Nhà giáo, NSND Mai Phương, người nặng lòng với tiếng đàn Tỳ bà

Ngôi nhà ấm cúng nằm trong ngõ số 1 Thịnh Hào (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội) luôn luôn có âm thanh trầm bổng, vang vọng của những nốt nhạc. Đó là tiếng đàn của Nhà giáo, NSND Mai Phương (Vũ Thị Mai Phương), một người thầy mẫu mực, hết lòng vì sự nghiệp gieo những nốt nhạc, cũng như công việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy những nét tinh hoa của đàn Tỳ bà, một nhạc cụ truyền thống của dân tộc Việt Nam.

NSND Mai Phương và nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo

Theo chân các học trò tôi đến với lớp học của NSND Mai Phương, điều mang đến cho tôi nhiều cảm xúc, đó là sự chân thành, cởi mở, nhiệt tình của bà. Ẩn sâu trong hình dáng mảnh mai là sự kiên trì, bền bỉ cống hiến và một tình yêu vô bờ đối với cây đàn được mệnh danh là “nữ hoàng của các nhạc cụ truyền thống”. Không chỉ dồn tâm sức cho cây đàn dân tộc, bà còn dành nhiều tình cảm, che chở, gắn bó với nhiều lớp thế hệ học sinh. Vì thế, các lứa học trò do bà dìu dắt đến những lớp trẻ của các bộ môn khác trong Khoa Âm nhạc Truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thường gọi NSND Mai Phương hai tiếng thân thương - “Mẹ Phương”. 

Đàn đã chọn NSND Mai Phương 

NSND Mai Phương sinh năm 1951, quê gốc ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, nhưng được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Tình yêu với âm nhạc dân tộc của NSND Mai Phương dường như được truyền lại từ người cha, bởi ông cũng là người say mê với các làn điệu ca trù. Khi lớn lên, nhạc cụ đầu tiên mà bà làm quen và học tập là cây đàn violon. Do thích âm nhạc, nên bà đã đăng ký dự tuyển vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), nhưng khi đi thi lại quên mang đàn. Tuy nhiên, bà vẫn hoàn thành tốt phần đọc xướng âm nên thầy Vũ Tuấn Đức - người đặt nền móng đầu tiên cho Khoa Âm nhạc Truyền thống, Học viện Âm nhạc Việt Nam, đã xếp bà vào học bộ môn đàn Tỳ bà. Điều đó, đối với NSND Mai Phương chính là một cái duyên và bà cho rằng: đàn đã chọn bà. Nghệ sĩ Mai Phương trải lòng, “Năm 1960 tôi bắt đầu vào học tại Nhạc viện, năm 1969 thì hoàn thành xong chương trình Trung cấp chính quy. Nhưng vì chiến tranh nên tôi phải theo trường đi sơ tán. Xa gia đình lúc còn bé nên tôi rất nhớ nhà, chỉ muốn về và không muốn học tiếp. Khi đó, trong lòng rất buồn vì nhớ người thân, nên tôi mang đàn ra gảy. Những tâm tư, tình cảm và nỗi nhớ thương được tôi gửi vào bản nhạc. Mỗi lần đánh xong, tôi lại cảm thấy ngày càng gắn bó với đàn hơn…”. 

Truyền lửa đam mê cho các thế hệ học trò 

NSND Mai Phương quan niệm rằng: “Phải yêu công việc bản thân mình đang làm thì mới có thể truyền được đam mê sang cho người khác”, vì thế bà đã dồn hết tâm sức và sự nhiệt huyết cho cây đàn Tỳ bà. Để rồi, bà mang tình yêu đó truyền dạy cho các thế hệ học sinh và giúp các em tìm thấy niềm đam mê trong từng nốt nhạc dân tộc. Với những nỗ lực của NSND Mai Phương, rất nhiều lứa học sinh đã trưởng thành. Có những nghệ sĩ đã thành danh, cũng có nhiều lớp học trò tiếp nối bước chân của bà, “chèo lái những chuyến đò”, gieo những nốt nhạc để tiếng đàn Tỳ bà có thể vang rộng trên khắp đất nước, vang xa đến với bạn bè quốc tế. Đó là các nghệ sĩ: NSƯT Nông Bích Kim, NSƯT Kim Hạnh, NSƯT Phạm Thị Huệ, nghệ sĩ Diệu Thảo, nghệ sĩ Phan Thủy, nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh, nghệ sĩ Nguyễn Thị Ánh, nghệ sĩ Nghiêm Thu…

NSND Mai Phương và tổ Tỳ bà Khoa Âm nhạc truyền thống Học viện Ám nhạc Quốc gia Việt Nam tại Festival Huế 2022

Nói về người thầy đáng kính của mình, nghệ sĩ Diệu Thảo cho biết: “NSND Mai Phương là người thầy, người nghệ sĩ đã dành cả cuộc đời và dốc hết tâm sức của mình cho sự phát triển của cây đàn Tỳ bà Việt Nam trong suốt cả sự nghiệp của mình. Cô vừa là cô giáo, cũng là người mẹ của lớp lớp những thế hệ học sinh đàn Tỳ bà. Hầu hết học sinh chúng tôi đều gọi NSND Mai Phương bằng hai tiếng rất thân thương “mẹ Phương”. Thậm chí những học sinh hay thầy cô giáo của các bộ môn chuyên ngành khác cũng rất thân thuộc với cách gọi này. Cả cuộc đời mình mẹ Phương luôn sống vô cùng giản dị, thanh bạch, mộc mạc với nụ cười đôn hậu và hết mực yêu thương học sinh, đam mê trọn vẹn dành cho cây đàn Tỳ bà. Mẹ như một tấm gương để chúng tôi soi chiếu vào đó để học hỏi, noi theo những điều đẹp đẽ, giản dị, những giá trị đạo đức cao đẹp của người thầy, người mẹ luôn yêu người, yêu nghề”.

Cho ra đời những tác phẩm mẫu mực 

Nhiều sáng tác của bà đã được đưa vào giảng dạy trên khắp cả nước như: Chỉ một niềm tin, Niềm tâm sự, Quê hương, Ra đi nhớ bạn, Nước về đồng, Biển quê hương… Trong đó, tác phẩm Chỉ một niềm tin được NSND Mai Phương sáng tác dựa trên nền khúc dân ca quan họ Bắc Ninh - Bèo dạt mây trôi, là tác phẩm nằm trong danh mục tốt nghiệp của hệ Trung cấp; tác phẩm Niềm tâm sự nằm trong danh mục tốt nghiệp hệ Đại học.

Đồng thời, các tác phẩm của NSND Mai Phương cũng luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các nghệ sĩ trong tiết mục độc tấu với đàn Tỳ bà. Gần đây nhất là tác phẩm Suy tư, một sáng tác với nhiều cung bậc cảm xúc cùng với tiết tấu nhanh đòi hỏi sự điêu luyện trong diễn tấu đã được nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo biểu diễn trên sân khấu lớn, đã để lại nhiều ấn tượng và sự yêu mến của khán thính giả. “NSND Mai Phương luôn đau đáu nỗi niềm dành cho cây đàn Tỳ bà, cho sự phát triển chung của các thế hệ kế cận. Vì thế, NSND Mai Phương luôn miệt mài cống hiến và cho ra đời rất nhiều tác phẩm mẫu mực, đặc sắc, viết cho cây đàn này. Tác phẩm Suy tư của NSND Mai Phương viết cho độc tấu Tỳ bà và dàn nhạc, gần đây đã được NSND Phạm Ngọc Khôi phối khí và dàn dựng. Diệu Thảo may mắn được biểu diễn tác phẩm Suy tư tại các chương trình có quy mô lớn như “Chương trình ra mắt dàn nhạc Dân tộc Việt Nam” tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chương trình chào mừng “Ngày âm nhạc Việt Nam” do Hội Nhạc sĩ tổ chức với tựa đề “Hát lên Việt Nam” tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội). Sự xuất hiện hiệu quả của tác phẩm này tại các sân khấu ca nhạc uy tín là một điểm sáng đánh dấu sự khởi sắc của cây đàn Tỳ bà Việt Nam, đặc biệt là dấu ấn tốt đẹp mà tác phẩm Suy tư mang đến cho khán giả” - nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo chia sẻ.

Cải tiến thành công cây đàn Tỳ bà 

Không chỉ có vậy, NSND Mai Phương còn được biết đến là người đã cải tiến cây đàn Tỳ bà trước kia, từ hệ thống bát âm gồm 8 phím lên 18 phím với 3 quãng 8 để người sử dụng thỏa sức “chơi” tất cả các nhạc phẩm, từ dân ca nhạc cổ Bắc - Trung - Nam đến các tác phẩm trong nước và nước ngoài. Nghệ sĩ Thanh Thư - người học trò đã có hơn 50 năm gắn bó với NSND Mai Phương từng xúc động chia sẻ “Cô là cây đàn Tỳ bà số 1 Việt Nam. Cho đến ngày hôm nay, lớp lớp các thế hệ học sinh của chúng tôi vẫn tiếp nối con đường của NSND Mai Phương, nhưng thực sự chúng tôi chưa bằng cô. Chúng tôi luôn động viên các lớp trẻ phải cố gắng để giữ âm nhạc truyền thống nước nhà. Cây đàn Tỳ bà đã trở thành máu thịt trong tôi. Tôi ôm đàn đã 50 năm, cô còn hơn nữa . Vì thế, tỳ bà đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng tôi, nên cô trò sẽ tiếp tục đồng hành, gắn bó để tiếp tục truyền dạy, cho đến khi nào không làm được nữa thì thôi”.

NGỌC BÍCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022

;