Đồng Tháp: Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” - Cơ sở để củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Việc tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” thời gian qua được cả hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp quan tâm hỗ trợ và sự đồng thuận của đông đảo người dân tại các địa bàn dân cư, thật sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là “Ngày hội của nhân dân”, tạo được sự đoàn kết, gắn bó giữa người dân với Đảng, chính quyền ở cơ sở.

Trao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo

 

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cơ sở để củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước; tăng cường đồng thuận xã hội góp phần xây dựng và phát triển đất nước nói chung, của địa phương nói riêng. Đây là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua đó phát huy tinh thần yêu nước và sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua Ngày hội để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ngày hội mang nhiều ý nghĩa thiết thực và sâu sắc, để người dân ở các khu dân cư thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, đồng tâm hiệp lực xây dựng đời sống văn hóa; là cầu nối gắn kết cộng đồng, tạo ra sức mạnh tổng hợp để chung sức, chung lòng, chung tay, sự đồng thuận cùng thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Các khu dân cư của Đồng Tháp đều tổ chức Ngày hội trang trọng, 91,5% khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân; tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nét văn hóa ở cộng đồng cư được gìn giữ, bảo tồn và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở các địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong mỗi cộng đồng. Tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” là dịp để người dân gặp gỡ cùng với lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, để chia sẻ tình thân ái, những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng nhất là công tác vận động tập hợp quần chúng vào các tổ chức; tham gia các mô hình tự quản tại cộng đồng dân cư...  Đồng thời, đây cũng là dịp để các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp được trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, cùng sinh hoạt với người dân, qua đó thắt chặt mối quan hệ với nhân dân; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc (trong 20 năm qua có 11 lượt lãnh đạo cấp trung ương, 519 lượt lãnh đạo cấp Tỉnh, 6.382 lượt lãnh đạo cấp huyện và 30.309 lượt lãnh đạo cấp xã dự Ngày hội).

Nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp tổ chức khởi công xây dựng cầu, đường nông thôn, xây được 1.608 cây cầu, xây dựng mới 6.333 căn nhà Đại đòan kết, sửa chữa 2.640 căn nhà Đại đoàn kết, tổng kinh phí 426,093 tỷ đồng. Ngày hội còn là dịp để tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tiêu biểu trong xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh; chăm lo cho người nghèo; an sinh xã hội; giữ gìn an ninh trật tự; xây dựng đời sống văn hoá và các hoạt động tự quản tại địa bàn dân cư. Chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp đã khen thưởng 20.973 tập thể và 75.518 cá nhân tiêu biểu; Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là giải pháp để phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua hoạt động các mô hình, vai trò chủ thể của người dân trong tham gia thực hiệc các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương không ngừng được nâng lên góp phần quan trọng trong việc xây dựng, duy trì các danh hiệu văn hóa; xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh. Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 103/115 xã Nông thôn mới, có 10 xã Nông thôn mới nâng cao, có 2 huyện (huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh) và 3 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh và thành phố Hồng Ngự); Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc còn thể hiện kết quả của đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác Mặt trận từ mỗi địa bàn cơ sở...

Tặng giấy khen cho các gia đình tiêu biểu

 

Thông qua phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh" Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp đã triển khai xây dựng nhiều mô điển hình hoạt động hiệu quả như mô hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, mô hình “Quản lý địa bàn, quản lý người vi phạm pháp luật”, mô hình “Xóm đạo bình yên”, mô hình “Khu dân an toàn phòng, chống cháy nổ”, mô hình “Gia đình an toàn - Hạnh phúc - Đạo hạnh”, mô hình câu lạc bộ “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”… và gần đây là mô hình “Tổ nhân dân tự quản”, mô hình “Hội quán”,  hoạt động “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng”; mô hình thi đua phấn đấu trở thành người “Nông dân chuyên nghiệp”… Nhờ vậy, đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng nếp sống mới, văn minh, mạnh dạn tham gia đấu tranh chống lại các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, xóa bỏ những tệ nạn trong xã hội ở khu dân cư, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, giữ gìn an ninh trật tự tạo nên sự bình yên ở cộng đồng dân cư.

Qua 20 năm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững anh ninh trật tự  của địa phương. Kinh tế phát triển, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện, dân trí, dân chủ có bước phát triển tích cực, nếp sống và sinh hoạt cộng đồng được hướng dần đến văn minh hiện đại, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước được tăng cường, nguồn lực xã hội được khai thác và phát huy hiệu quả, các tệ nạn xã hội và tiêu cực được kiềm chế và đẩy lùi, hệ thống chính trị các cấp ngày càng được củng cố và hoạt động hiệu quả. Thông qua việc tổ chức Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc” đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt việc tốt, những điển hình, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thi đua phát triển sản xuất - kinh doanh, giảm nghèo, việc khen thưởng, biểu dương Khu dân cư văn hóa, Gia đình văn hóa tiêu biểu trong ngày hội, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng chuẩn mực con người Đồng Tháp phát triển toàn diện “nghĩa tình, năng động, sáng tạo”, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ với các chuẩn mực đặc trưng của con người Việt Nam, trọng tâm là xây dựng đạo đức, lối sống, cách làm, tương thân, tương ái, hình thành lối sống tốt đẹp, phù hợp trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường củng cố và phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mới đây, ngày 24/8/2023, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 – 2023. Tại hội nghị, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen cho 24 tập thể và 24 cá nhân thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn và Ban công tác Mặt trận ấp, khóm có nhiều đóng góp tiêu biểu trong phối hợp, thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 – 2023.

 

TRẦN THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023

 

;