Bảo tồn, phát huy sinh hoạt văn hóa quan họ làng hiện nay (tiếp theo số 440 và hết)

1. Đánh giá chung về sinh hoạt văn hóa quan họ làng hiện nay

Trong đời sống đương đại, sinh hoạt văn hóa (SHVH) quan họ làng (1) đã có nhiều thay đổi so với truyền thống, đó là quy luật khách quan của sự biến đổi xã hội. Trải qua hơn 30 năm đổi mới đất nước, việc chuyển đổi cơ chế, xây dựng nền kinh tế thị trường, cùng xu thế toàn cầu hóa, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… đã tạo ra những biến đổi sâu sắc trên tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Diện mạo của đất nước với những thay đổi to lớn về: không gian, thời gian sống; thiết chế xã hội, con người; các biểu hiện phong phú phức tạp của mục đích sống... có ảnh hưởng, chi phối trực tiếp đến nếp sống, lối sống của cộng đồng và cá nhân.

Nhà nghiên cứu Trần Minh Chính trong lần điền dã tại làng Viêm Xá - Ảnh: Nguyên Trường
 

Trong bối cảnh đó, đời sống văn hóa nghệ thuật nói chung và các SHVH quan họ làng nói riêng đã chịu sự tác động lớn và có những biến đổi sâu sắc để tiếp tục tồn tại, phù hợp với nhu cầu của con người. Chúng tôi chú ý đến một phát biểu của GS Deborah Wong (Hoa Kỳ) tại Hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy dân ca trong xã hội đương đại (qua trường hợp dân ca quan họ Bắc Ninh ở Việt Nam) (2): đặc điểm chủ yếu của di sản văn hóa phi vật thể là được cộng đồng và các nhóm tái tạo không ngừng; quan họ cần phải được hoạt động, tồn tại trong sự thay đổi có tính đương đại. Như vậy, những gì đã và đang diễn ra trong hiện thực của SHVH quan họ làng hiện nay là những diễn tiến không nằm ngoài quy luật của sự phát triển.

Cùng với sự thay đổi để thích nghi và phát triển ấy, quan họ đứng trước những lựa chọn không dễ dàng. Việc làm thế nào để vừa phù hợp với xã hội hiện tại, đáp ứng được nhu cầu của con người hôm nay, vừa giữ được căn cốt của dân ca quan họ luôn là vấn đề được xã hội quan tâm. Không phải ngẫu nhiên mà trong bản thân mỗi đổi thay của các SHVH quan họ làng đều chứa đựng cả những yếu tố tích cực và tiêu cực. Vấn đề là làm sao để “gạn đục, khơi trong” ngõ hầu tiến tới một xu hướng thay đổi và phát triển hợp lý, lành mạnh. Về vấn đề này, cách đây gần 70 năm, trong báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã phát biểu: “Chúng ta tìm tòi, học hỏi những tác phẩm văn học, nghệ thuật của cha ông ta để lại, nhưng chúng ta phê bình, nhận xét những tác phẩm đó và phát huy những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc”. Cụ thể hơn, đồng chí đề nghị: Chúng ta “đề xướng tiến bộ và đả phá những gì ngăn cản bước tiến của dân tộc, nhưng tiến bộ mà không li dị với dĩ vãng của dân tộc, không lai căng, mất gốc, không a dua...”. Quan họ trong khoảng thời gian của thời kỳ đổi mới, với sự nỗ lực của Nhà nước và nhân dân đã làm được nhiều điều theo định hướng của Đảng. Hiện thực của những SHVH quan họ làng hiện nay đã cho thấy về cơ bản, nó vẫn giữ gìn được nhiều truyền thống tốt đẹp: những lề lối, phong tục, tập quán, hệ thống bài bản ca hát quan trọng nhất... Trong chiến công gìn giữ vốn cổ ấy có vai trò rất quan trọng của những làng quan họ cổ. Tuy nhiên, song hành cùng những thành quả tốt đẹp là những nguy cơ có thể dẫn tới sự mai một, thậm chí là sự thoái hóa, biến mất của loại hình dân ca này trong tương lai nếu thiếu đi sự nhìn nhận khoa học và tỉnh táo, thiếu đi những giải pháp kịp thời và khả thi.

Nhìn vào hiện thực của đời sống quan họ hôm nay, có thể thấy, hầu hết những điều kiện vật chất, tinh thần để tạo nên môi trường tồn tại của các SHVH quan họ truyền thống đều có sự thay đổi. Cụ thể:

Thay đổi về không gian (không gian vật chất và tinh thần): Cảnh quan làng xã đang trong xu thế đô thị hóa và ngày càng chật chội hơn... xã hội quan họ làng với những thay đổi về phương thức sống và thang bậc giá trị đã có một cách nhìn nhận và tư duy về quan họ đổi khác. Điều đó không thể không tác động đến những gì thuộc về truyền thống của quan họ.

Thay đổi về thời gian: Cuộc sống trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho nhịp sống của con người thay đổi. Thời gian mà con người dành cho sinh hoạt quan họ bị rút ngắn, ảnh hướng tới cả hình thức và chất lượng nghệ thuật của những sinh hoạt diễn xướng. Câu chuyện về niềm đam mê thâu đêm suốt sáng với quan họ dường như đã vơi cạn ở nhiều người, nhiều làng.

Thay đổi về con người tham gia vào sinh hoạt quan họ: Chủ thể của sinh hoạt quan họ ngày nay không chỉ còn là nghệ nhân; khách thể cũng không đơn thuần là dân làng như truyền thống. Thực trạng còn cho thấy một nghịch lý: quy mô về con người và thành phần xã hội biết về quan họ tăng lên, nhưng hiểu về quan họ thì giảm đi, thậm chí có cả những nghệ nhân quan họ. Con người hôm nay dường như rất ngại (hoặc không có thời gian) để quan tâm nhiều đến những gì là căn cốt, thẳm sâu và sự tinh tế, kỹ càng của SHVH quan họ cổ truyền.

Thay đổi về mục đích tham gia sinh hoạt: Trước đây, con người đến với quan họ là đến với một cuộc chơi về văn hóa. Cuộc chơi tạo nên nhân cách và tâm hồn con người với ý nghĩa hết sức thanh tao, cao cả. Nhưng ngày nay, con người đến với quan họ còn thêm nhiều mục đích khác, đặc biệt là mục đích kinh tế. Điều đó sẽ dẫn đến hướng phát triển hoàn toàn khác của văn hóa quan họ.

Như vậy, dù việc bảo tồn, phát huy những giá trị SHVH quan họ làng được đánh giá rất tích cực nhưng nó vẫn đứng trước nguy cơ mai một, biến mất. Không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu Trần Thị An nhận định: “Ở đây tất cả đều đã thay đổi: không gian diễn xướng, người diễn xướng, thời gian diễn xướng, mục đích diễn xướng và những quy tắc luật lệ đi kèm...” (3). Từ sự phân tích đó tác giả cho rằng, lối chơi quan họ truyền thống không còn nữa (!?). Dẫn ra nhận định này không có nghĩa chúng tôi đồng tình, bởi nó chưa thật thỏa đáng… Tuy nhiên, nếu để không kiểm soát được những đổi thay nói trên, rất có thể loại hình dân ca này sẽ đứng trước nguy cơ khó tiên lượng.

Hơn nữa, trong quá trình bảo tồn và phát huy, một số sinh hoạt cũng như nội dung của loại hình dân ca này đã bị mai một, thậm chí mất đi. Chẳng hạn như: sinh hoạt diễn xướng quan họ trùm đầu, nhà chứa quan họ, sinh hoạt bọn quan họ, giọng hát tối cổ Hừ la... Đó có thể là một sự đào thải tự nhiên có tính quy luật trong quá trình phát triển của hiện tượng sự vật. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, nghiên cứu sâu hơn về vốn cổ quan họ thì các nhà quản lý và học giả văn hóa cho rằng cần và nên khôi phục lại một số sinh hoạt và nội dung văn hóa của quan họ cổ truyền. Tuy nhiên, việc lựa chọn những yếu tố cần khôi phục cũng là vấn đề được đặt ra, bởi nếu chọn “nhầm” thì sinh hoạt đó cũng sẽ chết yểu theo thời gian. Chỉ khi cộng đồng trong xã hội đương đại chấp nhận, thì các SHVH mới có thể tồn tại.

2. Những vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị SHVH làng quan họ hiện nay

Thứ nhất, khi tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đón nhận một thế giới muôn màu từ kinh tế, khoa học, công nghệ tiên tiến đến văn hóa nghệ thuật thông qua sự hội nhập, mở cửa. Người Việt Nam đã bắt đầu nghĩ đến việc “đi tắt, đón đầu” để tiến kịp thế giới. Lợi ích càng nhiều thì thách thức càng lớn, đặc biệt là thách thức về văn hóa. Con người của xã hội quan họ làng, nhất là lớp trẻ bắt đầu lúng túng với tình cảnh “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước”. Một mặt, họ muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; một mặt, họ muốn tiếp cận, du nhập những cái mới, nhưng sợ đánh mất mình. Quan họ cổ truyền với lối hát không nhạc đệm; trang phục mớ ba, mới bảy, áo the, khăn xếp; hay những bài Hừ la thâu đêm suốt sáng, những quy định nghiêm ngặt trong tục kết bạn giữa các làng… liệu có còn hấp dẫn con người trong xã hội đương đại? Hiện nay, quan họ đã mang màu sắc và hơi thở của phương Tây với biểu hiện đặc trưng nhất đó là nhạc (thậm chí là ca - múa - nhạc) và trang phục. Chỉ còn khoảng 5% các làn điệu dân ca được lưu hành rộng rãi, số còn lại đang thiếu diễn đàn phát huy, bởi tiết tấu quá chậm và lời ca cổ hủ... Như vậy, việc bảo tồn, cách tân các SHVH quan họ làng đã được đặt ra song hành và cấp bách.

Thứ hai, đó là sự thay đổi của môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa do xu thế đô thị hóa đem lại. Môi trường sống quen thuộc của SHVH quan họ làng đang bị xâm lấn bởi văn hóa đô thị, văn hóa công nghiệp, văn hóa phương Tây. Sự phát triển của các địa phương phụ cận và sự phình ra nhanh chóng của các khu công nghiệp, công nghệ cao là một xu thế tất yếu. Như vậy, ngay trong nội vùng đã có những xung đột về văn hóa. Sự tăng trưởng về kinh tế, sự thay đổi tất yếu về lối sống, nếp sống liệu có mang lại sự trường tồn cho các SHVH quan họ làng? Đây là bài toán khó, nhưng không thể không đưa ra lời giải nếu muốn quan họ tiếp tục tồn tại và phát triển.

Thứ ba, đó là xu hướng thương mại hóa các SHVH quan họ. Trên thực tế, không phải chỉ có ca hát quan họ mới trở thành hàng hóa mà cả các SHVH quan họ khác cũng vậy. Chúng ta có thể nghe quan họ ở những sân khấu ca nhạc như: đám cưới, nhà hát, quầy bar, nhà hàng... Vậy, thương mại hóa các SHVH có gì sai khi nó đang nuôi sống quan họ và là phương thức phổ biến để truyền bá quan họ?

Thứ tư, đó là làm gì và làm thế nào để dân gian vùng quan họ, làng quan họ bảo tồn, phát huy được các SHVH quan họ làng trong tương lai? Tính mục đích của nghiên cứu khoa học và khả năng ứng dụng của nó vào đời sống thực tế để khôi phục - giữ gìn, phát huy quan họ ở ngay trên quê hương của loại hình dân ca quan họ này có trở nên hữu dụng và thiết thực hay không? Đó cũng là một thực trạng cần có lời giải đáp, nhưng rõ ràng là vô cùng khó khăn.

3. Một số giải pháp bảo tồn, phát huy SHVH quan họ làng

Về nghệ nhân quan họ, chúng ta cần phải làm tất cả những gì có thể để tôn vinh các nghệ nhân quan họ, bởi:

Không phải chỉ chúng ta mà UNESCO và cả nhân loại tiến bộ đã khẳng định các nghệ nhân dân gian là “báu vật nhân văn sống” cần phải được tôn trọng, gìn giữ, phát huy. Họ là bảo tàng sống về vốn di sản văn hóa ở mỗi vùng quê, mỗi dân tộc. Nhưng họ là những con người chứ không phải là các di tích, nên họ có thể ra đi rất nhanh và mang theo tất cả...

Việt Nam đã có Luật Di sản văn hóa, Luật Thi đua, khen thưởng, trong đó quy định rõ: Nhà nước khuyến khích và có chính sách tôn vinh các nghệ nhân dân gian, cụ thể hơn còn có các danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Tiếc rằng, nhiều cơ quan quản lý văn hóa đã quá chậm trễ để rất nhiều nghệ nhân danh tiếng phải ra đi trong sự băn khoăn, nuối tiếc của xã hội.

Cần phải có kế hoạch làm thường xuyên, lâu dài việc thu thập một cách cẩn trọng, tỉ mỉ nguồn tư liệu vô giá từ các nghệ nhân, qua đó phục dựng diện mạo đời sống SHVH quan họ Kinh Bắc một thế kỷ qua. Nguồn tư liệu và diện mạo ấy sẽ là căn cứ quan trọng để cho con cháu chúng ta bảo tồn và phát huy di sản quan họ. Giới nghiên cứu có một bài học lịch sử lớn, đó là suốt TK XIX thế hệ trước đã không để lại cho đời sau một tư liệu thành văn nào về sinh hoạt văn hóa quan họ đương thời (!?). Khiếm khuyết đó đã làm cho việc nghiên cứu lịch sử quan họ bị đứt đoạn.

Trong xu thế hội nhập và mở cửa hiện nay, khi mà truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc có thể bị mai một thì sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ các nghệ nhân đã trở thành một giải pháp quan trọng, có ý nghĩa hết sức thời sự và quan thiết. Bởi chủ thể chính yếu, căn cốt của SHVH quan họ làng chính là những nghệ nhân. Họ là tác giả chính cùng với người dân sở tại đã làm nên văn hóa quan họ thông qua những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đầy tính sáng tạo và độc đáo.

Về bảo tồn và phát huy, về mặt tư duy, để xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy văn hóa quan họ lâu dài, cần phải tiếp tục kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn văn hóa quan họ truyền thống với việc kế thừa, phát triển văn hóa quan họ sao cho phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi của xã hội đương đại. Quan họ của TK XIX phải được sáng tạo nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của con người TK XIX; và tương tự, quan họ TK XX cũng vậy. Nghĩa là quan họ TK XX không thể nguyên vẹn như thế kỷ trước. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta cần nhất trí trong nhận thức và tư duy về việc chấp nhận sự biến đổi của quan họ với tư cách là một sự thật khách quan, miễn là tên gọi “quan họ” cho loại hình dân ca ấy không thay đổi (tất nhiên hình thức tên gọi ấy phải có lý khi chuyển tải nội dung). Trong thực tế, chúng ta không thể phủ nhận bài hát Ngồi tựa mạn thuyền do một chị hai hay anh hai nào đó biểu diễn không phải là quan họ khi có thêm một dàn nhạc đệm và được biểu diễn ở nhà hàng? Nhưng mặt khác, chúng ta cũng phải khẳng định rằng, cho dù sự thay đổi có diễn ra như thế nào thì những giá trị của quan họ cổ truyền cũng cần được lưu giữ tối đa, để thừa nhận nó như một phần của lịch sử và sử dụng nó như nguồn nguyên liệu quan trọng nhất, cốt yếu nhất để tạo dựng nên văn hóa quan họ ngày nay.

Về làng thủy tổ quan họ Viêm Xá, chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh nên chọn làng cổ này, với tư cách là một làng quan họ tiêu biểu để lập dự án bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quan họ với phương châm bảo tồn, phát huy tối đa di sản văn hóa quan họ cổ truyền và di sản văn hóa làng nói chung liên quan đến quan họ. Theo chúng tôi, trong trường hợp có thể khôi phục hoạt động nhà chứa và bọn quan họ thì cần đặc biệt ưu tiên theo hướng khôi phục lối xưa, cách xưa để tạo nên cốt cách và bản sắc… Nhà chứa không thể là nhà văn hóa, công sở bị hành chính hóa, mà phải chú ý đến đặc điểm tự quản của người dân (liên quan đến sinh hoạt trong một gia đình cụ thể) và luôn song hành cùng mô hình tổ chức bọn quan họ.

Tỉnh Bắc Ninh đã có một Nhà hát Quan họ dành cho hoạt động nghệ thuật quan họ chuyên nghiệp. Nhà hát này cần phải đầu tư cả vật chất và trí tuệ để làm tốt ba chức năng, nhiệm vụ cơ bản: biểu diễn nghệ thuật quan họ, đào tạo nghệ sĩ, nghiên cứu về quan họ (cả quan họ dân gian truyền thống và quan họ chuyên nghiệp).

Về quy hoạch và nghiên cứu, tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ VHTTDL và các cơ quan Trung ương hữu quan, tỉnh Bắc Ninh cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Giang xây dựng một đề án quy hoạch tổng thể và chi tiết về bảo tồn, phát huy không gian văn hóa quan họ (nằm ở hữu ngạn và tả ngạn sông Cầu). Trong đó, mỗi một làng quan họ phải được tổ chức khảo sát, nghiên cứu toàn diện (liên ngành từ kinh tế, địa lý, dân tộc học, xã hội học, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử...) như một tiểu dự án. Mọi kết quả nghiên cứu phải được văn bản hóa và xuất bản. Đây là việc cần làm ngay, nếu không, nhiều làng sẽ bị biến mất hoặc biến dạng trong tương lai gần khi mà xu thế đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ.

Về đội ngũ nghiên cứu, xây dựng và tập hợp một đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên sâu nhưng có khả năng nghiên cứu đa ngành về văn hóa Kinh Bắc cũng như văn hóa quan họ. Nếu giả sử Bắc Ninh và Bắc Giang có một suy nghĩ nào đó ỷ lại vào giới nghiên cứu ở Trung ương thì đó là sai lầm, bởi mọi nghiên cứu văn hóa dân gian chỉ thật sự thành công khi “bám rễ trên địa bàn”. Những thành công quan trọng của các nhà nghiên cứu địa phương về quan họ như Lê Hồng Dương, Hồng Thao, Trần Linh Quý, Lê Danh Khiêm là những minh họa xác đáng cho suy nghĩ này.

Về không gian văn hóa quan họ, chúng ta có thể mở rộng ra hai loại là: không gian văn hóa quan họ của bản thân vùng quan họ và không gian rộng lớn hơn là quốc gia và thế giới. Nhưng các không gian này có chức năng, nhiệm vụ khác nhau đối với việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quan họ. Trong đó, không gian vùng quan họ là không gian chính yếu vận hành việc bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa quan họ. Không gian còn lại là không gian hưởng thụ, góp phần quan trọng vào tôn vinh, quảng bá quan họ. Suy nghĩ này giúp chúng ta định hướng được tư duy trong hoạch định chiến lược, phương hướng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quan họ trong bối cảnh quan họ đã trở thành di sản văn hóa thế giới.

Về mối quan hệ với tổ chức UNESCO, khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cần có kế hoạch cả trước mắt và lâu dài đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình SHVH độc đáo này, đồng thời kết nối sự quan tâm và trách nhiệm của tổ chức UNESCO thuộc Liên hợp quốc trong đầu tư cả về mặt khoa học và tài chính cho việc bảo tồn, phát huy quan họ. Thông qua UNESCO để giao lưu và quảng bá hình ảnh, vai trò của quan họ trong đời sống văn hóa quốc tế và khu vực. Thiết nghĩ, làm được như vậy, tầm ảnh hưởng và lan tỏa của văn hóa quan họ nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung với thế giới bên ngoài trong công cuộc hội nhập để phát triển sẽ là vô cùng to lớn và mạnh mẽ.

__________________

1. Theo tác giả bài viết thì nội hàm của SHVH quan họ làng gồm 6 mặt: không gian văn hóa quan họ; xã hội quan họ làng; kết bạn quan họ; diễn xướng quan họ; văn hóa giao tiếp, ứng xử quan họ; tạo nguồn nghệ nhân quan họ.

2, 3. Không gian văn hóa quan họ Bắc Ninh - Bảo tồn và phát huy, Viện Văn hóa Thông tin - Sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh, Hà Nội, 2006.

Tác giả: Trần Minh Chính

Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020

;