Là dự án thường niên được tổ chức bởi Asia Art Link, Hanoi Art Connecting gồm nhiều hoạt động như: thực hành nghệ thuật, hội thảo, triển lãm nghệ thuật quốc tế. Dự án hướng đến mục đích phát triển, mở rộng cơ hội và giao lưu hội nhập, kết nối nghệ thuật sáng tạo một cách chuyên nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình.
Nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam cùng sáng tác tại Hanoi Art Connecting 7
Lộ trình không quá dài, nhưng không ngừng bứt phá
Năm 2024, trở lại trong mùa thứ 7, Hanoi Art Connecting được tổ chức tại Trường Ðại học Mỹ thuật Công nghiệp, nhằm hướng tới kỷ niệm 75 năm thành lập trường. Sự kiện năm nay quy tụ hơn 130 nghệ sĩ, trong đó có 50 nghệ sĩ quốc tế đến từ 19 quốc gia như: Thái Lan, Malaysia, Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Ðức, Ý, Mexico, Mông Cổ, Nepal, Philippines, Myanmar, Indonesia, Bangladesh, Azerbaijan. Sự kết nối này được phát triển từ sự tương tác, giao thoa văn hóa, đan xen qua lại giữa các nghệ sĩ đến từ các trường đại học, tổ chức trong nước và quốc tế thông qua những hoạt động nghề nghiệp thực tiễn.
Nghệ sĩ Vũ Đình Tuấn làm mới mình với chất liệu cafe, một chất liệu phi truyền thống
Workshop nghệ thuật quốc tế diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 29/10 đến 3/11. Trong 1 tuần, các nghệ sĩ ở các lĩnh vực hội họa, đồ họa, điêu khắc cùng nhau sáng tác tại Trường Ðại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Công chúng yêu nghệ thuật có thể tới xem trực tiếp quá trình các nghệ sĩ làm việc. Ðồng thời, chuỗi sự kiện còn có những buổi tọa đàm, hội thảo khoa học quốc tế. Ðiểm nhấn là triển lãm các tác phẩm sáng tác trong workshop từ ngày 3/11 đến 30/11 tại Bảo tàng Hà Nội.
Tại lễ khai mạc workshop diễn ra vào ngày 29/10, họa sĩ Lương Xuân Ðoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu: 7 năm với Hanoi Art Connecting đã đi một lộ trình chưa phải quá dài, nhưng trưởng thành qua từng năm, sự kiện đã mở rộng không gian, mở rộng đường biên, để chào đón các nghệ sĩ quốc tế đến với Việt Nam. Ðiều này minh chứng, mỹ thuật Việt Nam không còn là ốc đảo giữa đại dương mỹ thuật đương đại thế giới. Ta đang được chứng kiến sự thay đổi hết sức quan trọng của bức tranh mỹ thuật đương đại Việt Nam, khi mà ngày càng có nhiều nghệ sĩ trẻ đang làm những điều mà các thế hệ đi trước chưa có điều kiện thực hiện.
Mỗi nghệ sĩ đem đến những màu sắc gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ
Hanoi Art Connecting đã mở ra một lộ trình đẹp đẽ cho sự kết nối giữa các nghệ sĩ Việt Nam và thế giới, cho nền mỹ thuật của một thế giới phẳng có tiếng nói chung, nhưng vẫn rất đa dạng. Sự kiện này cũng đã tiếp thêm một nguồn năng lượng mới, xúc cảm mới cho các nghệ sĩ, với sự hội tụ của những góc nhìn mới, cách thể hiện mới đầy sáng tạo. Họa sĩ Lương Xuân Ðoàn nhấn mạnh: Hanoi Art Connecting mùa 7 là một dấu ấn hết sức đẹp đẽ, bởi được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Trường Ðại học Mỹ thuật Công nghiệp (1949-2024).
Tranh của họa sĩ Nguyễn Việt Ninh
Tiếp tục giao lưu và quảng bá văn hóa bằng ngôn ngữ mỹ thuật
Với một tuần cho quá trình lên ý tưởng lẫn bắt tay vào sáng tác nghệ thuật, họa sĩ Lê Thế Anh, giảng viên Trường Ðại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội chia sẻ, bản thân đã quen với tiến độ như vậy rồi. “Không chỉ riêng tôi mà tất cả nghệ sĩ trong nước, quốc tế đều đã lên kế hoạch ý tưởng, kích thước tranh cũng như đề tài thực hiện để làm sao trong ngần ấy thời gian phải các bức vẽ đạt chất lượng”, anh chia sẻ. Họa sĩ Lê Thế Anh đánh giá rất cao về mục đích mà workshop hướng tới là tạo điều kiện để các nghệ sĩ giao lưu về văn hóa, về học thuật. “Rõ ràng ngoài lúc sáng tác, chúng tôi có dịp giao lưu, học tập với các nghệ sĩ, chúng tôi vẫn chụp ảnh kỷ niệm, đồng thời quan sát xem các nghệ sĩ thế giới đưa ra ý tưởng và thực hiện tác phẩm như thế nào. Có những nghệ sĩ khiến tôi cảm thấy rất kinh ngạc về mức độ hiệu quả mà họ làm và cách họ phối kết hợp các chất liệu. Có thể kể đến như việc họ có thể phối aclyric với bút dạ, thậm chí cả chì than… Cuối cùng họ vẫn tạo ra hiệu quả thị giác cho tác phẩm. Ðể rồi, tôi đúc rút ra rằng, hóa ra hiệu quả cuối cùng mới là quan trọng nhất. Còn chất liệu không phải là yếu tố mình phải chung thủy từ đầu đến cuối. Tranh sơn dầu không nhất thiết là phải đơn nhất sử dụng chất liệu sơn dầu, tranh acrylic phải tuyệt đối sử dụng acrylic. Qua đó, tôi học hỏi được rất nhiều”, anh bày tỏ. Qua chia sẻ của họa sĩ Lê Thế Anh cũng như qua những tác phẩm được tuyển chọn để trưng bày trong triển lãm tại Bảo tàng Hà Nội, Hanoi Art Connecting mùa thứ 7 không chỉ thể hiện sự giao thoa trong phong cách tạo hình, hoa văn, đường nét từ những nền văn hóa khác nhau, mà còn phản ánh sự giao thoa trong chất liệu trên cùng một bức họa - đại diện cho một quốc gia, một nền văn hóa chứa đựng sự đa dạng, phong phú.
Tranh của họa sĩ Đặng Hiệp
Ðồng quan điểm, họa sĩ Vũ Ðình Tuấn, giảng viên Trường Ðại học Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ, các mùa đã mở rộng thêm các lực lượng nghệ sĩ sáng tác. Các nghệ sĩ đến với sự kiện đều rất có bản lĩnh, luôn ứng biến, có sự thay đổi về chất liệu hay vẫn giữ nguyên chất liệu của họ, nhưng tạo hình luôn luôn mở rộng thoải mái, không bị gò ép bởi điều gì hết.
Trong chuỗi sự kiện năm nay, các họa sĩ được tham gia vào buổi thiền và thưởng thức cà phê. Nhờ đó, hương cà phê tác động tới khứu giác của họa sĩ Vũ Ðình Tuấn. Ðiều này thêm phần thôi thúc anh thực hiện một đề tài có liên quan tới văn hóa uống cà phê của người Việt Nam. Tham dự Hanoi Art Connecting năm nay, anh đã sáng tác 2 bức tranh mang tên Cà phê đen đá không đường. Họa sĩ Vũ Ðình Tuấn chia sẻ: “Tôi muốn sáng tác tác phẩm trừu tượng về những dấu vết, những mùi hương, tạo hình liên quan đến văn hóa thưởng thức cà phê. Ðiều đặc biệt nhất trong các mùa tôi tham gia, thay vì sử dựng màu acrylic, sơn dầu, chất liệu tổng hợp với những phong cách tạo hình quen thuộc như mọi năm, năm nay tôi sử dụng hoàn toàn cà phê vẽ trên toan chứ không vẽ các màu khác”. Cà phê được anh pha đặc, loãng với những sắc thái đậm, nhạt khác nhau. Anh chia sẻ thêm, trước đấy, anh có cảm hứng sáng tác với tinh thần tạo hình vốn rất quen thuộc trong đời sống tạo hình của mình. Nhưng sau khi bắt đầu vào buổi khai mạc, anh tự dưng nảy sinh sáng tác về cà phê, về thiền và từ đó dùng chất liệu cà phê để vẽ.
Tác phẩm của nghệ sĩ Sakurako Matsushima (Nhật Bản)
Hanoi Art Connecting cũng là dịp để các họa sĩ trong nước giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam bạn bè quốc tế. Sự kiện thường niên này thường được tổ chức vào tháng 10, thời điểm Hà Nội vào thu - mùa được nhiều người xem là đẹp nhất trong năm ở Thủ đô. Rung cảm trước không khí man mát, say mê trước cảnh sắc đất trời sang thu, họa sĩ Ðặng Hiệp, Trường Ðại học Kiến trúc Hà Nội đã thể hiện trong tác phẩm của mình một góc phố Hà Nội. Hà Nội trong tranh Ðặng Hiệp hiện lên với bầu không khí yên bình. Ðan xen vào đó là những tia nắng vàng chiếu xuyên qua tán lá, tô điểm thêm cho vẻ cổ kính của một ngôi nhà nhuốm màu thời gian. Tựa thể như một nốt lặng giữa phố phường tấp nập. Bạn bè quốc tế hẳn không lạ với một Thủ đô hội nhập, phồn thịnh, phát triển, nhưng chẳng phải ai cũng để tâm tới hình ảnh bình dị như thế này. Qua đó, họ sĩ Ðặng Hiệp mong muốn, bạn bè các nước trên thế giới khi đến đây cảm nhận được vẻ đẹp Việt Nam dưới nhiều góc độ thông qua nghệ thuật tạo hình.
Tranh của họa sĩ Công Quốc Hà
“Tôi nghĩ rằng những cuộc lội ngược dòng, thay đổi quan niệm thẩm mỹ, thay đổi cách nhìn như Hanoi Art Connecting đang tạo nên dấu ấn mới, lập một trang mới cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. Không có sự tham gia nhiệt tình của các nghệ sĩ thì cũng không có bức tranh toàn cảnh mỹ thuật mới mà hôm nay chúng ta chứng kiến. Những điều bí ẩn còn đang phía trước mà hôm nay chúng ta mới khởi đầu, khởi động cho một câu chuyện mới của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam trong hòa điệu đẹp đẽ nhất của các nghệ sĩ quốc tế có mặt tại Việt Nam”, họa sĩ Lương Xuân Ðoàn phát biểu.
Tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Lê Anh Vũ
Tranh của họa sĩ Vũ Đình Tuấn
ĐỨC DŨNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024