Cha và con

Trong làng điện ảnh có nhiều cặp cha và con cùng chia sẻ đam mê nghề nghiệp và cùng trở thành những cặp đôi “cha truyền con nối” nổi tiếng. Một trong số những tên tuổi được nhắc đến nhiều là NSND, đạo diễn Hải Ninh và con trai - NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

Hai cha con NSND Hải Ninh

Đã có nhiều bài viết về NSND, đạo diễn Hải Ninh như là một người nghệ sĩ cả đời chỉ có một niềm đam mê cháy bỏng dành cho điện ảnh với tài sản để lại là nhiều bộ phim được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh Việt Nam, một người đồng nghiệp tình nghĩa, một người bạn chân thành, thủy chung. Còn một hình ảnh nữa về ông - đó là hình ảnh một người cha mẫu mực trong mắt con trai ông - NSND Thanh Vân - người con mà ông rất mực tự hào.

Nhớ về cha mình, điều đầu tiên NSND Thanh Vân nhắc đến là việc “bố bận đi công tác liên miên” bởi anh sinh năm 1962, suốt quãng đời thơ bé của anh là thời điểm sáng tác đỉnh cao của cha anh với hàng loạt tác phẩm để đời như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Thành phố lúc rạng đông… Ký ức về cha mình rõ nét nhất thời ấy với cậu bé Vân là lúc cậu làm chân liên lạc, chạy đi báo “họp đoàn” cho các thành viên trong đoàn làm phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Ngày ấy chưa có phương tiện thông tin, mà đoàn thì liên tục họp. Cậu bé con 10 tuổi thích thú len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm để báo tin cho đồng nghiệp của cha mình, không thấy mệt mà chỉ vui vì vừa giúp bố vừa được… đi chơi. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi trên đường “làm liên lạc”, Thanh Vân bị chó cắn phải đi tiêm phòng chó dại.

Chiến tranh liên miên, cha đi công tác xa nhà, để tránh bom đạn, mẹ một mình đưa ba anh em Thanh Vân đi sơ tán. Tuổi thơ của anh có nhiều gắn bó với mẹ, nhất là khi cha bận công tác, anh đi học nước ngoài, Thanh Vân bỗng trở thành “người đàn ông” trụ cột trong gia đình. Khi ấy, gia đình NSND Hải Ninh còn ở khu tập thể Bờ sông nay là khu Chương Dương Độ. Cứ mỗi mùa mưa bão, cả khu tập thể lại chìm trong biển nước lũ từ sông Hồng tràn vào. Thanh Vân kể, anh đã gắng giúp mẹ, nhưng chỉ “lội nước là chính” nên hầu như mỗi mùa mưa bão, các đồng nghiệp của cha anh như nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, đạo diễn Việt Tùng lại phải tới “ứng cứu”.

Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất với cha mình thời thơ ấu, với Thanh Vân chính là mỗi buổi chiều nhập nhoạng đứng trông ra hai đầu ngõ để ngóng cha đi làm về. Khoảnh khắc nhìn thấy cha mình, vóc người gầy nhỏ thó trên chiếc xe đạp về đến đầu ngõ trong ánh đèn đường vàng vọt đã ăn sâu trong ký ức ấu thơ của anh cùng với kỷ niệm hai anh em cùng ra ngõ ngóng cha và thi nhau xem ai “phát hiện” ra trước với tiếng reo “bố về, bố về…”

Suốt thời thơ ấu sống trong không khí điện ảnh tới mức dường như đã “ngấm vào máu” một tình yêu vô hình, đang học năm thứ tư Trường Đại học Kiến trúc, Thanh Vân quyết định rẽ ngang để thi vào khoa Đạo diễn Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh. Thanh Vân kể lại rằng, khi ấy, anh đã đặt cha mẹ mình vào một tình thế rất khó khăn và đầy âu lo. “Không hiểu trong thâm tâm ông có muốn tôi theo nghiệp của ông không, nhưng hình như ông muốn con đường mà tôi đi là do tôi tự chọn. Bởi vậy ông tôn trọng mọi quyết định của tôi nhưng không khỏi lo lắng vì khi ấy, đã học tới năm thứ 4 rồi, cha mẹ nào chẳng muốn con mình tốt nghiệp đại học…”

Luôn tôn trọng mọi quyết định cá nhân của con, trong nghệ thuật NSND Hải Ninh cũng rất tôn trọng cá tính sáng tạo của con mình. Thanh Vân nhớ lại, kể từ khi anh bước vào nghề, câu chuyện giữa hai cha con luôn là về điện ảnh, cả về thế sự và nghề nghiệp. Những bộ phim anh làm, cha anh đều “đưa ra nhận xét tỉ mỉ nhưng không có hướng dẫn. Có thể ông không nói ra nhưng cảm nhận được sở trường của con mình với những dư vị khác biệt với phim của ông và có lẽ ông hài lòng vì con đường nghệ thuật của mỗi người không thể giống nhau”. Có thể nói, hai cha con là hai thái cực, bổ sung hoàn hảo cho nhau. Nếu người cha sở trường với những bộ phim lịch sử, hoành tráng thì người con trai lại tâm đắc với những đề tài tâm lý xã hội, những thân phận bé nhỏ vô danh, những góc khuất đằng sau mỗi số phận.

Poster phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm

Trong mỗi thành công của NSND Thanh Vân luôn thấp thoáng hình bóng cha mình, dù là một tên tuổi lớn trong nghề nhưng ông luôn ở bên con trai như một người bạn lớn. Hỏi rằng cha anh có vai trò thế nào trong sự nghiệp của anh, NSND Thanh Vân trầm ngâm: “Vai trò ấy chính là cuộc đời của ông. Ông đã cống hiến hết mình cho điện ảnh và dành trọn vẹn cuộc đời mình cho nó. Và nếu có một thứ ông truyền lại cho tôi thì đó chính là sự quyết liệt với niềm đam mê của mình, khi đã chọn con đường nào thì đi đến cùng với nó”. Vậy anh có muốn đi lại con đường mà cha mình đã đi? - Thanh Vân đáp không chút đắn đo: “Đương nhiên, nó chắc chắn đã trở thành một phần quan trọng nhất của đời mình”.

Tuy là người nói chuyện với nhau hợp nhất nhưng ngoài đời, hai cha con cũng là hai cá tính khác biệt nhất. Nếu NSND Hải Ninh luôn chuẩn mực, chỉn chu, nghiêm cẩn, không rượu, không thuốc lá thì con trai ông lại ngược lại. Thanh Vân thú nhận, ngồi với bạn bè uống chén rượu, la cà trò chuyện nơi quán xá đã trở thành thói quen, một phần không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của anh. Đôi khi, muốn làm cho bố vui và muốn có không khí để trò chuyện, anh mời bố đi uống cùng mình nhưng lần nào ông cũng khước từ.

Ngày 5/2/2013, NSND Hải Ninh đã tạm biệt thế gian sau 10 ngày hôn mê, không kịp dặn dò người ở lại. Nhưng Thanh Vân bảo rằng, trong những ngày cuối đời mình, ông vẫn trăn trở với nhiều dự định nghề nghiệp mà giờ đây, anh thầm hứa với mình, nếu có cơ hội nhất định anh sẽ phải thực hiện thay cha mình. Đó là ba dự án phim mà ông đã hoàn thành kịch bản sau nhiều năm chỉnh sửa. Dự án mà NSND Thanh Vân cho rằng “hợp với gu thẩm mỹ” của mình nhất là Bà mẹ ngoại thành (Bà mẹ Hà Nội) - một câu chuyện cảm động về thân phận cá nhân, một người mẹ mất con trong chiến tranh. 

Kịch bản phim truyền hình Thung lũng vua (dựa theo truyện Cổng trời của nhà văn Ngôn Vĩnh), theo NSND Thanh Vân cũng “có sự hấp dẫn đặc biệt về câu chuyện và con người với bối cảnh là vùng “cổng trời” Hà Giang hồi những năm 1960”. Còn kịch bản Quan Âm Thị Kính, vì là một vở chèo, nên có thể sẽ khó “khả thi” hơn hai kịch bản trên.

Khi nghe tin dữ từ Hà Nội, NSND Trà Giang thốt lên rằng: “Khi người bạn ấy ra đi mới biết khoảng trống họ để lại lớn tới mức nào…”. Giờ đây, con trai NSND Hải Ninh vẫn tậm niệm sẽ luôn cố gắng lấp đầy những khoảng trống mà cha mình để lại trong lòng người thân, bạn bè.

LÊ MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 511, tháng 9-2022

;