Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần thứ VII với khẩu hiệu “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh” do Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức mang ý nghĩa đặc biệt, là sự kiện văn hóa đặc sắc của điện ảnh Việt Nam, tiếp tục mở ra cơ hội hợp tác quốc tế và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Chợ Dự án phim là sự kiện ngày càng có sức hút với các nhà làm phim trẻ, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia nhằm xây dựng, triển khai các dự án phim chất lượng
Lần đầu tiên diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm- một trong những không gian văn hóa nghệ thuật hiện đại bậc nhất Thủ đô, lễ khai mạc và bế mạc LHP quốc tế Hà Nội lần VII (HANIFF VII) đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng công chúng. Là LHP quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam, HANIFF VII là sự kiện quan trọng đối với điện ảnh Việt Nam, tiếp tục mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, giúp các nhà làm phim Việt Nam gặp gỡ và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các đạo diễn, nhà sản xuất, nghệ sĩ điện ảnh quốc tế, đồng thời tiếp cận xu hướng và công nghệ làm phim tiên tiến, phục vụ việc sản xuất phim chất lượng cao. LHP cũng là dịp để những người làm nghề trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, hợp tác thông qua các hoạt động chuyên môn chất lượng cao.
LHP quốc tế Hà Nội lần VII mang ý nghĩa đặc biệt khi được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Tiếp quản Thủ đô, là sự kiện lịch sử quan trọng đối với nhân dân Việt Nam, là dịp để tôn vinh giá trị trường tồn của lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống và nét đẹp độc đáo của Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Lần đầu tiên LHP Quốc tế Hà Nội được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm một biểu tượng văn hóa mới của Thủ đô
Với 117 bộ phim được tuyển chọn vào các hạng mục phim dự thi, chương trình toàn cảnh điện ảnh thế giới, tiêu điểm điện ảnh Ðức, phim Việt Nam đương đại, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII thu hút sự tham gia của 51 nền điện ảnh các quốc gia và vùng lãnh thổ, với các thể loại phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình đa dạng về đề tài và phương pháp thể hiện, đưa tới cho khán giả những vấn đề của toàn cầu, những mảng đời sống xã hội đa dạng, cũng như vẻ đẹp, phong tục tập quán riêng của mỗi dân tộc trên thế giới.
Bên cạnh hoạt động chiếu phim, hội thảo tại LHP, chợ dự án góp phần phát triển tài năng trẻ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam. LHP cũng đồng thời là cơ hội để giới thiệu Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho các đoàn làm phim quốc tế với những bối cảnh quay độc đáo, đặc sắc.
Ðây cũng là dịp để công chúng yêu điện ảnh cùng nhìn lại những lát cắt của các kỳ LHP quốc tế Hà Nội đã được tổ chức từ năm 2010 đến nay. Trong đó, điện ảnh Việt Nam đã ghi được dấu ấn với nhiều tác phẩm đặc sắc. Tại LHP quốc tế Hà Nội lần này, Việt Nam đã lựa chọn bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình, tác phẩm mới ra rạp của đạo diễn Trịnh Ðình Lê Minh tham gia tranh giải ở hạng mục phim dài. Bộ phim đã được chọn chiếu khai mạc LHP.
Bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình chiếu khai mạc HANIFF VII
Ngoài ra, Chương trình phim Việt Nam đương đại còn giới thiệu 33 phim, với 21 phim truyện; 6 phim tài liệu và 6 phim hoạt hình. Khán giả có cơ hội thưởng thức những tác phẩm chưa có cơ hội ra rạp như Bà già đi bụi; Bên trong vỏ kén vàng; Vầng trăng thơ ấu…Nhiều tác phẩm từng tạo “cơn sốt” phòng vé, đạt các giải thưởng cao tại các LHP lớn như LHP Việt Nam lần thứ 23, Giải thưởng Cánh diều 2024, LHP quốc tế châu Á- Ðà Nẵng cũng tham dự Chương trình như Ðào, phở và piano; Gặp lại chị bầu; Nhà bà Nữ; Quỷ cẩu; Siêu lừa gặp siêu lầy…
Trong “bữa tiệc” phim đa dạng sắc màu, khán giả HANIFF VII còn được thưởng thức các nền điện ảnh danh tiếng trên thế giới, điểm nhấn là Chương trình phim tiêu điểm điện ảnh Ðức. Ðiểm khác biệt của HANIFF VII là Chương trình Phim Việt Nam chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, với những tác phẩm điện ảnh xuất sắc về Hà Nội…
HANIFF VII cũng diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, ấn tượng như lễ khai mạc, bế mạc và trao giải thưởng, hai tọa đàm “Tiêu điểm điện ảnh Ðức”, “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học”.
Chuỗi hoạt động như chợ dự án phim, chiếu phim ngoài trời… đã tạo thêm những sắc màu phong phú, mới lạ cho bữa tiệc nghệ thuật năm nay. Trog đó, Chợ Dự án phim là sự kiện ngày càng có sức hút với các nhà làm phim trẻ, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia nhằm xây dựng, triển khai các dự án phim chất lượng. Năm nay, có 8 dự án tham gia vòng thuyết trình, gồm 4 dự án của Việt Nam, 4 dự án quốc tế đến từ các nền điện ảnh quốc tế.
Diễn viên Ngọc Xuân nhận giải Diễn viên trẻ triển vọng
Triển lãm “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh” đã giới thiệu hình ảnh các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận, gồm các Di sản văn hóa vật thể, Di sản văn hóa phi vật thể, Di sản tư liệu, Khu dự trữ sinh quyển thế giới… Hằng trăm hình ảnh tại triển lãm không chỉ là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam mà còn là dịp để tôn vinh những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Ðiện ảnh Việt Nam. Những hình ảnh trưng bày không chỉ phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng mà còn góp phần nâng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy ngành Du lịch Việt Nam và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội. Ðồng thời, quảng bá du lịch Việt Nam, điện ảnh Việt Nam nhằm thu hút các nhà đầu tư, sản xuất phim thế giới đến với Việt Nam, góp phần mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam với thế giới, hội nhập thị trường điện ảnh quốc tế.
Ðặc biệt, các buổi giao lưu giữa đoàn làm phim với khán giả trước hoặc sau chiếu phim tại các rạp đã tạo được không khí sôi nổi, đa sắc màu, thu hút đông đảo công chúng khán giả Hà Nội và du khách quốc tế, góp phần vào việc giao lưu, học hỏi giữa các nhà làm phim của Việt Nam và quốc tế. Tự tin khẳng định thương hiệu sau 6 kỳ tổ chức, HANIFF VII đã giúp công chúng yêu điện ảnh đã được đắm mình trong không gian văn hóa đặc sắc, thấm đẫm các giá trị văn hóa, di sản truyền thống của dân tộc.
Có thể thấy, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội không chỉ là sự kiện văn hóa đặc sắc mà còn góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, giúp điện ảnh Việt khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới và ghi dấu ấn trong hội nhập quốc tế.
Giải thưởng LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VII
●Giải Phim dài xuất sắc nhất: phim Hard Shell (Vỏ bọc) - Iran.
●Giải Phim ngắn xuất sắc nhất: phim A Bird Flew (Khi chú chim cất cánh) - Colombia.
●Giải Ðạo diễn phim dài xuất sắc nhất: đạo diễn Majid-Reza Mostafavi - bộ phim Hard Shell (Vỏ bọc) của Iran.
●Giải Diễn viên nam chính phim dài xuất sắc nhất: diễn viên Payman Maadi - bộ phim Hard Shell (Vỏ bọc) của Iran.
●Giải Diễn viên nữ chính phim dài xuất sắc nhất: diễn viên Tiina Tauraite, phim 8 Views of Lake Biwa (Tám cảnh hồ Biwa) - Estonia.
●Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim dài: phim 8 Views of Lake Biwa (Tám cảnh hồ Biwa) - Estonia.
●Giải Ðạo diễn phim ngắn xuất sắc nhất: đạo diễn Nasim Forough, phim Typesetter (Thợ xếp chữ) - Iran.
●Giải Diễn viên trẻ triển vọng (từ 18 đến 35 tuổi): diễn viên Ngọc Xuân, phim Ngày xưa có một chuyện tình (Once Upon a Love story) - Việt Nam.
●Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim ngắn: phim The Rubber Tappers (Những người gỡ mủ cao su) - Campuchia.
●Giải Mạng lưới các Ủy ban điện ảnh châu Á (AFCNet) cho phim dài: phim Liar (Kẻ nói dối) - Liên bang Nga.
●UBND thành phố Hà Nội đã tặng 4 Bằng khen cho các đạo diễn, biên kịch các bộ phim về Hà Nội, có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, tham gia và hưởng ứng LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII, gồm: NSND Việt Hương (Lê Thị Bằng Hương); đạo diễn phim Ngàn năm sênh phách (Hãng phim Sao Khuê); NSƯT Phi Tiến Sơn, đạo diễn phim Ðào, phở và piano (Công ty Cổ phần Phim truyện I sản xuất); NSƯT Nguyễn Ðức Việt, đạo diễn phim Hồng Hà nữ sĩ (Công ty Truyền thông Nam Phương); bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, biên kịch phim Hồng Hà nữ sĩ (Công ty Truyền thông Nam Phương).
●Ban Tổ chức đã trao giải Phim Việt Nam được khán giả yêu thích trong “Chương trình Phim Việt Nam đương đại” tại LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII cho bộ phim Our Blossom (Hoa táo nở) - phim hợp tác giữa Việt Nam, Hungary.
●Giải Nhất hạng mục Chợ dự án phim được trao cho Dự án Red lights blue angels của đạo diễn Afsana Mimi (Băng-la-đét); Giải của Ban Giám khảo Chợ Dự án phim được trao cho Dự án Rahma của đạo diễn Faysal Soysal (Thổ Nhĩ Kỳ).
DIÊN VỸ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024