Đương Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, như một sự quay trở lại với nghề gốm truyền thống vốn có. Ở đây, những nhà khảo cổ học đã phát hiện một khu sản xuất gốm ở bờ Nam sông Cầu, với một hệ thống lò nung hiện đại, nhưng lại nung chủ yếu những sản phẩm gốm không men, mang đậm sắc màu bản địa, kể cả chất liệu, hoa văn trang trí và loại hình. Đó là sự quay trở lại để đáp ứng với nhu cầu tiêu dùng ngày càng nhiều hơn của thị trường nội địa kết hợp với đồ bản xứ có men cùng thời vẫn được sản xuất ở quy mô nhỏ hơn, nhằm thỏa mãn tầng lớp trên. Trung Hoa thời Đại Đường thịnh phát nghề gốm, lấn lướt thị trường xuất khẩu, do đó, gốm thương mại vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã không đủ sức cạnh tranh, buộc phải lụi tàn. TK X được ghi dấu như một bản lề, với sự nghiệp trung hưng đất nước lần thứ nhất của Ngô Vương Quyền, chấm dứt nghìn năm thuộc Bắc, mở ra một kỷ nguyên độc lập tự chủ cho Đại Việt, nhưng nghề gốm và sản phẩm gốm lâm vào tình trạng thụt lùi, cần cú hích để thay đổi.

2. Cú hích ấy, đồng thời cũng là cơ hội thứ hai của nghề gốm Việt, khi mà sự phục hưng của văn hóa nghệ thuật Việt thời Lý - Trần được chú trọng như một định hướng của những vị vua anh minh trị vì đất nước.

Có thể nói, thời Lý - Trần xuất hiện nhiều trung tâm sản xuất gốm, trong đó, nổi lên là trung tâm Thăng Long (Hà Nội ngày nay), Thiên Trường (Nam Định), Bắc Ninh, Hải Dương cùng nhiều địa phương khác. Những trung tâm sản xuất ấy đã trình ra một bộ sưu tập với đầy đủ dòng men: gốm men ngọc đủ sắc màu, gốm men trắng, gốm men nâu, gốm men lục, gốm hoa lam… Đặc biệt là dòng gốm hoa nâu, được đánh giá như một “đặc sản” của gốm Việt thời độc lập tự chủ. Thành tựu ấy được coi như một cuộc cách mạng về gốm sứ, sánh với Trung Hoa đương thời, nhưng hoàn toàn có sự khác biệt trong hình loại, màu sắc, hoa văn, mang đậm chất Phật giáo, vốn được coi là quốc giáo của hai triều đại. Dầu vậy, trên đó, người nghiên cứu vẫn có thể nhận ra những thành tố ảnh hưởng từ bên ngoài.

Gốm hoa nâu thời Lý

Điểm nổi bật trên gốm sứ thời Lý - Trần là sự quay trở lại với nghệ thuật truyền thống hơn nghìn năm trước đó, qua những đồ án hoa văn mang đậm phong cách Đông Sơn. Trên đồ gốm, người ta nhìn thấy hoa văn vòng tròn đồng tâm, vòng tròn tiếp tuyến, chữ S… vốn là đặc trưng của nghệ thuật trên trống đồng Đông Sơn, được tái hiện gần như nguyên bản, một mặt chứng minh sức sống Đông Sơn không thể lụi tàn, mặt khác, lại như là những thành tố biểu đạt ngôn ngữ của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, ẩn chứa bên trong tín ngưỡng bản địa, kết hợp với Đạo giáo, để rồi, tín ngưỡng ấy, tôn giáo ấy song hành và phần nào nổi trội cùng với Phật giáo và Nho giáo thời Lý - Trần độc lập. Tri thức bản địa, ở đâu và ở bất cứ hoàn cảnh nào luôn trường tồn, để rồi khi có cơ hội và điều kiện, đều quay trở lại như một truyền thống được bảo lưu.

Sức sống Đông Sơn trên gốm, đặc biệt là gốm hoa nâu, còn được nhận ra qua cách sắp xếp và bố cục tổ hợp hoa văn theo băng dải. Các họa tiết được chạy theo băng, quanh hoặc dọc theo thân khí vật, giống hệt lối diễn đạt trên trống và thạp đồng Đông Sơn. Bên cạnh đó còn có những môtip hình người, hình chim mỏ dài phảng phất người, chim trên trống, thạp đồng, trên cán dao găm và kiếm ngắn Đông Sơn. Một số loại hình thống và thạp gốm thời Trần dường như là bản sao thạp đồng Đông Sơn nhưng với thế mạnh của nghề gốm thời đại này, những bản sao ấy vẫn cho nhận ra thành tố Đông Sơn khá đậm đặc trên loại hình, bố cục và họa tiết hoa văn.

Thêm vào đó, đồ gốm hoa nâu thời Trần không chỉ là sự hồi cố về một nền nghệ thuật vàng son mà còn mang đậm sức sống, hơi thở của thời đại, thông qua những chủ đề phản ánh tinh thần thượng võ và ước vọng hòa bình. Những hình ảnh lực sĩ đấu vật, cầm kiếm, che khiên luyện tập trên võ đài như là một hình ảnh quen thuộc của chí khí Đông A, được người thợ thủ công làm gốm thường nhật quan sát, rồi ngẫu hứng thể hiện trên đồ gốm như phản ánh một thái độ sẵn sàng của quân dân Đại Việt chống trả kẻ thù xâm lược. Giãn cách sau mỗi cuộc chiến tranh vệ quốc là quãng thời gian hòa bình ngắn ngủi. Ước vọng về một cuộc sống thanh bình luôn thường trực trong tâm thức của mỗi người dân, theo đó, đề tài được người thợ gốm thể hiện bằng những cuộc săn bắn của hoàng gia, qua những trường đoạn vô cùng hoành tráng, hay những lễ hội làng, lễ vinh quy bái tổ của người đỗ đầu khoa bảng. Những chủ đề sinh hoạt với nhân vật và phong cảnh được chắt lọc, thể hiện một cách súc tích, khẳng định sự thành công của thợ thủ công Việt thời Trần bởi ở các triều đại trước đó, đồ gốm sứ chưa từng có các trang trí dạng này.

Gốm hoa nâu thời Trần

Ở thời Trần, gốm lò quan, được sản xuất để phục vụ cho vua và hoàng gia, cũng bắt đầu xuất hiện như một tiền đề cho loại hàng hóa chất lượng cao, phát triển sau này. Tại Thiên Trường (Nam Định), hành cung của vua Trần, kinh đô thứ hai, sau Thăng Long, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở dưới trôn của nhiều đồ gốm men ngọc có viết 4 chữ: “Thiên trường phủ chế”. Bảy tiêu bản, được một nhà nghiên cứu thư pháp người Nhật khẳng định, đều do một người viết - người đó được triều đình cử về để trông nom, coi sóc những lò gốm quan dụng. Không chỉ ở Thiên Trường, tại kinh đô Thăng Long và phụ cận, đều phát hiện được nhiều đồ gốm cao cấp Việt, chứng tỏ gốm lò quan xuất hiện nhiều ở triều đại này để phục vụ cho cung đình và hoàng gia. Chúng không kém cạnh gì đồ gốm nhập khẩu của thời Nguyên (Trung Hoa), song tồn với gốm Việt trên địa tầng thời Trần ở Hoàng thành Thăng Long.

Đến đây, có thể khẳng định rằng, gốm thời Lý - Trần đã đem đến một hơi thở mới, một sức sống mới, có ý nghĩa cách mạng đối với ngành nghề này, tạo nên những giá trị vừa mang tính thời đại vừa mang tính riêng biệt, bản sắc.

3. Cơ hội thứ ba, được đánh dấu mốc vào đầu TK XV, sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, nhà Lê trung hưng đất nước, nhờ vậy, mọi mặt về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội đã có sự đổi thay lớn. Thêm vào đó, chính quyền đầu triều Minh đã thực thi chính sách “bế quan tỏa cảng” (Thốn bản bất hạ hải), là điều kiện khách quan, tạo cho nhiều ngành nghề thủ công Đại Việt có sự đổi thay tích cực, trong đó có nghề gốm, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhằm chám lấp vào thị trường bỏ ngỏ của gốm sứ Trung Hoa.

Ở hàng loạt trung tâm sản xuất gốm, nổi bật là Thăng Long và phụ cận, cùng nhiều xóm làng thuộc Hải Dương ngày nay (Chu Đậu, Cậy, Ngói…), sản phẩm gốm đã có sự đổi mới, cách tân về kỹ thuật, loại hình, dòng men. Gốm thời kỳ này trình ra thị trường nhiều sản phẩm đặc sắc, cao cấp ở những dòng gốm hoa lam, men ngọc, men trắng, gốm vẽ nhiều màu…, phục vụ chủ yếu cho xuất khẩu, bên cạnh những đồ gốm không men cung cấp cho thị trường trong nước. Gốm men thời Lê sơ nổi bật nhất là hoa lam, đa dạng về loại hình, phong phú về đề tài trang trí, có thể được coi là xuất sắc nhất trong các dòng gốm men ở mọi thời đại mà bộ sưu tập gốm xuất khẩu trong tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) là ví dụ thuyết phục nhất.

Ngoài hoa lam, gốm vẽ nhiều màu trên men, đặc biệt gốm vẽ nhiều màu có dát vàng, lần đầu tiên xuất hiện trong phức hợp gốm Đại Việt, ở thời đại này, đã từ lâu được các nhà nghiên cứu gốm sứ nước ngoài đánh giá là một phát kiến của thợ thủ công Việt, có trước cả Trung Hoa, Nhật Bản.

Gốm men trắng văn in, trang trí rồng, phượng, hoa cúc, hoa sen, xương thấu quay, mỏng như giấy, được các trung tâm sản xuất gốm thời Lê sơ cho xuất xưởng bốn thứ hạng: men trắng văn in dùng cho vua, men trắng văn in dùng cho hoàng hậu, hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu, men trắng văn in cho hoàng tộc và men trắng văn in dùng cho các quan lại và quà tặng cho sứ thần, hoàng gia lân bang. Đề tài trang trí, chất lượng xương và men gốm cho phép nhận ra bốn thứ bậc ấy của gốm men trắng văn in, cùng với đó là chữ “quan” (lò quan) được in trong lòng đĩa, bát, đã phản ánh đẳng cấp quan dụng của loại gốm này. Chúng khá giống với bốn thứ bậc gốm văn in men trắng Hàn Quốc, vốn được nhiều tài liệu nghiên cứu đề cập.

Gốm quan dụng không chỉ có men trắng văn in mà gốm hoa lam, gốm men vẽ nhiều màu, gốm men vẽ nhiều màu dát vàng, gốm men ngọc… đều có những sản phẩm thuộc đối tượng này, chứng tỏ sự cao sang quyền quý của hoàng cung thời Lê sơ, nếu như được chiêm ngắm đầy đủ bộ sưu tập ấy qua những tiêu bản cụ thể.

Nhìn vào bộ đồ gốm dùng trong hoàng gia, so sánh với những sản phẩm gốm xuất khẩu đương thời, dường như, cả hai đều có sự giống nhau về chất lượng xương, men, kỹ thuật nung và hoa văn trang trí. Nếu có sự khác nhau thì chỉ là về loại hình và đề tài trang trí, khi đồ gốm xuất khẩu còn lệ thuộc vào đơn đặt hàng, khi đồ dùng hoàng cung có những điển chế ngặt nghèo mà gốm lò quan phải tuân thủ. Như vậy, rất có thể, những trung tâm sản xuất gốm thời Lê sơ vừa có khu vực sản xuất gốm xuất khẩu, vừa có khu vực sản xuất gốm cung đình, được phần nào nhận ra từ di tồn gốm sứ Hoàng thành Thăng Long và Chu Đậu (Hải Dương) do khảo cổ học cung cấp.

Điểm đáng ghi nhận của gốm thời Lê sơ là sản phẩm của tất cả các dòng men đã đạt trình độ cao toàn diện, làm thay đổi thẩm mỹ của người tiêu dùng nước ngoài, vốn xưa kia lấy đồ sứ Trung Hoa làm chuẩn mực. Gốm sứ Việt thời gian này đủ sức cạnh tranh với bất cứ quốc gia xuất khẩu gốm sứ nào, thậm chí giá trị thương mại của chúng trội vượt hơn. Giờ đây, trên thị trường cổ vật, những chuyên gia gốm sứ người nước ngoài làm việc tại Đông Nam Á đều có một nhận xét chung: tuy cùng chủng loại, cùng kích cỡ, cùng niên đại, đồng điệu về đề tài trang trí nhưng giá trị đồ gốm sứ Việt vẫn cao hơn Trung Hoa như một lẽ đương nhiên.

Gốm hoa nâu thời Trần

Sau TK XV, gốm sứ thời Lê sơ vẫn thịnh phát ở thị trường trong nước và xuất khẩu, cho đến khi nội chiến Lê - Mạc xảy ra, rồi Trịnh-Nguyễn phân tranh kéo dài, nghề thủ công thế mạnh ấy của Đại Việt bị suy thoái, đặc biệt, gốm xuất khẩu không có cơ hội cạnh tranh. Tuy nhiên đâu đó, ngành nghề này vẫn có một cách đi riêng, lấy sành không men, lấy gốm men nội địa làm cứu cánh. Các làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang), Hương Canh (Vĩnh Phúc) và Phù Lãng (Bắc Ninh) đã sản xuất nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong khi ấy, trung tâm gốm Bát Tràng (Hà Nội) với tư cách là “lò quan” thời Mạc, Lê Trung hưng và Nguyễn, vẫn cho xuất xưởng những tác phẩm để đời, phục vụ phủ chúa, cung vua, phục vụ cho quốc tự, quốc từ… và một số ít cho xuất khẩu. Giờ đây, những lư hương, chân đèn của tác giả Đặng Huyền Thông, Đỗ Phủ, Đỗ Xuân Vy có ghi niên hiệu thời Mạc, Lê Trung hưng và Nguyễn vẫn là những tuyệt phẩm đỉnh cao của gốm sứ Việt, như một gạch nối giữa truyền thống và hiện đại của ngành nghề thủ công truyền thống này của dân tộc.

Như vậy là, trên đại lộ 2.000 năm, gốm sứ Việt không chỉ gặp những cơ hội và thời cơ được đánh cược bằng bản lĩnh của cả một cộng đồng mà còn nhiều đường ngang, ngã rẽ, cần một lựa chọn hợp lý để thích hợp với từng thời điểm cụ thể mà không từ bỏ mục tiêu đã chọn. Tất cả, đều là những câu chuyện cần được làm sáng tỏ, giúp sức cho ngành nghề này ngày càng phát triển với một bản sắc riêng, lối đi riêng trong một thế giới hội nhập sâu rộng, mà bài viết này chỉ như sự gợi mở cho từng chuyên khảo cụ thể ở mỗi vấn đề, mỗi giai đoạn lịch sử.

Tác giả: Phạm Quốc Quân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021

;