Ấn tượng về Giáo sư, họa sĩ Phạm Công Thành

Thời niên thiếu, trước Cách mạng Tháng tám, Giáo sư, họa sĩ Phạm Công Thành là một học sinh phổ thông tại quê nhà ở Bình Lục, Hà Nam. Năm 1951, ông về Hà Nội học Trường Chu Văn An, sau khi tốt nghiệp năm 1953, ông rời Hà Nội lên Việt Bắc, làm việc tại Ngân hàng Nhà nước trụ sở đóng tại Thái Nguyên.

HS Phạm Bình Chương bên người cha, người thầy của mình - GS, HS Phạm Công Thành

Năm 1955, ông về Hà Nội dự thi và trở thành học viên của khóa Trung học Mỹ thuật mang tên Tô Ngọc Vân. Ông thuộc thế hệ sinh viên khóa đầu tiên sau khi Trường Mỹ thuật từ Chiến khu trở về Hà Nội. Tốt nghiệp Trung cấp, ông dự thi và trúng tuyển trở thành sinh viên Khóa I, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam cùng với các họa sĩ tên tuổi như Nguyễn Thụ; Vũ Giáng Hương; Lê Thiệp; Ngọc Thọ, Đỗ Hữu Huề.v.v. Năm 1962, ông tốt nghiệp và bắt đầu gắn bó với sự nghiệp đào tạo mỹ thuật tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ đây… 

Suốt nửa thế kỷ gắn bó với sự nghiệp sáng tác và giảng dạy mỹ thuật, ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ cho đất nước. Với vốn kiến thức phong phú, với cách giảng dạy nhiệt tình, hấp dẫn Thầy Thành đã truyền cảm hứng cho người học, giúp họ tiếp thu đầy đủ kiến thức đồng thời nâng cao lòng yêu nghề, rèn luyện nhân cách người họa sĩ. Sinh viên của ông luôn hào hứng và mong được lên lớp “Giờ Thầy Thành”.

Không chỉ là giảng dạy, là một họa sĩ, ông coi việc sáng tác tranh là một phần việc quan trọng, trong sự nghiệp của mình. Ngay từ tác phẩm Trên đồi hoang - bài thi tốt nghiệp ông đã khẳng định hướng đi sáng tác của mình. Ngày nay, khi xem lại tấc phẩm Phố mưa, tranh bột màu của ông, sáng tác năm 1975 chúng ta vẫn thấy được màu sắc, bố cục, hình nét thật là hấp dẫn đúng với bút pháp của ông. Ngay cả loại tranh sơn mài ông cũng đưa vào đó cách diễn tả, đặc biệt về chiều sâu không gian xa gần và hòa sắc tinh tế. Ông đã có 6 tác phẩm được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 

Phố mưa, bột màu, 1957

Họa sĩ Phạm Công Thành sử dụng nhiều chất liệu khác nhau như bột màu, sơn dầu, lụa, sơn mài, với hàng trăm tác phẩm tham gia nhiều triển lãm của Trường, của Hội Mỹ thuật Việt Nam và các kỳ Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc. Năm 2016, ông đã xuất bản tuyển tập tranh in trên 100 tác phẩm, với phong cách hiện thực, bút pháp tả chân. Những bức tranh phong cảnh quê hương, đất nước, con người gần gũi nên thơ đã trở thành dấn ấn cá nhân thành danh của họa sĩ. 

Bằng thực tiễn sáng tác và phục vụ công tác giảng dạy, họa sĩ Phạm Công Thành dành nhiều thời gian nghiên cứu lý luận, lý thuyết về hội họa. Ông ấp ủ viết sách về Luật Xa Gần từ khi bắt đầu giảng dạy. Năm 1975, ông thực sự bắt tay vào viết sách này và sau 8 năm (1982) sách chính thức ra mắt độc giả. Sách Luật Xa Gần đã trở thành tài liệu tham khảo cho nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên mỹ thuật, tái bản tới lần thứ tư. Ông cũng có nhiều bài nghiên cứu khoa học đăng trên báo và tạp chí chuyên ngành, tham gia nghiên cứu các công trình khoa học cấp Trường, cấp Bộ.

Họa sĩ Phạm Công Thành là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng khoa Lý luận và Phê bình nghệ thuật của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông tham gia đào tạo Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Ghi nhận những thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu và sáng tác, năm 1984, ông được Nhà nước phong Học hàm “Giáo sư I” (Nay là PGS). Năm 1992, ông được Hội đồng chức danh Nhà nước phong Học hàm “Giáo sư II” (nay là Giáo sư). Cũng trong năm 1992, ông được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. 

Cầu tre, sơn mài, 1993

Giáo sư, họa sĩ Phạm Công Thành sinh ngày 21/9/1932 tại Hà Nội, xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước. Thừa hưởng sự giáo dục chăm sóc của cha mẹ và gia đình, giáo sư, họa sĩ Phạm Công Thành là người nhiệt huyết, cần mẫn trong công tác, là người của công việc. Ông kể: “Ngày trẻ, mỗi hôm đi học về, trong lúc chờ cơm, ông đều mang sách ra đọc, cứ dần dần ông đọc được rất nhiều sách”. Ông luôn ưa thích trao đi những kiến thức, những điều hay trong học thuật và cuộc sống cho mọi người và học trò, những người muốn học hỏi ở ông. Ông có thể dành thời gian nhiều giờ trao đổi học thuật với sinh viên cũng như nghiên cứu sinh. Vì lẽ đó mà ông được học trò và nhiều người nể phục và yêu quý. Ông đã làm việc không ngừng nghỉ kể cả khi đã nghỉ chế độ hưu trí vào năm 1995. Nhưng ông vẫn tiếp tục cống hiến giảng dạy, nghiên cứu và sáng tác.

Trong sự nghiệp công tác hơn 30 năm ông đã được Nhà nước phong tặng: Huân chương Kháng chiến Hạng Ba; Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa Nghệ thuật và nhiều bằng khen của Bộ VHTTDL.

Nhưng có lẽ với Giáo sư, họa sĩ Phạm Công Thành phần thưởng cao quý nhất đó là sự quý trọng, yêu mến của nhiều thế hệ học trò, sự thành đạt của họ trong cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật. Ông được sống trong tâm khảm và trái tim của nhiều người.

Chiếu Ca trù, sơn dầu, 2005

Những cống hiến và thành quả của ông đã được ghi nhận trong giới, trong ngành. Đến nay ông như người lao động đã cày cuốc xong trên thửa ruộng của mình. Tâm huyết đã trao, nhiệt tình đã thể hiện, công sức mồ hôi đã đổ. Những gì ông sống và làm việc cũng xứng đáng để ông bình thản, yên nghỉ thảnh thơi ra đi vào cõi hư vô của thế giới vĩnh hằng và tin rằng hình ảnh của ông luôn trong tâm khảm của mọi người chúng ta. 

Như Thi hào Nguyễn Du đã viết: 

Xưa nay “Các đấng tài hoa

Thác là thể phách, còn là tinh anh”. 

YẾT LAM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022

;