Xây dựng môi trường văn hóa tại Phần Lan, Hàn Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam

Môi trường văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ những giá trị văn hóa vật chất và phi vật chất tồn tại xung quanh doanh nghiệp, chi phối các hoạt động của mỗi cá nhân và tập thể doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên thế giới từ lâu đã coi việc xây dựng một môi trường văn hóa doanh nghiệp tích cực là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của mình. Xây dựng môi trường văn hóa không chỉ giúp tạo sự gắn kết trong các mối quan hệ, giúp thu hút và giữ chân nhân tài, mà còn tạo ra danh tiếng, tạo ra nhiều giá trị kinh tế và sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Bài viết trình bày một số kinh nghiệm xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp tại Phần Lan, Hàn Quốc và đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam.

1. Một số nét chính trong văn hóa doanh nghiệp Phần Lan và Hàn Quốc

Là hai quốc gia nằm ở hai châu lục với hai nền văn hóa hoàn toàn khác biệt, văn hóa doanh nghiệp của Phần Lan và Hàn Quốc cũng mang những nét đặc trưng riêng. Tại Phần Lan, nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ và người dân trong việc xây dựng và thúc đẩy một nền văn hóa quốc gia đề cao sự đa dạng, hài hòa, bình đẳng, sáng tạo, và các giá trị nhân văn mang tính phổ quát, là cơ sở hình thành nên những đặc trưng trong văn hóa kinh doanh của Phần Lan, đó là: coi trọng sự độc lập và sáng kiến trong công việc; coi trọng sự đổi mới và thích ứng tốt với sự thay đổi; đề cao sự đa dạng và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người; đề cao sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống; đề cao sự tín nhiệm, lòng tin và tuân thủ kế hoạch; cơ cấu tổ chức không phân cấp; phong cách giao tiếp trực tiếp, nghĩa là luôn thẳng thắn và trung thực (1).

Hàn Quốc là một quốc gia không được thiên nhiên ưu đãi, lại chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, nhưng quyết tâm mạnh mẽ hướng đến một mục tiêu cao cả nhất là thoát nghèo và vươn lên của Chính phủ và người dân, cộng với những ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, đã tạo nên văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc rất điển hình. Đó là: cấu trúc thứ bậc rõ ràng; nhấn mạnh tầm quan trọng của gibun (tâm trạng, cảm xúc), điều này thể hiện ở thái độ tế nhị, kín kẽ, ít thể hiện quan điểm cá nhân, chủ yếu là phục tùng làm tròn bổn phận; tính tập thể cao, các cá nhân thường phải hy sinh cái tôi để hòa mình vào tập thể; tính ổn định cao, xu hướng nhân viên mong muốn gắn bó lâu dài với công ty, tránh sự bấp bênh hoặc thay đổi; tính nhiệt huyết; tính trung thực (2).

2. Kinh nghiệm xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp tại Phần Lan và Hàn Quốc

Mặc dù, có những đặc trưng khác biệt trong văn hóa doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp Phần Lan hay Hàn Quốc đều thành công theo những cách riêng của mình. Cách thức mà họ xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp trở thành những mô hình được tham khảo và học hỏi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Những cách thức này tập trung chủ yếu vào những nhóm nội dung chính sau:

Xây dựng văn phòng làm việc sáng tạo

Một trong những tạo tác dễ thấy nhất của văn hóa doanh nghiệp là môi trường vật chất của văn phòng làm việc, bao gồm kiến trúc tổng thể và thiết kế bên trong văn phòng. Hiện nay, các doanh nghiệp trên toàn cầu đang hưởng ứng một xu hướng xây dựng văn phòng làm việc mới, đó là văn phòng sáng tạo (hay văn phòng thông minh).

Các doanh nghiệp Phần Lan là những người dẫn đầu xu hướng này trên thế giới. Trong những năm gần đây, kiến ​​trúc Phần Lan đã thu hút được sự chú ý và thiết lập các xu hướng xây dựng mới trên thế giới. Các đường nét tối giản và thẩm mỹ đặc trưng trong kiến ​​trúc Phần Lan đương đại có mặt khắp nơi trong các tòa nhà công cộng và các văn phòng làm việc. Không những chú ý vào thẩm mỹ, các ý tưởng như xây dựng tiết kiệm tài nguyên, vật liệu thân thiện với môi trường, và vận hành thân thiện với khí hậu… ngày càng đạt đến độ phát triển cao. Phần Lan nổi tiếng với những văn phòng được thiết kế để trở thành nơi làm việc phục hồi, nơi thiên nhiên đan xen vào các không gian làm việc linh hoạt và đầy sáng tạo.

Tại Hàn Quốc, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, ý tưởng về việc xây dựng những môi trường làm việc thân thiện với nhân viên ngày càng được đề cao. Một ví dụ điển hình là văn phòng mới được nâng cấp gần đây của Microsoft Hàn Quốc đã nhận được rất nhiều sự chú ý của dư luận về thiết kế và môi trường “văn phòng thông minh”. Công ty đã cải tiến môi trường làm việc thành “nơi làm việc theo phong cách tự do”, nơi nhân viên có thể làm việc theo phong cách ưa thích, tại các vị trí ưa thích. Diện tích bàn làm việc được giảm đi đáng kể, thay vào đó là những không gian tập trung hơn vào nhóm nhằm khuyến khích sự cân bằng giữa công việc cá nhân và hợp tác nhóm. Theo khảo sát của Microsoft Hàn Quốc, “văn phòng mới đã tăng năng suất lên tới 30% và nâng sự hài lòng của nhân viên lên 90%” (3).

Trụ sở mới của Tập đoàn Tài chính Hana ở Cheongna - Hàn Quốc được thiết kế trong thời kỳ đại dịch COVID-19, chủ yếu dựa trên triết lý nâng cao phúc lợi cho cộng đồng, vào sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhân viên. Thay vì một tòa nhà được bao bọc hoàn toàn với các tầng chỉ có thể lên được bằng thang máy, trụ sở mới tạo cảm giác như đang trải nghiệm trong một công viên khổng lồ. Các đường dốc trong nhà và ngoài trời nối dài từ dưới lên đến đỉnh của tòa nhà Hana Bank có thể được sử dụng cho các cuộc họp đi bộ, hoặc tập thể dục giữa thiên nhiên và không khí trong lành. Hana Bank gọi trụ sở mới của mình là “Mindmark” để ghi nhận công việc sáng tạo đang diễn ra bên trong (4).

Nhìn chung, xu hướng đầu tư vào các không gian làm việc có thể mang lại hạnh phúc cho nhân viên đang được triển khai rộng rãi không chỉ ở Phần Lan và Hàn Quốc mà tại nhiều nơi trên thế giới. Các doanh nghiệp hiện nay đều nhận thức rõ rằng, cải thiện môi trường làm việc theo cách tăng cường sự gắn bó và hạnh phúc của nhân viên là một trong những lợi thế để thu hút và giữ chân nhân tài.

Xây dựng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp

Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là tập hợp những nguyên tắc chung, lý tưởng mà những con người trong tổ chức muốn hướng đến. Những yếu tố này được tạo ra trong một khoảng thời gian đủ lâu để nó hình thành nên tính cách của doanh nghiệp. Xây dựng giá trị cốt lõi rất được các doanh nghiệp Phần Lan và Hàn Quốc chú trọng, là một nhân tố không thể thiếu trong mỗi doanh nghiệp.

Giá trị cốt lõi của một số tập đoàn lớn ở Hàn Quốc như: Samsung: con người, sự xuất sắc, sự thay đổi, chính trực, đồng thịnh vượng; Hyundai: khách hàng, thách thức, hợp tác, con người, tính toàn cầu; Cheil Jadang: tài năng, chia sẻ tăng trưởng, Onlyonce (dẫn đầu, tốt nhất, khác biệt); Lotte: thách thức, tôn trọng, độc đáo; Hanwuha: thách thức, tận tâm, chính trực; Daewoo: tin cậy, chính trực, làm việc nhóm, tạo giá trị.

Có thể thấy, những giá trị cơ bản mà các doanh nghiệp Hàn Quốc theo đuổi thể hiện rõ nét văn hóa kinh doanh truyền thống của họ. Các giá trị như sự tận tâm, chính trực, sẵn sàng đối diện với những thách thức để đạt hiệu quả là những giá trị mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tinh thần nhất quán của họ là luôn đặt mục tiêu phát triển và mở rộng hơn nữa doanh nghiệp của mình. Các cá nhân luôn phải đặt lợi ích và sự phát triển của doanh nghiệp lên hàng đầu.

 Giá trị cốt lõi của một số doanh nghiệp ở Phần Lan như: Nokia: tôn trọng, thành tựu, đổi mới và thách thức; PwC: tính toàn vẹn, sự khác biệt (đa dạng), quan tâm, hợp tác, thách thức; TEKNOS: sáng tạo, bền bỉ, và công bằng; Futurice: tin tưởng, quan tâm, minh bạch và cải tiến liên tục; Safety Reflector of Finland: đổi mới, chuyên nghiệp, tinh thần đồng đội, phát triển bền vững và có trách nhiệm.

Một điều dễ nhận thấy nhất trong văn hóa kinh doanh của Phần Lan là các giá trị về lợi nhuận không được đề cao. Trong một nghiên cứu về các công ty gia đình lâu đời của Phần Lan, các giá trị được lựa chọn hàng đầu là trung thực, đáng tin cậy, tuân thủ pháp luật và chăm chỉ. Các giá trị như: mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho chủ, hay được xã hội ghi nhận, đều đạt điểm thấp đáng kinh ngạc (5).

Nhìn chung, giá trị cốt lõi của các doanh nghiệp Phần Lan chủ yếu tập trung vào sự sáng tạo, đổi mới, bình đẳng, đa dạng và có trách nhiệm. Tại PwC, đa dạng và hòa nhập là một chủ đề tâm đắc đối với công ty này đến nỗi họ thành lập cả Hội đồng đa dạng và hòa nhập toàn cầu, với nhiệm vụ là đảm bảo tất cả các văn phòng trên toàn thế giới của PwC luôn sống theo các tiêu chuẩn đa dạng và hòa nhập. Các doanh nghiệp lớn ở Phần Lan đều áp dụng các chỉ số đo lường về văn hóa của các tổ chức quốc tế hoặc các bộ chỉ số đo lường của chính họ một cách công khai và minh bạch.

Một số doanh nghiệp lớn ở Phần Lan có các phòng ban chuyên trách văn hóa doanh nghiệp. Cơ cấu và cách thức hoạt động của những phòng ban này có thể tham khảo từ một số công ty của Phần Lan như Nokia hay Futurice. Theo một điều tra, tầm nhìn và giá trị của Nokia tạo động lực cho 67% nhân viên của họ, 15% nhân viên nói rằng, lý do chính họ ở lại Nokia là vì giá trị của công ty. Khi được hỏi bộ giá trị nào sau đây có ý nghĩa nhất đối với bạn, câu trả lời là: minh bạch và liêm chính ( 33%), làm việc theo nhóm (17%), đổi mới (17%), vui vẻ và đam mê (33%), đa dạng (0%) (6).

Xây dựng bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp

Bộ quy tắc ứng xử của một doanh nghiệp là tập hợp các nguyên tắc ứng xử mà doanh nghiệp cam kết và yêu cầu nhân viên của mình tuân theo. Thường thì các quy tắc ứng xử hay quy tắc đạo đức quy định cách ứng xử với: nhân viên, chủ sở hữu, khách hàng, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh, cộng đồng.

Tại Phần Lan, các bộ quy tắc ứng xử này không bắt buộc phải theo những tiêu chuẩn nhất định, nhưng hầu như đều tuân thủ Quy tắc ứng xử Amfori BSCI (là văn bản cam kết dành cho các thành viên của Amfori và đối tác kinh doanh của họ về nhân quyền và bảo vệ môi trường trong chuỗi cung ứng toàn cầu, phù hợp với các nguyên tắc được quốc tế công nhận) (7).

Các doanh nghiệp, tùy vào lĩnh vực kinh doanh, tùy vào mục tiêu, tầm nhìn và chiến lược kinh doanh của mình mà xây dựng một bộ quy tắc ứng xử phù hợp và hiệu quả. Chẳng hạn, bộ quy tắc ứng xử của Kesko Corporation - tập đoàn bán lẻ hàng đầu Phần Lan, ngoài những nguyên tắc phổ biến như tuân thủ pháp luật hoặc bảo vệ môi trường, họ còn chú trọng vào những nguyên tắc như: tuân thủ các chính sách của Kesko về lòng hiếu khách và quà tặng; tránh xung đột lợi ích giữa các nhân viên và với khách hàng; giao tiếp minh bạch và bảo vệ thương hiệu Kesko (8).

Một tập đoàn với nhiều đối tác tại nhiều quốc gia trên thế giới là Nokia còn có bộ quy tắc dành riêng cho bên thứ ba để giải quyết các mối quan hệ với họ. Ngoài ra, Nokia còn có quy tắc liên quan đến cạnh tranh công bằng, bảo mật dữ liệu và sử dụng thương hiệu cũng như hình ảnh của Nokia trên toàn cầu (9).

Tại Hàn Quốc, các bộ quy tắc ứng xử được các doanh nghiệp Hàn Quốc rất chú trọng, chúng thường được xây dựng rất bao quát và tỉ mỉ như một cách để nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong một số doanh nghiệp, bên cạnh những quy tắc được tuân thủ nghiêm ngặt, với những cơ chế thưởng phạt rất khắt khe, nhiều quy tắc chỉ được đặt ra như là những quy tắc trang trí cho hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp. Một ví dụ về bộ quy tắc ứng xử khá điển hình của doanh nghiệp Hàn Quốc là của Công ty CJ Cheiljedang - một công ty thực phẩm và sinh học toàn cầu của Hàn Quốc, bên cạnh những quy tắc ứng xử với khách hàng, cổ đông và nhà đầu từ, đối tác, CJ còn có cả quy tắc ứng xử với cộng đồng toàn cầu. Điểm nổi bật trong quy tắc ứng xử này là những quy định ứng xử giữa doanh nghiệp với các nhân viên như: nuôi dưỡng một môi trường mà nhân viên có thể làm việc với niềm tự hào và vui vẻ; thúc đẩy một môi trường làm việc lành mạnh và an toàn; thực hiện công việc của mình một cách trung thực, đúng pháp luật và nỗ lực hết mình; cố gắng tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và tôn trọng đồng nghiệp (10).

Nhìn chung, một bộ quy tắc ứng xử được xây dựng tốt ở Phần Lan và Hàn Quốc thường thể hiện rõ sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, hay nói cách khác, đều mang bản sắc văn hóa của doanh nghiệp. Những quy tắc ứng xử này giúp doanh nghiệp định hướng, quản lý các hành vi cá nhân bằng các quy chuẩn đạo đức, các giá trị văn hóa và các chế tài khen thưởng hay xử phạt.

Xây dựng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Tại Phần Lan, trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp là những quy định bắt buộc phải tuân thủ. CSR ở Phần Lan được hiểu là: “những cam kết của doanh nghiệp với việc cư xử có đạo đức, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ cũng như cộng đồng địa phương và xã hội nói chung” (11).

Nhiều nghiên cứu phân tích mối liên hệ giữa văn hóa Phần Lan và CSR đã chỉ ra rằng, hầu hết các nguyên tắc CSR thường được coi là đương nhiên vì đó là một tư duy hiển nhiên của người Phần Lan, bởi những lý do: Thứ nhất, Phần Lan có văn hóa tuân thủ mạnh mẽ pháp luật và quy định. Họ được biết đến là đất nước của những con người đặc trưng bởi “sự nghiêm khắc và một lối sống có cấu trúc”. Do đó, việc thực hiện CSR trong kinh doanh được thúc đẩy tích cực nhờ văn hóa tuân thủ mạnh mẽ này; Thứ hai, Những giá trị chính trong văn hóa doanh nghiệp Phần Lan như kỷ luật, trung thực, chính trực, chuyên nghiệp … “phản ánh những phẩm chất CSR một cách trực tiếp hoặc gián tiếp (…), chúng vốn đã được định sẵn trong tâm trí hầu hết người Phần Lan trong lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là các nhà quản lý. Do đó, với những công ty này, việc hiểu và truyền đạt tư duy CSR khá dễ dàng”; Thứ ba, Phần Lan có văn hóa quản trị tốt và không khoan dung với tham nhũng (12).

Không chỉ có trách nhiệm với các vấn đề luật pháp, đạo đức, môi trường, các doanh nghiệp ở Phần Lan còn phải cam kết những trách nhiệm về bình đẳng, chăm sóc sức khỏe, thời gian làm việc, phúc lợi xã hội, các hoạt động xã hội, hoạt động văn hóa…, những thứ mang lại cảm giác an toàn và hạnh phúc cho người dân. Những điều này dần trở thành một thông lệ, một phần văn hóa của mỗi công ty, trở thành những giá trị và những chuẩn mực hành vi của doanh nghiệp.

Tại Hàn Quốc, Chính phủ đã thiết lập nhiều đạo luật khác nhau để áp dụng CSR trong các lĩnh vực kinh doanh. CSR ở Hàn Quốc thường được nhấn mạnh ở các khía cạnh: quyền lao động và giới, môi trường và sự minh bạch của doanh nghiệp. Hàn Quốc có Luật Cơ hội việc làm bình đẳng (EEOA) được sửa đổi khoảng 20 lần từ năm 1987 đến năm 2010 nhằm hoàn thiện các yêu cầu về thúc đẩy cơ hội và đối xử bình đẳng trong việc làm và giới. Hàn Quốc cũng có Luật Thúc đẩy chuyển đổi sang cơ cấu công nghiệp thân thiện với môi trường (PACEFIS) và Luật về chống tham nhũng (AAC).

Một trong những triết lý mới trong văn hóa toàn cầu những năm gần đây, đặc biệt là sau Đại dịch COVID-19, đó là: Cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Chú trọng cân bằng giữa công việc và cuộc sống là một nét đặc trưng điển hình trong văn hóa kinh doanh của Phần Lan, cũng là một đặc trưng của xã hội phúc lợi như Phần Lan. Để đảm bảo cân bằng giữa công việc và cuộc sống, Chính phủ và các doanh nghiệp đã cùng đưa ra nhiều giải pháp về giờ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm, tăng thời gian giải trí và nghỉ ngơi...

Các doanh nghiệp lớn nhỏ đều có nhiều dịch vụ hoặc các gói lợi ích khác nhau như lợi ích về y tế và chăm sóc sức khỏe, các lợi ích liên quan đến hoạt động của nhân viên (dã ngoại, thể thao...); hoạt động giáo dục, đào tạo; hoạt động vì lợi ích cộng đồng và xã hội; các hoạt động kỷ niệm, tôn vinh những cá nhân điển hình trong doanh nghiệp…

Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng nỗ lực thúc đẩy mục tiêu cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chẳng hạn, Tập đoàn Samsung hay CJ có các chương trình: Ngày thông minhNgày gia đình, nhằm khuyến khích các nhân viên dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Tại Samsung Việt Nam, trong Ngày gia đình, gia đình (bố, mẹ) của các nhân viên có thành tích sản xuất tốt được mời đến nhà máy để thăm quan từ quy trình sản xuất đến các điều kiện cơ sở vật chất của doanh nghiệp. Mọi người sẽ được tận mắt chứng kiến môi trường làm việc chuyên nghiệp, công nghệ cao cùng với những ưu đãi mà Samsung dành cho nhân viên.

3. Một số gợi mở cho Việt Nam

Trong bối cảnh hiện nay, thật không dễ dàng cho các doanh nghiệp khi xây dựng một môi trường văn hóa vừa phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, chứa đựng những giá trị phổ quát, vừa phải phù hợp với các bối cảnh văn hóa xã hội của địa phương. Mặc dù khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với Phần Lan và Hàn Quốc là khá xa, nhưng cũng có thể có nhiều gợi ý hữu ích từ nghiên cứu môi trường văn hóa doanh nghiệp hai quốc gia này.

Khuyến khích các doanh nghiệp tự đánh giá văn hóa doanh nghiệp của chính mình. Phần Lan hay Hàn Quốc không có một tiêu chí đánh giá văn hóa doanh nghiệp nào từ phía Chính phủ, việc đánh giá này chủ yếu do các tổ chức xã hội hoặc chính các doanh nghiệp có những công cụ và nền tảng tự đánh giá. Các doanh nghiệp sẽ để cho nhân viên tự đánh giá văn hóa doanh nghiệp của mình một cách thường xuyên và chi tiết qua các trang web chung, qua việc phát phiếu, hoặc qua những cuộc đối thoại trực tiếp với nhân viên. Điều này, vừa đảm bảo tính khách quan, vừa khiến các doanh nghiệp phải nỗ lực không ngừng để giữ vững uy tín và hình ảnh của mình.

Kiên trì với các mục tiêu và trung thành với giá trị của doanh nghiệp. Mặc dù các mục tiêu và các giá trị có thể thay đổi theo thời gian, tuy nhiên khi đã thống nhất xây dựng nên chúng, các doanh nghiệp Phần Lan đều hết sức kiên trì và tuân thủ. Họ thường không vẽ ra các mục tiêu và giá trị mang tính hình thức, mà nó thực sự là những cam kết hành xử của họ. Hàn Quốc thành công chủ yếu nhờ tinh thần quốc gia, khát vọng Đại Hàn trong việc chinh phục thế giới, luôn xây dựng ước mơ và kiên trì theo đuổi nó.

Tập trung hơn nữa vào các tiêu chí đa dạng và hòa nhập. Đa dạng ở đây không chỉ là đa dạng về quốc gia, dân tộc, ngôn ngữ, địa vị, giới tính… mà còn là sự đa dạng về nhận thức. Đây là một nội dung vẫn còn ít được thảo luận tại Việt Nam cũng như chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Các tiêu chí về văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam cũng nên tham khảo và thể hiện rõ hơn vấn đề này.

Giảm sự phân cấp trong văn hóa doanh nghiệp. Theo đánh giá 6 chiều kích văn hóa của Hofstede (13), văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc đều thể hiện tính thứ bậc cao, nghĩa là đều có chung văn hóa cấp dưới phục tùng cấp trên ở mức cao. Bên cạnh đó, sự thăng tiến trong doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam cũng có một điểm chung là thường dựa vào tuổi tác, thâm niên, dòng dõi, những quan hệ quen thân. Điều này, về lâu dài sẽ làm hạn chế tính độc lập và cởi mở của nhân viên, làm giảm năng lực sáng tạo mà họ có thể đóng góp cho tổ chức. Căn tính này cũng là nhân tố quan trọng kìm hãm sự phát triển của bất kỳ tổ chức hay doanh nghiệp nào.

 Trọng dụng nhân tài. Việt Nam vẫn tự hào là có một truyền thống trọng dụng nhân tài trong văn hóa chính trị và văn hóa doanh nghiệp, nhưng thực tế hiện nay không cho thấy rõ điều này, đặc biệt là trong môi trường công. Tại Hàn Quốc, ưu tiên cho giáo dục và phát triển nhân tài không chỉ là chiến lược, mà còn là văn hóa của doanh nghiệp. Với chiến lược “Nhân tài là số một”, Chủ tịch tập đoàn Samsung là Lee Kim Hee từng phát biểu: “Cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, chúng ta cũng không cần phải sợ nếu chúng ta có những nhân tài tốt nhất. Trong thời đại cạnh tranh không giới hạn, việc thắng hay thua sẽ phụ thuộc vào một số ít thiên tài… một thiên tài sẽ nuôi sống 100.000 người” (14).

Mặc dù bị chỉ trích là luôn giữ khư khư văn hóa kinh doanh mang đậm chất Hàn ngay cả trên những đất nước phát triển hơn họ, nhưng các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn rất thành công, thậm chí khiến đối tác phải thay đổi theo mình. Văn hóa doanh nghiệp của Hàn Quốc hẳn phải có nhiều ưu điểm mới có thể thành công như vậy. Một trong số đó là việc các doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ biết cách khai thác tối đa tính văn hóa dân tộc, mà còn nâng chất văn hóa đó lên một tầm cao hơn, biến nó trở thành sức mạnh mềm văn hóa được cả thế giới ngưỡng mộ.

Kết luận

Đánh giá một cách tổng thể, môi trường văn hóa doanh nghiệp Phần Lan được hình thành trong một môi trường văn hóa, kinh tế xã hội luôn coi việc mang lại hạnh phúc cho con người là giá trị, là mục tiêu cao nhất của mình. Điều này có thể có những hạn chế nhất định với hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh quốc tế, khi các doanh nghiệp Phần Lan phải làm việc với nhiều đối tác tại nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhưng nó mang lại cho Phần Lan một sự phát triển hài hòa và bền vững. Đó cũng là lựa chọn, là triết lý sống còn của các doanh nghiệp Phần Lan hiện nay. Trường hợp của Hàn Quốc cho thấy, văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ có toàn điểm sáng, không hoàn toàn dựa trên những giá trị mang tính phổ quát, toàn cầu, nhưng nó vẫn tạo ra tính hiệu quả cao cho các doanh nghiệp. Việc lựa chọn xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp theo cách nào ở Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào chiến lược và mục tiêu phát triển của mỗi doanh nghiệp. Bởi xét cho cùng, mục tiêu cao nhất của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp vẫn là nhằm thúc đẩy phát triển lợi ích kinh tế của doanh nghiệp và đảm bảo cuộc sống của người lao động (15).

_________________

1. Esther Nzungwa Leander, Cultural Labor Marketing: Multicultural working environment in Finland (Thị trường lao động văn hóa: Môi trường làm việc đa văn hóa ở Phần Lan), researchgate.net, 12-2010.

2. Xem Choong Y. Lee, Korean Culture And Its Influence on Business Practice in South Korea, The Journal of International Management Studies (Văn hóa Hàn Quốc và ảnh hưởng của nó đến hoạt động kinh doanh ở Hàn Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Quản trị Quốc tế), Vol.7, No.2, academia.edu, 2012, và MarlaYlikortes, Cultural and communicational challenges when working in South Ko-rea: Finnish employees’ perspective and thematic analysis (Những thách thức văn hóa và giao tiếp khi làm việc ở Hàn Quốc: quan điểm của người lao động Phần Lan và phân tích chuyên đề), theseus.fi, 2020.

3. Yun Suh-young, Latest trends in workplace design: Activity-based workplace (Xu hướng mới nhất trong thiết kế nơi làm việc: nơi làm việc dựa trên sự linh hoạt), m.koreatimes.co.kr, 26-11-2014.

4. Jay Landers, South Korea office building to feature park like interior (Tòa nhà văn phòng ở Hàn Quốc có nội thất như công viên), asce.org, 28-3-2022.

5. Matti Koiranen, Over 100 Years of Age But Still Entrepreneurially Active in Business: Exploring the Values and Family Characteristics of Old Finnish Family Firms (Hơn 100 năm tuổi nhưng vẫn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh: Khám phá các giá trị và các đặc trưng gia đình của những công ty gia đình lâu năm ở Phần Lan), doi.org, 9-2002.

6. comparably.com

7. Amfori, Bộ quy tắc ứng xử phiên bản 2021, amfori.org.

8. Code of Conduct (Quy tắc ứng xử), kesko.fi.

9. Code of Conduct (Quy tắc ứng xử), nokia.com.

10. Quy tắc ứng xử của công ty CJ, CJ Code of Business Conduct, cj.co.kr.

11. Virgilio M. Panapanaan and et al., Roadmapping corporate social responsibility in Finnish companies (Lập sơ đồ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong các công ty Phần Lan), Hội thảo quốc tế lần thứ 10 của Mạng lưới Công nghiệp Xanh, Göteborg, Sweden, citeseerx.ist.psu.edu.

12. Brian Williams, Finnish Cultural and CSR (Văn hóa Phần Lan và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), briangwilliams.us, 4-10-2020.

13. Country comparison (So sánh quốc gia), hofstede-insights.com.

14. Samsung chairman Lee Kun-hee who transformed the South Korean firm into a global tech titan dies age 78 (Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee, người đã biến công ty Hàn Quốc thành gã khổng lồ công nghệ toàn cầu, qua đời ở tuổi 78), dailymail.co.uk, 25-10-2020.

15. Đây là kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp” thuộc Chương trình KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” của Bộ VHTTDL.

PGS, TS NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG - Ths LẠI THỊ THANH BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;