Sự tích hợp Đông - Tây trong thơ tượng trưng ở Việt Nam giai đoạn 1932-1945

Nếu tư duy phương Đông nghiêng về đơn tính, kiến tạo thi ảnh đơn diện, một nghĩa, gắn với các thủ pháp ẩn dụ thì thơ tượng trưng phương Tây nghiêng về phức tính, kiến tạo thi ảnh nhiều lớp nghĩa, nhiều bình diện nghĩa chồng lên nhau, vì vậy họ phải xây dựng các biểu tượng mà ở đó hội tụ các nghĩa giao thoa, tương giao giữa các mặt nghĩa. Cũng chính vì vậy, thơ tượng trưng ở Việt Nam giai đoạn 1932-1945 đã có sự ảnh hưởng, tác động qua lại để tích hợp cách kiến tạo giữa thơ Pháp và thơ Đường, sử dụng và “chuyển hóa” nhuần nhuyễn giữa các yếu tố Đông - Tây, tạo nên chất liệu đặc trưng trong thơ tượng trưng ở Việt Nam giai đoạn 1932-1945.

1. Sự tích hợp là một khái niệm toàn bích hơn trong việc diễn đạt quy luật giao thoa của văn hóa. Tích hợp biểu hiện cơ chế tiếp nhận trên tinh thần hòa trộn của vốn văn hóa truyền thống trong cuộc hội ngộ với thơ Đường và thơ Pháp. Phong trào Thơ Mới Việt Nam 1932-1945 ra đời là kết quả tất yếu của sự giao lưu hai nền văn hóa Đông - Tây.

Tích hợp yếu tố Đông - Tây trong thơ tượng trưng ở Việt Nam nhiều khi rất khó nắm bắt vì mức nhuần nhuyễn, khó tách bạch hoặc không tìm ra ranh giới đâu là nét Đông, đâu là nét Tây. Thế nhưng, chúng ta vẫn có thể nhận biết được qua những biểu hiện của nội dung và nghệ thuật. Có thể thấy rằng, thơ tượng trưng ở Việt Nam giai đoạn 1932-1945 đã phối hợp nhuần nhuyễn tư duy và thủ pháp tương giao của thơ tượng trưng Pháp. Bản thân một số nhà Thơ Mới mang khuynh hướng tượng trưng khi đã thuộc dòng thơ này nhưng lại không thiếu những biểu hiện của màu sắc kia.

Thơ ca nói chung và thơ tượng trưng nói riêng đã lưu giữ và làm sống lại những biểu tượng, những giá trị văn hóa ấy thông qua các biểu tượng ngôn từ. Tuy thế, quá trình chuyển đổi, va chạm văn hóa, khiến những biểu tượng gốc ngày càng có nhiều biến thể với các lớp ý nghĩa xếp chồng lên nhau. Cùng một mẫu gốc, song cách diễn giải ý nghĩa của các biến thể ấy ở phương Đông và phương Tây đôi khi rất khác nhau. Những đặc điểm văn hóa riêng khiến xu hướng sử dụng biểu tượng ở phương Đông, phương Tây ít nhiều vẫn có những khác biệt. Thơ tượng trưng ở Việt Nam giàu tính biểu tượng, một phần do chịu ảnh hưởng của thơ tượng trưng Pháp. Các nhà Thơ Mới tiếp nhận xu hướng thơ tượng trưng thường tạo nên những biểu tượng thơ nhờ kiểu Mallarmé, hay “bóp méo cái cụ thể trong khi nghĩ đến cái trừu tượng” kiểu Vigny. Trường hợp đầu có thể thấy ở Chế Lan Viên, Bích Khê hay Xuân Diệu. Trường hợp sau đúng với Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Sanh và một ít ở Đinh Hùng... Nhiều thi phẩm của các tác giả nói trên được tạo nên bởi một “thi pháp” mang đậm dấu ấn phương Tây. Song, điều này có nghĩa hồn cốt của những bài thơ ấy lại không tách rời cảm thức phương Đông, xét từ những ý nghĩa biểu trưng của ngôn ngữ thi ca.

Trong Thơ Mới, yếu tố tượng trưng trong thơ Đường và thơ Pháp nhiều khi cũng in dấu vết ở một thi sĩ, thậm chí quyện lẫn với nhau. Chẳng hạn, trong bài thơ Nguyệt cầm của Xuân Diệu - một minh chứng hùng hồn cho lý thuyết tích hợp, tương hợp, tổng hòa giữa các cảm giác một cách rất Pháp - phương Tây: “Bóng sáng bỗng rung mình”, “Đàn ghê như nước lạnh” thì đồng thời chính ý câu thơ đó: Mây vắng trời trong đêm thủy tinh/ Linh lung bóng sáng bỗng rung mình (Nguyệt cầm - Xuân Diệu), lại phảng phất chất Đông của thơ Lý Bạch: Khước há thủy tinh liêm/ Lung linh vọng thu nguyệt (Ngọc giai oán - Lý Bạch).

Ở đây, yếu tố tượng trưng Đường thi - Đông, vẫn rất rõ ở vẻ đài các giàu ý, ít lời, mang vẻ đẹp cân đối, hài hòa. Thông qua thơ Pháp, cùng với thơ Pháp, thơ Đường đã in dấu ấn rất rõ vào các nhà Thơ Mới mang khuynh hướng tượng trưng. Tích hợp thi ảnh của phương Đông và phương Tây còn do cảm xúc của các thi nhân có lúc gặp gỡ, đồng điệu nhau, là sự cộng hưởng giữa những tâm hồn với nhau. Có thể trong giây phút bất chợt nào đó, có sự trùng hợp một dạng thức cảm xúc bất ngờ mà thi sĩ thơ Đường và thi sĩ tượng trưng cùng chiếm lĩnh. Sự giao lưu văn hóa, đặc biệt là giao lưu và tiếp nhận văn học có những phần giao thoa với nhau. Phải chăng sự gặp gỡ, hài hòa giữa hai nguồn thơ (cổ điển và hiện đại, thơ Đường và thơ tượng trưng Pháp) đã tạo nên sự mới lạ, khác biệt cho thơ tượng trưng, đồng thời là điều kiện quan trọng giúp cho thể thơ này thích nghi với đời sống thơ ca hiện đại. Quan niệm tương ứng (tương hợp, giao hòa) giữa các giác quan trong thơ tượng trưng của Baudelaire đã ảnh hưởng sâu sắc đến Thơ Mới mang khuynh hướng tượng trưng.

Trăng - một thi liệu tượng trưng quen thuộc của thơ Đường. Trong thơ Xuân Diệu, trăng cũng là một “nhân vật” được tôn vinh. Những đêm trăng trong hai tập thơ Thơ thơGửi hương cho gió là sự hòa hợp huyền diệu giữa lòng người và cảnh vật. Cảnh ở đây tuy ít vận động nhưng quyến rũ qua nét bàng bạc, huyền ảo: Trăng hoa vàng lay lắt cạnh bờ mây/ Trăng đĩa ngọc giữa mâm trời huyền bí/ Trăng nguồn sương làm ướt cả gió hây/ Trăng võng rượu giữa đêm mờ chếnh choáng (Ca tụng - Xuân Diệu).

Xuân Diệu ca tụng trăng, “trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ”. Đối với thi nhân, trăng là nguồn sống, nguồn đem lại sự sống hay nói đúng hơn, đó là đầu nối, sợi dây thẩm mỹ tạo nên mọi vẻ đẹp trên thế gian này. Nó là nguồn thơ, nguồn mơ và nguồn say: “Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh”. Tác giả tha thiết gọi: “Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần” như gọi một tri ân, tri kỷ. Nghệ thuật ẩn dụ cũng được các nhà Thơ Mới sử dụng nhiều. Ẩn dụ là một trong những hiện tượng chuyển nghĩa được sử dụng phổ biến trong ngôn ngữ văn chương. Các thi sĩ luôn cố gắng đưa ra hệ thống ngôn ngữ kỳ lạ, để tạo ra những ngầm ý. Giống như các nhà thơ tượng trưng phương Tây, các thi sĩ thơ Loạn thường hay dùng hình ảnh để mã hóa những điều thầm kín trong lòng mình. Phong phú và sinh động nhất trong thơ Loạn là những ẩn dụ thể hiện liên tưởng của thi nhân trong việc tạo hình ảnh, hình tượng và biểu tượng, nhất là các biểu tượng trăng, hồn, máu…, vì đã phát huy tối đa tính tượng trưng của nó trong việc biểu đạt.

2. Khác với Xuân Diệu, sử dụng cảm quan tương ứng rất Tây, cảm quan tương ứng, ở Chế Lan Viên xuất phát từ cái nhìn rất Đông về thế giới. Đó là tư duy nguyên hợp, “thiên nhân tương dữ” và sự tương ứng là kết quả của sự tồn tại hài hòa, thống nhất rộng lớn về bản chất của vạn vật mà tiêu biểu là quan niệm ta linh hồn vạn vật. Ở góc độ các biểu tượng nghệ thuật, cảm quan này thể hiện ở sự tương thông ý nghĩa giữa các biểu tượng. Các biểu tượng gắn bó chặt chẽ với nhau bằng sức gợi sâu xa của chúng (chẳng hạn: sọ dừa gợi liên tưởng tới bầu trời; dòng máu, hơi thở hữu hình hóa linh hồn; ánh trăng hóa thành cái chết, nấm mồ…).

Sự kết hợp thành bộ ba biểu tượng: đàn - trăng - sông nước khiến một số bài Thơ mới mang khuynh hướng tượng trưng đạt đến độ ám ảnh lạ kỳ. Có thể kể đến Đàn nguyệt (Thế Lữ), Mộng cầm ca (Bích Khê), Đà giang vũ (Vũ Hoàng Chương)... Những bài thơ này, với những mức độ khác nhau đều có mối quan hệ “liên văn bản” với bài thơ Tỳ bà hành - Bạch Cư Dị (cùng bản dịch thơ của Phan Huy Vịnh). Ở đây có sự đồng điệu giữa các nhà Thơ Mới mang khuynh hướng tượng trưng ở Việt Nam và các nhà thơ cổ điển Trung Quốc trước cảnh: Thuyền không đậu bến mặc ai/ Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi lạnh lùng (Tỳ bà hành - Bạch Cư Dị).

Ở đó, có sự gặp gỡ giữa Thơ Mới và những tuyệt tác Đường thi trong những mối đồng dạng “gặp gỡ - ly biệt” của khách giang hồ - người kỹ nữ cùng lời ca, tiếng đàn trong không gian ước lệ “trời - trăng - sông nước”... Tiếng đàn “khiến trăng nước đắm mơ hồn ly biệt” trong thơ Thế Lữ được hỗ trợ bởi sông nước lung linh, quạnh vắng; được nâng đỡ bởi tiếng đàn “nảy khúc sầu thương”, trăng trở thành biểu tượng của cái đẹp tâm cảnh và ngoại cảnh (Đàn nguyệt - Thế Lữ). Tiếng đàn đồng vọng từ bến Tầm Dương hư ảo làm nổi bật vầng “trăng thượng tầng cao sáng ngập bờ” trong thơ Vũ Hoàng Chương (Đà giang). Tiếng đàn làm nên “không gian tơ - không gian tơ gợn sóng” của khoảnh khắc: Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng/ Của gương hồ im lặng tợ bài thơ (Mộng cầm ca - Bích Khê).

Trong Thơ Mới nói chung và thơ tượng trưng nói riêng, trăng không chỉ là biểu tượng thẩm mỹ điển hình mà còn là sợi dây kết nối các biểu tượng mang đậm tính chất phương Đông khác. Trăng - người đẹp, trăng - sông nước, trăng - bến/ thuyền, trăng - tiếng đàn/ lời ca, trăng - sự tri ngộ/ ly biệt... trở thành một trong những dấu hiệu để nhận diện Thơ Mới.

3. Đọc Bích Khê, ai cũng dễ dàng nhận thấy, ông là người có vốn văn hóa thơ thâm hậu. Ông am hiểu thơ Đường và dĩ nhiên là rất thạo thơ Pháp thuộc các trường phái lãng mạn, tượng trưng và siêu thực... Vì lẽ đó, theo cách đọc liên văn bản, ta nhận ra trong thơ ông rất nhiều thi liệu được “chuyển hóa” từ thơ Đường, thơ Baudelaire, Verlaine, Mallarmé… Sau 1936, Hàn Mặc Tử, Bích Khê chuyển hẳn sang làm lối Thơ Mới đẫm chất tượng trưng, chịu chi phối nhiều từ mỹ học tượng trưng. Bích Khê muốn vượt qua thi pháp thơ lãng mạn để vượt lên đi đến một cuộc duy tân thật mạnh mẽ và táo bạo đối với thi ca. Đối sánh thơ lãng mạn và thơ tượng trưng, Trần Đình Sử khẳng định: “Thơ lãng mạn là sự thổ lộ của trái tim, khát vọng giải phóng, khẳng định cá tính, lý tưởng. Còn thơ tượng trưng là tiếng nói của thế giới, là khát vọng tìm kiếm cái bí ẩn ở đằng sau, bao gồm bản chất thế giới, các hiện tượng của tâm linh con người, của thế giới cảm giác và vô thức” (1). Chính vì thế, trong khi các nhà thơ lãng mạn chuộng cách miêu tả lộ liễu và ít hàm xúc thì các nhà tượng trưng lại tìm cách khắc phục tình trạng này bằng ám thị, tránh bớt các lời giải thích, lời trình bày trực tiếp ý nghĩ và tình cảm. Họ hay dùng biểu tượng (symbol), nhịp điệu, hội họa, cách thức gợi, ám thị để khám phá cái tiên nghiệm, tiềm thức. Chính những thủ pháp này đã phần nào kéo thơ tượng trưng về gần với thơ Đường. Chất tượng trưng một mặt đưa những bài thơ của Bích Khê trở về gần gũi và gắn kết với truyền thống, mặt khác tạo nên sự khác biệt, mới mẻ, hiện đại. Vì cùng cách thức ám gợi qua âm nhạc, hội họa và biểu trưng, biểu tượng nhưng bản chất của loại hình thơ tượng trưng đã rất khác với loại hình thơ cổ điển. Thơ Đường mang tư duy thơ phương Đông cổ điển, thường hướng tới các ý niệm tổng thể, vĩnh hằng, các phạm trù phổ quát, biểu hiện về hình thức là sự nhịp nhàng trong âm thanh, cân đối, hài hòa trong màu sắc, tính ý tượng trong những biểu trưng, do đó gợi dẫn cảm xúc một cách gián tiếp thông qua hàng loạt thao tác sắp xếp, tư duy, phân tích, liên tưởng. Trong dòng hợp lưu của văn hóa Đông - Tây, thi sĩ Bích Khê đã đưa thơ Việt Nam hướng tới việc khám phá những liên hệ tiềm ẩn. Biểu tượng hương thơm xuất hiện nhiều lần và chủ yếu trong sự hòa điệu với màu sắc, đặc biệt là âm nhạc, tạo ra sự liên kết kỳ lạ: Chân nhịp nhàng lòng nghe hương nằng nặng/ Đây bài thơ không tiếng của đêm thơ (Mộng cầm ca - Bích Khê).

Sự tương ứng giữa nhạc - hương - màu sắc, khắc sâu cảm quan về một thế giới siêu nhiên kỳ ảo. Âm nhạc, hương thơm với tính chất đặc biệt của nó dường như gợi cho nhà thơ ý tưởng về “tương ứng toàn thể”, về “sự nhất thể của thế giới”. Nó tạo ra đặc trưng riêng của thơ Bích Khê: huyền diệu và tương ứng.

Bích Khê bị chinh phục bởi thuyết tương ứng giữa các giác quan là sản phẩm tinh thần, tư tưởng của Baudelaire và quan niệm “nhạc là trước hết” của Verlaine. Thơ tượng trưng phản ứng lại quan niệm và mỹ cảm của thơ lãng mạn và đề xuất một lối Thơ Mới, mơ hồ, trừu tượng, giàu nhạc tính và cô đọng hơn. Thuyết tương ứng của Baudelaire đã giải quyết một cách triệt để sự rườm rà mang tính miêu tả và xúc cảm của thơ lãng mạn. Hương thơm, màu sắc, âm thanh tương ứng với nhau, con người và thế giới tương thông với nhau, vạn vật nhất thể trong sự vận động, chuyển hóa liên tục của vũ trụ và con người. Điều đó đem đến cơ hội biểu đạt mới cho hình ảnh, hình tượng vượt lên trên cả thủ pháp ẩn dụ. Đó là tượng trưng. Thế giới là một “rừng biểu tượng” hàm chứa những liên hệ “âm u và sâu xa” mà con người chỉ có thể nhận biết được bằng trực giác.

Thơ Mới không chỉ ám gợi bằng các hình ảnh hay biểu tượng mà còn bằng âm nhạc. Các nhà Thơ Mới như: Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Nguyên Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ… dù đậm nhạt khác nhau, hầu như không ai không ý thức khai thác lợi thế nhạc tính trong thơ. Với họ, thơ là nhạc, nhạc là thơ để diễn đạt cái phần tế nhị, vô tận của rộng lớn vũ trụ và sâu thẳm tâm linh. Trong bối cảnh giao thoa của văn học Đông Tây, tinh thần âm nhạc thơ tượng trưng Pháp khi thâm nhập vào vùng đất đầy tiềm năng này đã tìm được chỗ đứng, đâm hoa kết trái và góp phần tạo cho nhạc tính vốn có của phương Đông có thêm những ý nghĩa mới. Âm nhạc trong Thơ Mới tuy không hoàn toàn tuân theo hình thức âm nhạc thơ tượng trưng nhưng nét nổi bật ở họ là ý thức sâu sắc về vai trò của nhạc tính trong chức năng gợi cảm. Đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo tính nhạc cho thơ và góp phần tạo nên sự tương đồng, gần gũi giữa Thơ Mới và tinh thần âm nhạc của thơ tượng trưng Pháp.

4. Quá trình tiếp cận - tiếp nhận - tiếp biến trong hoàn cảnh lịch sử của văn học Việt Nam đầu TK XX là một cuộc chạy đua thần tốc trước sự thôi thúc của thời đại. Sức sống mãnh liệt của dân tộc, nền tảng văn học chữ Hán với tư duy phương Đông độc đáo và cuộc gặp gỡ lịch sử với văn học phương Tây đã tạo nên diện mạo riêng của văn học buổi giao thời này. Cùng với những bước chuyển mình của lịch sử dân tộc, sự giao thoa của văn hóa Đông - Tây, Thơ Mới mang khuynh hướng tượng trưng ở Việt Nam giai đoạn (1932-1945) là sự hội tụ của những chuyển động văn hóa ấy. Chính vì đi sâu vào khám phá thế giới bên trong, vào tâm linh của con người nên các nhà Thơ Mới không ngừng tìm tòi, học hỏi và sáng tạo. Thơ tượng trưng nói riêng và Thơ Mới Việt Nam nói chung đã hòa nhập vào thơ hiện đại của thế giới nhưng vẫn giữ được cốt cách bản sắc Việt Nam. Thơ Mới Việt Nam, trong đó có thơ tượng trưng, dù chỉ mới 13 năm đã đi qua một chặng đường tương đương với một thế kỷ thơ Pháp. Những hình tượng và kiểu cấu trúc ngôn ngữ có sức sống trong thơ qua nhiều kỷ nguyên bắt rễ và tìm cách nhân lên với cội nguồn dân tộc. Cho nên cách tân lối xúc cảm, lối suy tưởng và cách tân nghệ thuật biểu hiện trong thơ là thái độ dứt khoát của các nhà Thơ Mới trong việc tiếp nhận những nguồn ảnh hưởng khác nhau để biểu lộ cảm xúc tình cảm đời sống nội tâm của con người thời đại mới.

____________________

1. Trần Đình Sử, Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995, tr.73.

Tài liệu tham khảo

1. Bích Khê, Tinh huyết, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995.

2. Bích Khê, Thơ Bích Khê (tuyển tập), Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi xuất bản, 2005.

3. Nguyễn Thanh Mừng (biên soạn), Bích Khê - Tinh hoa và tinh huyết, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1992.

4. Nhiều tác giả, 70 năm đọc thơ Bích Khê, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005.

5. Nhiều tác giả, Hội thảo thơ Bích Khê, tập 1, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi xuất bản, 2006.

6. Nguyễn Toàn Thắng, Hàn Mặc tử và nhóm thơ Bình Định, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.

7. Hàn Mặc Tử, Bích Khê, thi sĩ thần linh, Tuyển tập phê bình nghiên cứu văn học Việt Nam (1900 - 1945), Nxb Văn học, Hà Nội, 1997.

8. Vương Hải Anh, Thơ trữ tình Bích Khê, Khóa luận tốt nghiệp đại học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh, 2007.

9. Trần Thị Lam, Đặc sắc ngôn ngữ Bích Khê, Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Vinh, 2007.

TS NGUYỄN THỊ MỸ HIỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023

;