Các biểu tượng thiêng gắn với chiếc ghe ngo trong văn hóa Khmer Nam Bộ

Trong văn hóa của người Khmer Nam Bộ, ghe ngo là một sản phẩm văn hóa mang tính cộng đồng cao, thường gắn với ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của một hay nhiều phum sóc. Chiếc ghe ngo chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần, được xem là biểu tượng linh thiêng bảo vệ sự bình yên, là hiện thân của sự gắn kết cộng đồng và sức mạnh phum sóc. Người Khmer đã vận dụng nhiều tri thức phong phú để tạo nên ghe ngo, trong đó, yếu tố tôn giáo - tín ngưỡng chính là phần cốt lõi khiến ghe ngo trở thành một biểu trưng văn hóa đặc sắc của cộng đồng. Bài viết này sẽ giới thiệu các đặc trưng văn hóa Khmer gắn với chiếc ghe ngo được biểu hiện thông qua một hệ thống biểu tượng phong phú.

1. Vài nét sơ lược về ghe ngo và lễ hội Ook Om Bok

Trong một năm, người Khmer có nhiều lễ hội truyền thống, nhưng đua ghe ngo là lễ hội được mong đợi và tập trung đông người tham gia nhất. Được tổ chức vào trung tuần tháng 10 âm lịch, lễ hội Ooc Om Bok (tiếng Khmer nghĩa là “đút cốm dẹp”) còn gọi là lễ Thvay Preah Khe, là một trong các lễ thức quan trọng bậc nhất của cộng đồng người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài việc cúng trăng, ăn cốm dẹp, lễ hội này còn gắn với tục đua ghe ngo, thả đèn gió và thả đèn nước... Có thể nói, lễ hội Ooc Om Bok là một tập hợp đa thành tố đan xen lẫn nhau, trong đó đua nghe ngo là lễ hội sôi nổi, náo nhiệt, được nhiều người mong đợi nhất ở Sóc Trăng cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (1). Mặc dù, lễ hội đua ghe ngo ngày nay được các ban tổ chức nhấn mạnh vào ý nghĩa tôn vinh tinh thần đoàn kết, vui, khỏe của cộng đồng, nhưng còn mang dấu ấn của quá trình dịch chuyển và giao thoa văn hóa mà người Khmer với sản phẩm văn hóa độc đáo của họ là chiếc ghe ngo đã trải qua. Trong đó nổi bật là dấu ấn của Phật giáo, Hindu giáo, văn hóa Angkor và tín ngưỡng nông nghiệp.

Cốm dẹp là lễ vật chính của nghi lễ cúng trăng trong lễ hội Ook Om Bok. Đây là một lễ thức nông nghiệp, gắn với việc canh tác lúa. Cũng trong lễ hội Ook Om Bok, người Khmer thực hiện hoạt động thả đèn nước (thuyền đăng) và đèn gió (lửa lên trời). Đây là thời điểm kết thúc mùa mưa, hay là điểm giao giữa mùa mưa và mùa nắng. Các cuộc thả trôi các loại thuyền đăng, đèn nước trên sông rạch, ao hồ vào ban đêm có ý nghĩa tôn vinh ánh sáng và nước, mang biểu trưng tiễn mùa mưa, nước và bóng tối; đón thời kỳ tạnh ráo và ánh sáng.

Do đặc điểm địa hình cư trú ở vùng sông nước, cộng đồng cư dân Khmer xưa kia đã chế tạo ra chiếc ghe độc mộc dùng làm phương tiện đi lại chính. Trong những cuộc mưu sinh, để chống chọi với thiên nhiên và đàn thú dữ, người dân thường tổ chức đi thành từng đoàn vài chục người, do đó, chiếc ghe độc mộc lúc ban đầu được đóng dài ra để có thể chở được nhiều người, như hình dáng chiếc ghe ngo ngày nay (2). Có thể thấy, tục đua thuyền có ở nhiều nền văn hóa trên thế giới và là hình thức tranh tài có từ rất sớm, thường gắn với các nghi lễ nông nghiệp và lễ hội tôn vinh nước. Với cộng đồng Khmer, tục đua ghe ngo được cho rằng có nguồn gốc từ lễ thức đưa nước từ sông ra biển, mang ý nghĩa kết thúc giai đoạn nước lớn để chuyển sang giai đoạn nắng ráo, đánh dấu sự kết thúc một giai đoạn của chu kỳ sản xuất nông nghiệp (3).

Để chuẩn bị cho lễ hội đua ghe ngo, mỗi cộng đồng Khmer mà đại diện là ngôi chùa Phật giáo đều phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Hằng năm, các chùa tham gia đua ghe đều tiến hành sửa sang, sơn lại ghe ngo. Với những chiếc ghe đã cũ, xuống cấp, không đảm bảo độ chắc, khỏe để tham gia đua, nhà chùa sẽ cùng họp bàn với cộng đồng để thống nhất việc đóng ghe mới. Trong quá trình đóng ghe và chuẩn bị đưa ghe đi thi đấu, cộng đồng Khmer thực hiện nhiều nghi lễ. Thông qua các nghi lễ và hình tượng các vị thần, nổi bật lên là niềm tin/ đức tin sâu sắc của cộng đồng Khmer đối với sự linh thiêng của đắc Phật và các vị thần, được họ gửi gắm vào chiếc ghe ngo trong suốt quá trình hình thành, tồn tại trong cộng đồng, điển hình là trong lễ hội đua ghe ngo.

2. Các biểu tượng thiêng gắn với chiếc ghe ngo

Naga

Trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ, Naga là nhân vật siêu nhiên có sức mạnh phi thường được đặc biệt tôn kính. Naga không những là vị thần mưa mà còn là vị thần dẫn dắt tín đồ ngoan đạo lên cõi niết bàn. Trong văn hóa Khmer, Naga vốn được coi là biểu tượng của nguồn nước với những quyền năng mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Truyền thuyết đề cập đến nguồn gốc người Khmer được sinh ra từ cuộc hôn phối giữa một hoàng tử Ấn Độ và công chúa Naga. Cuộc hôn nhân này có thể mang tính biểu tượng về sự hợp nhất của văn hóa Ấn Độ với văn hóa bản địa, thể hiện rõ nét ở hình tượng Naga trong các ngôi chùa Khmer.

Hình tượng thần rắn có ở đầu nghe ngo - Ảnh: Phạm Chung
 

Đối với người Khmer, Naga có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh. Hình ảnh rắn thần Naga rất phổ biến trong các ngôi chùa. Naga luôn đi kèm với ứng thân của thần Shiva trong văn hóa Ấn Độ, vị thần nắm giữ sức mạnh hủy diệt và khởi đầu của một chu trình tái sinh. Trong truyền thuyết, Naga còn được coi là tổ tiên của người Khmer, sinh ra từ cuộc hôn phối giữa một hoàng tử Ấn Độ và công chúa con vua Naga. Do ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, người Khmer tin rằng Naga là vị thần bảo trợ các nguồn nước, biểu trưng cho sự thịnh vượng của mùa màng. Chiếc ghe ngo được tạo hình mô phỏng hình dáng thon dài của rắn thần Naga. Khi bơi trên mặt nước, chiếc ghe trông giống hệt như một con rắn khổng lồ đang chuyển mình lướt vun vút.

Mắt ghe

Hai bên mũi ghe có cặp mắt nổi, đuôi mắt cong vút được trang trí hoa văn như mắt rồng, phượng, được coi là cặp mắt của rắn thần Naga. Tục vẽ mắt cho ghe ngo là chi tiết thể hiện yếu tố tâm linh, được giải thích bằng nhiều quan niệm khác nhau. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tục vẽ mắt cho ghe ngo tương tự như tục vẽ mắt thuyền đã có từ lâu đời ở Nam Bộ, xuất phát từ quan niệm xem ghe như một loài sinh vật cần phải có mắt để thấy đường đi và tránh nguy hiểm (4). Theo Lĩnh Nam chích quái, việc vẽ mắt thuyền là nhằm xua đuổi các loài thủy quái, ma quỷ quấy nhiễu trên đường đi. Ở Việt Nam, các cặp mắt thuyền có nhiều hình dạng tùy đặc trưng của mỗi vùng. Thông thường, mắt thuyền được dùng sơn vẽ lên hai bên be, sát mũi thuyền. Riêng đối với ghe ngo ở Đồng bằng sông Cửu Long, cặp mắt ghe được chạm nổi bằng gỗ gắn hai bên đầu ghe khiến cho chiếc ghe trở nên vô cùng sống động và linh hoạt. Tạo hình này tương tự như cặp mắt trên những chiếc ghe trong lễ hội nước ở vùng hồ Ton lé Sap (Campuchia).

Thần ghe

Khi xây chùa, người Khmer chọn một linh vật làm biểu tượng của chùa, và khi đóng ghe, linh vật này cũng là biểu tượng của chiếc ghe (thần ghe). Việc chọn biểu tượng thần ghe liên quan đến địa danh, hay quan niệm truyền thống của từng chùa. Thông thường, vị thần này có ứng thân là một trong các con vật có sức mạnh, có khả năng bơi, bay hoặc chạy rất nhanh… Ví dụ, thần ghe của chùa Bốn Mặt là biểu tượng con chim, chùa Chămpa chọn biểu tượng con cọp, chùa Đay Ta Suốs là thần hổ vằn... Một số chùa có biểu tượng giống nhau, như chùa Pô Thi Thlâng và chùa Lộ Mới cùng có biểu tượng là thần ngựa trắng; chùa Bâng Phniết, Liêu Tú, Trần Đề là biểu tượng vị thần nhảy múa trên lưng một con thú bốn chân… Người Khmer tin rằng, trong quá trình thi đấu, ghe ngo sẽ có khả năng lao đi với tốc độ nhanh và mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng.

Neak Tà hoặc nữ thần Neang Khmau

Neak Tà là vị thần được thờ phổ biến trong cộng đồng Khmer Nam Bộ, được coi là vị thần cai quản đất, nước, bảo trợ cho vụ mùa được hài hòa, tốt tươi, người dân được ấm no, hạnh phúc, có vai trò tương tự như thành hoàng trong văn hóa của người Kinh. Các lễ vật dâng cúng Neak Tà bao gồm: Sla chom (một đoạn của thân chuối, trên đó đặt 4 lá trầu, 1 trái cau gói trong lá trầu, đèn cầy và 3 cây nhang), một đầu heo (thủ lợn) luộc chín, một nải chuối, một trái dừa, rượu, muối, ngoài ra có thể thêm gà, vịt, bánh trái tùy theo chùa. Sau lễ hạ thủy, ông chủ lễ sẽ rắc cốm hoặc/ và rót rượu xuống dòng kênh để mời các vị thần cùng thụ hưởng. Ở một số cộng đồng Khmer, nghi lễ dâng cúng Neak Tà được kết hợp với cúng Arak là vị thần mang sứ mệnh bảo vệ, có nhiều nét gần gũi với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở nhiều cộng đồng văn hóa khác.

Trong lễ hạ thủy ghe ngo, cộng đồng Khmer ở Kiên Giang, Trà Vinh thường thỉnh mời và dâng cúng lễ vật tới Neak Tà, còn người Khmer ở Sóc Trăng lại thỉnh mời nữ thần Neang Khmau (5). Người Khmer ở Sóc Trăng cho rằng, nữ thần Neang Khmau sẽ bảo trợ cho sự bình yên và sung túc của toàn không gian xóm ấp, đồng ruộng, mùa màng và cuộc sống sinh hoạt của người dân. Như vậy, về mặt chức năng Neak Tà và Neang Khmau có nhiều điểm tương đồng và phù hợp với quan niệm của tín ngưỡng nông nghiệp.

Trong ngôn ngữ Khmer, Neang nghĩa là “nàng”, Khmau là “đen”. Một số nghiên cứu đề cập tới Neang Khmau như một tái ứng thân của nữ thần Kali, nữ thần quyền lực bậc nhất trong văn hóa Ấn Độ. Trong Hindu giáo, Kali là nữ thần vô cùng đa dạng về diện mạo cũng như ý nghĩa biểu trưng. Nữ thần này thường được mô tả với hình ảnh dữ tợn, nước da đen thẫm, mái tóc rối và chiếc lưỡi thè dài. Ở mỗi địa phương hoặc mỗi nhánh tôn giáo, Kali lại được tôn vinh với những tên gọi và quyền lực khác nhau như: mẹ thiên nhiên, nữ thần chiến tranh và hủy diệt, nữ thần chiến thắng cái chết, là người nắm giữ thần lực Shakti của Shiva (6). Có thể nói, hình tượng nữ thần Kali là một biểu tượng bao hàm đầy đủ các khía cạnh sáng tạo, nuôi dưỡng, bảo vệ và hủy diệt.

Cần câu

Trong cấu tạo của ghe ngo, hai cây cần câu (cây kềm) có vai trò đặc biệt quan trọng. Cần câu thường được làm từ cây tràm lâu năm, cột chặt vào lòng ghe. Một cây đặt sát đáy giữ thân ghe vững chãi trên đường đua, một cây đặt song song ở phía bên trên dài từ giữa ghe về phía sau ghe, giữ cho ghe không bị vặn cong trên đường bơi, đồng thời tạo lực nhún đẩy khi ghe cần tăng tốc. Hai cây cần câu này là đặc trưng của ghe ngo Khmer, quyết định khả năng di chuyển nhanh trên đường đua của chiếc ghe.

Hai cây cần câu là biểu tượng của sức mạnh hội tụ (của các thành viên đội ghe và chiếc ghe) trong một sức mạnh duy nhất. Chính vì vậy, bên cạnh kỹ thuật lựa chọn cây gỗ làm cần câu và buộc néo cần câu cho phù hợp, người Khmer còn tin vào những yếu tố tâm linh trong việc thực hiện buộc hai cây này. Việc nối cây cần câu vào ghe ngo cần phải được tiến hành vào giờ tốt, có thể cùng ngày với lễ hạ thủy, người nối phải là người khỏe mạnh, có đạo đức, am hiểu về ghe ngo.

Nhạc ngũ âm

Âm nhạc là một phần quan trọng trong cuộc sống của người Khmer kể từ thời đế chế Angkor, trong đó đặc trưng nhất phải kể đến nhạc ngũ âm, thường được trình diễn trong các nghi lễ quan trọng tại chùa và hoàng cung xưa. Ngày nay, nhạc ngũ cung vẫn hiện diện trong đời sống của người Khmer ở các nghi lễ, lễ hội của cộng đồng. Trong hành trình của chiếc ghe ngo, nhạc ngũ âm luôn gắn liền với những thời gian thiêng, đó là nghi lễ hạ thủy và thời khắc chiếc ghe chuẩn bị lên đường đi thi đấu.

Dàn nhạc ngũ âm trong tiếng Khmer gọi là pinpeat bao gồm một bộ 7 nhạc cụ, được làm bằng 5 nhóm chất liệu. Thứ nhất, nhóm chất liệu đồng, gồm hai dàn cồng cuông tuôchcuông thom, mỗi dàn gồm có 16 quả cồng nhỏ có núm, được kết lại với nhau tạo thành vòng có hình bán nguyệt. Khi diễn tấu, nhạc công sẽ ngồi trong vòng cong đó, dùng 2 dùi để gõ, tùy theo độ lớn, nhỏ, dày, mỏng của từng quả mà phát ra âm thanh khác nhau. Thứ hai, nhóm chất liệu sắt là rôniêt đêk gồm 26 thanh. Thứ ba, nhóm chất liệu gỗ (hoặc tre), là các nhạc cụ rôniêt ek rôniêt thung, gồm 26 thanh có hình chữ nhật, dài khoảng 20cm, rộng khoảng 5cm, được ghép với nhau thành một chuỗi dài, hai đầu nối vào một thùng gỗ có chân đỡ. Thứ tư, chất liệu da, là trống sam phô có hai mặt được bịt da bò và 2 trống lớn bịt da trâu. Thứ năm, nhóm hơi là kèn được làm bằng tre, ống làm bằng gỗ quý. Đa số các nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm đều được diễn tấu bằng cách dùng chhưng để gõ nhịp, riêng trống sam phô đánh bằng hai tay, trống lớn gõ bằng dùi, kèn thổi bằng miệng. Trong đó, rôniêt ek đóng vai trò chủ đạo, dùng để dồn bè. Mỗi loại nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm được định âm chính xác, đảm bảo khi hòa tấu cả dàn nhạc tạo ra một giai điệu độc đáo, từ rất trầm đến cao vút.

Trong văn hóa của người Khmer, nhạc ngũ âm tương ứng với ngũ hành, năm yếu tố căn bản trong vũ trụ. Khi cử hành nhạc ngũ âm, họ tin rằng có sự giao hòa giữa các đấng thần linh trong tự nhiên và con người. Giai điệu ngũ âm đi vào lòng người, vang vọng trong không gian xóm ấp là tín hiệu của một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Có thể nói, ghe ngo là một biểu tượng văn hóa đặc sắc, được tích hợp từ một hệ thống biểu tượng trong văn hóa của cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ. Sự gắn bó sâu sắc của ghe ngo đối với cộng đồng người Khmer được thể hiện ở đức tin và ứng xử của các vị sư sãi, achar cũng như mỗi người dân, trong các nghi lễ và hoạt động đua ghe ngo được tổ chức mỗi năm một lần, vào dịp lễ hội Ook Om Bok. Nghiên cứu hệ thống các biểu tượng thiêng gắn với chiếc ghe ngo là một cách tiếp cận các giá trị văn hóa Khmer được hình thành qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, dần định hình và trở thành đặc trưng văn hóa của cộng đồng Khmer ở Nam Bộ, tạo nên bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân nơi đây.

______________

1. Trước đây, Sóc Trăng là trung tâm tổ chức lễ hội đua ghe ngo của toàn khu vực. Ngày nay, một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang… cũng tổ chức lễ hội này. Tuy nhiên, đua ghe ngo ở Sóc Trăng vẫn mang đậm nét đặc trưng truyền thống, thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân trong khu vực và du khách gần xa.

2. Phỏng vấn Hòa thượng Tăng N., trụ trì chùa Kh’leang, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, ngày 11-
11-2016.

3. Theo nhà nghiên cứu Châu O., phỏng vấn tại chùa Kh’leang, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, ngày 10-11-2016 và tham khảo nghiên cứu của Huỳnh Ngọc Trảng 2014.

4. Nguyễn Thanh Lợi, Tục vẽ mắt thuyền, Tạp chí Văn hóa học trực tuyến, ngày 12-12-2009.

5. Một số nhà nghiên cứu đồng nhất Neak Tà và Neang Khmau, tuy nhiên, theo tác giả bài viết thì nhận định này cần nghiên cứu thêm.

6. Xem thêm Phạm Thị Thủy Chung, Một số nữ thần tiêu biểu trong văn hóa Veda - Từ góc nhìn Shakti, Tạp chí Văn hóa học, số 1, 2013.

Tài liệu tham khảo

1. Phan An, Dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.

2. Sô ry a, Lễ hội Khmer Nam Bộ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1988.

3. Sở VHTTDL - UBND tỉnh Sóc Trăng, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP.HCM - Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tồn và phát huy Lễ hội Ook Om Bok - Đua ghe ngo Sóc Trăng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, 2009.

4. Huỳnh NgọcTrảng, Ý nghĩa văn hóa tâm linh của lễ Ook Om Bok, Báo Giác ngộ online, 2014.

5. Tiền Văn Triệu, Tích xưa về người Khmer Sóc Trăng, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng - Nxb Phương Đông, TP.HCM, 2011.

6. Trung tâm Văn hóa học - Lý luận và Ứng dụng, Tín ngưỡng nữ thần Mariamman: Giá trị di sản Ấn Độ trong giao lưu văn hóa với Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, 2007.

7. Viện Văn hóa, Người Khmer tỉnh Cửu Long, Sở Văn hóa và Thông tin Cửu Long, 1987

Tác giả: Phạm Thị Thủy Chung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020

;