Cần Thơ, xứ “Gạo trắng nước trong” hay Cần Thơ “Đô thị miền sông nước” từ lâu đã nổi danh bởi nét văn hóa riêng biệt kết hợp giữa tính bản địa và sự hiện đại du nhập từ phương Tây.
Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ
Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái bạt ngàn, đồng ruộng mênh mông, Cần Thơ còn là điểm nối giao thông của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Do đặc điểm địa lý, ngay từ những thế kỷ trước Cần Thơ đã khá phát triển so với khu vực xung quanh. Về kiến trúc, Cần Thơ nổi tiếng với những công trình mới xây gần đây như cầu Mỹ Thuận 1 và 2. Cầu đi bộ Cần Thơ nối giữa bến Ninh Kiều với cồn Cái Khế. Không gian đền thờ Vua Hùng, Bảo tàng Cần Thơ…
Xa hơn, Cần Thơ được nhắc đến với các địa danh như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, chùa Munir Ansay, nhà cổ Bình Thuỷ… Trong đó là sự pha trộn giữa kiến trúc bản địa mang nét bản sắc của Nam Bộ với khu vực và thế giới. Nếu chùa Munir Ansay, chùa Khmer Dôthi Somrôn mang nét kiến trúc Chăm Pa từ nền văn hóa rực rỡ của Ăngcovat trong dáng chùa, vòm mái, vật liệu… thì nhà cổ Bình Thuỷ lại là sự kết hợp tuyệt vời giữa quan niệm, kiến trúc Á Ðông với sự kỹ lưỡng, cầu kỳ của Phương Tây. Ðến với Cần Thơ, có khá nhiều địa danh để du khách khám phá, trong đó sự khác biệt về kiến trúc, sự pha trộn về văn hóa khiến mảnh đất này luôn có sức cuốn hút riêng.
Chính sự phong phú, pha trộn giữa các nền văn hóa địa phương, khu vực và thế giới do đặc điểm địa lý của Cần Thơ mà để hiểu về mảnh đất này cần rất nhiều thời gian, sự nghiên cứu. Ðiều đó đặt cho ngành Văn hóa tại địa phương yêu cầu sưu tầm, hiệu đính các kiến thức về đình, chùa từ ý tưởng, niên đại, kiến trúc, vật liệu… đến các danh lam, thắng cảnh, nhà cổ khác của Cần Thơ trong việc giới thiệu, hướng dẫn tại các di tích, điểm tham quan. Là thủ phủ của miền Tây, mỗi giai đoạn Cần Thơ đều được xác định vị trí quan trọng dẫn đến những công trình mang tầm khu vực như Nhà thờ Chính toà Cần Thơ, Trường đại học Cần Thơ bên cạnh những công trình mang tính tín ngưỡng, tôn giáo như tháp Quang Ðức, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Munir Ansay, chùa Khmer Dôthi Somrôn, đình Bình Thủy…
Bông Điên Điển - một đặc sản của Cần Thơ
Không chỉ đặc sắc về kiến trúc, cảnh quan Cần Thơ cũng đặc biệt khi được bao quanh bởi nhiều con sông như sông Cần Thơ, sông Cửu Long, sông Tiền Giang, sông Hậu Giang… với hệ thống kênh rạch chằng chịt nối giữa các khu vực, các cồn. Với hệ thống sông và kênh rạch giăng mắc, việc đi lại trên sông được ví như hệ thống lưu thông thứ hai bên cạnh hệ thống đường bộ. Chính địa thế sông nước này đã mang đến cho Cần Thơ một địa danh nổi tiếng đã đi vào thơ ca, nhạc họa, phim ảnh. Ðó là chợ nổi Cái Răng - một địa danh đã được Nhà nước đư vào Danh mục “Di sản Văn hóa phi vật thể” vào năm 2016.
Không chỉ đa dạng về đi lại, ẩm thực Cần Thơ cũng nức tiếng với các loại hoa quả theo mùa, bánh trái đặc sắc như bánh hỏi mặt võng Phong Ðiền, bánh Tét lá cẩm, bánh xèo củ hủ dừa, bánh tầm bì, bánh cống… Lợi thế về sông nước nên nói đến đặc sản Cần Thơ không thể thiếu các món ăn được chế biến từ các loại cá như cá lóc, cá Linh với các món cá kho tộ, lẩu mắm, lẩu cá Linh bông Ðiên Ðiển… Trong đó, bông Ðiên Ðiển như một loài hoa đặc trưng của miền Tây gắn bó với đời sống, ẩm thực, cảnh sắc...
Ngoài đường bộ thì hình ảnh những chiếc xuồng ngược xuôi từ lâu đã trở thành một điểm đặc biệt, nét văn hóa trong đời sống, kinh tế, tôn giáo của vùng sông nước Cần Thơ. Ðến với Cần Thơ hôm nay, ngoài cảnh quan sông nước, du khách còn thích thú với những vườn trái trĩu quả, những mô hình nông trại phục dựng lối sống, sinh hoạt, văn hóa Cần Thơ hay các quang cảnh thiên nhiên như rừng Tràm Trà Sư, Vườn Ca Cao Mười Cương… Ðặc biệt, HTX du lịch nông nghiệp Cồn Sơn với sự tham gia của hơn bốn chục hộ nông dân đã làm nên một mô hình du lịch đặc biệt gắn với sản vật, văn hóa địa phương và mang tới nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
Một góc chợ nổi Cái Răng
Có thể nói, mỗi nét phong cảnh, kiến trúc, ẩm thực đều làm nên văn hóa của Cần Thơ và nhiều trong số đó đã trở thành di sản, nét đặc trưng riêng có của vùng đất này. Nét đẹp của Cần Thơ từ phong cảnh, con người, văn hóa… đã đi vào thơ, ca, nhạc, hoạ và cả phim ảnh trong và ngoài nước.
Từ di sản vào phim
Nếu như chiếc áo bà ba, khăn rằn, nón lá như một chỉ dấu thân quen của các bà, các mẹ miền Nam thì ở Cần Thơ, áo bà ba còn gắn với địa danh, với lịch sử. Về Cần Thơ, đi đâu cũng nghe những câu ca như: Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba/Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm/Qua bến Bắc Cần Thơ. Hay những câu như: Nhớ kỷ niệm xưa nông xuồng đêm trăng tỏ/Em gái Ninh Kiều tóc dài chấm lưng thon/Ðất nước mình đây dẫu xuồng ghe bé bỏng/Mà không thôi nhớ thương nên đầy vơi.
Nhà cổ Bình Thuỷ đẹp nức tiếng với kiến trúc đặc sắc
Lời bài hát gắn với nhiều địa danh tại Cần Thơ như bến Bắc Cần Thơ, Ninh Kiều…Từ những câu hò mơn man trên sông nước, hình ảnh những người dân mưu sinh trên dòng sông hình thành nên các chợ nổi buôn bán tấp nập. Các nhiếp ảnh gia cũng tìm thấy nhiều vẻ đẹp lao động trên sông nước như thu hoạch hoa súng, giăng lưới, hái bông Ðiên Ðiển…
Hiện Cần Thơ có 5 di sản được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia gồm: Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy, Hò Cần Thơ, Hát ru của người Việt ở Cần Thơ và Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng. Cùng với 20 tỉnh, thành phía Nam Cần Thơ đang gìn giữ và thực hành nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam bộ, đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ðặc biệt, sông nước, cảnh vật và kiến trúc Cần Thơ còn nổi danh khắp trong và ngoài nước qua bộ phim Người tình của đạo diễn người Pháp Jean - Jacques Annand. Hình ảnh đôi tình nhân (do Lương Gia Huy và cô đào Jane March thủ vai chính) gặp nhau trên chuyến tầu ngược xuôi miền Tây từ lâu đã gợi nhiều ấn tượng khó quên về vùng đất này. Qua tiểu thuyết và bộ phim Người tình (L’Amant), khung cảnh nên thơ của vùng sông nước nhiệt đới Việt Nam với cảnh đồng quê mộc mạc miền Tây hay những cánh đồng bạt ngàn bên dòng Cửu Long gợi trí tò mò của công chúng. Hình ảnh chiếc thuyền và những buổi chiều hoàng hôn trải dài trên sông thật sự ấn tượng. Ngoài cảnh quan trên sông nước, ngôi nhà cổ Bình Thuỷ cũng đi vào phim như một nét chấm phá đặc sắc về bối cảnh, không gian sinh sống của nhân vật. Ðây là ngôi nhà kết hợp giữa văn hóa Nam Bộ với kiến trúc Phương Tây. Tháng 3 năm 2009, ngôi nhà đã được Bộ VHTTDL công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Phim Người tình với nhiều cảnh quay đẹp tại miền Tây sông nước
Nhiều bộ phim về chiến tranh, tâm lý tình cảm cũng khai thác bối cảnh nơi đây với hình ảnh xuồng ghe tấp nập che giấu cán bộ, vận chuyển khí tài, đưa đón đoàn quân trong các bộ phim như Chân trời nơi ấy, Những nẻo đường phù sa… Hình ảnh những đoàn quân thoắt ẩn, thoắt hiện trên những chiếc xuồng len lỏi trên kênh rạch hay những toán quân trú ven các đám lau, sậy để chờ hiệu lệnh đã khá quen thuộc trong các phim về đề tài chiến tranh. Xứ đồng ruộng bát ngát với kiến trúc độc đáo của nhiều ngôi nhà cổ trong đó có ngôi nhà cổ Bình Thuỷ nức tiếng cũng trở thành bối cảnh trong một số phim tình cảm, thể hiện sự cách biệt sang giầu của các điền chủ với tầng lớp lao động thời xưa. Một số bộ phim đã khai thác rất tốt các bối cảnh đối lập tại Cần Thơ trong nhiều bộ phim tâm lý xã hội như Người đẹp Tây Ðô, Nợ đời, Con nhà nghèo…
Những nét khác biệt, đối lập, pha trộn giữa cổ và kim, đông và Tây đã làm nên một Cần Thơ - thủ phủ miền Tây - đầy cuốn hút. Và sự quyến rũ vẫn đang được bồi đắp hằng ngày bởi những người dân Cần Thơ hôm nay khi muốn xây dựng nơi đây trở thành một điểm nhấn về văn hóa, du lịch của vùng Tây Nam Bộ.
NGUYÊN AN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024