Ngành Du lịch Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19 - Bài 3: Các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam sau đại dịch

Việt Nam là Điểm đến hàng đầu châu Á 2022Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2022; Tổng cục Du lịch đạt danh hiệu Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á 2022; TP.HCM, Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Mộc Châu cũng là những địa danh của Việt Nam được xướng danh tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 29 (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2022; Truyền thông thế giới ca ngợi Việt Nam là điểm sáng phục hồi du lịch với lượng tìm kiếm quốc tế tháng 8 gấp 7 lần so với tháng 3. Những danh hiệu này góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam, đặc biệt trong việc đón khách quốc tế mùa cao điểm này.

Tuy nhiên, những tác động bởi đại dịch COVID-19 vẫn đòi hỏi những nỗ lực quyết liệt hơn nữa để phục hồi du lịch. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-9-2022: 9 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 1,87 triệu lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ trước nhưng doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng nay mới chỉ bằng 55,9% so với cùng kỳ năm 2019 (năm trước khi xảy ra đại dịch). Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch năm 2022 bàn về tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch, ngày 17-8-2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá: ngành Du lịch đứng trước áp lực giá cả dịch vụ tăng cao, chất lượng phục vụ chưa tương ứng; cùng với đó là tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp ở các cơ sở lưu trú, dịch vụ. Lợi thế cạnh tranh trong việc cấp thị thực, thời gian lưu trú của Việt Nam chưa thuận lợi so với nhiều quốc gia khác. Việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, quảng bá du lịch quốc tế đang ở mức hạn chế (1).

Hội An - điểm đến thu hút khách quốc tế - Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh Hà

1. Các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19

Trong thời gian qua, vấn đề tìm giải pháp để phục hồi du lịch thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, diễn đàn được tổ chức nhằm đưa ra các giải pháp giúp du lịch phục hồi và phát triển nhanh chóng. Gần đây nhất, vào ngày 8-9-2022 tại TP.HCM, tại Diễn đàn du lịch cấp cao với chủ đề: “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Du lịch Việt Nam cần những giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm các mô hình, cơ chế mới”. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần xem lại toàn bộ các chính sách về phát triển du lịch để phát triển bền vững hơn. Trước hết là vấn đề nhân lực du lịch, cần huy động các doanh nghiệp du lịch tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Bộ VHTTDL cần phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội, đề xuất cơ chế, báo cáo cấp thẩm quyền cho phép thí điểm những mô hình đào tạo mới. Thứ hai là phát triển du lịch xanh tối đa để bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn. Các sản phẩm, dịch vụ trong khu lưu trú bớt dùng đồ nhựa, đồ nilon, sau đó lan tỏa ra khu dân cư xung quanh. Thứ ba là đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số. Không chỉ giúp du khách tìm hiểu các sản phẩm, điểm đến, thanh toán các dịch vụ du lịch qua điện thoại thông minh mà còn là số hóa các sản phẩm du lịch, các bảo tàng, di tích, điểm đến để du khách tìm hiểu thuận lợi trước khi đến. Thứ tư là tăng cường kết nối hơn nữa giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, các quốc gia trong khu vực trên tinh thần cùng có lợi, không chỉ phát triển du lịch mà còn để cuộc sống của người dân thêm phong phú, nhiều trải nghiệm hơn (2).

Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhận định: trong bối cảnh cạnh tranh giữa các điểm đến trên toàn cầu ngày càng gay gắt, đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo, phù hợp với xu hướng du lịch sau đại dịch COVID-19. Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam (3).

Để mở lại hoạt động du lịch “an toàn, khoa học, hiệu quả” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phục hồi và phát triển bền vững, ngành Du lịch đã và đang triển khai các giải pháp then chốt như sau (4):

Thứ nhất, tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng và người lao động trong lĩnh vực du lịch để sớm phục hồi ngành Du lịch như: giảm thuế giá trị gia tăng, giá điện, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022; hình thành mạng lưới quốc gia các doanh nghiệp du lịch nhỏ và siêu nhỏ để hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phục hồi hoạt động kinh doanh...

Thứ hai, xây dựng cơ chế thu hút lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch quay trở lại làm việc; tăng cường đào tạo nhân lực du lịch để bù đắp số lượng lao động bị thiếu hụt do tác động của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững.

Thứ ba, phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc sắc; đồng thời quan tâm, đầu tư để đa dạng hóa, hình thành chuỗi liên kết sản phẩm, nhằm tăng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tập trung đầu tư, phát triển, làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đang được khai thác: du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (bao gồm ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng cần được quan tâm, đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.

Thứ tư, nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ… với mục tiêu làm sao mỗi địa phương đều có điểm nhấn riêng, tạo dựng hình ảnh thương hiệu du lịch hấp dẫn.

Thứ năm, tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển thương hiệu quốc gia. Trong đó, chú trọng tổ chức hoạt động xúc tiến tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế, phù hợp với xu hướng mới; tập trung phát triển thương hiệu du lịch quốc gia trên cơ sở thương hiệu du lịch vùng, địa phương, doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm; chú trọng phát triển những thương hiệu có vị thế cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và địa phương để đảm bảo hiệu ứng thống nhất.

Thứ sáu, thiết lập hạ tầng, từng bước thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Du lịch, trong đó tập trung triển khai Kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục tăng cường thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý các cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành, hướng dẫn viên, điểm đến, các cơ sở dịch vụ du lịch; cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch.

Thứ bảy, định hướng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại các khu, điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ, góp phần tích cực bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm ngăn chặn, giảm thiểu và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động du lịch.

2. Kiến nghị, đề xuất từ phía chuyên gia và doanh nghiệp

Dưới góc độ của một chuyên gia nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách du lịch, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chia sẻ một số giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch trong tình hình hiện nay như sau (5):

Một là, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn và tiện lợi đến du khách. Phải tháo gỡ toàn bộ các rào cản về thị thực, tạo điều kiện tối đa cho khách du lịch vào Việt Nam. Những thị trường mà trọng điểm đông khách du lịch hoặc các điểm có nhiều tiềm năng thì nên tiếp tục nghiên cứu, xem xét để thực hiện chính sách miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Cần có những bước đi táo bạo, dành những nguồn lực lớn hơn để tổ chức các hoạt động, các sự kiện quảng bá du lịch Việt Nam một cách chuyên nghiệp ở các thị trường trọng điểm của Việt Nam ở nước ngoài. Định hướng những thị trường mới, nhưng đầy tiềm năng, đang có tốc độ tăng trưởng khách cao hơn mà trước đây lượng khách họ đến với Việt Nam là rất ít. Một số thị trường trọng điểm ở nước ngoài vẫn chưa mở cửa trở lại, ví dụ như Trung Quốc, Nga… vì vậy, chúng ta phải có các thị trường khác thay thế.

Hai là các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn nên vẫn cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ một cách thực tế. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch đang gặp khó khăn về tài chính, không có nguồn vốn để đầu tư trở lại.

Ba là đào tạo lại nguồn nhân lực cũ và thu hút, đào tạo thêm nguồn nhân lực mới để đáp ứng với nhu cầu phát triển, tăng trưởng nhanh của ngành Du lịch.

Bốn là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, sản phẩm du lịch phải là yếu tố cốt lõi. Sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu, phải được làm mới, phải nắm bắt được nhu cầu và đồng thời, lực lượng doanh nghiệp phải chủ động sáng tạo hơn trong phát triển sản phẩm dịch vụ. Đặc biệt là sự tác động của công nghệ sẽ rất mạnh mẽ nên cần đẩy mạnh công nghệ để phát triển các sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của du khách, mang lại nhiều lợi ích hơn cho khách du lịch.

Năm là xu hướng du lịch cộng đồng, đang là trào lưu rất lớn, được khách du lịch rất quan tâm để trải nghiệm. Việt Nam là quốc gia có rất nhiều tiềm năng, lợi thế, với một cộng đồng 54 dân tộc mang nhiều bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú, hấp dẫn nên du lịch cần biết tận dụng và khai thác.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel đưa ra kiến nghị: thời điểm này hầu hết doanh nghiệp đã cạn lực, vì thế để giữ chân người lao động các doanh nghiệp rất cần được Chính phủ tiếp sức về tài chính đồng thời có chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp để họ không bỏ ngành. Do đó, doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp với gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động để duy trì nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc, nghiên cứu thêm phương án hỗ trợ dựa trên chi phí, thay vì dựa trên số thuế phải nộp (giảm thuế suất), để hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp không có lợi nhuận. Với tình hình kinh doanh của khu vực doanh nghiệp hiện nay, nên triển khai chính sách hỗ trợ dựa trên chi phí lao động để góp phần thu hút lao động quay trở lại làm việc (6).

Ông Tạ Duy Báu - Giám đốc công ty TNHH Lữ hành Quốc tế Horizon Việt Nam chia sẻ: Đối với du lịch quốc tế, đang thực sự thiếu nhân sự. Hiện, chưa có nhiều doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính để kết hợp với trường đại học cùng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. Việc doanh nghiệp đào tạo nhân sự vẫn diễn ra đơn lẻ do ít vốn đầu tư. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam muốn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030 thì phải đào tạo nhân sự giỏi nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thị trường khách du lịch như Séc, Hà Lan… vẫn đang thực sự thiếu nhân sự biết tiếng bản địa của họ. Trong khi đó, các trường đại học hiện nay chỉ mới đào tạo những tiếng cơ bản. Ngoài ra, các doanh nghiệp thực sự đang gặp khó khăn về tài chính, vốn đầu tư nâng cấp, do hơn hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch. Công ty quay lại để phục hồi nhưng không vay được vốn từ ngân hàng vì đã dừng hoạt động trên 6 tháng nên rất cần những chính sách, những gói hỗ trợ doanh nghiệp trong khoảng thời gian khó khăn này. Trong thời gian qua, do chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chiến tranh giữa Nga và Ukraina, thêm vào đó, đồng Euro giảm mạnh, khách du lịch nhiều nơi gặp khó khăn nên Công ty chuyển sang bán các tour ngắn ngày, thay vì các tour dài ngày như trước. Các sản phẩm du lịch cũng đang được làm mới, do nhu cầu của khách sau đại dịch thay đổi và các nhà hàng, khách sạn, thuyền bè trước đại dịch COVID-19, nay đa số đều không còn như trước nên phải tìm các đối tác mới. Các món đồ lưu niệm cần đảm bảo chất lượng và giá thành, sản phẩm phải đa dạng, không để tình trạng nơi nào cũng giống nhau. Và đặc biệt, hiện nay, chúng ta chưa có nghiên cứu nào về nhu cầu và xu hướng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi xu hướng du lịch sau đại dịch đã có sự thay đổi rõ rệt. Các điểm du lịch cũng cần được phân loại theo nhu cầu, sở thích của khách du lịch như khách Pháp thích đến những nơi hoang sơ, hoang vắng (7).

Kết luận

Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ VHTTDL cũng như các địa phương, doanh nghiệp đã có những biện pháp mạnh mẽ nhằm phục hồi, phát triển du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn chưa thể tháo gỡ ngày một, ngày hai, vì vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh du lịch nội địa, cần tăng cường nhiều biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng khách quốc tế, tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch đủ khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Hy vọng rằng, du lịch Việt Nam sẽ sớm có thêm nhiều bước phát triển để sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

______________

1. Thanh Giang, Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngành du lịch nhanh chóng phục hồi, nhandan.vn, 17-8-2022.

2, 3. PV, Du lịch Việt Nam cần những giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm cao mô hình, cơ chế mới, nhandan.vn, 8-9-2022.

4. Phỏng vấn ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, 15-6-2022.

5. Phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, 30-9-2022.

6. Thu Hằng, Tiếp sức doanh nghiệp du lịch trở lại đường đua, diendandoanhnghiep.vn, 26-2-2022.

7. Phỏng vấn ông Tạ Duy Báu, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế Horizon Việt Nam, 30-9-2022.

TS LIÊN HƯƠNG - TS MAI HƯƠNG - HÙNG MẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022

;