So sánh kiểu nhân vật linh dị “lạc cõi tiên” giữa Truyền kỳ mạn lục và Nhật Bản linh dị ký

Trong tương quan văn học Việt - Nhật, không chỉ truyện thiền sư Thiền uyển tập anh (Đinh Sửu, 1337) có sự tương đồng với Nhật Bản linh dị ký của Keikai (TK VIII-IX), được viết trong thời gian suốt 35 năm (787-822), chia thành ba quyển, tổng cộng 116 truyện, đến nay đã được dịch, giới thiệu ở Việt Nam (1) mà chính “thiên cổ kỳ bút” Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (TK XVI), gồm 4 quyển, 20 truyện (2) cũng có những mối tương đồng nhất định. Tương quan đặc trưng văn học sử của hai tác phẩm: Truyền kỳ mạn lụcNhật Bản linh dị ký thể hiện sắc nét ở các yếu tố linh dị, quả báo, quan hệ “kỳ” và “thực”, đặc tính phiếm chỉ của loại truyện linh dị, hư ảo, thần tiên, ma quái, môtíp giấc mơ, người “lạc cõi tiên”, nhân vật siêu nhiên (trời, bụt, thần, tiên, ma, quỷ, phù thủy, đạo sĩ…), hiện tượng gia tăng tính chất hỗn dung các thể loại dân gian và folklore (các bài ca dao, đồng dao, thơ Đường luật, trường thiên…). Có thể nói đặc tính linh dị là hạt nhân tạo nên tính tương đồng ở nhiều sắc thái và mức độ khác nhau giữa hai tác phẩm.

Kiểu truyện linh dị “lạc cõi tiên” phổ biến sâu rộng trong cộng đồng truyền thống văn hóa - văn học Đông Á, bao gồm kiểu nhân vật kỳ lạ lạc cõi bồng lai tiên cảnh, cõi trời, cõi Phật, cõi mơ, chốn đào nguyên, thủy cung, âm ti, địa phủ... Những truyện trong Nhật Bản linh dị ký có kiểu nhân vật linh dị phiêu du đến một cõi khác lạ thường không nhiều. Có thể ghi nhận Chuyện đứa trẻ bị diều hâu cắp được gặp lại bố mẹ ở nơi khác (Quyển thượng, truyện 9) kể về cô bé ở tỉnh Tajima bị diều hâu cắp bay về phía Đông. Cha mẹ cháu bé thấy vậy khóc lóc thảm thiết, sau chỉ biết dốc lòng làm điều thiện, cầu phúc cho con. Qua tám năm sau, người cha nhân có việc đến tỉnh Tamba và may mắn tìm lại được người con. Thực ra, đây mới chỉ là sự dịch chuyển không gian đến nơi xa lạ chứ chưa phải chính chuẩn người “lạc cõi tiên”...

Đến Chuyện người con bất hiếu vô đạo, vì vợ mưu giết mẹ đẻ bị quả báo tội chết (Quyển trung, truyện 3) kể về người con âm mưu giết mẹ để được hoãn đi lính, khi chuẩn bị chém mẹ thì mặt đất bỗng nhiên nứt ra, hắn vội rơi xuống. Bà mẹ kêu khóc, túm được mớ tóc con trai kéo lên nhưng hắn đã bị rơi xuống hố sâu. Bà mẹ nhân từ mang mớ tóc con trai về cúng giàng, cho vào chiếc tráp, đặt trước bệ thờ Phật, mời sư tăng về tụng kinh cầu hồn cho con. Thực ra, nhân vật người con tàn nhẫn mới chỉ bị rơi xuống hố, bị đọa xuống cõi âm chứ chưa có cuộc sống, hành động trong chính không gian cõi âm…

Tiếp đến Chuyện giết bò làm lễ tế thần nơi khác để chuộc lỗi lầm, lại làm việc phóng sinh, chịu sự quả báo việc thiện, ác (Quyển trung, truyện 5) kể về người chủ giàu có ở tỉnh Tsu bị bệnh nặng do mắc tội giết bảy con bò làm lễ tế cúng các vị thần ở tỉnh khác. Ý thức được việc làm sai trái, ông ra sức giữ giới luật thanh tịnh, sai người đi khắp nơi mua lại súc vật rồi thả phóng sinh. Sau này khi ông chết, ông thấy mình bị bảy người kỳ dị, thân người đầu trâu, lấy dây thừng buộc tóc bắt giải đến cung Diêm Ma Vương. Tại đây, qua tranh tụng với lính đầu trâu, Diêm Vương cho người kia sống lại. Đoạn kết là lời tự thuật: “Hơn ngàn người hộ vệ bốn bên từ Vương cung đi ra. Họ cho tôi ngồi lên kiệu, cắm cờ làm hiệu dẫn đầu vừa đưa tiễn vừa hô chúc tụng, rồi quỳ lễ bái mãi. Tất cả đám người đó đều cùng một vẻ mặt. Tôi liền hỏi: “Các vị là ai vậy?”. Mọi người trả lời: “Chúng tôi là những kẻ được ông chuộc rồi phóng sinh, không dám quên ơn, nay xin được đền ơn cứu mạng”… Từ cung Diêm Ma Vương sống lại trở về, ông phát lời thề nguyện, từ đó không thờ cúng dị thần nơi khác nữa. Ông quy y Tam bảo, dựng cờ phướn ở nhà rồi xây thành chùa Phật. Tu hành Phật pháp, dốc sức làm việc phóng sinh. Từ đó về sau được mọi người tôn xưng là Nadedo. Ông khỏe mạnh cho đến cuối đời, hơn chín mươi tuổi mới mất” (3). Như vậy, nhân vật chính đã bị bắt xuống địa phủ, bị tra hỏi dưới cõi âm rồi được tha về. Truyện có ý nghĩa bài bác thần đạo, khuông phò Phật giáo và tuyên truyền cho thuyết nhân quả báo ứng…

Tương tự, Chuyện không bố thí, sau lại làm việc phóng sinh, chịu quả báo việc thiện, ác (Quyển trung, truyện 16) kể về một người ích kỷ không cho ông bà già ăn cơm nhưng lại có công phóng sinh mười con sò biển. Sau đó, anh ta vào núi lấy củi, trèo lên cây thông khô, trượt chân rơi xuống chết. Người nhà quàn xác anh bảy ngày thì thấy anh ta sống lại và kể chuyện mình ở cõi âm và thoát chết: “Lại nói, hai bên cửa cung điện có lính canh ngục, trên trán có một cái sừng, họ vác đại đao định chặt đầu tôi (...) Tôi ở dưới đó đã qua bảy ngày, chịu đói khát. Lúc đó từ trong miệng tôi có viên lửa trôi ra. Bọn họ thấy vậy nói: “Đấy là quả báo tội ông không cho cơm ông bà già và còn ghét bỏ học”. Nói rồi Pháp sư và Ubasoku đưa tôi về. Tỉnh dậy, thấy mình sống lại. Gia nhân đó từ khi chứng kiến việc dưới âm phủ trở về dốc lòng làm việc thiện. Mới hay, người làm việc phóng sinh sẽ tự cứu được mệnh mình. Kẻ không bố thí, bản thân sẽ bị đói khát. Thiện ác không thể không bị quả báo” (4). Như vậy, nhân vật lạc cõi âm phủ thể hiện là nơi không gian chiêm nghiệm, trải nghiệm sự trừng phạt, tù tội… Cùng theo mô típ này còn có hai truyện nổi bật: Chuyện người con gái thành tâm đọc kinh Bát Nhã tâm, xuống cung Ma Vương có chuyện lạ (Quyển trung, truyện 19) và Chuyện qua cơn ác mộng, thành tâm tụng kinh có điều kỳ lạ, mạng sống được cứu thoát (Quyển trung, truyện 20)… Nhìn chung, các truyện trong Nhật Bản linh dị ký chủ yếu được thể hiện bằng hình thức văn xuôi, trong đó có cả hiện tượng “tàng trữ các giá trị thi ca…”, cho thấy rõ đặc điểm “sự đan xen, giao thoa, pha tạp, hỗn dung thể loại…” (5).

Những truyện trong Truyền kỳ mạn lục có kiểu nhân vật phiêu du đến một cõi khác lạ chiếm tỷ lệ cao, trở thành thủ pháp nghệ thuật đặc sắc và thực sự đa dạng, phong phú. Nhận diện kiểu nhân vật từ hệ quy chiếu văn hóa, nhà nghiên cứu Phạm Văn Hóa chia yêu ma trong toàn bộ truyện truyền kỳ thành bốn loại (Hồn người chết - Hồn người chết hóa thành - Siêu nhiên đầu thai - Động thực vật hay vật vô sinh) và thống kê chi tiết: “Truyền kỳ mạn lục: yêu ma là người chết hóa thành (6 truyện), yêu ma là nhân vật siêu nhiên đầu thai, yêu ma là hồn người chết (12 truyện), yêu ma là động thực vật hay vật vô sinh thành tinh (9 truyện)” (6)… Đơn cử chuyện kể về chàng Ngô Tử Văn xuống cõi âm gặp Diêm Vương để kể tội Viên Bách bộ họ Thôi trong Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên. Hành động châm lửa đốt đền của Ngô Tử Văn xuất phát từ việc tên bộ tướng của Mộc Thạnh đời nhà Minh là viên Bách hộ họ Thôi tử trận ở gần ngôi đền thờ vị thần người nước Việt, sau đó hồn ma họ Thôi tranh giành, cướp quyền vị thần người Việt và “từ đấy làm yêu quái trong dân gian”. Với trí dũng có thừa, Ngô Tử Văn đã đốt đền, sẵn sàng chịu chết và xuống tận cõi âm để làm rõ sự thật. Trước khi xuống cõi âm, Ngô Tử Văn đã được vị Thổ công, người được phong thần ở ngôi đền, bảo cho biết rõ lai lịch kẻ cướp đoạt ngôi đền. Ngô Tử Văn sau khi biết được sự việc gian tà, ý thức được lẽ đúng sai đã phơi bày chân tướng họ Thôi, rút cuộc được Thổ công báo ơn, tiến cử giữ chức Phán sự ở đền Tản Viên. Trên cơ sở một khung cốt truyện ấy lại có thể phân chia thành nhiều tuyến sự kiện và mối quan hệ giữa các tuyến nhân vật. Là một trong những truyện truyền kỳ tiêu biểu, các yếu tố kỳ lạ, kỳ ảo cũng đã được khai thác đến tối đa và kết hợp nhuần nhuyễn với các chi tiết hiện thực, phù hợp với cách quan niệm và cách hình dung về cuộc sống. Mối quan hệ giữa đời sống hiện thực và cõi âm hư ảo cũng được đan kết, chuyển hóa rất tinh tế, liền mạch. Con người đi từ cõi thực vào cõi ảo đều có lý do, có bước chuyển giai đoạn khiến cho mạch truyện diễn biến tự nhiên, tạo nên màn sương khói hư ảo đặc trưng cho loại truyện truyền kỳ. Nhân vật Ngô Tử Văn từ một con người trần tục đã nhập cuộc thế giới cõi âm được dẫn dắt bởi trí tưởng tượng phong phú: “Đốt đền xong, chàng về nhà, thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run, rồi nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét. Trong khi sốt, chàng thấy một người khôi ngô, cao lớn, đầu đội mũ trụ đi đến, nói năng và quần áo rất giống người phương Bắc, tự xưng là cư sĩ, đến đòi làm trả lại ngôi đền như cũ...”. Tiếp đó là cuộc đối thoại giữa Ngô Tử Văn với viên tướng họ Thôi và ông già chính chủ ngôi đền thực chất lại gần như lời tranh biện giữa những con người trong cuộc sống thường ngày, nói khác đi là sự mô phỏng, sao chép đời sống hiện thực vào thế giới hồn ma. Sau khi Ngô Tử Văn vâng lời ông già, sự thật đời thường lại được tái lập và chuẩn bị cho một sự chuyển đoạn khác, gặp gỡ những nhân vật khác, ở một không gian khác: “Đến đêm, bệnh càng nặng thêm, rồi thấy hai tên quỷ sứ đến bắt đi rất gấp, kéo ra ngoài thành về phía Đông. Đi độ nửa ngày đến một tòa nhà rất lớn, xung quanh có thành sắt cao vọi đến mấy chục trượng. Hai con quỷ đến nói với người canh cổng, người canh cổng đi vào một lúc rồi ra truyền chỉ...”. Sau đó lại là những lời tranh luận giữa Ngô Tử Văn với Diêm Vương, với hồn ma họ Thôi để cuối cùng sự thật được sáng tỏ, Tử Văn được bọn lính đưa từ cõi âm về: “Chàng về đến nhà, té ra mình chết đã được hai ngày rồi. Nhân đem những việc đã qua kể cho mọi người nghe, ai cũng kinh hãi và không tin là thực. Sau đó họ đón một bà đồng về phụ đồng, đồng lên cũng nói đúng như lời Tử Văn. Người làng bèn mua gỗ, dựng một tòa đền mới. Còn ngôi mộ của tên tướng giặc kia thì tự dưng thấy bị bật tung lên, hài cốt tan tành ra như cám vậy...”. Cách miêu tả này giúp cho các yếu tố kỳ lạ luôn được đảm bảo bằng sự thật, khiến cho cái kỳ lạ không bị trí tưởng tượng đẩy đi quá xa. Kế tiếp lại là một câu chuyển đoạn nói về cái chết của Ngô Tử Văn sau khi được Thổ công đến báo tin về việc tiến cử một chân Phán sự ở đền Tản Viên: “Tử Văn vui vẻ nhận lời, bèn thu xếp việc nhà, rồi không bệnh mà mất”... Để tạo niềm tin và sức thuyết phục cho câu chuyện, đoạn kết kể lại sự việc hệt như sự thật, tưởng tượng đúng như điều tai nghe mắt thấy, có thời gian, địa điểm, nhân chứng, vật chứng rõ ràng: “Năm Giáp Ngọ, có người ở thành Đông Quan, vốn quen biết với Tử Văn, một buổi sớm đi ra ngoài cửa tây vài dặm, trông thấy trong sương mù có xe ngựa đi đến ầm ầm, lại nghe tiếng quát: “- Người đi đường tránh xa, xe quan Phán sự!”. Người ấy ngẩng đầu trông thì thấy người ngồi trên xe chính là Tử Văn. Song, Tử Văn chỉ chắp tay thi lễ chứ không nói một lời nào, rồi thoắt đã cưỡi gió mà biến mất. Đến nay con cháu hãy còn, người ta truyền rằng đó là nhà quan Phán sự! ...” (7). Nhìn chung, trong tất cả các phần chuyển đoạn cũng như diễn biến câu chuyện, cái kỳ lạ và chi tiết hiện thực luôn chuyển hóa trong nhau, trong hư có thực, trong thực có hư, tạo nên không khí truyền kỳ mờ ảo, “hư hư thực thực…” (8).

Nhận diện tổng quát có thể thấy mô típ “lạc cõi tiên” còn bộc lộ sắc nét ngay từ nhan đề từng truyện ở các kiểu nhân vật linh dị như Hồ Tông Thốc khi đi sứ mơ gặp và phê phán mạnh mẽ Hạng Vương (Câu chuyện ở đền Hạng Vương); Phùng Trọng Quỳ khi nằm ngủ đã mơ gặp và trò chuyện với vợ là Nhị Khanh đã chết từ lâu (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu); Dương Đức Tạc khi bất tỉnh thấy mình lạc cõi trời, sau được Thượng đế sai gã trà đồng thác sinh làm con mình (Chuyện gã trà đồng giáng sinh); một người họ Trịnh được thần Bạch Long Hầu dẫn xuống Long cung gặp Long Vương và đòi được vợ (Chuyện đối tụng ở Long cung); Từ Thức cáo quan về ở ẩn rồi lạc vào nơi suối Sậu nguồn Đào, được sống yên bình giữa cõi tiên, đến khi trở về cố hương thì thời gian đã trôi qua 80 năm (Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên); Lý Thúc Khoản đời Hậu Trần từng được đưa xuống cõi âm xem xử kiện, sau trở về dương gian biết thật lòng hối cải (Chuyện Lý tướng quân); người học trò Mao Tử Biên khi qua huyện Kim Hoa đã lạc vào cõi âm và gặp những thi nhân đời trước như Ngô Chi Lan, khi tỉnh lại thấy mình nằm bên hai ngôi mộ (Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa); Võ Dĩ Thành thường giao du với ma quỷ, sau làm quan cõi âm và hiển linh cứu giúp cả nhà bạn Lê Ngộ thoát khỏi dịch bệnh (Chuyện tướng Dạ xoa)... Có thể nói Truyền kỳ mạn lục có số lượng nhân vật phong phú, tràn ngập không khí ma quái, không gian thần tiên, ma quỷ.

Do sự quy định về dung lượng cũng như đặc tính thể loại, kiểu nhân vật “lạc cõi tiên” trong Truyền kỳ mạn lục đã lấn át, vượt lên so với Nhật Bản linh dị ký. Điều này xác định sự phát triển cả về dung lượng, quy mô cũng như tư duy nghệ thuật về thể loại của Truyền kỳ mạn lục so với Nhật Bản linh dị ký. Đánh giá chung, nhà sử học Nhật Bản Sakurai Yumio xác định: “Hơn thế nữa, tác phẩm này không chỉ có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu Nhật Bản, nó còn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc nghiên cứu lịch sử văn học so sánh ở Đông Á. Không biết có bao nhiêu truyện trong tác phẩm này có nội dung giống với truyện kể ở Việt Nam, chúng ta có thể hiểu được điều đó vì văn học cổ điển Nhật Bản và văn học cổ điển Việt Nam đều có chung một nguồn gốc là Trung Quốc, nhưng được mỗi nước phát triển phù hợp với điều kiện lịch sử và đất đai của nước mình” (10)...

Với khoảng cách rộng dài tám thế kỷ, các yếu tố linh dị trong Truyền kỳ mạn lục so với Nhật Bản linh dị ký đã có vận động, phát triển lên một trình độ nghệ thuật mới. Ở đây, chúng tôi không nhằm tìm hiểu các đặc điểm thể loại mà chỉ giới hạn ở việc so sánh tính chất tương đồng của các yếu tố linh dị, từ đó xác định đặc tính của yếu tố linh dị (triết lý tâm linh, Phật giáo, thuyết nhân quả báo ứng), khả năng can thiệp, quy định của hình thức thể loại (dung lượng, quy mô, nội dung phản ánh) và tập trung nhận diện các sắc thái nhân vật linh dị “lạc cõi tiên”. Có thể nói, việc nhận diện tương quan các tác phẩm (yếu tố linh dị nói riêng) giữa các tác phẩm văn học trung đại Việt Nam như: Thiền uyển tập anh, Tam Tổ thực lục, Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả với Nhật Bản linh dị ký chính là nhằm góp phần nghiên cứu so sánh những tương đồng tư duy văn học trung đại, tính chất đồng loại hình thể loại tự sự, quy luật phát triển văn chương bác học Việt - Nhật và khu vực Đông Á.

___________________

1, 3, 4. Keikai, Nhật Bản linh dị ký (Nguyễn Thị Oanh dịch, giới thiệu; Onishi Kazuhiko và Okada Takeshi hiệu duyệt; Nguyễn Huệ Chi đọc duyệt bản tiếng Việt), Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, tr.207-211, 249-253.

2, 7, 9. Nguyễn Dữ, Truyền kỳ mạn lục (Phạm Văn Thắm biên tập, giới thiệu), Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tập 1 (Trần Nghĩa chủ biên), Nxb Thế giới, Hà Nội, 1997, tr.185-320, 238-243, 263-270.

5. Nguyễn Hữu Sơn, Tác phẩm Thiền uyển tập anh trong bối cảnh văn hóa - văn học Đông Á, Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh văn hóa - văn học Đông Á, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, TP.HCM, 2013, tr.147-163.

6. Phạm Văn Hóa, Hình tượng nhân vật yêu ma từ truyện cổ tích đến truyện truyền kỳ trung đại Việt Nam, Tiếp cận văn học từ văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2022, tr.8.

8. Nguyễn Hữu Sơn, Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên, Phân tích, bình giảng tác phẩm văn học 10 - Nâng cao (Nguyễn Khắc Phi chủ biên), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.55-59.

10. Sakurai Yumio, Lời giới thiệu của GS. Sakurai Yumio, Nhật Bản linh dị ký, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, tr.8.

 

PGS, TS NGUYỄN HỮU SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023

;