Hợp tác quốc tế về văn hóa ở Việt Nam nhìn từ quan hệ hợp tác Việt Nam - UNESCO

1. Hợp tác quốc tế về văn hóa ở Việt Nam

Tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... ở nước ta đã được nhấn mạnh trong các văn kiện Đại hội Đảng, được thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của Nhà nước và đi sâu vào trong đời sống xã hội Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Hoàn thiện và nhận thức sâu sắc hơn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; chú trọng nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trong tình hình mới” (1). Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, “Chúng ta có dịp tiếp xúc rộng rãi với những thành tựu văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu với nhân dân các nước những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hóa Việt Nam” (2). Chúng ta có điều kiện tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới về văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, các kinh nghiệm của quốc tế trong quản lý văn hóa, xã hội để phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng đang đặt văn hóa dân tộc trước những thách thức, những “nguy cơ bất ổn”. Đó là khuynh hướng phổ biến các môtíp văn hóa chung toàn cầu. Khuynh hướng đó có thể sẽ dẫn đến sự “đồng nhất” các giá trị văn hóa, san bằng, “đồng hóa” các nền văn hóa của các dân tộc. Quá trình toàn cầu hóa sẽ có nguy cơ đe dọa xóa bỏ sự khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia dân tộc, giữa các vùng, các khu vực, sẽ làm nghèo sự đa dạng của bức tranh văn hóa nhân loại. Nguy cơ đồng nhất hóa các hệ thống giá trị và truyền thống sẽ dẫn đến việc tự xóa bỏ ý thức dân tộc, đe dọa làm cạn kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa - nhân tố được coi là hết sức quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của các dân tộc và nhân loại.

Do đó, cần nhận thức sâu sắc quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh để phát triển; đòi hỏi vừa phải tăng cường đối thoại, hợp tác với những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, vừa là quá trình đấu tranh kiên quyết, kiên trì nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Đòi hỏi cơ bản và cấp thiết là vừa phải bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa coi trọng và bảo vệ sự đa dạng văn hóa trên phạm vi toàn thế giới. Việc xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; giữa phát triển văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế về văn hóa sẽ làm phong phú cho văn hóa đất nước, thúc đẩy văn hóa dân tộc phát triển. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập tới những khái niệm: “sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam” và “hội nhập quốc tế về văn hóa” (3). Điều này thể hiện giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam đã và đang thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đột phá cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, là nền tảng quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước.

Sau hơn 35 năm, Đảng ta tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; công tác hợp tác quốc tế về văn hóa đã có nhiều khởi sắc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ở phạm vi rộng, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam từ một nước có nền văn hóa đặc sắc, lâu đời, nhân văn trong nội tại, kết hợp với chính sách chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế đã từng bước trở thành thành viên quan trọng trên chính trường quốc tế. Việt Nam từng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020-2021, trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc năm 2022… Về kinh tế, nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%, thì giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%. Liên tiếp trong 4 năm, từ năm 2016-2019, Việt Nam đứng trong Top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, năm 1985 GDP/ người đạt 159 USD/ năm, thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/ năm. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2020 được xếp thứ 42/131 nước. Chỉ số HDI của Việt Nam có xu hướng tăng đều và khá ổn định, năm 2019 của là 0,704. Chỉ số phát triển con người vừa thể hiện tính nhân văn, vừa là thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển của con người trên các phương diện: sức khỏe, tri thức (văn hóa) và thu nhập (văn minh). Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam đã gia nhập WTO, thiết lập được 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ ngoại giao, kinh tế với 190/200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở phạm vi hẹp hơn, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa được thể hiện khá đa dạng với nhiều hình thức phong phú trong nội bộ các ngành văn hóa và ngoại giao mà không thể thống kê được hết. Có thể kể đến như: xây dựng và thực hiện các dự án bảo tồn tôn tạo các di sản văn hóa vật thể khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Di sản Mỹ Sơn, khu phố cổ Hội An, hoặc bảo tồn văn hóa phi vật thể như: ca trù, nhã nhạc cung đình Huế với các quốc gia Nhật Bản, Ba Lan, Thụy Điển, Pháp. Trong năm 2007, đã có 407 các đoàn Việt Nam ra nước ngoài giao lưu biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh và các hoạt động khác, có 175 đoàn nước ngoài vào Việt Nam, Việt Nam xuất khẩu 45.808 đơn vị văn hóa phẩm trong khi đó nhập khẩu 5.800.122 đơn vị văn hóa phẩm.

Sự nghiệp phát triển văn hóa của Việt Nam trong những năm qua cho thấy chính sách phát triển văn hóa của nước ta đã gặt hái được những thành tựu nhất định, đời sống văn hóa, xã hội có những bước chuyển rõ rệt. Hiệu quả của hệ thống chính sách tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa là đem lại cho người dân quyền tham gia tích cực vào đời sống văn hóa xã hội, quyền tự do sáng tạo và quyền hưởng thụ văn hóa đa dạng, phong phú.

2. Quan hệ hợp tác Việt Nam - UNESCO

Trong nhiều năm qua, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa giữa Việt Nam với một tổ chức quốc tế có tính lịch sử lâu dài, đã đem lại nhiều thành tựu to lớn không thể phủ nhận đối với nhân dân, đất nước Việt Nam, đó là quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO.

Quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa giữa Việt Nam và UNESCO là điển hình tiêu biểu của sự hiệu quả trong quan hệ hợp tác quốc tế và trong chính sách hợp tác quốc tế về văn hóa. Ngoài ra, trong quan hệ hợp tác Việt Nam - UNESCO còn bao hàm trong nó những biểu hiện của những lý thuyết chung về quan hệ quốc tế, trật tự thế giới, hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế, quyền lực mềm, ngoại giao văn hóa, chính sách hợp tác quốc tế về văn hóa… và đường lối lãnh đạo về văn hóa, hợp tác quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư xin gia nhập tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có nội dung: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực” (4). 30 năm sau, Việt Nam đã thực hiện một trong những bước đi quan trọng trong quá trình hội nhập của mình, đó là tuyên bố kế thừa vị trí thành viên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vào tháng 7-1976. Việc kế tục tham gia UNESCO bắt nguồn từ khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam cũng như thể hiện cam kết của Việt Nam về tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa. Trải qua thời gian 40 năm, quan hệ hợp tác Việt Nam - UNESCO góp phần không nhỏ cho sự phát triển của Việt Nam. Ngay sau khi vừa hoàn toàn thống nhất đất nước, Việt Nam bước vào một trong những giai đoạn lịch sử khó khăn về nhiều mặt. Trên trường quốc tế, trước thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng hình ảnh dân tộc anh hùng, quật cường của Việt Nam, một số thế lực thù địch đã lợi dụng vấn đề Campuchia để liên tục chống phá, bao vây, cô lập. Trong nước, cuộc chiến tranh hơn 30 năm để lại hậu quả nặng nề với nhân lực cạn kiệt, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, kinh tế kém phát triển cùng nhiều vấn đề xã hội đang tồn tại. Quan hệ Việt Nam - UNESCO thời kỳ này góp phần giúp Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn. Thông qua việc tham gia tích cực vào các chương trình của UNESCO, cộng đồng quốc tế đã hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam hòa bình và tươi đẹp. Đại hội đồng UNESCO lần thứ 21, năm 1980, ra Nghị quyết kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, khẳng định truyền thống, lịch sử lâu dài của Việt Nam. Khóa họp lần thứ 24 của Đại Hội đồng Tổ chức UNESCO diễn ra tại Paris (từ ngày 20-10 đến 20-11-1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 ghi nhận: “Năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất”. Những thành công trong công tác xóa mù chữ đã cho thế giới thấy một Việt Nam dù đang trong tình trạng khó khăn nhưng vẫn quan tâm đến giáo dục, nâng cao chất lượng dân trí. Nhờ vậy, thiện cảm về Việt Nam trong phần lớn các quốc gia thành viên UNESCO không ngừng tăng. Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESCO, cơ quan hoạch định chính sách và tài chính (1978-1983), đặt cơ quan đại diện tại UNESCO (1982) (5).

Cùng với việc giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam, quan hệ hợp tác với UNESCO cũng giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với kiến thức, kinh nghiệm và các nguồn hỗ trợ quốc tế về tài chính, kỹ thuật thế giới để phục vụ công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước. Những nguồn hỗ trợ của UNESCO đã góp phần tích cực vào việc phục hồi một số cơ sở giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thống của Việt Nam. Từ những chương trình của UNESCO, nhiều chuyên gia được tiếp cận với tiến bộ quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhận nhiều thiết bị kỹ thuật phương Tây, dù đang trong tình trạng bị bao vây cô lập. Những nguồn hỗ trợ trên đã góp phần giúp Việt Nam nhanh chóng vượt qua những khó khăn ban đầu của thời kỳ hậu chiến để bước vào thời kỳ phát triển mới.

Tình hình quốc tế thay đổi khi hòa bình, ổn định trở thành xu hướng chủ đạo và lan rộng mạnh mẽ. Vai trò của các tổ chức đa phương thuộc hệ thống Liên hợp quốc ngày một tăng. Việt Nam có những bước thay đổi đáng kể về định hướng phát triển và đối ngoại. Trong quá trình đổi mới, quan hệ Việt Nam - UNESCO không ngừng phát triển và bền chặt. Năm 1987, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 1972 về Bảo vệ các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Một năm sau, Việt Nam tiếp tục tham gia hưởng ứng Thập kỷ Quốc tế Phát triển Văn hóa (1988-1997) do UNESCO phát động. Năm 1999, UNESCO đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Thông qua các hoạt động trên, Việt Nam tiếp tục nâng cao sự hiểu biết về truyền thống dân tộc, lịch sử hào hùng, hình ảnh đất nước với nhiều giá trị nhân văn, ủng hộ tích cực cho các tư tưởng hòa bình đối với cộng đồng quốc tế và đập tan những luận điệu chống phá của các lực lượng thù địch. Nhiều mối quan hệ giữa Việt Nam với đối tác quan trọng bắt nguồn từ những hoạt động trong UNESCO và thiện cảm của bạn bè quốc tế để tiếp theo trở thành quan hệ chính thức lâu dài. Cũng nhờ vào quan hệ với UNESCO, Việt Nam tiếp tục nhận được những hỗ trợ quan trọng, mang tính chiến lược cho phát triển bền vững (6).

Thập niên đầu TK XXI đánh dấu nhiều bước tiến mới trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) xác định Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam tăng cường hợp tác toàn diện với nhiều đối tác và UNESCO luôn là một nhân tố quan trọng. Hội nhập tích cực trong UNESCO, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động như phê chuẩn một số Công ước lớn (Công ước Bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể - 2003, Công ước Bảo vệ và Phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa - 2005...) hay chủ trì nhiều hội nghị, hoạt động quan trọng của UNESCO (Hội nghị cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương...). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh đóng góp sáng kiến của mình trong các lĩnh vực chuyên môn, như: xóa mù chữ, Trung tâm Học tập cộng đồng, áp dụng nội dung Giáo dục vì sự phát triển bền vững vào mô hình Khu Dự trữ sinh quyển... Những kinh nghiệm này được thế giới đánh giá cao. Một số đoàn chuyên gia nước ngoài đã đến Việt Nam tìm hiểu và học hỏi. Những hoạt động trên đã cho thế giới thấy một Việt Nam sẵn sàng gắn kết, chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, giá trị, tuân thủ các định chế chung của quốc tế. Việt Nam đã được tin tưởng bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESCO, nhiệm kỳ 2001-2005 với điểm nổi bật là đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch (2001-2003) và tiếp tục trúng cử vào nhiệm kỳ 2009-2013. Đối với UNESCO, Việt Nam được coi là đối tác tích cực và năng động. Quan hệ hợp tác với UNESCO trong giai đoạn này đang góp phần thể hiện tính bền vững trong bước đi của Việt Nam.

Hơn 40 năm qua, UNESCO đã công nhận 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 14 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh như: Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003), Hoàng thành Thăng Long (2010), quan họ Bắc Ninh và hát ca trù (2009), hát xoan Phú Thọ (2011), 3 di sản tư liệu thế giới, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu, 6 danh nhân văn hóa được tôn vinh... Những di sản này không chỉ tạo nguồn thu về du lịch cho địa phương mà cũng đặt ra yêu cầu đối với các cấp quản lý và người dân phải nhận thức được việc bảo tồn theo tiêu chí và quy định quốc tế. Từ đó, nhiều chính sách phát triển mang tầm quốc gia và địa phương chú trọng tới công tác bảo tồn được ban hành. Nhiều hoạt động bảo vệ di sản được triển khai. Các chương trình như: Giáo dục vì sự phát triển bền vững, xóa mù chữ, Con người và Sinh quyển, Hải dương học liên Chính phủ, Đối thoại triết học... đã đưa các lĩnh vực chuyên môn trên của Việt Nam hội nhập với thế giới, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Khác với trước kia, khi việc tham gia chủ yếu là thụ động và dựa vào nguồn lực sẵn có, Việt Nam chủ động và phát huy vai trò tích cực trong việc đảm nhận nhiều vai trò quan trọng như thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, thành viên Ủy ban Di sản Thế giới cùng nhiều vị trí khác để đóng góp hiệu quả hơn nữa cho UNESCO cũng như đảm bảo lợi ích quốc gia của mình.

Trong các thành tựu về quan hệ giữa Việt Nam và UNESCO, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam có những đóng góp rất quan trọng. Ủy ban quốc gia UNESCO được thành lập theo quyết định số 251/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15-6-1977 và kiện toàn theo quyết định 194/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30-1-2011. Ngày 14-2-2012, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã ra quyết định số 59/QĐ-UBQG UNESCO về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong 40 năm qua, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam dưới sự chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo của Ủy ban đã đạt được những thành tựu đáng kể, đóng góp có hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, thông tin và truyền thông. Do những thành tích đạt được, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2012.

3. Kết luận

Hơn 45 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và tổ chức UNESCO ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả, trở thành một mối quan hệ có truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và tổ chức quốc tế. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và tổ chức UNESCO tiêu biểu cho hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa của Việt Nam, là điển hình cho thành tựu của chính sách hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong những năm cuối TK XX và đầu TK XXI. Tính đến nay, số lượng danh hiệu mà UNESCO đã công nhận cho Việt Nam ngày càng tăng.

Những danh hiệu của tổ chức UNESCO công nhận cho Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa mang tính toàn cầu, đóng góp hết sức quan trọng vào chiến lược và quy hoạch phát triển của cả nước và các địa phương theo hướng phát triển bền vững, cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di sản, gìn giữ các tài nguyên quý giá của đất nước. Trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (du lịch văn hóa, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ…) như hiện nay, các di sản văn hóa được UNESCO công nhận của Việt Nam có ý nghĩa rất lớn trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương nói riêng và đất nước nói chung; là kênh quảng bá, giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam hiệu quả đối với thế giới nhằm tăng sức hút về du lịch, thương mại và đầu tư quốc tế. Số lượng lượt khách du lịch quốc tế và nội địa đến thăm các di sản thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận luôn thuộc Top đầu cả nước.

Quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa của Việt Nam rất rộng lớn, phổ biến nhất là sự hợp tác quốc tế của từng ngành, tuy nhiên quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa của Việt Nam với UNESCO là sự phối hợp của đa ngành, liên ngành trong rất nhiều lĩnh vực: ngoại giao, văn hóa, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, thông tin và truyền thông… Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam với vai trò chủ đạo của Bộ Ngoại giao và Bộ VHTTDL, đã vận dụng những lý luận vào thực tiễn hiệu quả, mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho văn hóa Việt Nam. Phương thức tổ chức, hoạt động của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam là bài học thành công cho hợp tác quốc tế về lĩnh vực văn hóa ở nước ta hiện nay.

UNESCO đã và đang trở thành cây cầu nối quan trọng để Việt Nam thi hành chính sách hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa trên phạm vi toàn cầu. Với những mục đích nhân văn và phần nào đó “phi chính trị hóa” đối với văn hóa, UNESCO đã từng là “cánh cửa” để Việt Nam giao lưu văn hóa với thế giới trong những năm tháng bị bao vây, cấm vận. Ngày nay, thông qua UNESCO, Việt Nam có cơ hội để quảng bá những giá trị văn hóa cao đẹp của mình tới thế giới. Quan hệ Việt Nam và UNESCO còn là kinh nghiệm quý báu về ngoại giao văn hóa hiệu quả trong bối cảnh thay đổi về trật tự thế giới, quan hệ quốc tế và toàn cầu hóa từ năm 1991 đến nay.

_____________________

1, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.101, 145-147.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.45.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.470.

5, 6. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, 40 năm Việt Nam và UNESCO, Nxb Văn học, Hà Nội, 2017, tr.25, 29-46.

Ths NGUYỄN DUY THÁI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;