Vị trí của ca chương trong tế đàn xã tắc

1. Ca chương trong lễ nhạc cung đình triều Nguyễn

Ca chương (nhạc chương, chi chương) dưới triều Nguyễn được viết bằng chữ Hán do các quan trong Bộ Lễ hoặc Hàn Lâm viện biên soạn, phù hợp với những quy định về niêm luật hoặc những điều kiêng kỵ hay tên húy. Để đạt được điều này, các quan đều phải xem xét về chữ nghĩa của triều đình, đồng thời đảm bảo về nội dung và tính chất của từng cuộc lễ cũng như mỗi lễ thức. Cho đến nay, các bài bản ca chương này còn được bảo lưu khá nguyên vẹn trong sử sách triều Nguyễn, cũng như được khảo sát, tìm hiểu, mô tả của các tạp chí đương thời, đặc biệt là Tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Huế (B.A.V.H).

Nếu như các dàn nhạc phục vụ trình thức lễ bằng những bài bản âm nhạc không lời cố định nhằm thể hiện sự thành kính, trang trọng… thì các khúc ca chương chính là những tác phẩm âm nhạc có lời, chuyển tải nội dung chính của mỗi lễ thức trong từng cuộc lễ. Tùy theo tính chất và nội dung của mỗi lễ thức, lời ca được thay đổi cho phù hợp… Đây chính là linh hồn, là phần chính chủ yếu trong mỗi cuộc lễ như: tế giao, tế miếu, tễ xã tắc, tế Lịch Đại Đế Vương… Trong cuốn Âm nhạc cung đình triều Nguyễn của tác giả Trần Kiều Lại Thủy cho biết: “Lời bài hát bằng chữ Nho làm cho âm nhạc trong buổi lễ thêm phần long trọng, mỗi bài ca đầu tiên là một bài thơ, rồi thơ được âm điệu hóa thành bài ca. Giai điệu thường theo dấu thanh của lời thơ. Kiểu hát dựa trên thơ này được thấy ở Trung Hoa với niên đại cổ nhất là vào khoảng thời nhà Châu. Bấy giờ có lời thơ tứ tuyệt, câu 4 chữ và 8 chữ . Cuối thời nhà Hán, thơ phổ biến là 5, 7 chữ. Cách hát âm điệu hóa lời thơ gọi là nhạc phủ. Người trình bày lời thơ được giai điệu hóa theo dấu thanh hay thoại trên nền nhạc điệu. Nhạc phủ phổ biến cả trong cung đình lẫn ngoài dân gian. Ở cung đình người ta trình bày nhạc phủ trong những ngày lễ lớn, có thể dưới dạng đồng ca hay hợp ca có nhạc đệm…” (1).

Đến đời Đường, nhạc phủ phát triển mạnh mẽ và được chia làm hai loại là luật thi và từ khúc. Luật thi là các bài hát dựa trên các bài thơ cân phương. Từ khúc là những giai điệu hóa từ các bài thơ tự do… Do vậy, lời hát dựa trên thể thơ Đường luật trong âm nhạc cung đình nước ta nói chung, âm nhạc triều Nguyễn nói riêng là ảnh hưởng của nhạc phủ đời Đường. Tuy nhiên, trong âm nhạc tế lễ cung đình triều Nguyễn hầu như chỉ dùng những bài ca với câu thơ cân phương, giai điệu hóa những bài thơ không cân phương chỉ thấy dùng chủ yếu trong ca Huế.

Căn cứ vào quyển 99 trong bộ Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ, chúng tôi tổng hợp các ca chương trình tấu trong những cuộc tế lễ cung đình như sau: Các bài ca chương đều được đánh số gồm 126 bài, có đầy đủ bản dịch nguyên văn cách đọc chữ Hán và bản dịch nghĩa của các ca chương. Về số thứ tự của các ca chương được chia làm 3 nhóm: nhóm 1 từ 01 đến 79, nhóm 2 từ 01 đến 22, nhóm 3 từ 01 đến 25. Tổng số có 10 loại ca chương có tên gọi khác nhau: Hòa, Thành, Bình, Phong, Thọ, Huy, Văn, Phúc, Hy, Khánh (2).

2. Ca chương trong tế đàn xã tắc

Thông thường trong các cuộc lễ cung đình, các trình thức về nghi lễ hầu như lặp lại nhau và có 3 nhóm nghi lễ chính: Nhóm 1, gồm vua và hoàng gia: khi vua ngự điện, lên ngai, từ thọ lên tòa, khi vua hồi cung…; Nhóm 2, gồm các quan triều đình: khi xếp hàng chầu, làm lễ khánh thọ, làm lễ tạ ơn, các nước thuộc quốc, các quan địa phương làm lễ khánh hạ, các tiến sĩ mới làm lễ, khâm thiên giám làm lễ dâng lịch…; Nhóm 3, gồm các trình thức và nghi lễ: lễ nghinh thần, tạ thần và tiễn thần, tuần dâng rượu lần đầu, lần hai và lần cuối, lễ dâng ngọc lụa, lễ thượng hương, thượng trà, lễ đốt văn tế, lễ vọng ế…

Nhiều tài liệu cho rằng, âm nhạc hòa tấu trong cung đình triều Nguyễn được xây dựng và hoàn thiện gồm 7 thể loại: giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc và cung nhạc. Như vậy, lễ tế đàn xã tắc nằm ở nhóm thứ ba (ngũ tự nhạc, cùng với tế thành hoàng, tế đàn tiên nông), được xếp vào hàng đại tự, một trong những quốc lễ lớn của triều Nguyễn.

 Theo Âm nhạc truyền thống Việt Nam của Trần Văn Khê (3), đàn xã tắc có 7 ca chương mang chữ Phong gắn với các nghi thức tế lễ như sau:

TT

Bài bản

Nghi thức

1

Diên Phong

Tấu khi rước thần về

2

Tuy Phong

Tấu khi dâng rượu lần 1

3

Tư Phong

Tấu khi dâng rượu lần 2

4

Mậu Phong

Tấu khi dâng rượu lần 3

5

Hòa Phong

Tấu khi hạ đồ cúng

6

Dự Phong

Tấu khi tiễn thần đi

7

Khánh Phong

Tấu khi kết thúc cuộc lễ

Sau đây, chúng tôi xin trích nội dung ca chương Diên Phong trình tấu khi đón thần về trong tế đàn xã tắc:

Nghênh thần tấu Diên Phong chi chương

Duy Thần phiên ly

Gia ngã lê tắc

Công tại tư dân

Vạn thế lạp thực

Xuân tự thu báo

Cổ lễ thị thức

Trạc trạc quyết linh

Kỳ lâm hữu dực

(Dịch: Đón thần tấu khúc Diên Phong

Sắp đặt do thần

Ban ta lúa nếp

Công lao do dân

Vạn đời có hạt

Xuân cầu thu đạt

Theo cổ lễ nghi

Linh thiêng tỏa sáng

Giáng lâm trợ giúp).

Như vậy, các ca chương trong lễ nhạc cung đình nói chung, tế đàn xã tắc nói riêng không giống với các bài bản âm nhạc cung đình, có lúc được pha trộn từ dòng âm nhạc dân gian được cung đình hóa. Ngược lại, khi dòng âm nhạc cung đình suy thoái lại dễ dàng hội nhập vào dòng âm nhạc dân gian để tồn tại. Còn ca chương, một thể loại là con đẻ chính thống của triều đình chỉ phục vụ các nghi lễ cung đình, được bảo lưu khá trọn vẹn qua suốt chiều dài thăng trầm của lịch sử. Nên khi nhiều cuộc tế lễ triều đình bị bãi bỏ, các trình thức nghệ thuật cung đình dần suy thoái thì các loại ca chương nói chung trong nghi lễ cung đình và ca chương trong tế đàn xã tắc cũng bị triệt tiêu, nó không thể hòa nhập vào đời sống dân gian bởi giá trị của nó khá xa lạ với đời sống bình dân.

Trong Khảo sát nhạc lễ cung đình Huế, tác giả Nguyễn Đình Sáng chỉ ra rằng: “Cùng với sự suy thoái của âm nhạc cung đình, các ca chương trở thành các văn bản đóng băng về mặt âm nhạc học như cao độ, trường độ, tiết tấu, sự phối hợp dàn nhạc…không có văn bản nào đề cập đến, việc làm nóng để tan băng các bài bản ca chương vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ…” (4).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ca chương là những bài tụng ca có cao độ, giai điệu, nhạc điệu, múa phụ họa và chỉ gói gọn trong vài nốt nhạc được lặp đi lặp lại theo một chu kỳ nhất định chứ chưa trở thành một bài hát hoàn chỉnh mà tựa như thể loại hát nói. Có thể nói, đây là một điểm mở trong các di sản thuộc lễ nhạc cung đình, và cũng là lý do chính mà chúng tôi muốn tiếp cận để tìm lại diện mạo của các ca chương trong tế đàn xã tắc dưới triều Nguyễn.

Khi tiếp cận, ký âm, nghiên cứu, phân tích các bài ca chương trong tế đàn xã tắc do gia đình cố nghệ nhân Lữ Hữu Thi cung cấp, chúng tôi thấy mỗi bài chủ yếu có hai câu nhạc chính được lặp đi lặp lại nhiều lần có biến đổi chút ít theo dấu giọng của ca từ, tốc độ chậm với nội dung lời ca khác nhau. Mỗi chữ là một nhịp có luyến láy theo những quãng liền bậc với sắc thái legato, cách mỗi câu hát lại có một câu nhạc lưu không do dàn nhạc (5) phụ trách. Cách chuyển hòa thanh hoàn toàn bám theo thể thức ngũ cung. Ví dụ, bài Diên Phong chi chương, sau phần nhạc dạo, vào câu 1 lấy nốt Fa làm Hò thì câu 2 chuyển về bậc 4 (nốt Sib), trước khi kết câu 2 giai điệu chuyển về bậc 5 (nốt Đô).

Như vậy, các ca chương chủ yếu khác nhau về nội dung lời ca, còn câu dài hay ngắn và cao độ có thay đổi chút ít cho phù hợp với dấu giọng lại tùy thuộc vào mỗi ca chương trong từng trình thức cuộc lễ.

Trong thực tế, các ca chương khi vang lên gần với lối tụng ca trong âm nhạc nhà Phật. Theo sử liệu về âm nhạc Phật giáo Việt Nam từ nền nghệ thuật Tiên Sơn, tác giả Lê Mạnh Thát cho chúng ta biết thêm về lễ nhạc Phật giáo Việt Nam từ TK V đã có một thể chế lễ nhạc bao gồm: ca, tán, tụng, vịnh. Trong đó, mối quan hệ giữa ca, vịnh với nhạc chương, tán, tụng với nhạc khí, và sự kết hợp: “Bối là một thữ lễ nhạc do phổ tán bằng đồ ống, đồ dây mà thành, còn nhạc thì do tấu bằng đồ kim, đồ đá mà thành” (6). Do vậy, cao độ của các bài ca chương thường nằm trên một trục âm nhất định, như:

Qua quan sát ví dụ về trục âm cao độ ở phần trên, chúng ta thấy rất rõ những đường nét giai điệu trong các ca chương thường nằm ở những mô hình đường nét giai điệu nhất định như: Bước nhảy quãng 4 đi lên và đi xuống, sau đó tiền hành bước lần từ quãng 2 lên quãng 3; Bước lần đi lên quãng 2 nhảy xuống quãng 4, rồi bước lần xuống quãng 2; Bước lần đi lên quãng 2, nhảy xuống quãng 5, rồi bước lần lên quãng 2; Bước lần đi xuống quãng 2, nhảy lên quãng 3, rồi bước lần đi xuống quãng 2; Bước nhảy quãng 3 đi lên, nhảy xuống quãng 4 rồi tiến hành đi lên quãng 2.

Như vậy, với vị trí cao độ, với lối tiến hành đường nét giai điệu giống như thủ pháp thêu trong hòa thanh, sau đó tiến hành bước lần quãng 2 đi lên hoặc đi xuống, âm vực thường nằm ở phạm vi quãng 8 giữa, trừ ô nhịp cao trào của các đoạn là bước lần đi lên quãng 9 rồi trở lại ngay chủ âm, nhịp độ chậm. Điều này gần gũi với lối tán tụng của nhà Phật, mặt khác, với lối tiến hành đường nét giai điệu như vậy còn thể hiện tính trang nghiêm, thành kính với các vị thần tiên và các đấng tiên đế đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi và phù hợp với lối diễn tấu của dàn nhạc là đánh tòng theo giai điệu của lời ca.

Về âm hình tiết tấu: các ca chương trong lễ nhạc cung đình nói chung, tế đàn xã tắc nói riêng thường có chung một mô hình tiết tấu gần với xuất xứ và phách nhịp của âm nhạc dân gian nhưng đã được chuyên nghiệp hóa thành bài bản có câu, đoạn nhất định (cả phần nhạc và phần lời), được truyền dạy bởi các nghệ nhân hàng đầu đất nước lúc bấy giờ, thông qua các tổ chức được nhà vua quy định như: Hòa Thanh Thự, Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường… Đó là các mô hình tiết tấu:

Ví dụ 3:

Với các dạng âm hình tiết tấu như trên, được kết hợp với vị trí cao độ và đường nét giai điệu, chúng ta thấy nó rất gần với lối ngâm vịnh của âm nhạc nhà Phật, vừa trang nghiêm, vừa huyền bí, tự nó đã tạo nên một sức mạnh tâm linh lớn trong cuộc lễ, làm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của vua, quan và muôn dân trăm họ mà trong đó vai trò của âm nhạc nói chung, ca chương nói riêng, được coi là một thứ ngôn ngữ duy nhất kết nối giữa người sống và người đã khuất, giữa các vị thần tiên trong phút giây thiêng liêng nhất của sự giao hòa với trời, đất và con người.

Từ trên cơ sở điền dã thực tế và phân tích âm nhạc, chúng tôi tạm rút ra một số kết luận về ca chương trong tế đàn xã tắc như sau: Các ca chương trong lễ nhạc cung đình nói chung, tế đàn xã tắc nói riêng là những bài bản âm nhạc thuộc về thanh nhạc, đây là những bài thơ được viết cho từng nội dung buổi lễ và sau đó được phổ nhạc. Nguyên tắc phổ nhạc của các ca chương: mỗi câu thơ 4 chữ sẽ là một câu nhạc, mỗi ca từ sẽ là một nhịp và tùy theo bài có bao nhiêu câu thơ thì sẽ có bấy nhiêu câu nhạc, có thể là 8, 12 , 16 hoặc 20 câu nhạc.

Về khúc thức: các ca chương chưa phải là một khúc thức hoàn chỉnh như các bài bản nhạc lễ hoặc ca Huế. Trong mỗi ca chương sẽ có từ 2 đến 3 câu nhạc chính, các câu sau là sự lặp lại nguyên dạng hoặc lặp lại có biến đổi về chi tiết làm cho giai điệu phù hợp với lời thơ, sau mỗi câu nhạc lại có 2 ô nhịp nhạc lưu không dẫn dắt vào câu nhạc tiếp theo; Các ca chương đều được trình bày dưới dạng đồng ca, có múa phụ họa theo từng câu hát, từng đoạn nhạc. Trong lúc các ca sinh trình diễn các ca chương có dàn tiểu nhạc (bát âm) đệm theo.

Như vậy, mỗi lễ thức trong trình thức lễ tế đàn xã tắc đều gắn với âm nhạc và ca chương, đây là thứ ngôn ngữ duy nhất để kết nối giữa con người với thế giới tâm linh trong quan niệm và nhận thức về triết học và Phật học phương Đông. Chính vì vậy, lễ nhạc cung đình triều Nguyễn nói chung, tế đàn xã tắc nói riêng là những giá trị di sản phi vật thể quý hiếm trong kho tàng âm nhạc cổ truyền dân tộc cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy hơn lúc nào hết trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.

_______________

1. Trần Kiều Lại Thủy, Âm nhạc cung đình triều Nguyễn, Viện Âm nhạc Việt Nam, 2002.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (quyển 96, 97, 97, 99), Nxb Thuận Hóa, Huế, 1996.

3. Trần Văn Khê, Âm nhạc truyền thống Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, bản in roneo, Nhạc viện Hà Nội, 1983.

4. Nguyễn Đình Sáng, Khảo sát nhạc lễ cung đình Huế, Khóa luận tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Huế 1999.

5. Dàn nhã nhạc có cơ chế bát âm theo sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ mô tả và gọi là chính nhạc.

6. Lê Mạnh Thát, Lịch sử âm nhạc Việt Nam, Nxb TP.HCM, TP.HCM, 2001, tr.295.

Tác giả: Nguyễn Thị Việt Thảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020

;