Thân phận con người trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu từ góc nhìn Phật giáo

Nhật Bản là một quốc đảo có nền văn hóa Á Đông đặc sắc kết tinh từ bản nguồn dân tộc và tiếp biến các giá trị văn hóa bên ngoài một cách tài tình. Từ lịch sử phát triển, xã hội Nhật Bản tiếp nhận tư tưởng Phật giáo từ rất sớm và lan tỏa mạnh mẽ đến các thành tố văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, đặc biệt đậm đặc trong Truyện Genji. Bài báo tập trung làm rõ sự ảnh hưởng của Phật giáo ở Nhật nói chung, quan niệm của Phật giáo về thân phận con người nhằm làm rõ những ảnh hưởng của nó trong văn học nghệ thuật. Trên cơ sở đó, làm rõ dấu ấn triết lý Phật giáo về số phận con người qua các yếu tố như con người trước nghịch cảnh của số mệnh, sống tự tại và mộ đạo. Từ đó, phát hiện màu sắc Phật giáo độc đáo trong sự hài hòa với tôn giáo tín ngưỡng bản địa thể hiện trong tác phẩm.

1. Phật giáo thời Heian và quan niệm về thân phận con người

Phật giáo thời Heian

Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ rất sớm (khoảng TK VI). Đến thời kỳ Nara (710-784), đất nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của văn hóa Trung Hoa trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Phật giáo trở thành quốc giáo và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chính trị. Văn hóa Phật giáo nở rộ đến mức nhiều chùa chiền được xây dựng xung quanh hoàng cung để thuận lợi cho thực hành tôn giáo. Bên cạnh đó, triết lý Phật giáo được vận dụng vào trong chính sách quản lý nhà nước (1). Các nhà sư ngày càng can dự sâu vào việc điều hành chính quyền của nhà Vua. Vậy nên, quyền lực của tôn giáo nhanh chóng tạo nên những bất ổn và trở ngại lớn trong hoạt động chính trị và kinh tế của đất nước. Đây là một trong những nhân tố quan trọng nhất khiến Vua trị vì quyết định dời đô đến vùng đất mới Yamato và mở ra một giai đoạn mới của nền văn hóa thuần Nhật Heian.

Thời kỳ Heian (794-1185) được bắt đầu sau khi Thiên hoàng Kammu lên ngôi (năm 781) và quyết định dời kinh (năm 794) nhằm tránh khỏi những căng thẳng của thế lực Phật giáo. Xã hội Nhật đã bước sang một giai đoạn mới kéo dài khoảng 400 năm sau đó, là sự tiếp nối của nền văn hóa của TK VIII. Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc vẫn còn trong trường học như việc viết văn xuôi và thơ của Trung Quốc rất phổ biến trong giới học giả và tầng lớp quý tộc. Việc đề cao các giá trị văn hóa Trung Hoa thể hiện qua các tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ Phật giáo theo phong cách nhà Đường. Trên thực tế, triều đình Nhật Bản đã không còn theo những hình mẫu của Trung Quốc. Một nền văn hóa mới Nhật Bản thuần túy hơn được bắt đầu TK X trở đi, xu hướng này mới trở thành một trào lưu mạnh mẽ (2).

Cho dù Nhật Hoàng đã thay đổi chính sách của đất nước trên mọi lĩnh vực và dần tách hẳn mối quan hệ với Trung Hoa vẫn xuất hiện các tông phái Phật giáo mới du nhập từ Trung Hoa như Thiên Thai và Chân Ngôn. Núi Hiei và núi Kōya trở thành trung tâm của các trường phái Phật giáo Thiên thai (Tendai) và Kim cương thừa (Shingon) mới, được đặc trưng bởi các triết lý và các nghi lễ phức tạp và tinh tế. Về sau, do Phật giáo có sự bảo trợ của chế độ phong kiến nên phát triển mạnh và chia nhiều tông phái khác, trong đó có Thiền tông. “Phật giáo ban lộc và sự bình yên vô tận theo nghĩa tất cả mọi điều người ta cầu xin đức Phật đều được đáp ứng đầy đủ tôn giáo như là tôn chỉ cho hành động mang đến niềm tin và hy vọng mới của con người và cũng chi phối nền văn hóa Nhật Bản trong thời gian dài” (3). Theo quan điểm Phật giáo, mục đích cuối cùng của nghệ thuật là hướng đến chân - thiện - mỹ. Do đó, nghệ thuật Phật giáo có ảnh hưởng lớn đến cảm quan nghệ thuật, đặc biệt trong quan niệm về vẻ đẹp của sự suy nghiệm bên trong của cảm xúc.

Trong thời kỳ này, Phật giáo không còn tham gia vào hoạt động chính trị và có tầm ảnh hưởng như trước mà được mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, đã tương tác với Thần đạo bản địa và truyền thống địa phương, cũng như tôn giáo dân gian theo định hướng Phật giáo đặc trưng của Nhật Bản. Trong đời sống văn hóa Heian, quan niệm đạo đức của Thiền đã ảnh hưởng mạnh mẽ nhất như việc khẳng định thực tại có cả đúng và sai, thiện, ác và mọi giá trị đạo đức đều là tương đối. Đức hạnh không chỉ tuân giữ giới luật mà còn phải trải nghiệm, thức tỉnh nội tâm mà thành. Như vậy, Thiền tông đã đề cao sự vận động nội tại của bản thể con người tạo nên tính hướng nội. Thiền khi vào Nhật Bản đã lột bỏ tính huyền bí và tính chất trừu tượng, siêu hình, quan điểm nghịch thường của Đạo Lão và tư tưởng thực dụng của Khổng giáo. Thiền mang đặc điểm tinh tế, chính xác và đơn giản ở Nhật. Vậy nên, Thiền vừa là nguồn gốc phát sinh cũng là cơ sở của văn học nghệ thuật ở Nhật Bản thời kỳ Hiean.

Quan niệm của Phật giáo về thân phận con người

Quan điểm của Phật giáo cho rằng sự tồn tại của con người như một tiểu vũ trụ trong vũ trụ bao la của thế giới. Vì vậy, con người là sinh linh nhỏ bé, yếu ớt và cô đơn. Cuộc sống của con người phải trải qua nhiều kiếp nạn nên đời là bể khổ và hiển nhiên phải trải qua quá trình sinh, lão, bệnh, tử nên con người thường buồn bã trước sự chia lìa của cuộc sống. Những khổ đau của con người do ông Trời và khó thể cưỡng lại được. Vậy nên cát bụi cũng trở về với cát bụi và thế gian là cõi vô thường, phù du; cũng có lúc phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí xảy đến khiến con người chẳng thể làm khác được chỉ đón nhận đắng cay của cuộc đời. Cuối cùng của cuộc đời con người là sự cô độc giữa nhân gian. Trong Tứ Diệu Đế chỉ rõ sự thật về cuộc sống khổ đau của con người, về nguồn gốc nguyên nhân dẫn đến đau khổ, về sự chấm dứt đau khổ và phương pháp thực hành dẫn đến việc chấm dứt khổ đau. Chính vì thế “Nếu con người ta không hiểu rõ Tứ Diệu Đế là gì thì không có cách nào khác có thể tránh được con đường sinh tử luân hồi, không hiểu rõ Tứ Diệu Đế là gì thì sẽ không thể nào tìm được con đường để thoát ly khổ đau, trầm luân từ kiếp này sang kiếp khác” (4). Tuy vậy, con người “Tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật” (Đức Phật Thích Ca) bằng cách tu hành, giác ngộ, vượt thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Như thế, thân phận con người không hẳn là cùng cực của sự bế tắc mà vẫn có con đường giải thoát khỏi những ái dục: tham (hữu ái), sân (phi hữu ái), si (dục ái) là 3 ảo tưởng đẻ ra 3 ảo giác là: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ trong ba cõi dục (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) để đừng tạo nghiệp, làm nên cuộc sống an bình và yên vui. Nhìn chung, quan niệm về thân phận con người của Phật giáo tựu trung trong: khổ đế (Dukkha - bản chất đau khổ của đời sống), tập đế (Samudaya - nguyên nhân nỗi khổ), diệt đế (Nirhodha - có thể tận diệt khổ đau, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được giác ngộ giải thoát chân thật) và đạo đế (Magga - con đường chấm dứt khổ đau, đưa đến hạnh phúc chân thật).

2. Dấu ấn triết lý Phật giáo về số phận con người trong Truyện Genji

Có nhiều tác phẩm văn học Nhật cổ đại ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, đậm đặc nhất là tiểu thuyết Truyện Genji. Tác phẩm được xem là tiểu thuyết đầu tiên của thế giới, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa dân tộc như ngôn ngữ (chữ Hiragana), nghệ thuật (kịch nol, trà đạo, thơ hòa ca), những giá trị lịch sử (đời sống xã hội thời kỳ Heian), giá trị tư tưởng (quan niệm thẩm mỹ người Nhật cổ đại) và đặc biệt là thấm đẫm triết lý Phật giáo. Qua đó cho thấy “Người Nhật làm nên bản sắc của mình bằng những “tiêu chuẩn” riêng gắn với tôn giáo” (5).

Con người trước nghịch cảnh của số mệnh

Có thể thấy, Murasaki mượn bối cảnh trong cung để nói về những câu chuyện tình yêu và những biến đổi trong lòng xã hội dưới vương triều Heian. Dưới sự ảnh hưởng và sự gặp gỡ giữa thế giới quan Phật, nhà văn phản ánh số phận con người qua nhiều cuộc đời và nỗi buồn nhân thế tràn đầy cảm xúc.

Đời là bể khổ không chỉ bởi con người vần xoay trong vòng luẩn quẩn tuổi già, bệnh tật và cái chết mà còn là những điều bất toại nguyện trong cuộc sống. Bởi con người vốn có ham muốn và khát vọng nên khi không được thỏa mãn sẽ đem đến sự thất vọng và thậm chí có thể u buồn hay khổ đau. Kể cả khi hài lòng với những gì mình đạt được vẫn bi cảm vì niềm vui đâu đọng mãi và cuộc đời cũng phải trôi theo thời gian nên trở nên đơn điệu và buồn chán. Truyện Genji xây dựng nhiều nhân vật và mỗi người có một thân phận riêng. Họ luôn sống trong những nỗi thống khổ giữa ham muốn trong tình yêu, tình dục và luân lý đạo đức.

Để lý giải cho những nghiệp chướng mà con người phải trải qua trong tác phẩm, tác giả Uyên Minh đã đi tìm mối quan hệ giữa tính dục và thân phận con người trong bản thân hình tượng Genji. “Eros là một nguồn năng lực sống, sáng tạo bao gồm xung động tính dục và xung động bảo tồn tự ngã đã tồn tại từ rất lâu, có thể từ thuở khai thiên lập địa, gắn liền với thân phận con người...” (6). Nghịch cảnh ngang trái của tuổi thơ bất hạnh của cuộc đời Genji từ sinh ra, lớn lên, lấy vợ, có con và cái chết. Genji là con của hoàng đế với người vợ lẽ Kiritsubo (mất sớm). Genji kết hôn với Aoi khi rất trẻ (12 tuổi) nhưng sau đó yêu say đắm vợ lẽ của vua cha là Fujitsubo và trải qua những tháng ngày buồn bã vì tình yêu ngang trái. Kết thúc mối tình với Fujjitsubo, cả hai có đứa con trai bí mật tên là Reizei và trở thành thái tử của hoàng đế đương triều (bố của Genji). Sau đó, Genji và vợ cả Aoi cũng có một đứa con nhưng mất ngay sau khi được sinh ra. Thời gian không lâu sau đó, Genji quyết định kết hôn với Murasaki người mà Genji đưa về nuôi khi cô ấy mới 10 tuổi. Sau khi hoàng đế mất, anh trai của Genji là Reizei (thực chất là con của Genji) lên ngôi. Trong thời gian này, Genji bị đày ra đảo Suma và mất hết chức vị. Ở đảo một thời gian, Genji có tình cảm với Akashi (con của chúa đảo) và có cô con gái, người trở thành nữ hoàng sau khi Genji qua đời. Sau đó, Rezei đã gọi Genji trở về và thừa nhận nguồn gốc thật của mình nên Genji được củng cố vị trí trong triều đình. Genji lấy người vợ khác tên là công chúa Ba, cô này đã mang thai con trai (thực chất là của cháu trai Genji). Thời gian này, mối quan hệ giữa Murasaki và Genji trở nên tồi tệ và cô đã mất. Genji đau khổ, suy sụp trong thời gian dài và cũng mất sau đó.

Sự thật về bản chất đau khổ của đời sống Genji và các nhân vật khác không chỉ từ quy luật của cuộc sống mà bởi hoàn cảnh xuất thân và đặc biệt là mối quan hệ ngang trái trong tình yêu đến từ những số mệnh của cái đẹp mang đến những nỗi buồn triền miên của cô đơn và cái chết. Mỗi sinh mệnh đều thoáng qua và cái chết chỉ là vòng luân kiếp của muôn vàn sinh linh. Cho nên, số phận của con người hay sinh mệnh của cái đẹp trở nên huyền bí và có chiều sâu khi phảng phất trong nỗi buồn giấu kín. Trạng thái cô đơn thường trực cũng dễ nhận ra trong Truyện Genji. Cô đơn trong tình yêu và tuyệt vọng dẫn đến sự héo mòn của cuộc sống nhàn hạ và bị bỏ rơi. Bên cạnh đó, thấp thoáng sự buồn bã của con người thất thế như Genji khi không còn hào quang của vinh hoa và tuổi trẻ. Thời đại vương triều trong giai đoạn thịnh và suy theo suốt chặng đường đời của nhân vật phản ánh quy luật của cuộc sống, giữa cái được và mất. Trước thời thế đổi thay, lòng người luôn trắc ẩn và dâng trào cảm xúc. Sự cô đơn gợi nên nỗi buồn truyền kiếp đã trở thành bi kịch lớn nhất của con người. Điều này có thể thấy qua sự biến động, đổ vỡ trong đời sống tinh thần của họ.

Không chỉ bị bó buộc trong nỗi cô đơn bản thể, con người còn bị ám ảnh về cái chết định mệnh. Do đó, nỗi sợ hãi đối với cái chết hay sự chia lìa là không tránh khỏi. Dưới triết lý Phật giáo, trong Truyện Genji, cái chết là con đường giải thoát, cái chết mang đến vẻ đẹp riêng khiến con người thường bình tâm đón nhận. Cuộc đời là cõi tạm nên các nhân vật nữ đã có tinh thần nhập thế và họ xem cái chết là lối thoát nhẹ nhàng mà thanh cao sau khi đủ khổ đau trong tình yêu ngang trái. Qua đó, tác phẩm bàn về ý nghĩa của sự tồn tại. Mọi vật có thể chỉ hiển hiện trong khoảnh khắc nhưng phải tỏa sáng, trước khi chấp nhận sự hủy diệt của quy luật sinh tử thì con người vội sớm tự hủy diệt mình để bảo vệ vẻ đẹp toàn vẹn. Cũng như Truyện Heike, tinh thần võ sĩ được bảo toàn cũng bắt nguồn từ quan niệm về vẻ đẹp tinh thần tử vì đạo. Mối quan hệ giữa cái đẹp, nỗi buồn và cái chết cũng luôn thường trực trong tác phẩm. Cái chết vừa là nơi sinh ra cái đẹp, vừa là sự giải thoát cái đẹp. Chính vì thế, cái đẹp trong mối quan hệ với cái chết mang lại nhiều xúc cảm buồn bã, phản ánh quan niệm nhân sinh, về số phận con người và thực tại tối hậu. Cái chết bị đe dọa khi đang sống là hiện sinh chân thực nhất của nhân sinh. Điều này làm cho thế giới trần thế trở nên mong manh khiến con người cảm thấy bấp bênh trước thực tại và tương lai. Dù thế, niềm tin vào cuộc sống vẫn còn khi con người luôn khao khát kiếm tìm và gìn giữ vẻ đẹp của cuộc sống.

Con người với khát khao sống tự tại và mộ đạo

Có thể xem vấn đề cái tôi cá nhân không được đề cập trong Truyện Genji. Với việc tập trung vào những chuyển biến đời sống tinh thần của nhân vật, tác phẩm phản ánh những khát vọng trong tình yêu nam nữ. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của sự chân thực bản thể và tinh thần ngay thẳng của Thần đạo nên đời sống tình cảm như muốn vượt lên mọi luân lý của xã hội để thể hiện khát vọng cá nhân. Sự vượt thoát của những tâm hồn nồng nàn trong niềm hân hoan, đau khổ và thái độ sống chấp nhận thực tại theo quan niệm của Phật giáo. Trong tác phẩm, người đàn ông đa tình Genji đã yêu nhiều người con gái cho dù chàng đã có vợ. Mỗi tình yêu đem đến cho Genji những cung bậc cảm xúc khác nhau trong niềm vui, nỗi u buồn, sự sợ hãi, ghen tuông… và dự cảm về tương lai mờ mịt. Đối với danh vị, chàng dường như không màng tới và cảm thấy mọi sự tùy duyên. Dù trong thời gian vương triều thịnh hay suy, cả Genji và Kaoru đều không có bất cứ phản kháng hay đấu tranh nào để tỏ rõ quan điểm cá nhân, ngay trong tình cảm cũng vậy. Bên cạnh đó, còn có hệ thống nhân vật khác trong truyện đều sống ung dung, tự tại và mộ đạo. Dường như nhà văn miêu tả họ chìm đắm trong cảm xúc của tình yêu nên cái tôi cá nhân vẫn chưa được thể hiện rõ trong tác phẩm.

Trong Truyện Genji, cái đẹp hiển hiện trong vạn vật và đều vô thường, đời là cõi tạm, kiếp người hư không nên con người hướng đến bản thể của cái đẹp để sống như được bừng ngộ từ trong cõi u minh. Vẻ đẹp tình yêu vừa trong ảo vọng, vừa chân thực thấm đẫm nỗi sầu bi nhân thế. Do quan niệm về thế giới thực tại vốn đau buồn và bi thương, con người luôn kiếm tìm cuộc sống đích thực trong tình yêu nam nữ, sống hết mình với cảm xúc cá nhân ở hiện tại. Trước xã hội vô nghĩa và đau khổ, con người dễ bị tổn thương và muốn thoát khỏi thực tại hướng vào cõi tâm là cách hành thiền giữa cõi tục trong sự thức nhận tất cả chỉ là ảo hóa như trong Truyện Genji. Tìm về với tự nhiên, hòa điệu mênh mang giữa nhân giới không phải là để trốn tránh mà để đón nhận hiện thực vốn có.

Nhìn chung, thân phận con người được các tác giả tập trung làm rõ sự giằng xé giữa tình yêunhục thể là vấn đề chính tạo nên kiếp nạn chúng sinh nơi trần thế. Bên cạnh đó, đời sống xã hội cung đình thời kỳ Heian cũng ảnh hưởng đến số mệnh của nhân vật trong tác phẩm qua nhiều nhân vật tài hoa bạc mệnh gợi nên niềm bi ai suốt 54 chương sách kể về thời thơ ấu, thanh niên, trưởng thành và kết thúc cuộc đời Genji cho đến cuộc đời của cháu và con trai như Niou và Kaoru. Tác phẩm xoay quanh vào chủ đề tình yêu phóng khoáng và phiêu lưu của nhân vật Genji, sau đó là Niou và Kaoru với nhiều người phụ nữ xinh đẹp.

3. Kết luận

Trong Truyện Genji, dưới sự ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đậm đặc trong cảm thức cô đơn và nỗi ám ảnh của cái chết qua thân phận con người. Từ những trải nghiệm đau khổ trong tình yêu với những hạnh phúc mong manh trần thế, nữ sĩ Murasaki Shikibu đã thể hiện những rung động chân thành, tinh tế và lãng mạn của đời sống người Nhật. Nhận xét về đặc tính người Nhật thời kỳ này, nhà nghiên cứu lịch sử G.Sansom cho rằng tính khổ hạnh, giản dị và thuần khiết là bản chất của người Heian (7). Ngoài ra, nhà nghiên cứu Hữu Ngọc cho rằng: “Cuộc sống cung đình thanh lịch, êm đềm trôi trong cầm kỳ thi họa và thú vui, mang cái duyên dáng đôi khi ủy mị nữ tính. Nhưng do ảnh hưởng của đạo Phật, xã hội quý tộc hưởng lạc và duy mỹ ấy vẫn đượm một nỗi buồn ngao ngán về kiếp phù du ở trần thế” (8). Như vậy, không chỉ có Phật giáo mà cả bối cảnh xã hội cũng như hoàn cảnh tác giả cũng góp phần tạo nên những thân phận con người trong Truyện Genji trở nên đặc trưng và thi vị hơn trong nỗi khát khao sống hết mình hiện tại rất mực thống khổ và rất mực yêu thương.

____________________

1. Hoàng đế Shōmu tin rằng, đức tin Phật giáo là phương tiện để đảm bảo hạnh phúc và hòa bình cho đất nước nên ông thành lập các ngôi chùa trên cả nước, phân bổ cấp tỉnh là tu viện (kokubunji), ni viện (kokubun niji), mỗi nơi đều có một bức tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Mỗi tu viện có 20 tu sĩ, mỗi ni viện 10 nữ tu, nhiệm vụ thường xuyên của họ là tụng kinh và dâng lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an. Giống như thế giới trần tục có kokushi (thống đốc) ở mỗi tỉnh để giải quyết các vấn đề hành chính và pháp lý, thế giới tâm linh sẽ chính thức bổ nhiệm các tăng ni, phân bổ đều giữa các tỉnh, để đáp ứng nhu cầu tâm linh.

2. The Heian period (794-1185) (Thời Heian (794-1185)), britannica.com.

3. V.Pronikov, I.Ladanov (Đức Dương biên soạn), Người Nhật, Trường Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM, 2004, tr.388.

4. Ý nghĩa sâu sắc của giáo pháp Tứ Diệu Đế, Tứ Thánh Đế, phatgiao.org.vn.

5. Trần Tố Loan, Cái đẹp truyền thống Nhật Bản trong sáng tác của Y.Kawabata, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 1, 2006, tr.67-71.

6. Uyên Minh, Yếu tố Eros trong truyền thống văn học Nhật Bản, Tạp chí Văn học (miền Nam), số 90, 1969, tr.25-31.

7. George Sansom, Lịch sử Nhật Bản, tập 1, Nxb Xí nghiệp in Thủy Lợi, Hà Nội, 1993.

8. Mitsuyoshi Numano, Thế giới thơ và tiểu thuyết - Từ Truyện Genji đến Haruki Murakami, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản, 2009, tr.6.

Tài liệu tham khảo

1. Leslie Inamasu, Genji Monogatari: a Romance in Three Parts (Genji Monogatari: Chuyện tình lãng mạn gồm ba phần), scribd.com.

2. Murasaki Shikibu, Truyện kể Genji, tập 1, 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991

TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO - TS HOÀNG THỊ MỸ NHỊ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023

;