Văn học tiệm tiến văn hóa - Mấy suy nghĩ về chuyển động của văn học Việt Nam từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021

1. Văn hóa nền tảng phát triển văn học nghệ thuật

Ngược thời gian, từ khi Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời với ba phương châm (nguyên tắc) có tính chiến lược: “Dân tộc hóa - Đại chúng hóa - Khoa học hóa”, kể từ đó văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại vững bước trên đại lộ mới với tính chất mới: “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” (Hồ Chí Minh). Ngay sau Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948) đường lối “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến” đã được những người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật quán triệt sâu sắc. Cũng trong Hội nghị này, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã trình bày luận văn quan trọng Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam với những tiền đề lý luận và thực tiễn sát hợp với tính chất của cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, trong đó xây dựng văn hóa là một nhiệm vụ cấp bách và dài lâu. Trong tác phẩm Kháng chiến và văn hóa (1947), nhà văn Đặng Thai Mai đã viết: “Cả một dân tộc kiên quyết tranh đấu cho một lý tưởng chung, thực hiện cho kỳ được một mục đích vĩ đại, gương hy sinh của chiến sĩ, trên tiền tuyến, của toàn thể đồng bào ở hậu phương và cuối cùng là cái triển vọng sáng sủa của cuộc kháng chiến toàn dân và toàn diện. Bấy nhiêu sự trạng lẽ nào không chạm trổ vào tâm hồn người trí thức những nét tâm trạng bền bỉ sâu sắc? Mà nét quý báu nhất chắc chắn là mối tin tưởng vào tiền đồ của Tổ quốc, của dân tộc. Mối tin tưởng đó là một cái hoa men của văn hóa kháng chiến” (1). Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Gần nhất, Nghị quyết 23-NQ/TW (2008) của Bộ Chính trị Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã xác định Mục tiêu: “Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (11-2021) tiếp tục xác định chiến lược văn hóa chính là chiến lược con người vì “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Từ đó tất yếu hệ quả “Tột cùng văn hóa là con người”.

Văn hóa của một dân tộc, suy cho cùng quy tụ, phản ánh trong con người mang trong mình dòng máu tổ tiên, tính cách cộng đồng, bền bỉ đấu tranh sinh tồn và sáng tạo. Văn học đương đại Việt Nam (tính từ sau 1975), theo “thi pháp” trong giai đoạn lịch sử mới phản ánh xã hội và con người trong dạng thức “chưa hoàn thành” - cái hôm nay - ngày càng phong phú và phức tạp.

2. Viết đề tài truyền thống là tinh thần tôn vinh văn hóa dân tộc

Viết chiến tranh theo cách mới

Bài viết của chúng tôi chủ yếu phân tích những thành công của thể loại tiểu thuyết thuộc khuynh hướng chủ đề “Chiến thắng của văn hóa Việt Nam trong chiến tranh từ cái nhìn đương đại” trong nhiệm vụ nghệ thuật “Tôn vinh văn hóa dân tộc”. Chọn tiểu thuyết để khảo sát vì nó có khả năng trở thành tấm gương phản chiếu thời đại lịch sử trong toàn bộ tính đa dạng và phức tạp qua những mâu thuẫn, xung đột mang màu sắc mới, theo cách diễn đạt của nhà khoa học Ngữ văn Nga M. Bakhtin: “Tiểu thuyết là thể loại văn chương duy nhất luôn luôn biến đổi, do đó nó phản ánh sâu sắc hơn, cơ bản hơn, nhạy bén hơn sư biến chuyển của của bản thân hiện thực. Chỉ kẻ biến đổi mới hiểu được sự biến đổi” (2). Hai truyền thống lớn của dân tộc Việt Nam từ quá khứ đến hiện đại hiển nhiên sáng rỡ là lòng yêu nước, căm thù giặc và tinh thần nhân văn cao cả khúc xạ đặc biệt rõ trong thể loại tiểu thuyết thủy chung với đề tài chiến tranh cách mạng trong văn học hiện đại (từ sau năm 1945). Phương pháp phân tích của chúng tôi là dựa trên những thành công của tiểu thuyết về chiến tranh cách mạng xuất hiện trong những năm gần đây, mang tính đại diện. Từ 1975 đến nay, tiểu thuyết về chiến tranh cách mạng, có thể nói, là một tổng số (hàng trăm tác phẩm). Sự lựa chọn của tác giả tham luận xuất phát từ quan điểm lịch sử, tập trung và những hiện tượng tiêu biểu (về khuynh hướng tư tưởng, phong cách nghệ thuật, ảnh hưởng trong nước và quốc tế). Trong mấy năm gần đây (2021-2023), có thể nhắc đến một số tiểu thuyết viết về chiến tranh cách mạng được dư luận đánh giá cao: Trăng lên của Thế Đức, Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt của Đoàn Tuấn, Vùng biên không yên tĩnh của Thương Hà, Hương của Nguyễn Thụy Kha, Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một, Tình yêu vĩnh cửu của Trần Thiên Hương, Lạc vào giông bão của Phương Văn, Sông Luộc ở phương Nam của Khôi Vũ... Đặc biệt, đáng chú ý khi tiểu thuyết Hương của Nguyễn Thụy Kha được Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, năm 2022 (số lượng 2.500 bản, có 1.000 bản chuyển ra nước ngoài, đến tay người đọc Việt kiều nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ). Có thể coi Hương là một hiện tượng văn học, hiện tượng xuất bản sách văn học hiện nay (bình thường 1 cuốn tiểu thuyết chỉ in 1.000 bản phát hành trong nước với dân số cán đích 100 triệu, bán hết trong một đến hai năm đã là khó khăn). Tiểu thuyết Hương của Nguyễn Thụy Kha sở dĩ có sức quảng bá lớn (như đã nói ở trên) vì nó “chạm” đến một vấn đề quan thiết và nhạy cảm nhất hiện nay - tinh thần đại đoàn kết dân tộc (trên nền tảng hòa giải, hòa hợp dân tộc) như một sức mạnh vô song, lẽ sống thuận tự nhiên, biểu trưng của tinh thần nhân văn vì con người. Tiểu thuyết hấp dẫn nhờ tác giả kể lại một câu chuyện tình tay ba “cũ như trái đất”: câu chuyện tình trong và sau chiến tranh giữa Lĩnh (chiến sĩ Giải phóng) - Hương (cô gái xinh đẹp lưu lạc) - Bao (bác sỹ Quân y của Quân lực Việt Nam Cộng hòa). Nhưng bên trong và giữa các số phận là vấn đề nhân tâm thời đại - xóa bỏ hận thù, định kiến cùng hướng tới tương lai, cùng với việc neo giữ ký ức lương thiện như là của cải tinh thần để dành cho các thế hệ mai sau, không gì khác là tình yêu thương lớn: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau” (Tố Hữu) có thể vượt lên mọi định kiến và hủy diệt.

Năm 2017, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức thành công sự kiện lớn có ý nghĩa văn hóa với chủ đề “Nhà văn và sứ mạng đại đoàn kết” theo tinh thần đại khí “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!”. Nhiều nhà văn ở nước ngoài đã về dự và có cơ hội thấu cảm với cộng đồng dân tộc theo động hướng tinh thần “khép lại quá khứ cùng hướng tới tương lai”. Không có một thế lực nào có thể chia cắt mối tình cảm đồng bào của dân tộc Việt Nam (hơn 100 triệu người cả ở trong và ngoài nước) dẫu định cư ở phương trời nào thì vẫn: “Chúng ta con một cha, nhà một nóc/ Thịt với xương, tim óc dính liền/ Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân/ Dù ai rào giậu ngăn sân/ Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ” (Tố Hữu - Ta đi tới, 1954).

Lịch sử được tái tạo theo tinh thần “ôn cố tri tân”

Không ai có thể làm lại được lịch sử. Nhưng lịch sử theo quan điểm khoa học và nhân văn không phải là một thực thể đóng băng (tĩnh), trái lại luôn luôn mở (động) vì nhu cầu thường trực nhận thức lại thực tại của con người. Những bài học lịch sử quý giá của cha ông để lại chính là những “chìa khóa vàng” giúp chúng ta mở cánh cửa vào hiện tại với những thách đố bí ẩn cần được giải mã. Viết lịch sử là cách đối thoại với quá khứ trên tinh thần hiện đại. Không ngẫu nhiên được đón đọc và dư luận đánh giá cao hoặc nhận các giải thưởng văn học (đặc biệt qua 5 cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong vòng 20 năm, 1998-2019), đã được trao cho những tác phẩm thành công viết về lịch sử dân tộc như: Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Minh sư của Thái Bá Lợi, Mệnh đế vương của Trương Thị Thanh Hiền, Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải, Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh, Thông reo Ngàn Hống, Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang, Chim bằng và nghé hoa của Bùi Việt Sỹ, Hùng binh của Đặng Ngọc Hưng, Từ Dụ Thái hậu của Trần Thùy Mai, Thị Lộ chính danh (nhận Giải thưởng văn học Đông Nam Á, năm 2021) của Võ Khắc Nghiêm...

Trong những năm gần đây (2021-2023), tiểu thuyết lịch sử vẫn là “thặng dư”, xuất hiện nhiều tác phẩm được độc giả đón chào như: Thiên mệnh, Thiên thu huyết lệ của Nguyễn Trọng Tân, Cuộc đời xa khuất của Lê Hoài Nam, Công chúa Đồng Xuân của Trần Thùy Mai, Nữ sĩ thời gió bụi của Lê Phương Liên... Những tác phẩm này đã tiếp nối cái nhìn công bằng và nhân văn (cách Nguyễn Xuân Khánh đã tái hiện thành công trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly) về các nhân vật lịch sử phức tạp như Nguyễn Trọng Tân đã viết về trường hợp Thái sư Lê Văn Thịnh trong chính sử bị khép tội “mưu giết vua” (nỗi oan xuyên thế kỷ trong tiểu thuyết Thiên thu huyết lệ). Phùng Văn Khai, như giới phê bình và độc giả đánh giá, là nhà văn “chuyên canh”, “thâm canh” trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử. Tính đến năm 2023, anh đã công bố bảy tác phẩm (tính riêng 2021-2023 là ba cuốn): Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc, Trưng Nữ Vương. Nhà văn Nguyễn Thế Quang chuẩn bị ra mắt tiểu thuyết lịch sử mới về nữ sĩ Hồ Xuân Hương (Danh nhân Văn hóa Thế giới, UNESCO công nhận năm 2021), tái hiện cặp đôi con người và nghệ sĩ, có ý nghĩa như là một hiện tượng có tính bản thể và có tính văn hóa.

 Cần nói rõ hơn vì sao độc giả hiện nay lại ham thích đọc tiểu thuyết lịch sử hơn những tác phẩm viết trực diện về hiện tại? Có nhiều lý do nhưng lý do chính nằm ở tính chất phức tạp và bất ngờ (không có tiền lệ) của đời sống hiện đại trong cơ chế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa) nên các mặt trái của nó phơi bày lộ liễu (hiện sinh, cạnh tranh khốc liệt và tàn nhẫn) tạo nên tính bất an và bất khả tri với con người thời đại. Tình trạng khủng hoảng đức tin khiến con người cần có chỗ dựa tinh thần (hoặc đến với tôn giáo, hoặc lạc vào miền tâm linh, hoặc tìm về quá khứ “bao giờ cho đến ngày xưa” với ý nghĩa như là một “dĩ vãng phía trước”?!). Ở đây chưa tính đến một số ít cây bút viện cớ viết về lịch sử để “nói ngược”, do vậy cũng có thế nhất thời tạo nên sự “bắt mắt” của tác phẩm (nhất là chạm đến các biến cố lịch sử phức tạp).

3. Vấn đề nhân vật trung tâm của văn học hiện nay dưới ánh sáng văn hóa và phát triển

Vấn đề “nhân cách văn hóa” và “không gian văn hóa nhân văn” được định vị trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc (2021), đã và đang trở thành “từ khóa” của lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật. Rõ ràng khái niệm nhân cách có khả năng bao quát hơn khái niệm nhân vật, nhìn từ phương diện lý thuyết cũng như thực tiễn sáng tác văn học. Trong tính toàn cục và lâu dài, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trong những năm gần đây đã tập trung vào vấn đề “nhân cách” trong tiếp cận văn học nghệ thuật thời đại (đã có một Hội thảo quốc gia về chủ đến này vào năm 2016). Đang có những ý kiến khác nhau về vấn đề nhân vật trung tâm của văn học đương đại, hình dung như là hai “phái”. Một phái cho rằng trong cơ chế xã hội phân tầng nhiều thành phần kinh tế theo cơ chế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa) thì không có giai cấp mà chỉ có tầng lớp (thượng lưu, trung lưu, hạ lưu). Không có một nhân vật nào có thể đại diện cho thế hệ, giai cấp, dân tộc như trong thời đại cách mạng và kháng chiến chống ngoại xâm (tiêu biểu nhân vật Anh bộ đội Cụ Hồ). Ngày nay, mỗi nhân vật văn học chỉ đại diện cho chính mình (con người này trong tính cá thể tự do). Một “phái” khác cho rằng vẫn có nhân vật trung tâm của văn học thời đại - những trí thức có tài và tâm góp công lớn vào sự nghiệp kiến quốc, những nghệ sĩ tài danh mang vinh quang về cho đất nước; càng không thể không dành ưu tiên cho những người lính (trong nghĩa rộng là cán bộ chiến sĩ công an hay quân nhân) sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống của nhân dân.

Gần đây khái niệm văn hóa được mở rộng biên độ, dung chứa thêm những phạm trù mới, tiêu biểu như văn hóa Đảng. Về bản chất, xét theo phương diện triết học - đạo đức học - văn hóa học, thì văn hóa Đảng gắn liền với văn hóa truyền thống Việt Nam, văn hóa Hồ Chí Minh (văn hóa tương lai), văn hóa chính trị. Văn hóa Đảng giản dị trong cách tri nhận của cộng đồng người Việt Nam - Đảng đại diện cho lợi ích dân tộc. Đảng ở trong tâm cảm mỗi người Việt Nam chân chính. Hiện nay, đội ngũ của Đảng hùng hậu (với 5 triệu đảng viên). Đảng đồng nghĩa với tính chất tiên phong (nêu gương). Gần đây xuất hiện một số tiểu thuyết thành công xây dựng hình tượng người chiến sĩ cộng sản - biểu tượng của văn hóa Đảng - tiêu biểu như: Nợ nước non, Lênh đênh bốn biển (tập 1, tập 2, 2022-2023, trong bộ ba tiểu thuyết Nước non vạn dặm) của Nguyễn Thế Kỷ. Nếu nhìn xa hơn nữa thì trước đó nhân vật người chiến sĩ cộng sản được khắc họa thành công qua bộ ba tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó, Trông vời cố quốc, Giải phóng của Hoàng Quảng Uyên (viết về Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh), Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang, Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn, Người công giáo cộng sản của Trần Việt Trung.

Văn hóa Đảng trước tiên kết tinh trong những đảng viên mẫu mực, tiên phong trong cuộc đấu tranh vì nền độc lập tự do, vì nền hòa bình của đất nước, vì quốc thái dân an, vì sự nghiệp kiến quốc tương lai. Nói cách khác, hình tượng người chiến sĩ cộng sản là một biểu trưng của nhân vật trung tâm của văn học hôm nay. Hiển nhiên, Lãnh tụ Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của văn hóa Đảng. Trước hết, văn hóa Đảng thể hiện trong tầm vóc trí tuệ siêu việt của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Vẻ đẹp trí tuệ lấp lánh của nhân vật Hồ Chí Minh củng cố ở người đọc nhiều thế hệ xác tín “tột cùng văn hóa là con người”. Không ngẫu nhiên khi ra nước ngoài chúng ta thường nghe những câu nói như một lời chào thịnh tình không cần phiên dịch: “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, hay những cách diễn đạt ân tình khác như “Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ” (P. Rôđrighêt - nhà thơ Cuba), “Một bậc Đại nhân - Đại trí - Đại dũng” (nhà thơ Viên Ưng, Trung Quốc viết về tác giả Nhật ký trong tù). Văn hóa Đảng được kết tinh trong hình tượng người chiến sĩ Cộng sản. Đặc điểm này có thể xác định sự phát triển bền vững của văn học giai đoạn mới, khi văn hóa được nhận thức có vị trí quan trọng ngang với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Mỗi nhân vật người chiến sĩ cộng sản được xây dựng thành công hiển nhiên trở thành những tấm gương sáng soi về đạo đức - nhân cách - trí tuệ - tình thương. Câu thơ: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” (Tố Hữu - Theo chân Bác) đã khái quát cao độ sức kết tinh, lan tỏa, chinh phục của đạo đức Cộng sản mà Bác Hồ là một biểu tượng vĩ đại. Trong bối cảnh hiện nay, khi văn hóa - đạo đức - giáo dục đang có những biểu hiện xuống cấp thì vấn đề nhân cách văn hóa như tinh thần căn bản của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đặt ra lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

Kết luận

...Khi nói văn học tiệm tiến văn hóa, chúng ta thường hình dung về quá trình, ít nhất về thời gian cũng cần xem xét trong độ dài mười năm vì văn hóa, văn học nghệ thuật khác với lĩnh vực kinh tế (có thể trong vài ba năm đã nhận ra sự biến chuyển rõ rệt, thậm chí có nhảy vọt, đột phá). Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 thời gian chưa phải là nhiều nhưng nếu ngược thời gian - lịch sử thì có cơ sở để tin tưởng về bước tiến quan trọng của lĩnh vực này như trong thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám (1945). Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đến lần thứ hai chỉ trong vòng hai năm (1946-1948), tiến tới thành lập Hội Văn hóa Việt Nam. Vì thế, trong trường hợp này khi nói (viết) về “văn học tiệm tiến văn hóa”, theo quan niệm chung, là bàn về tiềm năng của văn hóa dân tộc, xu thế phát triển của văn hóa thời kỳ mới khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào một thế giới mở theo quy luật quốc tế hóa - khi một quốc gia đóng góp ngày càng hiệu quả các giá trị tinh thần có tính “mẫu số chung” của nhân loại. Nói (viết) về văn học tiệm tiến văn hóa là xuất phát từ nền tảng truyền thống, thực tiễn do kết quả của quá trình Đổi mới (từ 1986). Cảm hứng về tương lai là giá đỡ, động lực, đường hướng phát triển của văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà.

______________________

1. Dẫn theo sách Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học 1945-1954; Hồi ức kỷ niệm, Nxb Khoa học xã hội, 1995, tr.32-33.

2. M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường Viết văn Nguyễn Du, 1992, tr.27.

Tài liệu tham khảo

1. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2016.

2. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và định hướng phát triển, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2020.

3. Hà Minh Đức, Văn hóa và đời sống xã hội, Nxb Thuận Hóa, 2022.

4. Nguyễn Thế Kỷ, Lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam - nền tảng và phát triển, 2 tập, Nxb Văn học, 2017-2019.

5. Nguyễn Thành, Hồ Thế Hà (chủ biên), Văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới (1986-2016) - sáng tạo và tiếp nhận, Nxb Văn học, 2017.

6. Bùi Việt Thắng, Thi pháp tiểu thuyết hiện đại, Nxb Thanh niên, 2019.

BÙI VIỆT THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024

______________________

Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9-2023).

;