Ngành Du lịch Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19 - Bài 2: Những nỗ lực phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19

Trước bối cảnh hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, ngành Du lịch tiếp tục thúc đẩy các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế gắn với bảo đảm an toàn, chuẩn bị từ sớm, từ xa các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

Để đối phó với những tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với ngành Du lịch, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ. Trong đó, doanh nghiệp và lao động ngành Du lịch là một trong số những đối tượng được quan tâm và hưởng chính sách hỗ trợ. Đối với ngành Du lịch cũng đã liên tục có các văn bản đề xuất, kiến nghị với Chính phủ một số chính sách hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp du lịch để triển khai trong và sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai và cập nhật các cơ chế, chính sách mới ban hành trong gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trên cơ sở ấy, ngành Du lịch, đặc biệt là Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch đưa ra nhiều biện pháp để phục hồi và phát triển du lịch. Ngành Du lịch đã phát động nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề: Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam (5-2020), Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn (9-2020)… Chương trình kích cầu du lịch nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương doanh nghiệp và người dân. Việc kích cầu du lịch nội địa đã tạo ra xu hướng chuyển dịch mới, đem lại những đóng góp thiết thực cho quá trình khôi phục kinh tế. Mặc dù sự phục hồi của du lịch trong giai đoạn này có thể chưa đủ để thúc đẩy hoạt động của toàn bộ ngành Du lịch, nhưng đã giúp một bộ phận các doanh nghiệp nhỏ hoạt động và kích thích nền kinh tế, làm giảm tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế nói chung cho đến khi du lịch quốc tế hoạt động trở lại.

Sau thời gian dồn lực chống dịch, triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Đây là cơ hội để du lịch và lữ hành được hoạt động trở lại, không chỉ với du lịch trong nước mà cả du lịch quốc tế.

Với Nghị quyết 128 của Chính phủ về Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Nghị quyết 11/NQ-CP về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là Quyết định của Chính phủ mở cửa toàn diện ngành Du lịch từ ngày 15-3-2022 với nhiều quy định thông thoáng đã mở đường cho ngành Du lịch sớm phục hồi và phát triển. Trong quá trình phục hồi ngành Du lịch sau đại dịch COVID-19, tuy gặp phải những khó khăn như: suy thoái kinh tế toàn cầu gây ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu du lịch quốc tế; chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau. Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) hiện vẫn đang siết chặt phòng chống dịch (Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “không COVID”, chưa cho phép du lịch quốc tế; Nhật Bản vẫn yêu cầu cách ly 7 ngày, Đài Loan (Trung Quốc) quy định cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh...). Việc kết nối, trao đổi giữa các doanh nghiệp bị gián đoạn trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19. Kết nối lại giữa các doanh nghiệp đối tác hoặc tìm doanh nghiệp đối tác mới cần có thời gian trao đổi, thảo luận, đàm phán về dịch vụ, về giá và quảng bá, bán tour. Bên cạnh đó, nhân lực ngành Du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng. Do tuyển gấp và từ nguồn chưa qua đào tạo, chất lượng phục vụ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách. Vì vậy, vẫn có một số phàn nàn, phản ánh của du khách về chất lượng dịch vụ phục vụ khách tại một số điểm đến du lịch…

Tuy nhiên, ngành Du lịch Việt Nam cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, thời gian qua, ngành Du lịch đã thúc đẩy các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế gắn với đảm bảo an toàn, chuẩn bị từ sớm, từ xa các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, gắn với phục hồi và phát triển du lịch. Bên cạnh đó, ngành đã định hướng các doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch cần chuyển hướng để đáp ứng kịp thời nhu cầu khách du lịch, chăm sóc khách du lịch tốt hơn, đặc biệt ứng dụng nhiều hơn công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào công tác quản trị, công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh để đáp ứng nhu cầu và thu hút sự chú ý của du khách.

Sau gần 6 tháng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, ngành Du lịch đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10-8-2022 đánh giá: “thị trường du lịch dần ấm lên”.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch “Tổng số khách du lịch nội địa 8 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 79,8 triệu lượt, cao hơn 19,8 triệu lượt so với mục tiêu cả năm 2022 và tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2019” - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch và gần bằng số lượng khách cả năm 2019 (85 triệu lượt). Trong khi đó, tổng thu từ khách du lịch trong 8 tháng đầu năm 2022 “ước đạt 356,6 nghìn tỷ đồng, đạt 80,6% so với cùng kỳ năm 2019”. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022 cũng đạt trên 1,4 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng đạt 58%.

Trong bối cảnh khách quốc tế còn ít, Việt Nam chọn giải pháp đẩy mạnh du lịch nội địa với các chương trình kích cầu. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao, nhất là khi có doanh thu từ lữ hành như: Khánh Hòa, Hà Nội, TP.HCM... Các dịch vụ theo ngành du lịch cũng tăng trưởng đáng phấn khởi. Ngày 17-8-2022, tại cuộc họp bàn về tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch, đánh giá việc thực hiện và đề xuất tháo gỡ khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá sau khi mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15-3 đến nay, ngành Du lịch đã tập trung vào thị trường nội địa và đạt được những kết quả phục hồi ấn tượng “Sau đại dịch, 90% các cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, đạt trên 55% công suất phòng với các ngày trong tuần, dịp cuối tuần đạt trên 95%, nhất là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn. Hoạt động vận tải, hàng không đáp ứng khá tốt nhu cầu du khách nước ngoài. Việc làm mới, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch được đẩy mạnh. Hoạt động liên kết phát huy hiệu quả nhất là kết nối giữa các trung tâm du lịch (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…) với các điểm đến lân cận. Đây cũng là cơ hội để phát triển du lịch bền vững mà ưu tiên chính của du lịch bền vững là bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại Việt Nam, giảm tác động vào môi trường” (1).

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi Tọa đàm trực tuyến Du lịch thích ứng an toàn với COVID-19 - Ảnh: baochinhphu.vn

Có thể thấy rằng, du lịch nội địa vẫn đang là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Chiến lược phục hồi, phát triển du lịch nội địa là hoàn toàn đúng đắn. Sau bốn đợt dịch, chúng ta đều thấy được mỗi giai đoạn làn sóng dịch giảm xuống, các điểm du lịch dù mở lại cầm chừng thì nhu cầu du lịch trong nước lại tăng lên. Minh chứng cho thấy, trong giai đoạn từ ngày 1-6-2020 đến 31-8-2020, du lịch nội địa tăng trưởng chưa từng có, với hành trình trong nước chiếm đến 96% tổng quãng đường du lịch của người Việt, trong khi con số này vào cùng kỳ 2019 chỉ đạt 52%.

Đạt được kết quả này là nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, đúng hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Lãnh đạo Bộ VHTTDL. Bốn làn sóng dịch bệnh COVID-19 đã diễn ra tại Việt Nam từ đầu năm 2020, đến nay đã được Đảng và Nhà nước, Chính phủ cùng các cấp các ngành, các địa phương hành động kịp thời và kiểm soát tình hình các vùng dịch tốt nhằm giảm thiểu tối đa sự lây lan nhanh chóng của biến thể mới đe dọa đến tính mạng cộng đồng. Từ thực tiễn hoạt động phòng, chống dịch bệnh đã khẳng định sức mạnh và vai trò lãnh đạo to lớn của Đảng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, cũng như việc đưa các các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là cấp thiết, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân ta. Hơn bao giờ hết là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng sẽ góp phần tăng thêm sức mạnh to lớn giúp vượt qua đại dịch, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023, tạo đà cho du lịch phục hồi và đóng góp ngày càng hiệu quả cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Bên cạnh đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch đã kịp thời hỗ trợ khó khăn đối với doanh nghiệp, người lao động, cũng như các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10-8-2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cũng đã nêu những khó khăn trước mắt của ngành Du lịch như thị trường lao động đang có sự chuyển dịch và khó khăn về nguồn nhân lực; cơ sở vật chất sau thời gian dịch bệnh cần được sửa chữa, nâng cấp… Bộ VHTTDL trong thời gian qua đã tích cực tổ chức các hội nghị, diễn đàn để liên kết các vùng, cùng tìm các giải pháp nhằm chủ động kết nối, làm mới sản phẩm du lịch. Bộ trưởng cũng mong muốn các chính sách hỗ trợ, giảm thuế, giảm tiền điện đã triển khai, sẽ được kéo dài đến năm 2023. Đồng thời để thu hút khách du lịch quốc tế, thì phải tập trung làm mới sản phẩm du lịch và khai thác, phát huy văn hóa truyền thống Việt Nam, phối hợp đồng bộ với các Bộ, ban ngành khác.

Với chức năng là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ VHTTDL quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch, cụ thể như sau (2):

Thứ nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động trong ngành Du lịch sớm ổn định, quay trở lại với nghề. Tổng cục Du lịch đã làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, từ đó tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, tham mưu cấp có thẩm quyền tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ như: các chính sách về thuế, phí, nới rộng điều kiện nhận hỗ trợ của chính sách an sinh xã hội; chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đến hết năm 2023.

Thứ hai là phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt, kết nối các địa phương xây dựng liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh, thành phố: liên kết xúc tiến, đầu tư và du lịch tỉnh An Giang - Thành phố Hà Nội; thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và 12 tỉnh/ thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang); liên kết hợp tác phát triển du lịch Hà Nội - Bình Định; liên kết phát triển du lịch TP.HCM với 13 tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long; TP.HCM với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; liên kết phát triển du lịch cụm 7 tỉnh phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long… qua đó, thúc đẩy phát triển hơn nữa du lịch nội địa; đồng thời thúc đẩy các địa phương học tập mô hình, kinh nghiệm, cải tiến sản phẩm du lịch của mình.

Thứ ba là đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ du lịch luôn sẵn sàng: Tổng cục Du lịch đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc các cơ sở lưu trú du lịch, các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp tục bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất, bổ sung cơ sở vật chất mới, hiện đại; áp dụng công nghệ số trong quản trị nội bộ và dịch vụ khách hàng; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu mới của khách du lịch;

Thứ tư là thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành: Tổng cục Du lịch đã và đang tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái thông minh trong ngành du lịch, kết nối khách du lịch, nhà cung cấp dịch vụ, điểm đến và cơ quan quản lý. Xây dựng các trang quản trị Hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; Dashboard điều hành Du lịch (Dành cho cơ quan quản lý): Trang quản trị Hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; Ứng dụng Hướng dẫn du lịch Việt Nam; Thẻ Du lịch thông minh; Trang vàng Du lịch Việt Nam; Hợp đồng điện tử; Hệ thống vé điện tử; Bãi đỗ xe thông minh; Máy bán nước tự động…(Dành cho các điểm du lịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch); Ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam; Thẻ Du lịch thông minh; Hợp đồng điện tử (Dành cho Hướng dẫn viên) và Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn; Thẻ Du lịch thông minh; Trang vàng Du lịch Việt Nam (Dành cho Khách du lịch). Bên cạnh đó, đã hỗ trợ một số địa phương như Hà Giang, Thanh Hóa chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh. Trong bối cảnh dịch bệnh trong 2 năm qua, các ứng dụng công nghệ do Tổng cục Du lịch phát triển đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo du lịch an toàn.

Đồng thời, thúc đẩy những sáng kiến mới, mô hình mới trong phát triển du lịch: Tổ chức nhiều cuộc thi, sự kiện như: Sáng kiến Du lịch Amazing Việt Nam 2021, cuộc thi “Du lịch và Cuộc sống”; thi ảnh nghệ thuật du lịch toàn quốc “Khám phá Việt Nam”… để thu hút trí tuệ sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục khởi nghiệp sáng tạo, lan tỏa tinh thần doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Sự chủ động chuẩn bị, vào cuộc tích cực, triển khai nhiều sự kiện và các hoạt động du lịch quy mô lớn của Tổng cục Du lịch đã tạo điều kiện để hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi trở lại, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.

Trong bối cảnh diễn biến rất phức tạp của tình hình bệnh dịch, đồng thời chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau nên tại thời điểm này, chúng ta chưa thể khẳng định được sau bao lâu nữa thì Việt Nam mới trở lại mức tăng trưởng như trước đại dịch. Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực về kiểm soát dịch bệnh; Việc tạm dừng các quy định về khai báo y tế từ ngày 27-4-2022 và xét nghiệm COVID-19 từ ngày 15-5-2022 đối với khách nhập cảnh. Với diễn biến này, có thể nói các điều kiện nhập cảnh của Việt Nam là rất cởi mở, thuận lợi. Hy vọng với những điều kiện thuận lời và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ VHTTDL, trong thời gian tới du lịch Việt Nam sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

 ______________________

1. Đình Nam, Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngành du lịch nhanh chóng phục hồi, baochinhphu.vn, 17-8-2022.

2. Phỏng vấn TS Nguyễn Trùng Khánh (Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch), 15-6-2022.

Ths TUỆ SAM - TS MAI HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022

;