Vai trò của vốn văn hóa trong việc nâng cao sức hút đối với du khách tại Hà Nội

1. Vốn văn hóa trong việc nâng cao sức hút đối với du khách

Khái niệm vốn văn hóa của Bourdieu và các học giả về sau bàn nhiều đến việc giải trí, một lĩnh vực ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Giải trí được nhìn nhận như hoạt động thư giãn, giải trí và giáo dục nhưng mỗi người trong xã hội có sự giải trí khác nhau. Hơn thế nữa, với kiến thức chúng ta đạt được qua hoạt động giải trí (hoặc qua chuyến du lịch), chúng ta có thể có cơ hội tốt trong việc đạt được những khía cạnh khác của cuộc sống như tiền bạc hoặc sự tôn trọng của người khác.

Nhìn chung, con người có được vốn văn hóa qua quá trình tích lũy kinh nghiệm của bản thân, của gia đình và tầng lớp xã hội mà họ sở thuộc. Vốn văn hóa phụ thuộc vào cá nhân do năng lực nhập nội hóa văn hóa bên ngoài của xã hội thành thứ văn hóa của riêng mình, ở mỗi cá nhân lại càng khác. Cùng lúc đó, cá nhân khách thể hóa vốn văn hóa của mình ra ngoài thông qua sở thích, cách ăn mặc, nói năng, lựa chọn bạn bè, cách giải trí. Mỗi con người đều có vốn văn hóa riêng mình. Càng nhiều kinh nghiệm, con người lại càng có nhiều vốn văn hóa. Vốn văn hóa, vốn xã hội và vốn kinh tế có thể chuyển đổi được cho nhau, tuy nhiên, không phải theo một chiều: càng có nhiều vốn văn hóa thì càng có nhiều vốn kinh tế, hay ngược lại.

Vốn văn hóa cũng không chỉ là tài sản của cá nhân mà còn là tài sản của một cộng đồng. Vốn văn hóa của một cộng đồng có được những trải nghiệm lịch sử của cộng đồng đó. Những biểu hiện cụ thể của vốn văn hóa ấy chính là những đồ tạo tác, ký ức lịch sử được khách thể hóa thông qua các di sản, phong tục tập quán và cả việc sắp xếp và tổ chức xã hội… Một xã hội có hàm lượng vốn văn hóa cao có thể biến vốn văn hóa của mình thành vốn kinh tế, đặc biệt thông qua các hoạt động du lịch. Du khách thích đến thăm những nền văn minh cổ xưa, các di tích, di sản văn hóa. Đó chính là ví dụ về việc vốn văn hóa được chuyển thành những giá trị kinh tế như thế nào.

Du lịch văn hóa là một trong những hình thức căn bản của du lịch, là loại hình du lịch khai thác các giá trị văn hóa tạo thành sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của du khách như tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, ẩm thực…, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho quốc gia, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa đất nước trong thời hội nhập.

Hà Nội đứng đầu cả nước về tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là du lịch văn hóa, với 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, 1.350 làng nghề và làng có nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, nhiều đơn vị nghệ thuật gắn với nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn cùng hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư và đổi mới phương thức hoạt động, so với các địa phương khác trong cả nước.

Khi Hà Nội khai thác được những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thành các sản phẩm du lịch văn hóa, như: những tour tham quan các di sản văn hóa, những dịch vụ du lịch trong kinh doanh lữ hành, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ khác..., mà ở đó, chủ thể kinh doanh biết ứng dựng những dụng kiến thức văn hóa và các kỹ năng, nghiệp vụ du lịch, thì chắc chắn điều này không chỉ góp phần xây dựng hiệu quả thương hiệu Thủ đô, mà còn có những vai trò quan trọng như:

 Đóng góp doanh thu lớn cho nền kinh tế Hà Nội, đồng thời thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa khác như: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh. Ví dụ: quần thể Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà hát múa rối Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam… là điểm đến không thể thiếu của bất cứ du khách nước ngoài nào khi tham quan Thủ đô Hà Nội. Đây được xem là tiềm năng lớn, tạo thành các sản phẩm cho du lịch văn hóa của Hà Nội, góp phần xây dựng thương hiệu và định vị trên thị trường du lịch quốc tế.

 Góp phần phát huy, bảo tồn và làm giàu các giá trị văn hóa dân tộc, được biểu hiện thông qua văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Hà Nội sở hữu nhiều danh hiệu do UNESCO trao tặng, nhiều di tích cấp quốc gia như: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Di sản Văn hóa thế giới năm 2010; 82 bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận Di sản tư liệu thế giới; Hội Gióng (ở đền Phù Đổng và đền Sóc), tín ngưỡng thờ Mẫu được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ca trù có tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp…

Giúp thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa phong phú, đa dạng của người dân và có ý nghĩa phục hưng, nâng tầm cao mới cho sự phát triển văn hóa dân tộc trong thời kỳ toàn cầu hóa, được thể hiện ở chính các chương trình du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch… Là công cụ quảng bá hiệu quả, nhanh chóng, sinh động về văn hóa, con người và mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến ra thế giới; đồng thời các sản phẩm du lịch văn hóa còn giúp kiến tạo được xu hướng yêu thích văn hóa Thủ đô ở nước ngoài, coi Hà Nội là điểm đến tin cậy, hấp dẫn đối với du khách quốc tế.

Góp phần thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa, xây dựng, nâng cao hình ảnh, uy tín, tầm vóc Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung; từ đó tạo cơ sở tin tưởng và hợp tác ngoại giao quốc tế.

2. Thực trạng và đánh giá khả năng của vốn văn hóa trong việc nâng cao sức hút đối với du khách tại Hà Nội

Sự đa dạng của sản phẩm thông qua hoạt động mua sắm

Khách du lịch không chỉ tham quan danh thắng, di tích, thưởng thức ẩm thực mà còn có nhu cầu mua sắm những sản phẩm được coi là thế mạnh của địa phương nơi họ đã qua, đặc biệt là đồ lưu niệm, gia dụng, quần áo...

Thông qua mua sắm, có thể quảng bá thương hiệu và sản phẩm bắt nguồn từ việc mua quà lưu niệm để làm kỷ niệm cho chuyến du lịch. Một mặt do các quốc gia, các địa phương có nhu cầu giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp tới khách, thông qua việc tiêu thụ hàng hóa này của nhóm khách du lịch, xâm nhập vào thị trường gửi khách du lịch. Mặt khác, do nhu cầu của du khách về các sản phẩm này, có thể trong nước hoặc địa phương nơi họ sinh sống không có hoặc có ít hoặc giá cao hơn tại địa phương, đất nước nơi họ đến du lịch nên nhu cầu mua sắm ngày càng tăng, hoạt động giới thiệu bán sản phẩm của các điểm đến du lịch ngày càng mở rộng.

 Hoạt động mua sắm tạo điều kiện cho khách khám phá nét mới lạ trong từng sản phẩm hàng hóa, cũng như cảm nhận được nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng địa phương. Mua sắm không còn là hoạt động bổ trợ trong quá trình đi du lịch mà đôi khi còn là mục đích chính của chuyến đi. Dịch vụ mua sắm thường được phát triển tại các khu đô thị cổ, phố cổ, làng nghề.

Từ vị trí là dịch vụ bổ sung nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách, mua sắm đã dần trở thành hoạt động chính trong nhiều chương trình du lịch, thậm chí thành loại hình du lịch khá phổ biến trên thế giới, được nhiều quốc gia, nhiều địa phương coi là loại hình du lịch trọng điểm để phát triển nhằm thu hút khách. Việc phát triển các hệ thống cửa hàng với chất lượng và mức độ phục vụ chuyên nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút một số lượng lớn khách du lịch.

Mua sắm đóng vai trò xuất khẩu tại chỗ thông qua việc khách mua hàng tại điểm du lịch, người bán không cần xuất khẩu tới tận vùng miền hay quốc gia. Chi cho hoạt động mua sắm ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu du lịch của khách. Từ lâu, nhiều nước đã nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động “xuất khẩu tại chỗ” này nên có chính sách khuyến khích phát triển phù hợp.

Nguồn nhân lực

Các nguồn lực như vốn, tài nguyên du lịch, vị trí địa lý… chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng và chỉ có tác dụng khi có tác động của con người. Chỉ có nguồn nhân lực du lịch, trong đó có nguồn nhân lực du lịch chất lượng có tư duy, có trí tuệ và có ý chí, biết lợi dụng và khai thác các nguồn lực khác, gắn kết, phối hợp, tạo thành sức mạnh tổng hợp để phát triển du lịch. Như vậy có thể khẳng định: nguồn nhân lực du lịch là chủ thể, còn các nguồn lực khác là những khách thể, chịu sự cải tạo, khai thác của con người và phục vụ nhu cầu, lợi ích của con người trong lĩnh vực du lịch. Trong tất cả các yếu tố đó, nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là yếu tố quan trọng nhất.

Thủ đô Hà Nội và hệ thống dịch vụ du lịch không ngừng phát triển

Đến thăm Hà Nội hiện nay, du khách có thể đi theo đường ô tô, đường sắt, đường hàng không và cũng có thể đi theo đường thủy. Hà Nội có sân bay Nội Bài rộng lớn và hiện đại được xây dựng thành hai khu quốc tế và nội địa. Lưu lượng khách hàng năm qua sân bay Nội Bài hiện nay lên tới 35 triệu lượt người. Từ Nội Bài, du khách có thể kết nối với hầu hết các sân bay trong nước. Du khách có thể đi theo các chuyến xe chở khách của hãng hàng không Vietnam Airline hoặc VietJet Air... để di chuyển về trung tâm thành phố.

Tương tự như vậy, có thể nhận thấy từ ga Hà Nội và từ các bến xe ô tô lớn của thành phố như: bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa..., các phương tiện giao thông công cộng có sự kết nối chặt chẽ, tạo sự đi lại thuận lợi cho người dân và du khách.

Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ các loại ở Hà Nội đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp thường xuyên nhờ sự hợp tác với các tập đoàn kinh doanh khách sạn nổi tiếng thế giới đến từ Nhật, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc... Một loạt khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế đã lần lượt đưa vào khai thác như: khách sạn Metropole, Nikko, Hòa Bình, Daewoo, Meliá Hà Nội... Một số khách sạn này đã vinh dự được đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Sau những khách sạn đẳng cấp 5 sao là hệ thống khách sạn 4 sao, 3 sao, 2 sao được xây dựng rải rác khắp các quận trung tâm như hệ thống khách sạn của Công ty du lịch Kim Liên với hàng nghìn phòng lưu trú các loại...

Thị trường đồ lưu niệm ở Thủ đô

Thủ đô Hà Nội có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở trung tâm thủ đô, cũng như nằm rải rác ở các quận, huyện trên khắp thành phố. Thị trường đồ lưu niệm Thủ đô được hình thành dựa vào mạng lưới các tuyến, điểm du lịch của các lữ khách.

Phố cổ Hà Nội là nơi khách du lịch trong nước và quốc tế thích đến thăm quan vì ở đây lắng đọng hồn sông núi hàng nghìn năm lịch sử, ở nơi đây còn lưu giữ nhiều loại hình kiến trúc mang phong cách trung cổ từ TK XIX-XX, và nơi đây cũng là một trung tâm kinh tế của vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả nước, nơi có quan hệ với nhiều làng nghề ở các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định… để tập hợp, thu hút được nhiều mặt hàng có giá trị, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch đến từ muôn phương. Du khách nước ngoài đặc biệt hứng thú khi đến thăm phố cổ Hà Nội, vì họ được cảm nhận cách thức tổ chức cuộc sống, sinh hoạt truyền thống của người dân Thủ đô từ hàng trăm năm trước trong những căn nhà nho nhỏ, có mái ngói lô xô, hội tụ 4 hoặc 5 thế hệ trong một gia đình cùng chung sống. Đồ lưu niệm được bán tập trung ở các tuyến phố: Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Bè, Cầu Gỗ, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liệt, Hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can…

3. Giải pháp phát huy khả năng của vốn văn hóa trong việc nâng cao sức hút đối với du khách tại Hà Nội

Sử dụng truyền thông báo chí đa phương tiện trong việc thu hút khách du lịch

Tại Hội nghị tọa đàm về công nghiệp văn hóa của Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 10-6-2021, PGS,TS Bùi Hoài Sơn từng chia sẻ: Để phát triển một ngành công nghệ văn hóa hoàn chỉnh cần dựa trên 4 yếu tố: tài năng sáng tạo - tức là các nghệ sĩ, cá nhân có khả năng sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa; tiềm năng hay vốn văn hóa; kỹ năng kinh doanh, những yếu tố giúp đưa sản phẩm văn hóa đến với thị trường; yếu tố công nghệ để sáng tạo nên sản phẩm văn hóa (công nghệ trong âm nhạc, điện ảnh), tạo điều kiện để quảng bá, phân phối sản phẩm văn hóa (như công nghệ thông tin). Tất cả 4 yếu tố đó phải được thực hiện đồng bộ, liên kết chặt chẽ với nhau để xây dựng nên các ngành công nghiệp văn hóa chuyên nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu có thì mới chỉ tập trung được yếu tố 1 hoặc 2, cùng lắm là 3 yếu tố, chứ chưa tạo ra một chuỗi liên hoàn để hình thành sức mạnh tổng thể hỗ trợ lẫn nhau.

Thời hậu COVID-19, muốn tạo ra một sản phẩm du lịch chất lượng, trước tiên phải sử dụng vốn văn hóa để làm chất liệu, đó là lịch sử dân tộc, là tri thức và truyền thống văn hóa. Tuy nhiên, để góp phần phát triển ngành Du lịch văn hóa thì vai trò của yếu tố thứ 4 là công nghệ - công nghệ thông tin, là truyền thông báo chí đa phương tiện trong bối cảnh phát triển mạnh của công nghệ 4.0, hợp tác quốc tế được xem là vô cùng quan trọng.

Với mục tiêu muốn thu hút khách du lịch đến với Hà Nội cần phải nhờ các phương thức và phương tiện mới như internet thì du khách quốc tế mới có thể nhanh chóng tìm kiếm, quyết định tiêu dùng các sản phẩm của du lịch văn hóa Hà Nội. Ở đây, truyền thông, đa phương tiện, gồm: hội tụ tích hợp nhiều loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử); sử dụng đa mã ngôn ngữ (bao gồm cả hình ảnh, âm thanh); tận dụng tối đa kỹ thuật công nghệ cao trong làm báo; và tạo khả năng tương tác đa chiều trong việc hoạch định rõ ràng về du lịch văn hóa Hà Nội với các tour lữ hành, các loại hình sản phẩm kinh doanh dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, văn hóa, hay các sản phẩm văn hóa sáng tạo…, góp phần thúc đẩy quảng bá văn hóa, con người và điểm đến lý tưởng Hà Nội trong mắt du khách quốc tế, định vị thương hiệu trên thị trường du lịch thế giới.

Xây dựng và phát triển du lịch văn hóa Hà Nội phải thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới vào sản phẩm và các dịch vụ du lịch. Đó là những kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, đa phương tiện trong sáng tạo, quản lý, điều hành, thực hiện, quảng bá, tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa đến với mọi du khách một cách sinh động, đa dạng và hấp dẫn.

 Sự phát triển du lịch văn hóa, thông qua sự phổ biến của internet và truyền thông báo chí là cơ hội tiếp xúc văn hóa dễ dàng và bình đẳng cho mọi người dân và du khách quốc tế. Mọi người đều được hưởng thụ, nghe nhìn, cảm nhận, hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại của Hà Nội qua các sản phẩm du lịch văn hóa, các tour, dịch vụ du lịch để từ đó tạo dựng được sự hấp dẫn, thu hút “Hà Nội là điểm đến du lịch an toàn, văn minh, đậm đà bản sắc của Việt Nam” trên thị trường du lịch trong và ngoài nước.

Tăng cường liên kết trong nước để đẩy mạnh giáo dục du lịch và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng

Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng phải liên kết trên nhiều bình diện, nhiều hình thức để thực hiện, trong đó có liên kết: Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng (doanh nghiệp) để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và toàn diện.

Hình thức liên kết: Chú trọng cả 3 hình thức liên kết ngang, liên kết dọc và liên kết chéo để phát triển nguồn nhân lực du lịch Hà Nội.

Liên kết ngang trong phát triển nguồn nhân lực du lịch của Hà Nội cần khuyến khích các doanh nghiệp du lịch cùng loại; các cơ sở giáo dục du lịch cùng cấp trình độ kết hợp với nhau để phát huy thế mạnh bổ sung cho nhau, hạn chế những yếu kém và những bất lợi trong phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng. Ví dụ: Thành lập và triển khai hoạt động của Hiệp hội ngành nghề du lịch, chuỗi, liên minh du lịch; Hiệp hội các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp…

 Liên kết dọc trong phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng để các doanh nghiệp ngành nghề khác nhau, các cơ sở giáo dục ở các cấp trình độ đào tạo khác nhau liên kết để chia sẻ tài nguyên đào tạo, dạy nghề, khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh; hỗ trợ nhau về mọi mặt, hợp tác phân công nhau phát triển nguồn nhân lực ở các công đoạn nối tiếp nhau.

Liên kết chéo trong phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng là liên kết giữa cơ sở giáo dục với các doanh nghiệp du lịch để hình thành chuỗi giá trị phát triển nguồn nhân lực du lịch từ hướng nghiệp đến giáo dục hướng nghiệp du lịch, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học đến tuyển dụng, sử dụng, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng và đãi ngộ nhân lực. Chính quyền các cấp của Hà Nội, các sở ngành chức năng, tham gia vào liên kết chéo để hướng dẫn, kết nối, điều tiết, hình thành và quản lý mối liên kết Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng trong phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong đó có nguồn nhân lực du lịch chất lượng.

___________________

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Thanh Hoa, Một số vấn đề đặt ra trong quản lý và phát triển du lịch tại các khu vực di sản thế giới ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 2008.

2. Nguyễn Thị Nguyên Hồng, Khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của Hà Nội và phụ cận, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, 2004.

3. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Tổng cục Du lịch.

4. Luật Du lịch 2017, thi hành từ ngày 1-1-2018.

5. Nguyễn Văn Lưu, Phát triển nguồn nhân lực du lịch - Yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013.

6. Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

7. Nghị quyết số 92/NQ - CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.

8. Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung khắc phục điểm yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch.

Ths NGUYỄN VĂN TÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;