Làng Kế Môn gìn giữ bản sắc văn hóa qua các cuộc thi

 

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc thành phố Huế, làng Kế Môn thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài danh xưng cái nôi của nghề Kim hoàn ở Đàng Trong thì nơi đây còn nhiều điều đặc biệt như Đại lễ “Việc tiếu” tổ chức 12 năm một lần là một nét văn hóa truyền thống độc đáo độc đáo có từ xa xưa được người dân gìn giữ và lưu truyền, rồi con đường làng bê tông hóa dài 2400m do ông Nguyễn Thanh Côn tài trợ; Thư viện làng với hàng ngàn đầu sách Thư viện làng đầu tiên ở Huế thành lập năm 1999 và Trung tâm thương mại trị giá hơn 11 tỷ đồng do ông Hồ Huệ hiến tặng và xây dựng; quỹ khuyến học được duy trì hơn 20 năm qua đều do con dân trong làng đóng góp…

Văn hóa làng nói chung, văn hóa làng Kế Môn nói riêng, từ việc các con dân của làng dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn hướng về nguồn cội, hành trang mang theo trong tiềm thức của mỗi người con dân làng Kế Môn xa quê là “ly hương, bất ly tổ”. Chính nhờ điều đó mà các công trình như Đình làng, nhà thờ họ, các miếu thờ Thành hoàng làng, Khổng Tử, bà Chúa Ngọc, nhà thờ tổ Kim Hoàn, trung tâm Thương mại, Thư viện làng và bê tông hóa đường làng... đều được những người con trong làng tự nguyện đóng góp, hỗ trợ kinh phí xây dựng. Đặc biệt, tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ nhau mỗi khi thiên tai, dịch bệnh luôn được kịp thời bằng hiện vật và hiện kim (mỗi lần hỗ trợ ngoài hiện vật, trung bình mỗi hộ gia đình đều có hiện kim từ 2.000.000 đồng đến 3.500.000 đồng) của những người dân sinh sống xa quê trong và ngoài nước. Để có được những thành quả đó, truyền thống văn hóa làng đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi vì nếu không có truyền thống đẹp thì sẽ không có các công trình văn hóa làng mang đậm tính nhân văn tại làng Kế Môn từ bao đời nay. Hay nói cách khác “Với người Kế Môn, quá khứ không hề tách rời với hiện tại và tương lai, chính quá khứ đã nuôi dưỡng hiện tại, là cái gốc vững chắc cho cây cành lá hoa sum suê xanh tốt” (theo lời của ông Bùi Giây- Trưởng Ban Điều hành làng Kế Môn).

Hiệu quả từ  tinh thần đoàn kết trong việc xây dựng “Làng văn hóa”

Nối tiếp, phát huy những truyền thống ấy, khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) do Ban chỉ đạo Trung ương đề ra, trong đó xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng làng văn hóa là một trong  những phong trào quan trọng được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể ở xã Điền Môn, đặc biệt là sự đồng lòng của các trưởng họ tộc, ban Điều hành làng và người dân làng Kế Môn, năm 2000, Kế Môn vinh dự là một trong bốn làng đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận Làng văn hóa. Từ đó đến nay, các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, xây dựng nông thôn mới và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được nhân dân trong làng hưởng ứng tích cực.

Tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống đến thế hệ con cháu trong làng

Với bề dày lịch sử, làng Kế Môn đã phát huy được sức mạnh của văn hóa cội nguồn, văn hóa truyền thống làng trong suốt quá trình hình thành và xây dựng, phát triển. Người dân nơi đây, nhất là những người đứng đầu các họ tộc, Ban điều hành làng, những người con dân làm ăn xa xứ... luôn tâm niệm đến việc giữ gìn, lưu truyền các giá trị truyền thống đến con cháu đời sau, để đời đời ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân.

Từ năm 2010 đến nay, sau khi ra mắt trang Website langkemon, ngoài sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ tài trợ kinh phí từ các Mạnh Thường Quân là con dân trong làng, Ban điều hành Website đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức nhiều cuộc thi như: “Tìm hiểu sự nghiệp danh nhân Nguyễn Lộ Trạch”, “Tìm hiểu về lịch sử và các lễ hội làng Kế Môn”, “Làng Kế Môn - cảm nghĩ của em đối với văn hóa truyền thống làng”, “Tìm hiểu về truyền thống Kim hoàn của làng Kế Môn”; các hội thi văn nghệ nhân ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (30/4), ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày Đại đoàn kết toàn dân, ngày hợp nhất - đổi tên trường từ trường Trung học cơ sở Phú Thạnh, trường Tiểu học Điền Môn thành tên trường TH&THCS Nguyễn Lộ Trạch (người con ưu tú của quê hương, danh nhân văn hóa Việt Nam) thi vẽ cho các em mầm non và tiểu học với chủ đề phong cảnh quê hương, ngôi trường yêu mến; thi tìm hiểu về các họ tộc, tên các xóm (đường ngõ) của làng cũng được tổ chức trên trang Website langkemon.

Các cuộc thi đã tạo sân chơi bổ ích, thiết thực cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các cuộc thi viết được các em thể hiện qua lời văn, cảm nghĩ chân thật nhất về tình yêu đối với làng xóm, đối với quê hương của mình. Lớn hơn nữa, ý nghĩa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa làng được các em nhận thức sâu sắc hơn, thực tế hơn ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Đó là những cốt lõi giá trị văn hóa đời thường nhất của văn hóa làng. Qua các cuộc thi, các em sẽ có suy nghĩ tích cực hơn về ý nghĩa văn hóa làng, từ đó việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa ấy sẽ được nhân rộng và định hướng đúng đắn.

Ngoài hội thi cho các em, còn có ngày hội Internet cho đồng bào trong làng tìm hiểu về công nghệ thông tin (20 máy vi tính được ông Hồ Huệ tài trợ để tại Trung tâm thương mại làng. Người dân, con em trong làng có thể đến học tập và tìm hiểu các vấn đề xã hội khác phục vụ cho việc sản xuất, chăn nuôi). Đến với ngày hội, mọi người được vui chơi có thưởng trên máy tính qua  nhiều câu hỏi liên quan đến công nghệ thông tin, liên quan đến lịch sử, truyền thống của làng… tạo nên không khí phấn khởi cho bà con tham gia.

 

Góp phần tích cực vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Các cuộc thi được tổ chức, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người dân, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ tại làng Kế Môn trong những năm qua, đồng thời tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh và mang tính giáo dục cao cho các em thanh thiếu nhi.

Ngày nay, cuộc sống xã hội phát triển toàn diện về mọi mặt, sự du nhập những yếu tố văn hóa ngoại lai đã gây nên nhiều tác động tiêu cực, làm phai nhạt nét đặc trưng của văn hóa làng thì việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của mỗi làng, mỗi địa phương cần được chú trọng hơn, bởi đó là nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc vùng, miền của dân tộc Việt Nam nói chung, của mỗi làng, xã nói riêng. Chính văn hóa làng là nơi nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn mỗi người, từ đó tạo nên một nét văn hóa rất riêng, để ai đi xa cũng phải nhớ về nguồn cội.

Chính văn hóa truyền thống làng nối tiếp từ đời này sang đời khác, tạo nên sự đồng thuận rất lớn của người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo khối đoàn kết nhân dân trên mọi lĩnh vực văn hóa, kinh tế và xã hội của địa phương. Xét về mặt tích cực, văn hóa truyền thống làng  luôn đóng vai trò quan trọng, khẳng định những giá trị mang lại cho cộng đồng, là sợi dây liên kết tâm hồn hướng đến nguồn cội, xây dựng làng xã phát triển hơn, văn minh hơn.

Những việc làm trên của Ban điều hành làng và Hội đồng hương làng Kế Môn trong thời gian vừa qua hết sức ý nghĩa, đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy, lưu truyền và giáo dục văn hóa truyền thống đến nhân dân, nhất là lứa tuổi học sinh. Hoạt động ý nghĩa đó phù hợp tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

THANH THÚY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

 

;