Vở chèo xây dựng thành công hình tượng nghệ thuật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ

Ngày 6 và 7/8 vừa qua, vở diễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Nhà hát Chèo Quân đội đã thu hút rất đông khán giả đến với sân khấu Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội) để xem và cổ vũ cho các nghệ sĩ. Vở diễn được người làm nghề đánh giá là thành công, được khán giả hoan nghênh bởi ở đó, hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hiện lên với đầy đủ tính cách của một nhà cầm quân tài ba mà bình dị, đời thường. 

Trong vở diễn xuất hiện gần 20 nhân vật lịch sử, ngoài Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có hình tượng Hồ Chí Minh, các vị lãnh đạo Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, các tướng lĩnh Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Vương Thừa Vũ, Chu Huy Mân, Nam Long, Nguyễn Hữu An, Lê Trọng Nghĩa, Lê Liêm, Đặng Kim Giang, Nguyễn Văn Hiếu...; các nhân vật người Pháp có Nava, Conhi, Decatstri... Để tạo dựng bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến Điện Biên Phủ vở diễn còn có hình ảnh bộ đội, dân công nối nhau lên đường tiếp sức cho chiến trường; rồi sự kiện mang tính quyết định như sự thay đổi cách đánh ngay trước giờ G, mệnh lệnh kéo pháo vào kéo pháo ra hay cuộc quyết chiến bằng đào giao thông hào để cho bộc phá tự chế nặng 1 tấn làm nổ tung đồi A1... Tất cả bối cảnh đó đã tạo dựng nên hình ảnh vị Đại tướng văn võ toàn tài với tấm lòng nhân hậu, trung nghĩa. Có thể khẳng định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong các vở diễn thành công bởi đã vượt qua được những cái khó khi xây dựng một vở chèo về đề tài chiến tranh với những xung đột mang tính khốc liệt.

Tái hiện lại Sở Chỉ huy của tướng Đờ Cát tại Điện Biên

Từ kịch bản kịch nói của TS Nguyễn Đăng Chương chuyển thể sang Chèo đòi hỏi ê kip sáng tạo phải đầu tư công sức rất nhiều. Đạo diễn đã mạnh dạn lược bớt những sự kiện, nhân vật… để tập trung làm cho vở diễn đậm chất chèo: mềm mại, đi sâu vào tính cách, nội tâm, những biến chuyển trong tình cảm nhân vật. Những cảnh chính có tính trữ tình, tính thơ đã được ưu tiên đưa vào với liều lượng vừa đủ như cảnh hồi tưởng của Đại tướng và người vợ Bích Hà, rồi cảnh Đại tướng xuất hiện khi Tô Vĩnh Diện dũng cảm lấy thân mình cứu pháo, hay cảnh Đại tướng tới thăm chốt quân y tiền tiêu… Người xem rơi nước mắt trước những phân cảnh được diễn rất cảm động, đặc biệt rưng rưng với yêu cầu nhỏ bé: được nghe làn điệu dân ca, làn điệu Chèo khi lâm chung của anh bộ đội bị thương nặng. Kết hợp với người chuyển thể (Nguyễn Đức Minh) rất thông thuộc làn điệu cổ cùng những cố vấn thuộc hàng đầu của ngành như đạo diễn, NSND Thúy Mùi, NSND Minh Thu… đã làm chất Chèo đậm hơn, dễ chấp nhận hơn. Ban đầu, nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Thế Khoa từng lo ngại khi biến kịch bản đầy chất tư liệu này thành một vở Chèo nhưng rồi ông đã phải cảm động thốt lên: “Đêm ra mắt vở chèo Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là một giải đáp tuyệt vời cho câu hỏi của tôi. Kịch bản của tác giả Nguyễn Đăng Chương không chỉ đã trở thành một vở Chèo mà còn là một vở chèo hay về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng Điện Biên, xứng đáng là công trình nghệ thuật chào mừng 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 113 năm ngày sinh và 11 năm ngày mất của Đại tướng”.

Đạo diễn, NSND Thúy Mùi thành công bởi biến được kịch bản đầy tính kịch, tính sử thi thành chèo. Những xử lý nhanh gọn, đẩy tiết tấu sân khấu nhưng sẵn lòng dừng lại ở những phân cảnh trữ tình và đặc biệt là hiệu quả của việc di chuyển những hàng cây rất đẹp trong phân cảnh hồi tưởng của Đại tướng. Không lạm dụng kỹ thuật nhưng không từ chối nếu hiệu quả, đạo diễn đã cân đong được cảm xúc đối với người xem. 

Cảnh nghỉ ngơi của bộ đội pháo binh

Người yêu Chèo cũng dành tình cảm rất lớn cho dàn nhạc của Nhà hát Chèo Quân đội. Những giai điệu ngọt ngào, những âm hưởng khi chuyển cảnh rất tinh tế, rất phù hợp được viết riêng cho từng phân cảnh đã nâng được cảm xúc, khơi gợi cho người xem về vở diễn, về tiến trình phát triển của cốt truyện. Vì thế, tình tiết không mới, nhưng người xem lại vẫn giữ được niềm xúc động bồi hồi với từng cảnh diễn.

Giúp sức quan trọng cho đêm diễn là dàn diễn viên thực lực của đơn vị. NSND Trịnh Minh Tiến vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp thật xuất thần. Dù tuổi tác không còn phù hợp với nhân vật thời điểm này (NSND đã ngoài 60 tuổi mà nhân vật mới hơn 40 tuổi), nhưng dung mạo, khí chất cùng sự điêu luyện của một nghệ sĩ lớn ngành Chèo đã khiến người xem nhanh chóng quên đi để chỉ thấy một vị Đại tướng toàn tài, đau đáu vì máu xương người lính, luôn tự nhắc câu thơ bất hủ: “Nhất tướng công thành - vạn cốt khô” để làm động lực cho các quyết định mang tính bước ngoặt của mình. Các diễn viên khác như nghệ sĩ Đức Phú trong vai Tô Vĩnh Diện, nghệ sĩ Thanh Nga trong vai Mai… đều hoàn thành vai diễn, luyện tập nhuần nhuyễn, có sự ăn ý để tạo được cảm xúc tích cực cho người xem. Những phút giây thư giãn quý báu nơi chiến trường với âm hưởng hài Chèo cũng là những giây phút giải tỏa cho tâm trạng căng thẳng của người xem.

Vở diễn sẽ tiếp tục được đi lưu diễn cho bộ đội và nhân dân nhiều địa phương để lan tỏa hình ảnh đẹp, lưu giữ những ký ức đẹp về người bộ đội Cụ Hồ, đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây cũng là một trong những tác phẩm mà đạo diễn, NSND Trịnh Thúy Mùi ưng ý, cũng là tác phẩm khiến người yêu sân khấu thêm yêu mến chị, một NSND ngành Chèo toàn tài.

NGỌC BẢO - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 580, tháng 8-2024

;