Sống chậm ở Rue Gia Hoi

Rue Gia Hoi (đường Gia Hội) là tên gọi trước đây của đường Chi Lăng. Con đường dài 1850m chạy song song với bờ sông Hương thuộc địa phận ba phường Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Hậu (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) với nhiều kiến trúc cổ độc đáo, nhiều giai thoại thú vị và nhiều đặc sản ẩm thực đặc trưng của Huế.

Rue Gia Hoi (đường Gia Hội) thời Pháp thuộc.     

Ảnh tư liệu lịch sử

Ngắm cảnh, nghe giai thoại và thưởng thức ẩm thực

Tháng 10/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thông báo về dự án xe đạp thông minh với 2400 chiếc (nội thành 400 chiếc, ngoại nội thành 2000 chiếc). Mục đích của dự án nhằm giúp người dân và du khách đạp xe đi dạo ngắm cảnh dọc sông Hương hay tham quan các di tích.

Tour “Lăn bánh cùng Huế” do Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Beebee travel cũng đã được tổ chức vào tháng 9/2018. Du khách đã được khám phá một khu cảng thương mại huy hoàng thời xưa trên chiếc xe xích lô ba bánh và lắng nghe nhiều giai thoại về Chi Lăng - Gia Hội, tham quan chùa Diệu Đế, Hội quán Phúc Kiến - Triều Châu và dừng chân tại Mè xửng Thiên Hương, nhãn hiệu đặc sản đã mang Huế đến với thế giới.

Cách đây 7 năm, vào năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ra quyết định thành lập Hội nghề Kẹo Mè xửng Huế có trụ sở tại 20 Chi Lăng, địa điểm tọa lạc của Công ty TNHH Thiên Hương. Năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã công nhận mè xửng Huế nằm trong top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam. Ngoài đặc sản mè xửng, đường Chi Lăng còn có những đặc sản ẩm thực nổi tiếng xứ Huế như bún bò, bún giấm nuốc, bún thịt nướng, bún mắm nêm, bánh khoái, nem lụi, bánh bèo-nậm-lọc, cơm hến, chè…

Bên cạnh nhiều đặc sản ẩm thực đặc trưng của Huế, đường Chi Lăng còn có nhiều phủ đệ với nhiều giai thoại thú vị. Đầu tiên, ở đây có Phủ Thọ Xuân. Thọ Xuân Vương là con trai thứ 3 của vua Minh Mạng. Ông nổi danh về thơ và ứng đối. Giai thoại kể lại rằng: Năm 1842, Thọ Xuân Vương được theo vua Thiệu Trị ra Bắc làm lễ tuyên phong. Ngày chánh lễ, sứ nhà Thanh đi kiệu vào thẳng cửa Chu Tước, các quan đón tiếp không ngăn được, Thọ Xuân Vương nghiêm sắc mặt thét bảo đứng lại, sứ nhà Thanh mới xuống ngựa thong thả đi vào. Về Huế, ông được vua Thiệu Trị ban tặng cho một viên ngọc để đeo, trên có khắc 4 chữ “Đặc dị quyền hưu”, nghĩa là yêu thương che chở đặc biệt.

Ở đường Chi Lăng có Phủ Quảng Biên Quận Công. Ông là hoàng tử thứ 51 của vua Minh Mạng, một người có danh về thơ và thông suốt y lý, từng chẩn mạch cho vua Tự Ðức. Bên cạnh đó đường này còn có Phủ Hòa Thạnh Vương, con thứ 37 của vua Minh Mạng. Trong thời gian vị vua yêu nước Thành Thái bị thực dân Pháp và bọn tay sai của chúng ở triều đình Huế vu cho là bị “loạn thần”, bị giam lỏng ở đảo Bồng Doanh trên hồ Tịnh Tâm, Hòa Thạnh Vương được giao trách nhiệm sắp xếp cho các quan trong triều thay nhau hầu hạ vua Thành Thái một cách tốt đẹp nên được vua Thành Thái rất kính nể.

Ở trên con đường này còn có Phủ Thoại Thái Vương. Thoại Thái Vương là con thứ 4 của vua Thiệu Trị. Lúc nhỏ ông thông minh, dĩnh ngộ khác thường, lớn lên giỏi thơ nên được vua cha rất thương yêu. Có giai thoại kể lại rằng, vua Tự Đức rất tự hào về tài năng của mình thế mà đã phải thú nhận khi so sánh với Thoại Thái Vương rằng: “Thẹn rằng ta chẳng ngang bằng. Nhờ hơn bốn tuổi mà thành ta anh”. Thoại Thái Vương chính là cha của vua Dục Đức. Cháu nội và chắt nội của ông là vua Thành Thái và vua Duy Tân. Vua Dục Ðức chỉ ngồi trên ngai vàng chưa quá 3 ngày. Còn vua Thành Thái và vua Duy Tân vì yêu nước, chống Pháp nên bị đày sang đảo Réunion (Châu Phi).

Nếu so sánh, những giai thoại của đường Chi Lăng thú vị không thua gì những giai thoại ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), nơi có đông đảo du khách đến tham quan mỗi năm. Chẳng hạn, làng cổ Đường Lâm là nơi sinh thành của vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua” thì đường Chi Lăng lại là nơi ở của Thoại Thái Vương với hậu duệ là ba vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân.

“Mỏ vàng” bị lãng quên

Đường Chi Lăng hình thành từ đầu thế kỷ XIX, cùng lúc với việc xây dựng kinh thành Huế dưới thời vua Gia Long. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của hoạt động thương mại của người Việt, người Hoa, con đường nhanh chóng trở thành một đầu mối giao thông quan trọng của khu phố Đông kinh thành. Năm 1908, con đường mang tên Rue Gia Hoi (đường Gia Hội). Năm 1956, con đường được đổi thành Chi Lăng, lấy theo tên một quan ải miền Bắc (ải Chi Lăng).

Người dân tản bộ ngắm cảnh ở đường Chi Lăng

Người Hoa rất giỏi kinh doanh buôn bán, lại có nguồn hàng trao đổi phong phú từ Trung Hoa, cộng thêm chính sách “bế quan tỏa cảng” (cấm buôn bán với phương Tây của triều Nguyễn lại ưu tiên buôn bán với Trung Quốc) nên số thương nhân Hoa kiều đến Huế ngày một đông. Con đường Chi Lăng đã trở thành địa điểm có cộng đồng người Hoa nhiều nhất ở Huế từ trước đến nay. Các công trình kiến trúc người Hoa trên trục đường này đẹp không thua gì ở phố cổ Hội An. Từ đền Chiêu Ứng, Chùa Bà, Chùa Quảng Đông đến Hội quán Triều Châu, Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Quảng Triệu đều được xây dựng rất công phu, uy nghi và tráng lệ. Vào những năm 1930, dầu Nhị Thiên Đường nổi tiếng của doanh nhân người Hoa Vi Thiếu Bá có cơ sở đại điện ở Huế 18 Rue Gia Hoi.

Có một địa danh khá nổi tiếng tại con đường này là chợ Dinh. Theo lý giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khu vực này dưới thời các chúa Nguyễn là doanh trại của quân đội. Người Hoa đến đây buôn bán vì thế gọi khu vực đóng quân đó là dinh. Chợ Dinh thời nhà Nguyễn gồm có 8 hàng: Gia Thái, Hóa Mỹ, Phong Lạc, Dinh Ninh, Hội Hòa, Mỹ Hưng, Thụy Lạc và Tam Ðăng, gọi chung là 8 hàng ở ven sông (Duyên giang bát hàng).

Đặc biệt hơn, con đường Chi Lăng là tuyến đường có nhiều công trình kiến trúc tâm linh của người Việt. Đầu tiên là Thanh Bình Từ Đường thờ Tổ của ngành Hát bội cùng những người có công tích với nghề nghiệp sân khấu trên cả nước thời nhà Nguyễn, được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1992. Ông Trần Ngọc Lợi (92 tuổi), người giữ hương khói ngôi từ đường đã hơn 60 năm nay cho biết: Ở gian chính giữa vách tường sau từ đường là bàn thờ Tam vị thánh tổ có công khai hóa nền văn hóa dân tộc và các vị đại vương tiền khai canh, hậu khai canh. Bên trái của các vị thần này lần lượt là bàn thờ Cửu thiên huyền nữ, Ngũ vị sơn thần và bên trái lần lượt là bàn thờ Ngũ Thánh, tổ ngành Hát bội. Hai bên tả hữu trong ngôi từ đường là nơi thờ 12 vị tổ nghề (mỗi bên 6 vị). Đó là các tổ thợ rèn, thợ may, thợ nông nghiệp (2 vị), thợ nề, thợ mộc, thợ kinh doanh, buôn bán, làm ăn (2 vị), thợ máy (2 vị), thợ vàng, thợ bạc (Cao Đình Độ, Cao Đình Hương). Chính giữa từ đường là bàn thờ vị Tổ anh hùng có công với dân tộc và các vị tổ ngành xướng ca của cả nước (chèo, cải lương, hát bội…). Ba năm trở lại đây, ngoài việc cúng tổ ngành hát bội được diễn ra hằng năm, Thanh Bình Từ Đường còn đón 2 đoàn nghệ thuật sân khấu nổi tiếng về biểu diễn phục vụ. Đó là Đoàn cải lương Sông Hương (trực thuộc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế) và Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh (trực thuộc Sở VHTTDL  tỉnh Đồng Nai).

Kế đến là Tổng hội Thiên Tiên Thánh giáo của Việt Nam với tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi thức lên đồng độc đáo. Từ khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2016, hàng năm vào “xuân thu nhị kỳ”, du khách tìm về địa điểm này rất đông.

Kế đến là ngôi chùa cổ Trường Xuân được xây dựng từ thời các chúa Nguyễn. Đây là một ngôi chùa cổ lập từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (thế kỷ XVII) với tên gọi ban đầu là Kỳ Viên Am. Đến thời nhà Nguyễn (năm 1804) lại đổi là Xuân An Tự. Điều thú vị là khám thờ của chùa không thờ Phật mà lại thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh Mẫu và Quan Công.

Cuối cùng là ngôi nhà ở của một gia đình người Ấn Độ theo đạo Hinđu (nằm bên cạnh Trường mầm non Phú Cát). Theo PGS. TS Nguyễn Văn Đăng (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế) thì đây là kiến trúc duy nhất thuộc thể loại này ở Huế.

Hiện nay, đường Chi Lăng cũng tồn tại những xóm nghề thủ công truyền thống. Nổi bật nhất là xóm làm lồng đèn phục vụ mùa Phật đản tại kiệt 399, 401 đường Chi Lăng, phường Phú Hậu.

Thiết nghĩ, nếu được quan tâm, đầu tư hiệu quả về mặt du lịch và bảo tồn, chắc hẳn con đường Chi Lăng sẽ là “mỏ vàng” để nâng tầm du lịch Huế.

Tác giả: Nguyễn Văn Toàn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020

 

;