Lễ cúng trưởng thành là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk, và đã được tái hiện lại trong khuôn khổ Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I. Đây là một trong những nghi lễ tiêu biểu, độc đáo lâu đời, thể hiện sự kết nối giữa các bậc thần linh với gia đình, cộng đồng theo tín ngưỡng đa thần của đồng bào Ê Đê.
Người Ê Đê theo tín ngưỡng đa thần. Hệ thống thần linh theo quan niệm của người Ê Đê rất đa dạng và hiện hữu trong mọi sự vật, hiện tượng. Vì vậy, trong quá trình sinh sống và lao động sản xuất, người Ê Đê tiến hành các lễ nghi nông nghiệp như cầu mùa, cầu mưa… và nghi lễ vòng đời gồm có: lễ cúng đặt tên, lễ cúng thổi tai, lễ cúng trưởng thành, lễ hỏi chồng, lễ bắt chồng, lễ tiễn đưa, lễ bỏ mả...
Người Ê Đê luôn quan tâm tới sức khỏe và sự sống con người được biểu hiện ở một hệ thống gồm 7 lần hoặc 9 lần lễ cầu phúc, cầu sức khỏe cho cả đời người. Với quan niệm, mỗi con người có làm được đủ các lễ này mới thấy yên tâm và theo độ tuổi, lễ vật cúng cũng tăng dần lên. Con người muốn mạnh khỏe, yên ấm, thành đạt thì phải thực hiện các nghi lễ với thần linh để mong sự phù hộ của thần linh, trong đó Lễ cúng trưởng thành (tiếng Ê Đê gọi là Mpú Tôh-Kông) là một nghi lễ rất quan trọng trong đời người, để khẳng định từ thời điểm này người đàn ông Ê Đê được cộng đồng thừa nhận đã là người trưởng thành, có thể gánh vác các công việc nặng nhọc của gia đình, của buôn làng. Lễ tổ chức to hay nhỏ, thời gian làm lễ ở độ tuổi trưởng thành sớm hay muộn, cúng từ 1 lần hay 5 lần trong 5 ngày, lễ vật cúng là gà, heo hay trâu, 1 ché rượu hay nhiều ché rượu còn tùy thuộc vào điều kiện từng gia đình. Lễ Trưởng thành do cha mẹ, hoặc người thân tổ chức, với sự tham gia của dòng họ, buôn làng.
Các vật dụng và lễ vật chuẩn bị cho Lễ cúng Trưởng thành
Lễ cúng trưởng thành nói riêng cũng như các nghi lễ vòng đời của người Ê Đê thể hiện sự kết nối giữa gia đình và cộng đồng. Qua những nghi lễ này, các phong tục, tập quán xã hội được duy trì, các trang phục truyền thống được sử dụng một cách trân trọng, văn hóa cồng chiêng cũng được thực hành cùng với những điệu nhảy, điệu múa truyền thống, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của người Ê Đê nói chung và tại Đắk Lắk nói riêng.
Trong Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, Đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk đã tái hiện trích đoạn Lễ cúng Trưởng thành của chàng Y Quan để du khách hiểu thêm về tập tục văn hóa độc đáo lâu đời, thể hiện sự kết nối với các bậc thần linh cộng đồng theo tín ngưỡng của đồng bào Ê Đê.
Để tiến hành Lễ cúng Trưởng thành, dân tộc Ê Đê sẽ chuẩn bị các vật dụng: 1 bộ chiêng Čing K'nah, trống H’Gơr, khố áo nghệ nhân, áo, khăn quấn đầu thầy cúng, kiếm, khil, vòng đồng đeo tay, 10 khúc gỗ ngồi đánh chiêng, 4 chiếu lớn; 9 cái tô sứ, 1 nia hoặc mâm, 7 lá chuối (để bày lễ cúng và thức ăn…); 10 đến 7 đing kchốc (ống uống rượu làm bằng tre để hút rượu mời du khách và các cô gái đổ nước tạt chàng trai khi múa khil), 7 chiếc cần, 3 trái bầu, 3 cây nứa và dây buộc 3 ché rượu... lễ vật sẽ gồm: 7 ché rượu (từ nhỏ đến lớn), 1 đầu, 1 vai, 1 đuôi heo (còn sống), Khoai sọ, xôi, chuối, trái luộc.
Trước khi vào lễ cúng trưởng thành Người mẹ (Amí) và người bố (Ama) đưa người con trai đến nhờ thầy cúng làm lễ trưởng thành cho người con
Trước khi vào lễ cúng trưởng thành Người mẹ (Amí) và người bố (Ama) đưa người con trai đến nhờ thầy cúng làm lễ trưởng thành cho người con là Y Quan, nhờ thầy cúng giúp đỡ (sau khi thầy cúng đồng ý và tổ chức lễ cúng trưởng thành cho Y Quan), thầy cúng kiểm tra lễ vật và đổ nước vào 7 chóe rượu thật đầy rồi bắt đầu làm lễ tháo Kồng.
Tiếng chiêng Mpú được tấu (Bài chiêng cúng trưởng thành), thầy cúng đặt tay lên chóe rượu và khấn: Hỡi thần! Tôi gọi thần hướng Đông, Thần hướng Tây, Thần hướng Nam, thần hướng Bắc, Thần trời, Thần đất… Thằng Y Quan sáng hôm qua, ngày hôm kia ở chòi đã yên, về nhà được lành, biết làm ra lúa, nay đã lớn khôn. Trồng chuối chuối chín, trồng mía mía ngọt, trồng cây cà phê trĩu quả… người này nhờ thần giúp cho: sức bền như gang, dẻo như đồng, cứng như sắt. Sức mới, hơi thở mới con người luôn mạnh khỏe, bình an, đi đến đâu có người đón, người chào, cho cơm ăn, rượu uống, người trên coi như em, nguời dưới coi chàng là anh tốt…
Thầy cúng làm nghi thức tháo kồng cho người được cúng trưởng thành
Thầy cúng đặt tay lên chóe rượu và khấn
Sau khi khấn thần xong, thầy cúng mời mọi người cùng ăn các lễ vật đã được cúng: Người được mời ăn đầu tiên là người được cúng trưởng thành, tiếp đến là người mẹ sau đó là người bố và mọi người cùng dự lễ (mọi người theo thứ tự trên 7 lá chuối đã được bày sẵn). Truyền thống của người Ê Đê thường liên quan đến số 7, tương ứng với 7 vòng đời. Trong lễ cúng trưởng thành, được chuẩn bị 7 ché rượu, dây buộc 7 nút thắt. Thực phẩm của người Ê Đê gắn liền với các sản vật thiên nhiên gần gũi, gắn kết với thần linh. Thức ăn được bày trên lá chuối bao gồm: 7 phần thịt heo luộc, 7 tô rượu, 7 nắm xôi, 7 phần khoai sọ, 7 quả chuối luộc.
Sau khi mọi người ăn xong, thầy cúng thực hiện nghi lễ tháo dây trên cột tre, và tháo thịt heo cúng. Thầy cúng dùng vật sắc nhọn chọc ngang tai heo, để gửi vào đó tên một người thông minh, mạnh khỏe trong quá khứ, giúp chàng trai tiếp nhận để trở nên mạnh mẽ, thông minh như quá khứ người kia. Trên cột tre có 7 nút thắt, tượng trưng cho 7 lần cúng của chàng trai đến khi trưởng thành. Và lần cúng này là lần cúng cuối cùng, từ nay chàng trai đã thực sự trưởng thành.
Người được cúng và cha mẹ lần lượt ăn 7 lần các món
Trên cột tre có 7 nút thắt, tượng trưng cho 7 lần cúng của chàng trai đến khi trưởng thành
Thầy cúng thực hiện nghi lễ tháo dây trên cột tre, và tháo thịt heo cúng. Thầy cúng dùng vật sắc nhọn chọc ngang tai heo, để gửi vào đó tên một người thông minh, mạnh khỏe...
Thầy cúng làm phép để người được cúng trưởng thành múa Khil. Người con trai khi sinh ra được thắt cọng chỉ ở rốn, nên khi trưởng thành, thầy cúng lấy kim và chỉ để làm nghi thức, phất quanh đầu chàng trai để xóa đi cọng chỉ đó và đánh dấu là đã thực sự trưởng thành, không còn là trẻ con nữa. Sau đó, giữa tiếng chiêng đang được tấu, thay mặt thần linh, thầy cúng trao cho chàng trai Khil và kiếm để thực hiện nghi thức múa Khil. Thầy cúng nói: Hỡi buôn làng, hỡi trai gái, giờ đây Y Quan đã được cúng trưởng thành. Người xa, người gần, buôn xa, buôn gần cùng biết/ Từ nay con đã trưởng thành, hãy thể hiện là một chàng trai dũng mãnh, biết vung kiếm, rung Khil để chống đỡ, bảo vệ, thị uy những thế lực xấu làm hại buôn làng.
Thầy cúng làm phép để người được cúng trưởng thành múa Khil
Thầy cúng lấy kim và chỉ để làm nghi thức phất quanh đầu chàng trai
Thầy cúng làm nghi thức thổi 2 tai chàng trai để nghe rõ tiếng trời đất
Tiếp theo, thầy cúng làm nghi thức thổi 2 tai chàng trai để nghe rõ tiếng trời đất, tiếng gió giữa rừng, tiếng chim bay trên núi, giúp chàng trai ngày càng mạnh mẽ.
Sau khi Y Quan múa Khil 3 lần, tiếp đến nghi thức mời rượu. Trong nghi thức mời rượu, thầy cúng mời người được cúng trưởng thành uống trước, lần lượt uống qua 7 ché rượu, mỗi lần uống là một lần làm nghi thức trong từng ché rượu. Chàng trai trưởng thành uống rượu xong, đến lượt mẹ chàng trai và bố chàng trai được mời rượu.
Các cô gái thực hiện nghi thức chế nước vào chóe, thầy cúng lần lượt mới từng người trong lễ cúng, tiếp đến là mời khách tham gia uống rượu. Cùng với đó là tiếng chiêng mời rượu đã ngân, chóe rượu đã được châm đầy nước, nghi lễ cúng Lễ trưởng thành kết thúc.
Các cô gái thực hiện nghi thức chế nước vào chóe, thầy cúng lần lượt mới từng người trong lễ cúng và mời khách uống rượu
NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH