Văn nghệ sĩ với “Thành phố Âm nhạc”

Năm Quý Mão 2023 khép lại để đón năm mới Giáp Thìn 2024 trong niềm vui và khí thế mới. Đối với công dân TP Đà Lạt và giới văn nghệ sĩ tỉnh Lâm Đồng, năm 2023 là một năm đặc biệt: Chào mừng Đà Lạt 130 năm hình thành và phat triển và Đà Lạt đón nhận danh hiệu“Thành phố sáng tạo Âm nhạc”của UNESCO…

 

Thành phố sáng tạo Âm nhạc đầu tiên Đông Nam Á

Ngày 31/10/2023, tin vui từ Thủ đô Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố danh sách 55 thành phố mới gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo; trong đó, Đà Lạt được ghi danh Thành Phố sáng tạo trong lĩnh vực Âm nhạc và Hội An (Quảng Nam) là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian.

Theo bà Lê Thị Hồng Vân, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam tại UNESCO, Việt Nam là một trong số ít quốc gia cùng một lúc 2 thành phố được UNESCO ghi danh. “Đà Lạt và Hội An, cùng với Hà Nội - Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực Thiết kế (UNESCO công nhận năm 2019); đến nay, nước ta đã cơ bản hình thành mạng lưới Thành phố sáng tạo trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, để công nghiệp văn hóa phát triển xứng tầm với lợi thế, tiềm năng vốn có, thực sự là hướng đi mới, đột phá trong phát triển kinh tế sáng tạo, định vị thương hiệu quốc gia, góp phần phát triển bền vững đất nước” - bà Đại sứ chia sẻ.

Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO khởi xướng năm 2004, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố, lấy sáng tạo làm yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững, công nghiệp văn hóa là trọng tâm của kế hoạch phát triển đô thị. Tính đến năm 2023, Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO có 350 thành phố của hơn 100 quốc gia gia nhập ở 7 lĩnh vực: Thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học nghệ thuật, truyền thông và âm nhạc.

Khu vực Đông Nam Á, hiện có 10 thành phố gia nhập Mang lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Riêng lĩnh vực Âm nhạc, thế giới hiện có 59 thành phố được công nhận. Đà Lạt (Lâm Đồng) là Thành phố sáng tạo Âm nhạc đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Đây là niềm tự hào không chỉ đối với người dân Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng mà là niềm tự hào chung của nhân dân Việt Nam.

Tại Lễ Kỷ niệm 130 Đà Lạt hình thành và phát triển (tổ chức vào ngày 31/12/2023) - đón năm mới Giáp Thìn 2024, TP. Đà Lạt long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu “Thành phố sáng tạo Âm nhạc” của UNESCO. Có thể nói, năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố hoa Đà Lạt chào đón niềm vui nhân đôi.

Làm gì để xứng danh “Thành phố Âm nhạc”?

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Tham vấn xây dựng hồ sơ Thành phố Đà Lạt gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO”, do UBND thành phố Đà Lạt phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) tổ chức ngày 8/6/2023, có nhiều tham luận, ý kiến đặt ra; trong đó, đáng chú ý nhất cũng là nội dung của Hội thảo: Vì sao Đà Lạt chọn lĩnh vực Âm nhạc?

Trên 7 lĩnh vực Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, Âm nhạc Đà Lạt có lợi thế nổi trội nhất. Dù rằng, so với các thành phố khác, Đà Lạt là thành phố nhỏ, hoạt động âm nhạc cũng còn hạn chế nhưng sau 130 năm hình thành và phát triển, với cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, vùng đất ẩn tích nhiều giá trị về văn hóa, nghệ thuật; nguồn chất liệu vô cùng phong phú cho thi ca, nhạc, họa… khai thác, phát triển. Chưa có thành phố nào trên thế giới được bạn bè yêu mến tặng nhiều mỹ danh như Đà Lạt: Thành phố tình yêu, Thành phố ngàn thông, Thành phố mộng mơ, Thành phố sương mờ, Thành phố của những bản tỉnh ca; “Thành phố Festival Hoa của Việt Nam” (được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ KH-CN công nhận năm 2017)… Và, hiện nay, Đà Lạt đang xây dựng để trở thành “Thành phố Di sản thế giới”.

Về âm nhạc, từ khi vùng đất này còn hoang sơ, nhiều ca khúc nổi tiếng đã trở thành ký ức của các thế hệ không chỉ người Đà Lạt mà đối với bạn bè trong và ngoài nước, nhất là đối với những ai yêu quý thành phố mộng mơ, xinh đẹp này. Đặc biệt, trước năm 1975, hàng loạt ca khúc, tình khúc bất hủ của các nhạc sĩ tên tuổi viết về Đà Lạt, được nhiều thế hệ người Việt Nam thuộc nằm lòng, như: Ai lên xứ hoa Đào (của Hoàng Nguyên); Đà Lạt hoàng hôn, Thương về miền đất lạnh (của Minh Kỳ - Dạ Cầm), Má Hồng Đà Lạt (Minh Kỳ - Lan Anh); Thành phố buồn (của Lam Phương); Về thăm xứ lạnh (Hùng Cường)… Thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, dòng ca khúc trữ tình viết về Đà Lạt tiếp tục ra đời: Đà Lạt lập đông (của Thế Hiển); Đà Lạt khói sương (Quốc Dũng); Tình yêu như bóng mây (Song Ngọc); Đà Lạt mộng mơ (Từ Huy); Lao xao rừng thông (Thế Bảo)…

Trong 11 chi hội thuộc Hội VHNT Lâm Đồng hiện có 50 nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn. Riêng Chi hội Âm nhạc Lâm Đồng có 36 hội viên; mỗi năm sáng tác hàng trăm ca khúc; phần lớn viết về Đà Lạt. Theo thống kê chưa thật chính xác, đến nay, đã có trên 300 ca khúc của các nhạc sĩ trong và ngoài nước viết về Đà Lạt.

Người ta nói, vinh dự lớn, trách nhiệm càng nặng nề. Đà Lạt đã trở thành “Thành phố Âm nhạc” đại diện duy nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là niềm tự hào đối với Hội VHNT và các nhạc sĩ, nghệ sĩ Lâm Đồng. Từ đây, Âm nhạc sẽ được chắp cánh; vai trò Âm nhạc và trách nhiệm của văn nghệ sĩ sẽ được quan tâm. Làm gì để phát huy những giá trị vốn có và khẳng định “thương hiệu” với bạn bè trong nước và quốc tế? Đó là sự trăn trở của chính quyền tỉnh Lâm Đồng, TP.Đà Lạt và giới văn nghệ sĩ toàn tỉnh.

Lãnh đạo TP Đà Lạt đã xác định “Gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO đã khó, giữ được càng khó hơn”. Bởi vậy, Đà Lạt sẽ tập trung vào 3 trách nhiệm chính: tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách cho người dân về giá trị “Thành phố Âm nhạc”; triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo của mọi đối tượng thành nguồn lực phát triển và cùng thụ hưởng; triển khai, thực hiện các cam kết với của lãnh đạo địa phương đối với UNESCO.

Hội VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực Âm nhạc cần xác định đây là vinh dự, tự hào và trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ đối với địa phương. Hội VHNT Lâm Đồng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, đề xuất lãnh đạo tỉnh và TP. Đà Lạt, xây dựng, ban hành cơ chế chính sách ưu tiên phát triển VHNT; trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực Âm nhạc. Cụ thể:

Tổ chức các cuộc thi, các đợt vận động sáng tác ca khúc viết về Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Hằng năm, duy trì việc xét chọn, tôn vinh các tác giả, tác phẩm tiêu biểu để động viên, khích lệ tinh thần lao động sáng tạo VHNT của đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh.

Đề xuất lãnh đạo tỉnh phối hợp với ngành GD-ĐT, chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh mở các khoa, ngành đào tạo về âm nhạc nhằm cung cấp nguồn nhân lực kế cận của tỉnh trong tương lai.

Đề xuất lãnh đạo TP Đà Lạt lập dự án, đầu tư kinh phí xây dựng các điểm “đủ điều kiện” phục vụ biểu diễn các chương trình nghệ thuật hiện đại; đồng thời, có kế hoạch quản lý chặt chẽ hoạt động các loại hình nghệ thuật dân gian đang tồn tại trong nhân dân (các Câu lạc bộ, Đội, nhóm Cồng chiêng, nhóm nhạc…).

Thời gian tới, Hội VHNT Lâm Đồng sẽ chú trọng bồi dưỡng, kết nạp những hội viên mới chuyên ngành Âm nhạc; lưu ý những tài năng trẻ Âm nhạc, nhất là người dân tộc thiểu số. Hằng năm, Hội tiếp tục duy trì tổ chức Trại, các đợt đi thực tế sáng tác, gắn với chủ đề về Đà Lạt; qua đó, động viên văn nghệ sĩ nói chung, các nghệ sĩ, nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc mới, có chất lượng phục vụ phát triển “Thành phố Âm nhạc”… 

 

THANH DƯƠNG HỒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 558, tháng 1-2024

;