Có thể thấy, chính phong cách và tư duy làm phim của đạo diễn Lê Mỹ Cường và ngôn ngữ điện ảnh của phim tài liệu trực tiếp đã đưa đến cái nhìn khác biệt, mang tính sâu sắc và chân thực về nghệ thuật và nghệ sĩ cải lương trong phim Đoạn trường vinh hoa.
Sự trình hiện về nghệ sĩ cải lương với ánh hào quang sân khấu và những góc khuất sau ánh đèn
Đoạn trường vinh hoa được làm theo phong cách phim tài liệu quan sát. Nhà làm phim “không can thiệp vào sự kiện vào các sự kiện được quay”, “chú trọng giới thiệu một lát cắt của cuộc sống” (1). Đạo diễn hạn chế hình thức phỏng vấn đưa thông tin mà để các sự kiện tự nhiên diễn ra, tự nó kể câu chuyện. Mạch phim được kể một cách chậm rãi, chú trọng khắc họa diễn biến tâm trạng, cảm xúc của nhân vật thông qua các góc máy trung cận và cận cảnh. Nhờ đó, từng cảm xúc thăng hoa trên sân khấu cho đến những nỗi đau, sự mệt mỏi, lo lắng trên khuôn mặt của chị Hai, cô Phương Ánh hay những diễn viên gánh hát đều được khắc họa một cách rõ nét. Thông qua việc xây dựng nhân vật chính Phương Anh, đạo diễn khắc họa hình tượng người nghệ sĩ cải lương luôn sống hai “cuộc đời” song song: trên sân khấu và phía sau cánh gà, “vinh hoa” và “đoạn trường”, hai hình ảnh có vẻ đối lập, nhưng đó là sự khắc họa chân thực nhất về người nghệ sĩ.
Có thể thấy, trong cốt truyện phim, so với bối cảnh đời thường, bối cảnh sân khấu chiếm dung lượng ít hơn. Đạo diễn chỉ thể hiện ba phân đoạn nghệ sĩ diễn cải lương trên sân khấu. Tuy vậy, người xem vẫn thấy được hình ảnh người nghệ sĩ tài năng sống hết mình với đam mê. Có lẽ khoảnh khắc được đứng trên sân khấu là lúc người nghệ sĩ được gác lại những lo toan mưu sinh để đắm chìm trong những lời ca, tiếng hát và ánh đèn rực rỡ, họ được sống một cuộc đời khác, hóa thân vào nhân vật. Khi đó người nghệ sĩ là trung tâm của khung hình, máy quay được đặt luân phiên ở hai vị trí: một là, ngược lại với ánh đèn sân khấu tạo hiệu ứng khung cảnh trở nên chói sáng, người nghệ sĩ trở nên vô cùng nổi bật; thứ hai là, máy quay cùng chiều với ánh đèn sân khấu, lúc này người nghệ sĩ được thể hiện dưới góc nhìn của khán giả xem biểu diễn, dưới ánh đèn lấp lánh, rực rỡ, nghệ sĩ cải lương trở nên lộng lẫy và đẹp đẽ - nơi họ thể hiện tài năng, giọng hát và nghệ thuật biểu diễn của mình. Sân khấu là nơi người nghệ sĩ được tỏa sáng, trở thành trung tâm của mọi ánh nhìn. Họ hạnh phúc khi thấy sự say mê và tiếng vỗ tay của khán giả. Đó là lúc sự đồng cảm, kết nối giữa nhân vật, người nghệ sĩ và khán giả gặp gỡ.
Khoảnh khắc nghỉ ngơi của người nghệ sĩ tại đình thần sau những buổi diễn đêm muộn kết thúc
Không phải ngẫu nhiên đạo diễn lại dành nhiều thời lượng phim để trình hiện đời sống thường ngày mang tính riêng tư của người nghệ sĩ. Họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhọc nhằn, thậm chí phải đánh đổi cả sức khỏe của bản thân. Trút bỏ vẻ ngoài rực rỡ của những “ông hoàng”, “bà chúa” trong các vở diễn, người nghệ sĩ trở về với hình hài bình phàm, tự mình họa mặt bằng những bộ phấn son rẻ tiền, quây quần ăn chung bữa cơm dân dã, trải chiếu nằm ngủ cạnh nhau... Lúc này nghệ sĩ cải lương trở về với cuộc sống đời thường, bộc lộ tất cả phần riêng tư nhất. Cuộc sống của họ gắn với gánh hát, nay ở đình làng này mai ở đình làng khác, không cố định nơi chốn, không ổn định tiền bạc. Hoạt động của đoàn hát cũng không ổn định mà chỉ gói gọn trong mùa lễ Kỳ Yên, ngoài thời gian đó, mỗi nghệ sĩ lại trở về cuộc sống thường ngày với những lo toan mưu sinh, thậm chí họ phải kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống, người chạy xe ôm, người nhận đi hát đám cưới, đám ma,… Cô bầu đoàn Phương Ánh đã có một thời đứng trên sân khấu cho đến khi tự mình thành lập đoàn Tuồng cổ Phương Ánh. Cô luôn đứng sau cánh gà bao quát, lo lắng chu toàn cho vở diễn, thi thoảng cô cũng góp giọng cho vở diễn nơi hậu trường. Phương Ánh coi cải lương và tuồng cổ là máu xương, là hơi thở, là ân tình Tổ nghề sân khấu gieo duyên mà cô nguyện cả đời trả nợ. Những người nghệ sĩ xuất thân nông dân như cô có lẽ ít khi trăn trở sống để làm nghề hay làm nghề để sống, mà đơn giản chỉ là tồn tại và làm nghề. Bên cạnh đó, nghệ sĩ trụ cột trong đoàn là chị Hai Phương Anh - con gái cô Phương Ánh, cũng là đào chính của đoàn, là người gồng gánh mọi khó nhọc cho đoàn. Phân đoạn để lại nhiều xúc động là cảnh Phương Anh vừa kết thúc phần biểu diễn vở Bạch Yến Nhi cứu chúa trên sân khấu. Khi vào hậu trường, chị nằm ngã xuống, thở dốc, phải xức dầu để xoa dịu những cơn đau. Âm thanh trực tiếp và góc máy trung cận càng tô đậm hơi thở nặng nề và những đau đớn của chị. Phân cảnh này “tưởng chừng là một cảnh quay hết sức giản dị, nhưng chính sự đơn giản của nó lại hé lộ khoảnh khắc mong manh hiếm thấy và gần như đối nghịch hoàn toàn với một chị Hai đầy mạnh mẽ, quyết đoán được thể hiện ở phần đầu của bộ phim” (2). Ở đây, chúng ta cũng thấy được lòng tự trọng, tự tôn của người nghệ sĩ, khi đã đứng trên sân khấu họ phải cống hiến hết mình cho khán giả, họ phải quên đi bệnh tật hay nỗi niềm riêng tư của mình. Cơn đau vẫn đeo bám Phương Anh sau mỗi đêm diễn cho tới khi chị phải nhập viện. Khó khăn lại tới khi gia đình không đủ tiền để chị chữa bệnh. Có lẽ xót xa nhất là phân cảnh Phương Anh phải dùng đến hai máy sưởi mà vẫn run lên từng cơn đau đớn. Nỗi đau thể xác trên gương mặt chị Hai cùng nỗi đau tinh thần của cô Phương Ánh, của chồng và con trai chị khiến người xem không khỏi xót xa cho cuộc đời của một nghệ sĩ đầy tài năng. Đạo diễn cũng tạo hình ảnh biểu tượng từ sự nối tiếp màn kết của vở Bạch Yến Nhi cứu chúa đến sự ra đi của chị Hai giống như sự khép lại của một cuộc đời làm nghệ thuật rực rỡ, khi tấm rèm nhung khép lại cũng là lúc cuộc đời tận hiến cho nghệ thuật của nghệ sĩ Phương Anh kết thúc. Tới đây, dường như sân khấu cải lương và cuộc đời nghệ sĩ hòa quyện làm một. Sự chuyển tiếp đột ngột này vừa đem lại cảm giác xót xa, hụt hẫng và tiếc thương cho cuộc đời người nghệ sĩ. Ấy thế nhưng, đạo diễn không kết phim ở đó, những cảnh cuối phim là hình ảnh thu dọn đồ sau một buổi biểu diễn, đạo diễn sử dụng góc máy cao kết hợp cảnh quay dài ghi lại hình ảnh chiếc xe máy chở đồ biểu diễn đi trên con đường dài, cuộc sống vẫn cứ tiếp tục, ánh đèn sân khấu của đoàn hát vẫn tiếp diễn, những người nghệ sĩ vẫn luôn kiên trì, nỗ lực, tận hiến hết mình vì tình yêu với nghề. Đó cũng là bầu sinh quyển tích cực mà đạo diễn Lê Mỹ Cường đã tạo ra xuyên suốt bộ phim, dù nhiều thách thức nhưng người nghệ sĩ luôn kiên trì và tiến về phía trước, điều đó mang đến cho người xem những cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng và nhiều xúc động.
Có thể thấy, chính phong cách và tư duy làm phim của đạo diễn Lê Mỹ Cường và ngôn ngữ điện ảnh của phim tài liệu trực tiếp đã đưa đến cái nhìn khác biệt, mang tính sâu sắc và chân thực về nghệ thuật và nghệ sĩ cải lương trong phim Đoạn trường vinh hoa. Rõ ràng, bộ phim không hướng đến một sự nắm bắt, lý giải về cuộc đời người nghệ sĩ hay đơn thuần truyền đi một thông điệp về sự mai một của cải lương mà nó đã thành công trong việc tạo ra một trải nghiệm để người xem cảm nhận được trọn vẹn những góc khuất về đời sống vật chất và tinh thần của người nghệ sĩ cải lương từ điểm nhìn bên trong của chính cộng đồng này. Đạo diễn Lê Mỹ Cường đã kể câu chuyện của nghệ thuật truyền thống bằng loại hình nghệ thuật điện ảnh hiện đại. Nếu cải lương đang dần bị mai một và đứng trước nhiều thách thức thì điện ảnh là nghệ thuật hiện đại cho thấy ưu thế trong việc dễ tiếp cận công chúng hơn, từ đó đưa câu chuyện về số phận của nghệ thuật cải lương lên màn ảnh. Đó là một hướng đi mà nhiều đạo diễn có đam mê với cải lương đang thực hiện. Tuy nhiên, sự không mặn mà của khán giả đại chúng với những bộ phim có đề tài cải lương cũng cho thấy một diễn ngôn đương đại, về khó khăn của nghệ thuật truyền thống nhưng cũng là khó khăn của các bộ phim điện ảnh nghệ thuật trong dòng chảy chung của công nghiệp điện ảnh, của thị trường văn hóa. Câu chuyện của nghệ thuật cải lương, của người nghệ sĩ cải lương yêu nghề trong nhọc nhằn trở thành thành vấn đề lớn của tác phẩm điện ảnh. Nó khiến người xem phải suy ngẫm, thực sự đã đến lúc chúng ta cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ những loại hình nghệ thuật truyền thống này, bởi gìn giữ và duy trì nó là giữ gìn và bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống bản địa.
Khoảnh khắc sân khấu được dựng lên trước buổi diễn
Khoảnh khắc đời thường của Cô Ba - Nghệ sĩ Phương Ánh
(Tiếp theo số 574 và hết)
________________
(1) Warren Buckland (2011), Nghiên cứu phim, Nxb Tri thức.
(2) Khôi Phạm (2020), “Nước mắt sau lớp hóa trang tuồng cổ trong Đoạn trường vinh hoa, saigoneer.com
TS LÊ THỊ TUÂN - HÀ PHƯƠNG ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 577, tháng 7-2024