Vốn văn hóa cộng đồng trong phát triển du lịch: trường hợp người Thái ở bản Mạ (Thường Xuân, Thanh Hóa)

Trong bối cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa như hiện nay, vốn văn hóa nói chung, trong đó có vốn văn hóa cộng đồng trở thành một nguồn lực, một tài nguyên quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, mang đến những lợi ích thiết thực cho các bên tham gia, đồng thời đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Chính vì thế, các tài sản văn hóa chung của cộng đồng ngày càng được sử dụng phổ biến cho các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch dựa vào cộng đồng… Tuy nhiên, trong thực tế, việc phát triển du lịch dựa vào vốn văn hóa cộng đồng ở Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải đi sâu tìm hiểu một cách thấu đáo. Từ trường hợp nghiên cứu cộng đồng người Thái ở Bản Mạ (Thường Xuân, Thanh Hóa), bài viết này cung cấp một góc nhìn về vai trò của vốn văn hóa cộng đồng như là một “nguồn lực” quan trọng, không thể thiếu trong phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương.

1. Vốn văn hóa và vốn văn hóa cộng đồng

Vốn văn hóa

Khái niệm vốn văn hóa ngày càng được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới.

Pierre Bourdieu được xem là người đầu tiên bàn về khái niệm này. Trong công trình The Forms of Capital (Các hình thức của vốn), ông đã đưa ra ba loại vốn khác nhau, là vốn kinh tế, vốn xã hội và vốn văn hóa. Trong đó, vốn văn hóa được hiểu là “các loại hình tri thức, kỹ năng, giáo dục, hoặc bất cứ lợi thế nào khiến cho vị thế xã hội của người sở hữu nó cao hơn và tương lai hứa hẹn hơn” (1). Theo Pierre Bourdieu, vốn văn hóa được tồn tại dưới 3 trạng thái cơ bản là trạng thái thể hiện, trạng thái khách quan và trạng thái thể chế, trong đó trạng thái thể hiện đóng vai trò rất quan trọng (2).

Từ đó đến nay, có nhiều công trình nghiên cứu đã tiếp tục xem xét các khía cạnh của văn hóa, định lượng văn hóa là một loại “vốn”, có thể đong đếm, tích lũy, tạo ra lợi nhuận hoặc chuyển đổi thành các nguồn vốn khác. Có thể hiểu vốn văn hóa chính là “giá trị của toàn bộ các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể do con người của từng cộng đồng sáng tạo, tích lũy và trao truyền trong lịch sử, được toàn thể cộng đồng chấp nhận như những chuẩn mực và sử dụng để định hình bản sắc, kết nối và tương tác trong cộng đồng và với các cộng đồng khác; mỗi cá nhân thuộc cộng đồng thẩm thấu vốn văn hóa đó (với tư cách là những chuẩn mực giá trị chung) thành vốn văn hóa của mình (với tư cách là các chuẩn mực giá trị cá nhân) và sử dụng nó trong quá trình sống để kiến tạo bản sắc cá nhân và tạo lập các mạng lưới xã hội cho bản thân mình” (3).

Vốn văn hóa cộng đồng

Muốn hiểu được vốn văn hóa cộng đồng, ta cần phải hiểu rõ như thế nào là cộng đồng (community). Khái niệm cộng đồng đang được sử dụng một cách rộng rãi trong đời sống xã hội, để chỉ nhiều đối tượng có các đặc điểm tương đối khác nhau về đặc tính xã hội cũng như quy mô. Theo Keith W. Sproule và Ary S. Suhand: “Cộng đồng là một nhóm người, thường sinh sống trên cùng một khu vực địa lý, tự xác định mình thuộc về cùng một nhóm. Những người trong cùng một cộng đồng thường có quan hệ huyết thống hay hôn nhân và có thể thuộc cùng một nhóm tôn giáo, một tầng lớp chính trị” (4).

Nhà nghiên cứu Đỗ Hậu nhận định: “Cộng đồng là một tập hợp dân cư sinh sống trên cùng một lãnh thổ và do vậy họ thường có một ý thức, tình cảm và sự thống nhất trong một địa phương và một khả năng tham gia những hoạt động mang tính tập thể vì quyền lợi của địa phương đó” (5). Tính đồng nhất là cơ sở tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, khiến cho họ xích lại gần nhau, gắn kết với nhau hơn để từ đó tạo ra vốn văn hóa cộng đồng.

Vốn văn hóa cộng đồng có thể được hiểu là các “tài sản” chung của cộng đồng, bao gồm các đặc trưng/ bản sắc văn hóa (phong tục tập quán, lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng…), thiết chế xã hội, cảnh quan thiên nhiên… Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn: “Vốn văn hóa của một cộng đồng có được những trải nghiệm lịch sử của cộng đồng đó và những biểu hiện cụ thể của vốn văn hóa ấy chính là những đồ tạo tác, ký ức lịch sử được khách thể hóa thông qua các di sản, phong tục tập quán và cả việc sắp xếp và tổ chức xã hội…” (6).

Vốn văn hóa cộng đồng được hình thành và tích lũy qua nhiều thế hệ, là sự cộng hưởng vốn văn hóa của các cá nhân, cá thể khác nhau sinh sống trong một phạm vi, khu vực địa lý nhất định. Các cộng đồng khác nhau sẽ có những nguồn vốn văn hóa khác nhau, làm cơ sở nền tảng tạo dựng bản sắc văn hóa riêng của từng cộng đồng, để phân biệt cộng đồng này so với cộng đồng khác.

2. Khai thác vốn văn hóa cộng đồng người Thái ở bản Mạ phục vụ phát triển du lịch

Du lịch dựa vào cộng đồng đang là một trong những hình thức du lịch phát triển phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, nhất là tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Loại hình du lịch này được hình thành dựa trên cơ sở khai thác những giá trị văn hóa khác biệt của cộng đồng, biến những giá trị này thành các giá trị kinh tế cho các bên tham gia khác nhau. Theo TS Võ Quế: “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch phát triển dựa vào những giá trị tự nhiên và nhân văn của cộng đồng địa phương, có sự tham gia tích cực và chủ động của người dân nhằm đem lại lợi ích cho chính cộng đồng” (7). Cộng đồng được quyền chủ động tham gia và thụ hưởng các lợi ích từ du lịch mang đến, đồng thời chính họ cũng phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của địa phương mình.

Vốn văn hóa nói chung, trong đó, có vốn văn hóa cộng đồng là một nguồn tài nguyên quan trọng của các cộng đồng chủ thể trong phát triển du lịch. Những cộng đồng có nhiều biểu hiện riêng biệt, độc đáo về văn hóa sẽ là cơ sở để thu hút, đồng thời tạo ra sự trải nghiệm hứng thú đối với mọi khách du lịch. Đặc biệt, đối với nhiều cộng đồng các dân tộc ở nước ta có nguồn vốn văn hóa với các sắc thái khác biệt và đa dạng, là tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển du lịch.

Vốn văn hóa cộng đồng người Thái ở bản Mạ

Bản Mạ là một bản người Thái nằm bên dòng sông Chu, thuộc thị trấn Thanh Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là địa bàn cư trú của 57 hộ dân, với 246 nhân khẩu. Cư dân bản Mạ gồm có các dòng họ: Lang, Vi, Lữ, Hà, Cầm, Lê, Trương, Lò… đến từ nhiều địa phương khác nhau, trong đó họ Vi, Lữ có công khai phá, lập làng. Với lịch sử tồn tại và phát triển lâu đời, đồng bào đã tạo dựng một đời sống vật chất và tinh thần đa dạng, thích ứng linh hoạt với điều kiện khí hậu, thời tiết của vùng miền Tây xứ Thanh. Hiện nay, tại bản Mạ vẫn bảo tồn được trên 30 ngôi nhà sàn cổ. Bên cạnh đó, có 7 hộ thường xuyên duy trì được các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thêu, đan lát… Đặc biệt, đồng bào còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Thái như hát khặp, múa sạp, cồng chiêng, khua luống…

Hội làng Bản Mạ được tổ chức vào ngày 10-8 (âm lịch) hằng năm. Nội dung chính của ngày hội bao gồm phần lễ cúng thần linh và phần hội (các trò chơi truyền thống như kéo co, bắn nỏ… cùng các hoạt động văn hóa văn nghệ như khặp, khua luống nhảy sạp cồng chiêng…). Đối với đồng bào, hội làng là một trong những dịp sinh hoạt cộng đồng tập trung và lớn nhất trong năm, vừa để cảm ơn thần linh, đất trời, vừa để vui chơi, giải trí sau một khoảng thời gian lao động vất vả.

Ngoài ra, khi nhắc đến cộng đồng người Thái ở bản Mạ không thể không nói đến những đặc sắc về mặt ẩm thực của đồng bào nơi đây. Nhiều món ăn đặc trưng như canh ui, măng rừng, canh đắng, cá nướng, gà nướng, thịt trâu gác bếp… Bên cạnh đó, cảnh quan thiên nhiên xanh mát, hoang sơ, những nếp nhà sàn ẩn hiện giữa mây trời cùng khí hậu trong lành, dễ chịu… và lối sống bình dị, thuần phác và mến khách của đồng bào là những điểm nhấn quan trọng để bản Mạ có thể thu hút khách du lịch.

Với vốn văn hóa cộng đồng đặc sắc, bản Mạ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, từ năm 2016, cầu treo bản Mạ bắc qua sông Chu được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần đưa bản Mạ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách.

Phát triển du lịch cộng đồng bản Mạ

Nhận thức được các giá trị đặc sắc trong vốn văn hóa của cộng đồng người Thái ở bản Mạ, trong những năm gần đây, chính quyền huyện Thường Xuân đã có kế hoạch về việc phát triển du lịch cộng đồng ở đây. Để triển khai có hiệu quả, chính quyền đã tổ chức tập huấn về cách thức làm du lịch cộng đồng như giao tiếp, ứng xử phục vụ du khách, hỗ trợ chăn, gối, đệm, cải tạo nhà sàn và tổ chức cho một số hộ gia đình đi thăm quan các mô hình du lịch tại Mai Châu (Hòa Bình), huyện Bá Thước… Hướng dẫn chế biến các món ăn mang bản sắc của dân tộc Thái nhưng được nâng tầm về chất lượng và vệ sinh. Bên cạnh đó, cán bộ văn hóa cũng hướng dẫn bà con phục dựng nhiều điệu múa truyền thống, thành lập các đội văn nghệ để phục vụ du khách.

Đặc biệt, trong năm 2019, chính quyền huyện đã chỉ đạo xây dựng, phát triển hai điểm du lịch cộng đồng tại bản Mạ, tập trung bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống và những phong tục, tập quán của đồng bào, coi đây là những thế mạnh riêng có để từ đó đẩy mạnh tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Cũng từ năm 2019, huyện đã tổ chức tuần lễ văn hóa, thể dục, thể thao tại bản Mạ với nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo khách du lịch tới tham dự.

Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, các gia đình trong bản cũng đã chủ động tự sửa sang lại cơ sở vật chất, cải tạo môi trường thoáng đãng, phục dựng các trò chơi dân gian nhằm tạo điểm nhấn đối với du khách. Cộng đồng còn đóng góp và kêu gọi nguồn xã hội hóa để xây dựng tuyến đường đi bộ dọc bản, đường lên một số thác suối để ngắm cảnh. Một số homestay chủ động sử dụng các đồ dùng phục vụ du khách làm từ gỗ, tre, nứa để tạo cảm giác gần gũi và thân thiện với môi trường.

3. Phát triển du lịch bản Mạ từ vốn văn hóa cộng đồng - một số vấn đề đặt ra

Nhờ những cố gắng của chính quyền cũng như người dân, đến nay, du lịch cộng đồng thông qua việc khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa của đồng bào Thái ở Bản Mạ đã có những bước phát triển nhất định. Mỗi năm bản đón từ 7.000-10.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của đồng bào. Đến năm 2022, bản có 17 homestay đủ các điều kiện cần thiết để phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, nhiều giá trị văn hóa của cộng đồng đã được phục hồi và lưu giữ. Có được những kết quả tích cực trên là nhờ sự vào cuộc tích cực của nhiều bên liên quan khác nhau, trong đó có vai trò của chính quyền và cộng đồng. Cộng đồng người Thái ở đây đã chủ động trong việc lựa chọn những khía cạnh đặc sắc trong vốn văn hóa của mình để bảo tồn, tái tạo và quảng bá, thu hút khách du lịch. Vốn văn hóa được sử dụng như là một công cụ quan trọng để đồng bào linh hoạt tham gia vào các mạng lưới du lịch, như hướng dẫn du khách trải nghiệm thực tế, lưu trú, ăn uống… Chính quyền cũng đã có những động thái tích cực, khuyến khích và tạo điều kiện cho du lịch cộng đồng phát triển. Từ năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Dựa vào Đề án, huyện đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia xây dựng bản du lịch cộng đồng. Quan tâm cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường; gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, qua đó đẩy mạnh tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch từ vốn văn hóa của cộng đồng người Thái ở bản Mạ cũng đang đặt ra một số vấn đề, trong đó có mâu thuẫn giữa việc bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Trong thực tế, một số món ăn đã không còn giữ được nguyên vẹn theo cách chế biến của người Thái mà đã có sự biến tấu, gia giảm, chế biến cầu kỳ hơn để đáp ứng nhu cầu và khẩu vị của du khách. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc lưu trú còn hạn chế. Mặt khác, việc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng ở bản Mạ còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí do chưa cân đối được nguồn ngân sách của huyện…

Từ thực tế ở bản Mạ cho thấy, để du lịch cộng đồng phát triển, cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa hai mục tiêu giữ gìn vốn văn hóa của đồng bào và mục tiêu kinh tế. Trường hợp bản Mạ nói riêng và nhiều địa phương khác đã chứng minh, phát triển du lịch dựa vào vốn văn hóa của cộng đồng là quá trình phát triển thu hút sự tham gia của nhiều bên liên quan khác nhau, trong đó, cộng đồng đóng vai trò quan trọng nhất. Họ vừa là chủ thể sáng tạo ra các vốn văn hóa, đồng thời trực tiếp thực hành, bảo vệ và phát huy chúng - với tư cách là “các chất liệu” để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, tạo nên những trải nghiệm hứng thú, mới lạ cho khách du lịch. Chính vì vậy, việc giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Thái ở bản Mạ (nhà ở, trang phục, ẩm thực, lễ hội…) sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phát triển các hoạt động du lịch, thu hút khách du lịch.

Cùng với đó, cần tiếp tục huy động các nguồn lực nói chung, trong đó có nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, cơ sở vật chất, kỹ thuật. Đồng thời, phải nâng cao ý thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ các vốn văn hóa truyền thống của địa phương. Ngoài ra, trên cơ sở các giá trị văn hóa đặc trưng của cộng đồng, cần đa dạng hóa các dịch vụ, trải nghiệm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các đặc trưng văn hóa của cộng đồng người Thái ở bản Mạ để thúc đẩy du lịch ở địa phương ngày càng phát triển.

Kết luận

Vốn văn hóa cộng đồng là những yếu tố văn hóa góp phần tạo nên bản sắc cũng như phân biệt các cộng đồng với nhau. Chính vốn văn hóa cộng đồng đã trở thành một đòn bẩy thu hút du khách đến trải nghiệm và khám phá. Chính vì vậy, việc sử dụng vốn văn hóa cộng đồng như là một năng lực cạnh tranh để phát triển du lịch đang diễn ra ngày càng phổ biến ở nước ta.

Cộng đồng người Thái ở bản Mạ đã linh hoạt trong việc khai thác và vận dụng các vốn văn hóa của mình để thu hút khách du lịch, góp phần đưa bản Mạ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa. Với các định hướng về đường lối, chính sách cũng như sự hỗ trợ của chính quyền, việc phát triển du lịch đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân địa phương. Mặt khác, thông qua sự tương tác giữa các cá nhân hay cộng đồng với khách du lịch đã làm giàu thêm vốn văn hóa của địa phương, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa riêng biệt của đồng bào.

Tuy nhiên, việc sử dụng vốn văn hóa cộng đồng để phát triển du lịch ở bản Mạ nói riêng, nhiều địa phương khác nói chung hiện nay vẫn còn đặt ra nhiều thách thức cần phải giải quyết. Trong thực tế, không thể phủ nhận, con đường để cộng đồng gắn kết giữa lợi ích với vốn văn hóa của họ được xem là hướng đi hữu hiệu, là chìa khóa để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững. Không thể thiếu vắng sự đồng hành của cộng đồng cùng vốn văn hóa của họ trong bức tranh phát triển du lịch cộng đồng vốn đa dạng và nhiều sắc thái ở Việt Nam trong bối cảnh đương đại.

______________

1. Pierre Bourdieu (1986), The Forms of Capital (Các hình thức của vốn), in trong: Imre Szeman, Timothy Kaposy, Cultural theory: An anthology (Lý thuyết văn hóa: Một tuyển tập), John Wiley & Sons, 2011, p.81-93.

2. Bùi Minh Hào, Vốn văn hóa trong phát triển kinh tế thị trường của người Dao: một tiếp cận lý thuyết nhân học, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 6, 2018, tr.31-32.

3. Trần Thị An, Mối quan hệ giữa vốn văn hóa và vốn xã hội trong bối cảnh chuyển đổi ởViệt Nam cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, Tạp chí Khoa học xã hội, số 11, 2017, tr.6.

4, 7. Võ Quế (chủ biên), Du lịch cộng đồng: Lý thuyết và vận dụng, tập 1, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2006, tr.11, 51.

5. Đỗ Hậu, Quy hoạch xây dựng đô thị với sự tham gia của cộng đồng, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 2008, tr.9.

6. Bùi Hoài Sơn, Vốn văn hóa, trong: 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008, tr.519-528.

TS TRẦN THỊ LAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;