Nghệ nhân Ưu tú Phạm Vũ Vượng: Người giữ hồn cồng, chiêng ngân mãi

Với lòng đam mê, tâm huyết văn hóa truyền thống, muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, quê hương, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Vũ Vượng vẫn ngày truyền dạy những âm hưởng cồng, chiêng truyền thống cho thế hệ trẻ.

Niềm đam mê bất tận

Dù đã 75 tuổi, dáng người nhỏ nhắn nhưng ông Phạm Vũ Vượng, ở thôn Quang Thuận, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa vẫn luôn giữ trong mình ngọn lửa đam mê văn hóa cồng, chiêng.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Vũ Vượng say xưa biểu diễn cồng, chiêng

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đánh cồng, chiêng nên từ nhỏ ông Vượng đã được bố chỉ dạy cho cách đánh cồng, chiêng và chỉnh âm. Những dịp đi theo bố biểu diễn cồng, chiêng hay chỉnh chiêng ở các bản làng, xã đã vun đắp thêm tình yêu của ông đối với loại nhạc cụ mà tổ tiên truyền lại, giúp ông hiểu thêm giá trị của cồng, chiêng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào mình. Từ những ngày còn trẻ, ông Vượng đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để tìm hiểu, chắt lọc những nét tinh hoa nhất về văn hóa cồng, chiêng đất Mường. Đến nay, ông cùng học trò đã sưu tầm được 20 cái chiêng và vận động tất cả người dân Mường cùng gìn giữ cồng, chiêng. Bởi cồng, chiêng gắn liền với cuộc đời mỗi người và nó báo hiệu chuyện vui, buồn trong bản, làng. Tiếng chiêng hân hoan loan báo cộng đồng có thêm một thành viên mới cất tiếng khóc chào đời. Tiếng chiêng rộn vang khắp nhà trai, nhà gái, mừng hạnh phúc cho cô dâu, chú rể. Tiếng chiêng báo tang, dẫn hồn về trời. Người Mường tin rằng, không có âm thanh nào vang xa bằng tiếng cồng, chiêng - lúc sống cũng như lúc mất, tiếng chiêng luôn trong tâm thức của họ. Với những giá trị thiêng liêng ấy, để lưu giữ được văn hóa cồng, chiêng cho dân tộc, ông Phạm Vũ Vượng đã lưu giữ mọi ghi chép về cồng, chiêng; thường xuyên tham gia các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, những lễ hội của địa phương, huyện và của tỉnh. Là người duy nhất trong xã hiểu và nắm vững nhiều điệu nhạc cồng, chiêng, ông Vượng sợ rằng, một mai mình mất đi, sẽ không còn người có thể hiểu và chơi được loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc nên hằng đêm ông trăn trở tìm cách truyền dạy cho những người dân trong làng. Nghĩ là làm, ông đã đề nghị với chính quyền địa phương thành lập Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng mà nòng cốt là những người cao tuổi ở thôn Quang Thuận. Năm 2005, CLB Cồng, chiêng thôn Quang Thuận, được thành lập với 12 thành viên. Đến nay, CLB đã thu hút 35 người tham gia thường xuyên, thường tổ chức buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tập luyện các bài cồng, chiêng cổ. Tiếng cồng, tiếng chiêng ngày một vang xa khiến cho không chỉ có bà con trong thôn, xóm, mà người Mường ở các làng, các xã khác cũng chủ động tìm đến tận nhà nhờ ông Vượng dạy đánh cồng, chiêng.

Lưu giữ cho đời sau

Vui mừng khi nhìn thấy nhiều người trẻ hiểu và sử dụng được cồng, chiêng, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Vũ Vượng cho biết: Cồng, chiêng gắn liền với đời sống con người, nhắc nhở bất kỳ ai cũng phải tuân theo truyền thống tốt đẹp của cha ông. Việc truyền dạy các giá trị văn hóa đến các thế hệ con cháu đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc. Tiếng cồng hay phải đánh bằng cảm xúc, từ con tim. Chắc chắn cồng chiêng hiểu lòng người mà phát ra âm thanh truyền cảm.

CLB cồng chiêng huyện Ngọc Lặc tham gia trình diễn Séc bùa tại Liên hoan Tuyên truyền cổ động tỉnh Thanh Hóa năm 2020

Ông Vượng cho biết thêm: Cồng, chiêng của dân tộc Mường có nhiều nét khác với cồng, chiêng của người Thái. Cồng chiêng của người Mường tất cả đều có núm, một bộ thường có ít nhất 4 cái, nhiều nhất là 12 cái. Dụng cụ để đánh cồng chiêng là dùi được làm bằng gỗ cứng, tùy theo từng chiếc chiêng to, nhỏ mà làm dùi dài, ngắn khác nhau. Chiếc to và dài nhất có thể lên đến 40cm, ngắn nhất khoảng 20 cm, đầu có quấn vải mềm. Người ta thường treo các giàn cồng, chiêng trong nhà, ngoài sân hoặc ngoài các bãi rộng để đánh. Lại cũng có khi mỗi người xách một cái rồi cùng nhau đánh, tạo nên những thanh âm hùng tráng giữa núi rừng đại ngàn.

15 năm duy trì sinh hoạt, đến nay, CLB Cồng, chiêng thôn Quang Thuận đã trở thành một mô hình điểm của huyện Ngọc Lặc trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng, chiêng, ông Phạm Vũ Vượng đã góp phần gìn giữ, phát huy hồn cốt của dân tộc Mường qua các ghi chép về cồng, chiêng đồng thời ông cũng là một trong những người đánh cồng, chiêng điêu luyện nhất của huyện Ngọc Lặc, người thầy tâm huyết truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay niềm say mê với văn hóa dân tộc, để mọi người cùng chung tay gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống dân tộc mình trong cuộc sống.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Vũ Vượng truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ

Năm 2019, nghệ nhân Phạm Vũ Vượng đã được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian. Đây là phần thưởng xứng đáng ghi nhận những đóng góp của ông cho văn hóa truyền thống dân tộc…

Tác giả: Lê Hường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020

;