Váy cưới thổ cẩm - truyền thống và hiện đại

Gần đây, các cô dâu người dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa ở Lâm Đồng không còn ngại ngùng với tấm choàng thổ cẩm thô sơ trong ngày cưới; thay vào đó là chiếc váy cưới (cũng từ chất liệu thổ cẩm) nhưng được “thổi hồn” trở nên quý phái, hiện đại…

Người “thổi hồn” vào thổ cẩm dân tộc

Về thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) gặp “cha đẻ” của những bộ váy cưới  được làm  từ chất  liệu thổ cẩm của các DTTS, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Bất ngờ bởi thường các nghệ nhân, những người lớn tuổi có kinh nghiệm sống, mới “nặng lòng”, muốn “níu” giữ, phát huy những gì thuộc về quá khứ, văn hóa truyền thống của một tộc người, một cộng đồng... Đằng này, một cử nhân 26 tuổi người Kinh - Nguyễn Đình Tuyền (sinh 1994) - ông chủ của Studio váy cưới lại là người được thanh niên các DTTS biết tên và dành nhiều tình cảm yêu mến.

Đình Tuyền chia sẻ, gia đình trước nay sống ở Đơn Dương, địa phương có khá đông người Churu và người Kơ Ho sinh sống. Đình Tuyền đã chứng kiến nhiều đám cưới của thanh niên DTTS trong vùng: ngày cưới, các cô dâu thường khoác tấm choàng thổ cẩm thô sơ (do người DTTS tự dệt hoặc mua), đi kèm là áo sơ mi trắng để đến nhà thờ, làm lễ tại nhà, tiếp khách… với tâm thế e dè, thiếu tự tin, không thỏa mái.

Năm 2016, Tuyền tốt nghiệp ngành Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP.HCM. Trở về lại địa phương, chàng cử nhân trẻ không xin làm việc cơ quan nào mà ở nhà mở studio (chuyên chụp hình đám cưới và cho thuê dịch vụ cưới).

Thực tế công việc, Tuyền thấy số cô dâu, chú rể người DTTS bản địa chiếm gần một nửa khách hàng của mình. Theo quan niệm của người DTTS, tặng quà trong ngày cưới cho khách là chia sẻ niềm vui, hạnh phúc của đôi trẻ và gia đình. Do vậy, sau khi hoàn tất chụp hình, dịch vụ mỗi đám cưới của người Churu, hay Kơ Ho, ngoài tiền công, Tuyền thường được chủ nhà tặng một tấm vải thổ cẩm xem như cảm ơn. Lúc rảnh rỗi, chàng trai mang các tấm thổ cẩm (đủ màu sắc) ra ngắm nghía. Và, từ sự tò mò, tìm hiểu hình ảnh các cô dâu, chú rể trong trang phục cưới truyền thống; tâm sự của các cô dâu muốn mặc thứ gì đó mới mẻ hơn, đẹp hơn… trong đầu Tuyền chợt lóe lên ý tưởng:  “Sao mình không thử làm điều mới mẻ đó ”?…

Kết nối truyền thống và hiện đại

Tuổi trẻ khi đã ấp ủ ý tưởng là quyết thực hiện bằng được. Tuyền đã đến các thôn, buôn của người DTTS để tìm mua thổ cẩm. Ngặt nỗi, thổ cẩm của người DTTS ở các xã Ka Đơn, Tu Tra (huyện Đơn Dương) màu sắc và họa tiết đơn giản, không phù hợp với váy cưới. Tuyền lại lặn lội đến nhiều thôn, buôn khác trong tỉnh, ra tận Sa Pa (Lào Cai) và một số tỉnh khác để mua thổ cẩm các DTTS Tây Bắc mang về…

Gần một năm tìm tòi, chọn lựa, thử qua nhiều loại thổ cẩm của các dân tộc, cuối cùng chàng cử nhân đã tìm ra một “công thức”, đó là lựa chọn nét tinh tế nhất của từng loại thổ cẩm, kết hợp hài hòa các chất liệu, màu sắc, hoa văn… để thực hiện hoàn hảo một “tác phẩm”: Váy cưới hiện đại.

Nguyễn Đình Tuyền đã có công phát triển văn hóa các DTTS bản địa đang có xu hướng mai một; người tiên phong kết nối giữa quá khứ với hiện tại; truyền thống và hiện đại trong mạch nguồn văn hóa các DTTS trên vùng đất Nam Tây Nguyên
 

Đình Tuyền sử dụng thổ cẩm người Mạ, Kơ Ho (ở TP. Bảo Lộc), thổ cẩm người Kơ Ho vùng K’Long (huyện Đức Trọng) của người Churu xã Ka Đơn (Đơn Dương), kết hợp với thổ cẩm của các DTTS khác ở Ninh Thuận, Kon Tum để thực hiện các bộ váy cưới. Trong đó, chủ đạo là màu xanh đen truyền thống của dân tộc Kơ Ho và màu trắng của người Churu địa phương, có nhấn nhá thêm các đường ren, hoa văn, họa tiết để tăng sự đa dạng về màu sắc cho chiếc váy mềm mại, nền nã và đẹp.

Nói vậy, nhưng thực tế không hề đơn giản. Chàng cử nhân trẻ dù có thừa tự tin, chịu khó, say sưa, tỉ mỉ cũng đã gặp không ít khó khăn, lúng túng; bởi thổ cẩm DTTS là chất liệu vải thô và rất cứng; váy cưới đòi hỏi phải mềm mại, uyển chuyển… Chàng cử nhân loay hoay mất hơn 6 tháng trời mới có được bộ váy cưới thổ cẩm đầu tiên.

Dù vốn có tính cách rụt rè, tự ti song khi khoác lên mình chiếc váy cưới hiện đại, sang trọng, sáng tạo, cách điệu từ thổ cẩm truyền thống dân tộc của mình, hầu hết các cô dâu Churu, Ko Ho đều rực rỡ, tự tin, yêu đời, hạnh phúc trong ngày trọng đại của đời mình.

Hiện nay, ngoài váy cưới thổ cẩm dành cho cô dâu, nhà thiết kế trẻ Nguyễn Đình Tuyền còn thực hiện các mẫu áo thổ cẩm khoác ngoài áo sơ mi rất hiện đại. Bí quyết nhà kinh doanh là “bắt kịp” nhu cầu của “thượng đế”. Tuyền “bật mí” là đã nghĩ đến trường hợp người Kinh và người DTTS lấy nhau, trang phục cưới sẽ thế nào khi người Kinh muốn người Kơ Ho mặc áo dài; người Kơ Ho lại muốn người Kinh mặc thổ cẩm. Lúc đó, chiếc áo dài pha thổ cẩm là sự lựa chọn hài hòa nhất và thông minh nhất…

Hơn 3 năm mở studio, theo đuổi khát khao sáng tạo và đã thành công trong việc thiết kế váy cưới hiện đại từ thổ cẩm DTTS, đến nay, cửa tiệm của đôi vợ chồng trẻ này (thị trấn Thạnh Mỹ - Đơn Dương) đã có trên 30 bộ váy cưới thổ cẩm các loại. Ông chủ trẻ lập trang Facebook có tên “Thổ cẩm Nora” để giới thiệu các bộ váy cưới và hình ảnh những cô dâu Kơ Ho, Churu xinh đẹp, duyên dáng trong bộ váy cưới của mình. Nhờ đó, ngoài thanh niên các DTTS ở Lâm Đồng, sản phẩm của cử nhân - nhà thiết kế trẻ này đã được đông đảo bạn trẻ và các tiệm kinh doanh đồ cưới ở Quảng Nam, Đà Nẵng, các tỉnh khu vực Tây Nguyên liên hệ đặt hàng…

Tuyền bộc bạch, quy mô cửa tiệm hiện còn nhỏ (hai vợ chồng và 2 người phụ việc) làm không xuể nên chưa dám nhận nhiều đơn đặt hàng các nơi. Trung bình mỗi tuần, tiệm của Tuyền thực hiện hoàn chỉnh từ 1 đến 2 bộ váy cưới thổ cẩm; giá bán từ 4 - 4,5 triệu đồng/bộ; còn cho thuê thì giá khoảng 700.000 đồng/lượt...

Vượt lên trên sự thành công trong kinh doanh, làm giàu cho gia đình, theo chúng tôi, đây là kết quả của sự tìm tòi và năng lực sáng tạo tuyệt vời của chàng cử nhân trẻ - người đầu tiên đã đưa chất liệu thô sơ, mộc mạc các DTTS bản địa lên váy cưới hiện đại. Nhờ đó, các cô dâu, chú rể người DTTS rũ bỏ mặc cảm, tự ti để khoác sản phẩm văn hóa độc đáo của dân tộc mình, tự hào bước vào kỷ nguyên hội nhập.

Tác giả: Thanh Dương Hồng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020

 

;