Sau mưa - Một "Ailen trong từng huyết quản"

Cho đến nay, văn học Ailen hầu như còn là miền đất lạ đối với độc giả Việt Nam. Mới chỉ có tác phẩm của James Joyce, W. B. Yeats, Bernard Shaw, Oscar Wilde, Samuel Beckett được giới thiệu, không đủ để thấy vị trí của nền văn học đặc sắc này trong cộng đồng Anh ngữ. Tập truyện ngắn Sau mưa do dịch giả Hà Nguyễn chuyển ngữ đã giới thiệu với bạn đọc một trong những tác giả hàng đầu của nền văn học Ailen: William Trevor. Tờ Wall Street nhận xét về William Trevor trong bài điểm sách Sau mưa: “Trong thế giới Anh ngữ, không có cây bút viết truyện ngắn nào lớn hơn ông”.

William Trevor, sinh năm 1928 tại Michelstown, được coi như một cây đại thụ của rừng văn học Ailen, một cây bút lão luyện trong nhiều thể loại, đặc biệt xuất sắc trong truyện ngắn. Ông là viện sĩ Viện Hàn lâm Văn Học Nghệ thuật Ailen và thành viên của Aosdána, một tổ chức do Hội đồng Nghệ thuật thành lập năm 1981 để tôn vinh những nghệ sĩ có đóng góp xuất sắc vào nghệ thuật. Không dưới 20 lần, tác phẩm của ông đã được tặng thưởng những giải văn chương như giải O’Henry, giải Hawthornden… và năm 2012, tên ông đã được nhắc đến trong số những người có triển vọng đoạt giải Nobel về văn học. Năm 2002, ông được Nữ hoàng Anh Elisabeth phong tước Hiệp sĩ Vương quốc Anh. Tuy sống phần lớn thời gian ở Anh, nhưng Trevor vẫn tự coi mình là “Ailen trong từng huyết quản”.

Ở tuổi 36, khi được tặng giải thưởng Hawthornden về cuốn The Old Boys, Trevor mới đủ tự tin để quyết định trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Cho đến nay, ông đã cho xuất bản 18 tiểu thuyết, 20 tập truyện ngắn và 6 vở kịch. Sau mưa bao gồm 12 truyện ngắn, được xuất bản lần đầu vào năm 1996.

Dịch giả Dương Tường khi đọc Sau mưa đã nhận định: “Cho đến nay, văn học Ailen hầu như còn là miền đất lạ đối với độc giả Việt Nam. Chung ta mới chỉ lác đác nghe thấy nói đến những James Joyce, W. B. Yeats, Bernard Shaw, Oscar Wilde, Samuel Beckett, những tác giả không những có đóng góp lớn cho văn học Ailen nói riêng mà còn tạo những mốc đáng kể trong sự phát triển của văn học thế giới nói chung; lẻ tẻ làm quen với một số tác phẩm chưa mấy tiêu biểu của họ - cùng lắm là Gulliver du kí của Jonathan Swift được chuyển ngữ từ tiếng Pháp hồi những năm 30 của thế kỉ trước - không đủ để thấy vị trí của nền văn học đặc sắc này trong cộng đồng Anh ngữ. Trevor tự nhận mình chịu ảnh hưởng của James Joyce, nhưng không khí và nhân vật trong những truyện ngắn của ông không khỏi gợi nhớ đến Anton Chekhov. Nhân vật của ông thường là những mẫu người bên lề xã hội: những đứa trẻ hoặc người già đơn côi, những người độc thân trung niên nam hoặc nữ, những cặp vợ chồng bất hạnh, những người không thể chấp nhận thực tế cuộc sống của mình như nó hiện hữu, cố tạo nên một thế giới khác làm chốn ẩn náu cho riêng mình. Với một bút pháp giản dị mà tinh tế, không thêu thùa, Trevor kín đáo cài vào sự mổ sẻ tâm lí với những suy ngẫm sâu sắc về thân phận con người pha chút châm biếm đầy độ lượng làm cho bớt phần u ám”.

Còn nhà báo Wendy Lesser đã viết về Sau mưa trong bài Những tổn thương sau dối lừa đăng trên tờ The New York Times. Bài báo là những nhận định, đánh giá của ông về sáng tác của W. Trevor nói chung và bút pháp trong tập truyện Sau mưa nói riêng - một tuyển tập truyện ngắn theo ông “khiến bạn đọc day dứt khôn nguôi”.

Wendy Lesser nhận định, 12 truyện ngắn trong tập sách này đều xoay quanh những lời dối trá, sự che đậy hay việc bỏ qua sự thật. Dối gạt và lảng tránh loang khắp cuốn sách, từ truyện mở đầu - trong đó bà vợ kế của người thợ mù lòa nói dối về thực tại xung quanh hòng xóa bỏ ký ức hình ảnh mà người vợ đầu ghi dấu trong ông - đến truyện cuối Cưới Damian. Nhưng tổn thương lớn hơn cả do bị lừa dối chính là mất mát kế ước hôn nhân, đây âu cũng lẽ thường. Ẩn hiện trong mười hai truyện có bảy cuộc ly hôn, sáu trường hợp ngoại tình, năm vụ rành rành là ghen tuông tình ái công khai, hai hay ba cuộc hôn nhân lâu năm nhưng thiếu vắng tình yêu và bốn đứa trẻ bất hạnh sau khi tổ ấm bị tan vỡ.

William Trevor, tuy nhiên, không tán dương “những giá trị gia đình” một cách giản đơn và điều ông tạo ra với tác phẩm này của mình, hoàn toàn khác với sản phẩm một nhà xã hội học công phẫn hay của một nhà đạo đức học đang thuyết giảng. Nếu như 12 truyện ngắn này hầu như đều khá buồn, không có nét u ám, mỉa mai, dí dỏm kiểu Graham Greene thường thấy trong hầu hết các tiểu thuyết của Trevor thì tuy vậy, chúng lại có cái kết mở. Và chính phần kết được bỏ ngỏ đã đem lại cho những truyện ngắn này một điều rất gần với niềm lạc quan - nếu không phải là niềm lạc quan xuất phát từ lòng hy vọng thì dẫu sao cũng là niềm lạc quan về sự công bằng. Các nhân vật trong hầu hết các truyện bị dày vò thê thảm và nhiều người trong số họ không đáng phải chịu những khổ đau như thế, nhưng Trevor không bao giờ để người đọc nhìn nhận sự việc chỉ từ góc độ của các nạn nhân. Luôn có một cách nhìn nhận khác, một lối diễn giải khác, và với khác biệt này, cơ hội được giải thoát sẽ tới, không chỉ cho người đọc chúng ta mà còn cho cả nhân vật đang đau khổ kia. Ở mức độ nào đó, những truyện ngắn này giống như một màn diễn dịch phức tạp, tinh tế khôn cùng, biến hóa tài tình quan điểm của Freud rằng, việc tự nhận thức về bản thân có thể mang lại sự giải thoát. Nhưng về điểm này, theo thực tế của William Trevor, cũng còn tùy trường hợp.

Ví dụ rõ nhất là truyện ngắn được lấy làm tựa sách: Sau mưa, nói về nàng Harriet 30 tuổi (một trong bốn đứa trẻ có cha mẹ ly hôn đã kể ở trên) trong kỳ nghỉ đơn chiếc tại Italia. Bản thân hai chữ “sau mưa” nói tới khoảnh khắc tỉnh ngộ ngắn ngủi nhưng mãnh liệt của Harriet, thời khắc phát giác lý do thất bại trong cuộc sống tình cảm của mình: “Khi Harriet rời nhà thờ, cơn mưa đã dứt, không khí trong lành hơn. Quả là ranh ma và láu lỉnh khi dựa vào những cuộc tình để khôi phục niềm tin của nàng vào tình yêu: ý nghĩ ấy chợt hiện ra trong óc nàng một cách huyền bí. Nàng đã không ngay thẳng trong những cuộc tình của mình: ý nghĩ này cũng tự nhiên tới.”

So với hầu hết các truyện ngắn khác của Trevor, Sau mưa thể hiện rõ nhất bàn tay sắp đặt của tác giả. Nhưng Sau mưa minh họa ngoạn mục năng lực thường thấy ở Trevor khi có thể cùng lúc vừa nằm bên trong lại vừa hiện diện bên ngoài nhân vật. Ở truyện này, ông đã trao năng khiếu nhìn nhận sự việc đồng thời từ hai phía ấy cho chính nhân vật Harriet: nàng có cảm giác “trống rỗng”, “rối tinh” và rồi nàng thấy một bức tranh truyền tin. Còn ở các truyện khác, tác giả trao năng lực đó cho chỉ người đọc chúng ta - thủ pháp này cắt giảm thuốc chữa khổ đau cho nhân vật, có lẽ vậy, nhưng lại gia tăng mức độ xót xa thương cảm người đọc dành cho họ. Nhờ có khoảng hở giữa cái-biết của tác giả và cái-nhìn của nhân vật mà truyện ngắn của William Trevor cung cấp cho ta chất liệu để suy ngẫm. Các truyện ngắn của ông tựa như những sinh thể, có thể cựa mình và biến đổi mỗi bận bạn lật giở lại. Giải phóng các nhân vật thoát khỏi bánh xe tiền định là món quà lớn nhất mà một tác giả có thể trao tặng, và cũng là một trong những khả năng thiên phú hiếm hoi nhất. Sự giải thoát, khi nó tới, cần phải phù hợp với thực tế đau buồn trong câu chuyện - và, nói rộng ra, phải phù hợp với thực tế buồn đau của chính chúng ta. Cảm xúc đọng lại trong lòng độc giả sau khi đọc, có thể chất chứa sự cam chịu, buông bỏ nhưng không được chỉ có vậy; nó còn có thể hàm chứa cả niềm hy vọng, song không phải ở mức phủ nhận nỗi đau. William Trevor biết hết. Điểm nổi bật hơn nữa chính là cách ông truyền cái-biết của tác giả vào các truyện ngắn của mình: thế nên hình bóng của chính ông đối với nhân vật trong tác phẩm trở nên mờ nhạt tới mức không thể nhìn ra, để cho người đọc được chiêm ngưỡng một sản phẩm vô cùng giống cuộc đời. Với tập truyện ngắn này, W. Trevor xứng đáng là một người “Ailen trong từng huyết quản” như lời tự bạch của ông.

HOÀNG KHANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 511, tháng 9-2022

 

;