Xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc: Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu

Đồng Ích là một xã thuộc vùng trung du của huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc, phía Bắc giáp xã Bàn Giản; phía Nam giáp xã Hoàng Đan (huyện Tam Dương); phía Tây giáp xã Đình Chu, Triệu Đề; phía Đông giáp xã Liên Hòa. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên 1.224,46 ha, được chia thành 7 thôn dân cư với 3.596 hộ và 13.463 nhân khẩu.

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 12/12/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 16/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc… và các văn bản triển khai, chỉ đạo của huyện Lập Thạch, xã Đồng Ích đã chọn thôn Hoàng Chung làm điểm xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM), với mục tiêu tạo ra sự chuyển biến rõ rệt và đột phá trong việc xây dựng các làng, thôn, khu dân cư phát triển đồng bộ, toàn diện về hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh nhằm góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII.

Ông Triệu Đức Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch cho biết: “Sau khi có chủ trương của tỉnh và các văn bản triển khai của các cấp, xã đã tiến hành họp bàn và lựa chọn thôn Hoàng Chung làm điểm xây dựng LVHKM. Bởi thôn Hoàng Chung là một ngôi làng cổ đã được hình thành từ lâu, nằm ở phía nam xã Đồng Ích, phía Bắc giáp thôn Xuân Đán, phía Đông giáp thôn Đại Lữ, phía Tây giáp xã Tiên Lữ, phía Nam giáp xã Đình Chu, có tổng diện tích đất tự nhiên 200,31 ha; khu dân cư được bố trí dọc hai bên đường tỉnh lộ 305; thôn Hoàng Chung có 496 hộ với 1.783 nhân khẩu. Nhân dân chủ yếu làm nghề nông, trồng lúa kết hợp với chăn nuôi và một số ngành nghề dịch vụ nhỏ. Hằng năm, thôn có hơn 90% số hộ đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa”.

 Việc xây dựng mô hình LVHKM được kỳ vọng sẽ là “làn gió mới” vừa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân vừa góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Hiện khu trung tâm văn hóa thôn có diện tích trên 6.000m2 gồm các hạng mục: Nhà văn hóa, khu thể thao và khu sân bãi phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân hiện đang dần hoàn thiện, dự kiến khánh thành trong tháng 10/2023.

Chi bộ thôn Hoàng Chung có 74 đảng viên, năm 2022 chi bộ được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; Chi hội cựu chiến binh có 110 hội viên; Chi hội phụ nữ: 215 hội viên; Chi hội nông dân: có 118 hội viên; Chi đoàn thanh niên: 200 đoàn viên. Để người dân trong thôn hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng LVHKM, thôn đã cùng với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các ban, ngành đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc xây dựng LVHKM, nhất là tuyên truyền về Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 5/5/2023 của HĐND tỉnh về việc Ban hành Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 5/5/2023 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030.

Ông Phạm Quang Kiến, Trưởng thôn Hoàng Chung cho biết: “ Từ nay đến hết năm 2024, thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích phấn đấu hoàn thành xây dựng LVHKM, với các mục tiêu cụ thể như: Hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc sơ đồ không gian phát triển của thôn, làm cơ sở thực hiện bảo tồn, tôn tạo, phát huy những nét đẹp  cảnh quan, không gian truyền thống. Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường của thôn như giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thủy lợi, điện chiếu sáng, thông tin truyền thông, thiết chế văn hóa, hệ thống thu gom và thoát nước thải khu dân cư, nghĩa trang nhân dân. 100% hộ gia đình có nhà ở kiên cố đạt chuẩn, từng bước được cải tạo chỉnh trang, xây dựng mới theo mẫu kiến trúc do cấp có thẩm quyền ban hành, định hướng; có đầy đủ các công trình phụ trợ, vị trí phù hợp, đảm bảo mỹ quan; vườn tạp được cải tạo, trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hoặc được chỉnh trang nhằm tạo không gian xanh,sạch, đẹp. Xây dựng 9 mô hình phát triển kinh tế nông thôn đặc trưng. Thôn không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn hiện hành. 100% số hộ trên địa bàn thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn; 100% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; 100% hộ gia đình thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi tại hộ gia đình trước khi thải vào hệ thống thoát nước thải chung; 100% các hộ chăn nuôi thực hiện xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo theo quy định, không xả trực tiếp ra môi trường; 100% phụ phẩm, rác thải nông nghiệp được thu gom, xử lý theo quy định; 100% các tuyến đường thôn, ngõ xóm thường xuyên duy trì sáng, xanh, sạch, đẹp.  100% người dân trong thôn chấp hành nghiêm quy định pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn, quy chế dân chủ cơ sở; an ninh trật tự được đảm bảo; không có vụ việc hình sự do công dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn thôn gây ra. Có mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự trên địa bàn thôn hoạt động thường xuyên, hiệu quả”.

Được hưởng lợi từ đề án xây dựng LVHKM, hiện nay, người dân thôn Hoàng Chung đã có những bức tranh bích họa thể hiện sự thay đổi của một làng quê bằng nguồn xã hội hóa. Có 19 hộ dân trong thôn được hỗ trợ vay vốn thông qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, với số tiền 3,4 tỷ đồng. Người dân được dùng Wifi miễn phí khi đến Nhà văn hóa thôn và Đình Hoàng Chung. Thôn có trang facebook riêng, thông tin về  các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước và các thông tin của thôn... Chính vì vậy, người dân rất vui mừng trước sự đổi thay này. Bà Đỗ Thị Hồng ở thôn Hoàng Chung cho biết “Khi được xã, thôn triển khai tuyên truyền, vận động người dân, chúng tôi rất vui mừng và hưởng ứng nhiệt tình. Ai cũng nghĩ mình được thay đổi về phong cách, văn hóa ứng xử với nhau, luôn chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, cũng như nuôi dạy con cái học hành”.  Ông  Triệu Kim Chính, một cán bộ đã nghỉ hưu ở thôn Hoàng Chung cũng chia sẻ: “Tôi sẽ luôn có gắng cùng với chi bộ Đảng và chính quyền thôn, cùng bà con nhân dân trong thôn thực hiện 14 tiêu chí xây dựng LVHKM; cùng nhau xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp và phát huy truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời của thôn; cùng  thực hiện các hương ước, quy ước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ...”

Có thể nói, chủ trương xây dựng LVHKM của tỉnh Vĩnh Phúc là chủ trương đúng đắn. Qua việc triển khai  đã giúp người dân ở làng văn hóa thể hiện được tư duy đổi mới, sáng tạo, biết khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Từ đó, góp phần thu hút nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, biến quê hương trở thành nơi đáng sống, ai đi xa cũng muốn về.

 

THANH HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 549, tháng 10-2023

 

;