Mối quan hệ giữa âm nhạc và múa trong nghi lễ lên đồng

Lên đồng là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp hát chầu văn, một loại hình âm nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu dặt dìu cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm... đưa con người (thanh đồng) vào trạng thái thăng hoa. Ở Việt Nam, lên đồng là nghi thức không thể thiếu trong các tín ngưỡng Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần...

Lên đồng hay còn gọi là hầu bóng, đồng bóng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian và tôn giáo thờ nữ thần mẹ Đạo Mẫu dòng Shaman giáo của nhiều dân tộc, trong đó có tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các tín đồ Shaman giáo (ông đồng, bà đồng), trong đó tín đồ trở thành phương tiện linh hồn (mediumship, spirit medium) cho các vị thần khác nhau. Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng, các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ.

Trong nghi lễ lên đồng, múa và âm nhạc không thể tách rời. Yếu tố múa với các động tác nghi lễ cùng âm nhạc đón mời thần thánh, dùng các động tác để diễn tả quá trình giáng đồng, nhập đồng và trong lúc nhập đồng (múa). Âm nhạc làm mờ ranh giới giữa con người và thần linh. Âm nhạc đưa con người vào thế giới của thần thánh, làm cho con người quên đi thực tại và thời gian, đưa con người vào một không gian khác, tạo sự thay đổi tâm lý con người, làm cho con người bị quyến rũ và mê hoặc. Lời hát kể đưa con người vào nội dung của huyền tích, làm cho con người nhập tâm, chuyển đổi suy nghĩ, như các diễn viên, kịch, múa, hát, điện ảnh đều phải nhập vai. Trong trường hợp này cũng vậy, họ phải tưởng tượng ra họ là các thần thánh hoặc họ là khâm sai của các thần thánh. Họ hết lòng, hết sức tận tâm phục vụ và làm đẹp lòng thần thánh. Múa, âm nhạc và diễn viên (cô đồng) phối hợp với nhau khá ăn ý. Họ có một hệ thống những tín hiệu quen thuộc. Những tín hiệu này dùng để truyền đạt thông tin cho nhau để cùng nhau phối hợp ăn ý. Sân khấu lên đồng cũng là sân khấu biểu diễn, vì ngoài mục đích biểu diễn cho thần thánh và cho bản thân, họ còn có nhiều khán giả là những con nhang, đệ tử của Đạo Mẫu, hay đơn thuần chỉ là những bạn bè của người hầu đồng mà thôi. Vì vậy, một buổi lên đồng được cho là thành công có nghĩa là thuận buồm xuôi gió từ đầu đến cuối, cung văn phối hợp ăn ý, đoán trúng ý và đón đúng lúc các phần âm nhạc, kéo dài hoặc kết thúc sớm các giá đồng tùy theo tín hiệu của cô đồng. Cô đồng có thể thưởng rất nhiều tiền cho cung văn nếu cung văn hát hay, hợp ý và làm vừa lòng cô.

Trong tín ngưỡng lên đồng, vai trò của âm nhạc hát văn rất quan trọng. Để phục vụ một nghi lễ lên đồng đầy đủ cần có: cung văn là người hát và dàn nhạc phục vụ hát văn. Người cung văn cũng có vai trò rất đặc biệt trong nghi lễ này. Cung văn vừa là nhạc sĩ sáng tác nhạc và lời, vừa là ca sĩ, nhạc công trong một vai tổng hợp, hòa quện. Không những thế, trong quá trình các ông đồng, bà đồng bắc ghế hầu thánh, người cung văn còn phải kiểm soát mọi cử chỉ, động tác của chân đồng hành lễ, để nhanh chóng thích ứng với tình huống diễn biến, sao cho âm nhạc và các hành động trên chiếu hầu được ăn khớp, đồng điệu. Dàn nhạc gồm một đàn nguyệt, một đàn nhị, một trống nhỏ, một cảnh đôi, một phách. Ngoài ra, còn có thêm một cỗ trống lớn, chiêng, sáo và tiêu cho những buổi hát thờ lớn. Mở đầu nghi lễ lên đồng, cung văn hát điệu Văn Thờ với tiết tấu nhanh, gấp gáp, sau đó khi Thánh đã nhập đồng thì hát Văn Hầu để ca ngợi công đức hay sự tích các Thánh. Tiếp theo, người hát chuyển sang Hát Dọc để kích thích khả năng thăng, thoát của người hầu đồng, điệu này dồn dập tưng bừng. Khi người lên đồng đã nhập vai các Thánh và làm việc Thánh thì chuyển Điệu Còn là điệu thức cao hơn Dọc một cung bậc. Người lên đồng vào vai Thánh nào thì người hát chuyển giọng và chuyển nội dung theo ngôi Thánh đó cho phù hợp. Các nhạc cụ trong chầu văn mang đến âm thanh rộn rã thì nhịp điệu của hát văn cũng rất độc đáo và vui tươi, nhộn nhịp. Các điệu hát khi thì hào sảng với các chiến tích lẫy lừng của các Quan Lớn, Quan Hoàng, khi lại ríu rít, quấn quýt như tiếng chim rừng trong giá hàng Cô (Nhạc Phủ). Chính vì thế, chầu văn luôn tạo ra một không khí tươi vui, háo hức chứ không ai oán, trầm lắng như ca trù. Ở khía cạnh nghệ thuật, các chân đồng thực sự có vai trò như một diễn viên sân khấu, còn tốp cung văn đóng vai trò nhạc đệm dẫn dắt cho vở diễn hầu thánh.

Trong nghi lễ lên đồng có phần tấu nhạc và phần nhạc đệm cho hát. Bộ gõ cơ bản phục vụ cho chầu văn gồm phách làm bằng tre, một trống nhỏ hai đầu và một cảnh nhỏ. Mọi nhạc cụ gõ được đặt dưới sàn và được gõ bằng 3 chiếc dùi gỗ. Hai dùi được đặt trong một tay là dùi gõ cảnh và một dùi gõ phách. Dùi thứ 3 cầm ở tay kia dùng để gõ phách và trống. Những nhạc cụ gõ khác cũng được ghép thêm vào như thanh la, trống cái và mõ. Số lượng nhạc công tối thiểu là 2 người trong một ban chầu văn: một người chơi đàn nguyệt và một người chơi bộ gõ, một hoặc hai người cùng hát. Ban nhạc chầu văn có thể mở rộng ra tới 4 đến 5 nhạc công, sử dụng các nhạc cụ như đàn tranh, nhị, sáo và tiêu.

Âm nhạc của lên đồng có thể chia ra làm 3 loại chủ yếu được sử dụng trong các bài chầu văn đó là nhịp một, nhịp đôi, nhịp ba, các nhịp này theo một mẫu cơ bản như sau: nhịp 1: 2/4; nhịp đôi: 4/4; nhịp 3: 4/4.

Tuy nhiên, trong một số bài chầu văn không sử dụng các nhịp cơ bản trên mà sử dụng: điệu Bỉ gõ theo nhịp tự do, nghĩa là không theo nhịp gõ đều; điệu Thỉnh Bóng, Trống chiến và Sai cũng sử dụng nhịp gõ nhưng là nhịp gõ riêng, gọi là nhịp thỉnh bóng, nhịp Trống chiến và nhịp Sai.

Cô đồng Nguyễn Thị Thúy Nga tại đền Lảnh Giang, Duy Tiên, Hà Nam
Ảnh: Anh Trường

 

Lên đồng có tất cả hơn 100 giá đồng, mỗi giá nói về huyền tích của một vị thánh, làm nghi lễ nhảy, múa, ban lộc, phán truyền. Tùy theo từng phủ, đền và từng thanh đồng mà họ hầu các giá, thông thường người ta chỉ hầu khoảng 36 giá đồng tương ứng với 36 vũ điệu khác nhau. Trong buổi lên đồng, người lên đồng nhắm mắt hoặc mở mắt nhưng tập trung tinh thần để diễn tả lại tính cách, cuộc đời của vị Thánh mình đang hầu, những vị có công giúp nước, giúp dân. Thường có hai phụ đồng gọi là tay Quỳnh, tay Quế để đi theo người lên đồng chuẩn bị trang phục. Họ phải đảm bảo buổi lên đồng không bị gián đoạn khi chuyển tiếp giữa hai vị Thánh. Điệu múa của người lên đồng cũng được thay đổi theo các giá hầu. Khi thì người lên đồng hóa thân thành một vị quan lớn oai vệ uy nghiêm, khi lại hóa thân thành một cô gái tung tăng nhảy múa. Giá Quan Lớn thường có các điệu múa cờ, múa kiếm, long đao, kích… Giá của các Chầu Bà thì múa quạt, múa mồi, múa tay không rất đẹp. Giá Ông Hoàng có múa khăn tấu, múa tay không, múa cờ, múa hèo, múa kiếm. Trong khi đó đẹp mắt và được yêu thích nhất là giá các Cô múa quạt, múa hoa, múa chèo đò, múa thêu thùa, múa khăn lụa, múa đàn, múa gồng gánh, múa dệt gấm thêu hoa… Giá các Cậu lại rất được hưởng ứng, hân hoan vì sự tinh nghịch, trêu trọc trẻ con với các điệu múa hèo, múa lân. Mỗi giá, một phong cách, bước đi, dáng bộ từ một người hầu mà có diễn xuất nhiều vẻ, nhiều vai (1). Các điệu múa này nhằm ra oai, hay thể hiện sự vui vẻ làm việc Thánh và cũng là cùng vui, với những người dự lễ. Nghi lễ hầu đồng diễn ra theo thứ tự Thánh giáng từ cao đến thấp nên các điệu múa cũng đi từ sự uy nghi tới uyển chuyển sang tươi vui nhí nhảnh khiến những người tham dự nghi lễ càng hào hứng, say mê. Trong múa lên đồng, ở các giá, tùy theo khả năng và năng khiếu của mỗi người, họ sẽ nhảy múa một cách khác nhau; tùy theo sự cảm nhận về nhịp và giai điệu trong âm nhạc, mỗi thanh đồng lại biểu diễn một cách khác nhau tùy thuộc vào sự thăng hoa của mỗi người. Người nào hợp, thuận với giá đồng nào thì họ sẽ múa lâu hơn, say sưa hơn, sáng tạo và đẹp hơn ở giá đồng đó.

Với mỗi loại hình múa, có một điệu hát khác nhau phù hợp với tính chất và tiết tấu của loại múa đó. Múa đao kiếm, chùy dùng điệu hát dồn, lưu thủy (nhịp ba), trống và thanh la. Múa hèo dùng điệu lưu thủy, hát bỏ bộ, nhịp một. Múa sư tử (giá cậu) dùng trống sư tử, hát bỏ bộ nhịp một theo trống. Múa võ, khăn thường là nhạc lưu thủy. Múa mồi thường dùng điệu xá thượng, xá dây lệch. Múa dệt gấm dùng điệu bỏ bộ nhịp một. Múa hái hoa dùng điệu xá. Múa quạt, ngâm thơ dùng điệu bỉ thơ, bỏ bộ cửa đình.

Ngoài ra, hát chầu văn còn có thể mượn các làn điệu cổ truyền khác như xẩm, quan họ, ca Huế và cả những điệu hát của dân tộc thiểu số.

Âm nhạc hát văn khi kết hợp với múa cũng tuân theo những quy định nghiêm ngặt. Các giá hàng quan lớn, khi múa (kiếm, múa đao, múa cờ…) thường được dùng các điệu lưu thủy, phú dồn (tốc độ tùy thuộc vào người múa). Ở các giá hàng ông Hoàng, giá cậu… khi múa thường được dùng điệu lưu thủy, nhịp một, bỏ bộ, thơ, bỉ… Ở các giá hàng cô, khi múa (múa chèo đò, múa dệt gấm, múa quạt, múa khăn, múa tay hoa) thường được dùng các điệu nhịp một, bỏ bộ… Ở các giá Chầu bà, các giá cô miền thượng (múa mồi, múa quạt, chèo đò, hái hoa), thường được dùng các điệu xá thượng.

 Có thể nói, múa và âm nhạc đã kết hợp vô cùng chặt chẽ và trở thành ngôn ngữ biểu diễn, là chất xúc tác không thể thiếu của lên đồng. Nhà nghiên cứu Barley Norton đã đưa ra nhận định như sau: “Âm nhạc có nhiều vai trò trong lên đồng. Nó khiến cho nhập đồng có khả năng xảy ra bằng cách tác động tới tâm - hồn của người nhập đồng: cả thần thánh lẫn âm nhạc tác động tới tâm - hồn của người hầu đồng. Âm nhạc trong lên đồng có thể hiểu như là tính biến đổi: các bài chầu văn giúp cho người hầu đồng băng qua thế giới con người và thần linh xuyên qua ranh giới của giới và tộc người” (2). Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thuận Phước cũng đã từng khẳng định: “Hầu bóng là một loại hình nghệ thuật phức hợp, nó tạo ra một không gian thiêng; do đó, nó không thể tách rời riêng từng giá trị của làn điệu, lời ca hay động tác, mà nó chính là sự tổng hòa của nhiều nhân tố” (3).

Tất cả những yếu tố nghệ thuật như ca hát, âm nhạc, nhảy múa, diễn xuất được kết hợp trong nghi lễ này không còn mang bóng dáng của nghệ thuật thông thường mà được gắn kết thêm yếu tố linh thiêng của tín ngưỡng dân gian lâu đời, được kết hợp một cách nhuần nhuyễn, gắn kết chặt chẽ tạo ra một “ngôn ngữ sân khấu đặc biệt là linh thiêng”. Tất cả những yếu tố đó được trình diễn trước bàn thờ của đạo mẫu tứ phủ, trong một khung cảnh thiêng liêng, huyền ảo với màu sắc sặc sỡ, tạo nên một không gian không chỉ làm say người diễn chính (ông đồng, bà đồng), còn say những người xem trong trạng thái cộng cảm, thăng hoa và đặc biệt khi âm nhạc kết hợp với múa thông qua ông đồng, bà đồng bằng các cử chỉ, điệu bộ, động tác múa trong một loạt giai điệu lúc réo rắt nhịp nhàng, lúc buồn man mác, khi lại uy nghiêm trong sự thay đổi của từng giá chầu, từng nhân vật được mời về khiến cho hai thể loại nghệ thuật này trở thành “một thể tổng hợp đúc liền”, linh ứng và ứng linh, nâng đỡ và cùng nhau thăng hoa tạo cảm xúc xuất thần của những người nghệ sĩ tham gia. “Một giá đồng thực sự là một sân khấu dân gian đặc thù, một sân khấu tâm linh, một kiểu sân khấu còn ở dạng nguyên hợp giữa các yếu tố nghệ thuật và tín ngưỡng…; âm nhạc, hát văn và múa thiêng không thể tách rời nghi lễ nhập hồn. Người trình diễn và người xem như là nghệ sĩ và khán giả vậy. Sự hứng thú và đam mê của người xem tác động không nhỏ đến tâm lý người hầu đồng, tạo nên sự giao tiếp đồng cảm vừa tâm linh lại vừa mang tính nghệ thuật”(4).

Có thể nói, hai loại hình âm nhạc và múa gắn bó chặt chẽ như một thể thống nhất và trở thành ngôn ngữ sân khấu của nghi lễ lên đồng, có vai trò mang tính chất quyết định thành công của cả vở diễn. Đây cũng là chất xúc tác khiến người diễn, người xem và người tham gia trong các vai trò nghệ sĩ có cảm xúc, sự cộng cảm và dẫn đến sự thăng hoa, linh ứng và ứng linh. Điểm đặc biệt ở sân khấu này là kịch bản không hề bất biến mà tùy thuộc vào cảm xúc của thanh đồng. Thông qua âm nhạc và múa lên đồng, chúng ta có thể thấy rõ những tính chất của sản phẩm văn hóa từ nền văn minh lúa nước. Nó khác với nghệ thuật sân khấu du mục do trong cuộc sống coi thường và chế ngự thiên nhiên nên trong nghệ thuật bộc lộ khát khao trở về với thiên nhiên. Loại hình văn hóa gốc nông nghiệp, do thường ngày hòa hợp với thiên nhiên nên nghệ thuật bộc lộ khát khao thoát khỏi thiên nhiên trong chốc lát để vươn tới cái biểu trưng ước lệ.

Nhìn chung, tất cả các hình thức nghệ thuật xuất hiện trong sân khấu mang màu sắc diễn xướng dân gian này đều góp phần vào việc xây dựng một bức tranh tổng thể của một tác phẩm khiến người xem thực sự như được chiêm ngưỡng một bảo tàng sống động của văn hóa Việt Nam. Nghi lễ lên đồng thỏa mãn người xem cả phần nhìn và phần nghe, đồng thời mang lại trạng thái ngây ngất đặc biệt mà ở sân khấu dân gian truyền thống không thể có được.

Chú thích:

1. Ngô Đức Thịnh, Lên đồng hành trình của thần linh và thân phận, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2010.

2. Barley Norton, Lễ hầu đồng của Việt Nam: cấu tạo âm nhạc của thần thánh, Tạp chí Xưa và nay, 2012, số 417, tr.23-27, số 418, tr.7-31.

3, 4. Thuận Phước, Nghi lễ thờ mẫu, Nxb Văn hóa dân tộc, 2016, tr.199.

Tài liệu tham khảo:

1. Đỗ Hương, Hầu đồng từ góc nhìn sân khấu, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 4, 2000, tr.70-72.

2. Hồ Đức Thọ - Phạm Văn Giao, Hầu bóng, lễ thức dân gian trong thờ mẫu - thần tứ phủ ở miền Bắc, Nxb Thanh niên, 2010.

3. Nguyễn Ngọc Mai, Vai trò của việc thực hành nghi lễ lên đồng, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 332, tháng 2, 2012.

4. Nguyễn Hữu Toàn, Một số sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng ở vùng Dâu, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 17, 2004.

5. Võ Hoàng Lan, Hầu đồng một hình thức sinh hoạt sân khấu dân gian, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 9, 2000, tr.84-88.

6. Frank Proschan, Lên đồng (hầu bóng) - kho tàng sống của di sản văn hóa Việt Nam, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, 2001, tr.64-68.

Tác giả: Trần Ly Ly

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

;