Lễ mát nhà của người Mường

Lễ mát nhà là nghi lễ có ý nghĩa rất quan trọng đối với các gia đình người Mường. Mát nhà là nghi lễ cúng tế để hóa giải, xua đuổi những điều xấu, cầu may mắn, mát mẻ cho con người, nhà cửa, cây trồng vật nuôi và đồ dùng vật dụng trong gia đình… Hưởng ứng chương trình: “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề: “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” do Bộ VHTTDL phát động, mở đầu cho chuỗi sự kiện của tháng 10 “Giai điệu núi rừng”, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã tái hiện Lễ mát nhà tại không gian làng dân tộc Mường.

Thông thường Lễ mát nhà hay được làm vào buổi sáng, mang ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống văn hóa tâm linh các gia đình người Mường. Mát nhà là nghi lễ cúng tế cầu cho con người, nhà cửa, cây trồng vật nuôi và đồ dùng vật dụng trong gia đình một năm được may mắn, mát mẻ. Mỗi gia đình đón một thày mo đến cúng, lời mời của thầy mo sẽ đưa các vị thần về làm lễ, làm phép, xua đuổi tà ma, xui xẻo, chứng kiến lòng thành của gia chủ và phù hộ cho gia chủ năm mới mọi điều may mắn, tốt lành, mát mẻ.

Thày mo có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Mường. Thày mo không chỉ có trí nhớ tốt để thuộc hàng trăm bài cúng, mà còn có giọng đọc truyền cảm, nắm vững nghệ thuật diễn xướng từ cử chỉ, điệu bộ đến giọng điệu mo, lời mo có khi hùng hồn, thiêng liêng, nhưng có lúc buồn đau, bi thảm đến não lòng. Lời mo giàu tính nhân văn, phù hợp với cuộc sống, gây được sự cảm động, sẻ chia không chỉ đối với người đã khuất mà còn đối với cả những người còn sống. Để được làm thày mo thường phải là người có tâm, thật thà, ăn nói phải đĩnh đạc. Thày mo không chỉ thông thạo văn tự cổ, lưu giữ được nhiều sách cổ, phong tục tập quán, những lễ nghi của dân tộc, mà còn là người có khả năng giao tiếp và cầu xin các đấng siêu nhiên phù hộ cho con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thày mo còn hướng dẫn con người cách ứng xử với các thế lực siêu nhiên sao cho phù hợp với đạo lý và truyền thống văn hóa dân tộc và quy luật của cuộc sống. Ông C.Robequain, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian người Pháp, nhận xét: “Người Mường ở Hòa Bình và Thanh Hóa, đặc biệt nổi tiếng nhờ có những thầy mo cao tay nhất, rất được tôn kính mỗi khi nhắc đến. Từ họ như toát ra một vẻ bí ẩn qua tập tục cổ truyền còn được lưu giữ nguyên vẹn của một thời đã qua, có thể cho đó là trái tim thực sự của xứ Mường và quanh nó dường như đã hun đúc nên tình yêu xứ sở Mường”.

Theo thày mo Bùi Văn Minh (ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), người Mường khi làm Lễ mát nhà thường chuẩn bị 7 mâm cỗ, trong các mâm cỗ thường có cá, tượng trưng cho sự trong lành mát mẻ; thịt gà; thịt lợn; cơm 3 màu trắng - đỏ - tím (màu trắng tượng trưng cho nước; màu đỏ tượng trưng cho mùa màng có cả máu, mồ hôi nước mắt; màu tím tượng trưng cho sức khỏe). Các mâm cỗ cúng gồm: 1 mâm cúng 3 anh em cun khoồng Thanh Thái, Ả Mại, Thanh Rông; 1 mâm cúng Cun Lang chàng Mát; 1 mâm cúng Thổ công; 1 mâm cúng Thành hoàng; 1 mâm cúng Vua bếp; 1 mâm thày cúng gọi là mâm Thánh Thư; 1 mâm cúng “ma cở”, những người không có nơi thờ phụng (mâm cúng này gồm 12 nắm cơm nhỏ, 12 thìa canh, 1 bát muối, 1 bát gạo, 12 đôi đũa, 12 miếng trứng gà bổ ra). Con số 12 tượng trưng cho 12 tháng trong năm, từ thời điểm tổ chức lễ cúng mát nhà cho đến lần cúng tiếp theo của năm sau.

Cũng theo thày mo Bùi Văn Minh, nghi thức buổi Lễ mát nhà bao gồm: “Đầu tiên thày mo cúng dâng mâm Thánh Thư (đây là mâm của những đời mo đã mất trong gia đình của thày mo, được thày mời đi cùng) mời họ về trước, rồi xin âm dương. Sau khi xin được âm dương, thày mo đi làm mát khu vực làm lễ tức là làm sạch sẽ, mát mẻ để đón mời các vị Thành hoàng, Thổ công, Táo quân về chứng kiến giám minh chính quả tại nơi làm lễ, sau đó các cụ gia tiên của gia chủ mới lên Mường Trời mời 3 anh em cun khoồng và Cun Lang chàng Mát xuống làm mát nhà. Khi mời các 3 anh em cun khoồng Thanh Thái, Ả Mại, Thanh Rông, Cun Lang chàng Mát trên Mường Trời xuống, thày mo phải kể chuyện cho họ nghe”. Những chuyện kể cho các ngài nghe như: “Chuyện đẻ đất đẻ nước,… đẻ ra chim bay chim bứa, đẻ ra Lang Cun Cần, đẻ ra nhà vua Dịt Dàng (Vua Hùng thứ Nhất), từ đó cũng là lúc bắt đầu sinh ra những điềm gở. Vì có điểm gở nên Lễ mát nhà nhằm xua đuổi tà ma, điềm xấu, tai ương dịch bệnh… bắt đầu có từ đời Vua Hùng thứ Nhất và người Mường đã làm theo từ đó cho đến tận ngày nay”.

 

Mỗi mâm thày mo cúng thành 4 khuôn, gieo quẻ âm dương 4 lần. Lời khấn như sau:

Hỡi các bậc thần linh!

Cầu xin chư vị hãy phù hộ cho gia đình gia chủ và mọi vật trong gia đình được sạch sẽ mát mẻ, mạnh khỏe may mắn, ăn nên làm ra, trăm bệnh tiêu tán vạn bệnh tiêu tan!

Cầu xin các đấng thần linh hãy mang đến điều lành, mang đi điều dữ để gia chủ bình an, hạnh phúc, cho mưa thuận, gió hòa, vạn vật sinh sôi, phát triển.

Xin các vị thần hãy xua đuổi tà ma hại người…

Kết thúc lời khấn ở mâm cúng cuối cùng, thày mo cầm bát nước đã được làm phép đi xung quanh ngôi nhà của gia chủ, lấy nước té làm mát cho ngôi nhà, cho đất, cho người, vật nuôi, cây cối được sạch sẽ, mát mẻ để gia chủ có một năm tiếp theo mùa màng bội thu, chăn nuôi thuận lợi, tránh được tai ương, bệnh tật… Buổi lễ kết thúc cũng là lúc thày mo và toàn gia chủ của buổi lễ cùng nhau vây quanh bình rượu cần chung vui thụ lộc.

Chứng kiến Lễ mát nhà, một nghi lễ văn hóa tâm linh có tính lịch sử của người Mường ngay tại không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, rất nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên về một buổi trải nghiệm tuy ngắn thời gian nhưng vẫn được cảm nhận đầy đủ về một nghi lễ truyền thống tốt đẹp của một dân tộc có lịch sử gắn bó chặt chẽ với dân tộc Kinh.

Tác giả: Quảng Hùng Mạnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020

 

;