“Cõng” phim về với bản làng

Chiếu phim lưu động là một trong những nghề vất vả, vì phải thường xuyên làm việc vào buổi tối, đến các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt có nơi còn chưa có điện lưới. Thế nhưng, bằng tình yêu và trách nhiệm với nghề, đội ngũ những người chiếu phim lưu động Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa đang từng ngày nỗ lực, sáng tạo đưa các sản phẩm văn hóa, điện ảnh đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi phía Tây của xứ Thanh.

Một buổi chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào vùng cao của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa

 

Đưa văn hóa về cơ sở

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Đối với người dân sống ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển thì vai trò của công tác tuyên truyền thông tin bằng hình ảnh có tác động nhanh chóng, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Những điểm chiếu phim lưu động đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu cộng đồng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ở miền núi.

Trung tâm luôn xác định chiếu phim lưu động (CPLĐ) là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống tinh thần của đồng bào và chiến sĩ, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới,... Với phương châm hướng về cơ sở; lấy các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn làm địa bàn hoạt động chính, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa đã tập trung mọi nguồn lực, xây dựng các kế hoạch, chương trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo, động viên cán bộ của 4 Đội CPLĐ chủ động bám sát địa bàn, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đón nhận nhiệt tình của bà con nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Dù công nghệ ngày càng phát triển, những cán bộ CPLĐ của Trung tâm vẫn miệt mài, lặng lẽ đưa những thước phim hay đến các bản, làng heo hút, vùng dân tộc thiểu số… để phục vụ bà con. Có thể nói, họ là những chiến sĩ “cõng” ánh sáng văn hóa - giải trí đến các bản, làng theo phương châm “ở đâu có dân, ở đó có dấu chân người chiến sĩ văn hóa chiếu phim lưu động”. Những buổi chiếu phim ở các bản, làng đồng bào miền núi thực sự là những ngày hội, thu hút đông đảo người dân đến xem. Mỗi buổi chiếu phim luôn kết hợp tuyên truyền về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế trang trại, ngăn ngừa, phòng, chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS,… từ đó, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong đời sống tinh thần của người dân, tạo nên sự gắn kết, tin tưởng, đoàn kết các dân tộc, động viên bà con đẩy mạnh sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh.

Anh Trịnh Ngọc Đỉnh, Đội trưởng Đội chiếu phim số 3 (Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa) giới thiệu phim trước giờ chiếu - Ảnh tư liệu

 

Niềm vui của khán giả và tâm tư của những người “cõng phim”

Âm thầm, lặng lẽ, nhọc nhằn,… là những hình ảnh rõ nhất về những cán bộ các đội CPLĐ của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa. Đằng sau những thước phim rực rỡ được công chiếu hằng đêm trên những bản làng xa xôi, mang niềm vui, tiếng cười đến cho bà con là sự hy sinh thầm lặng của những cán bộ làm công tác CPLĐ vùng sâu, vùng xa, miền núi xứ Thanh.

Địa bàn hoạt động của các đội CPLĐ là những nơi có địa hình rất phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống rải rác, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống vật chất tinh thần của người dân còn nhiều thiếu thốn. Bởi vậy, những đợt chiếu phim của anh em đội CPLĐ là hành trình mang đến ước mơ cho con trẻ, niềm vui với người già về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở những nơi còn nhiều khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa. Chứng kiến công việc của các anh mang “ý Đảng” vượt núi, băng rừng, mới hiểu hết ý nghĩa của cuộc sống đối với công việc mà họ đang làm; nhìn những giọt mồ hôi rơi trong đêm đông, cái rét lạnh thấu xương của miền biên giới hay những lặng thầm mà họ đang cống hiến, được xem những thước phim hay do cán bộ CPLĐ của Trung tâm thực hiện, lúc đó chúng ta mới hiểu hết được “lòng dân”.

Chuẩn bị một buổi chiếu phim, các đội phải lên kế hoạch trước đó cả tuần. Trong đó, khó khăn nhất là công tác vận chuyển máy móc thiết bị vào bản. Hiện nay, thiết bị chiếu phim đã được đầu tư theo hướng đa năng, gọn nhẹ. Nhiều điểm bản chưa có đường, anh em trong đội phải chia nhau mang vác máy móc băng rừng, lội suối để vào. Ðiểm chiếu phim nào gần thì mất vài tiếng đi bộ, còn thôn bản nào xa thì mất cả buổi, thậm chí đi từ sáng sớm đến tối mịt mới đến nơi. Khó khăn là vậy nhưng nhiều năm qua, họ luôn xác định mục tiêu, nhiệm vụ của mình, các đội CPLĐ của Trung tâm đều nỗ lực hết mình, bám sát địa bàn, làm tốt công tác dân vận, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp để phục vụ đồng bào.

Hơn 40 năm trong nghề, hành trình đưa những thước phim về với bản làng, anh Trịnh Ngọc Đỉnh, phụ trách đội CPLĐ số 1 và những anh em trong đội đã trải qua không ít gian truân. Anh Đỉnh chia sẻ: “Đội CPLĐ số 1 được giao nhiệm vụ đưa phim về các huyện miền núi Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát. Không phải vùng xa xôi hẻo lánh nào ô tô cũng vào được đến nơi nên trong suốt mấy chục năm qua, anh em trong đội phải di chuyển bằng xe máy, quãng đường đi gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, chuyện vượt núi, băng rừng, chuyện cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt với bà con dân bản dài ngày là hết sức bình thường. Dẫu vậy, tất cả thành viên trong đội ai nấy đều cố gắng, bởi sau mỗi buổi chiếu, thấy bà con dân bản phấn khởi, hào hứng chúng tôi có thêm động lực, không quản ngại khó khăn để tiếp tục cõng phim về nơi bản khó”. Khó khăn là vậy nhưng với niềm mong muốn đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần với người dân, bồi đắp niềm tin của đồng bào về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết thông qua những thước phim, các anh lại thêm yêu, thêm quý nghề hơn.

Với việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các buổi CPLĐ phục vụ nhân dân, Trung tâm đã từng bước đưa hoạt động điện ảnh ngày càng đi vào chiều sâu. Đồng thời, khẳng định việc CPLĐ vẫn là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân, tạo được “chỗ đứng” trong lòng khán giả. Mỗi năm, Trung tâm được giao 1.400 buổi chiếu phục vụ nhiệm vụ chính trị và 50 buổi chiếu thu sự nghiệp. Nhưng những năm gần đây, Trung tâm luôn vượt xa kế hoạch với số buổi chiếu và số người xem ngày càng đông. Hằng năm, Trung tâm đã tổ chức gần 1.500 buổi chiếu phim lưu động, đạt trên 100%, với gần 700 nghìn lượt người xem, đạt 102% chỉ tiêu kế hoạch; 9 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã chiếu được 1.064 buổi, đạt 76%, thu hút gần 400 nghìn lượt người dân đến xem.

Việc chiếu phim ảnh và phục vụ các chương trình văn hóa, văn nghệ lưu động là một trong những hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc miền núi, vùng cao. Đội CPLĐ đã, đang và tiếp tục là công cụ tuyên truyền hữu hiệu của Đảng và Nhà nước, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Thanh.

 

LÊ HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

 

;