Vài nét về sự tiếp biến, giao lưu văn hóa Việt - Mường thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc

Nền văn hóa khởi thủy của Phú Thọ là văn hóa bản địa, với nhiều dấu tích của nền văn hóa Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun và văn hóa Đông Sơn với văn minh lúa nước sông Hồng rạng rỡ. Phú Thọ tự hào là vùng địa linh nhân kiệt, vùng đất phát tích của dân tộc Việt Nam. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, cư dân nơi đây luôn biết tiếp thu, chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho kho tàng tri thức của mình. Trong những mối quan hệ cộng đồng, cuộc sống đan xen giữa các tộc người với nhau trong cùng một môi trường sống đã làm nảy sinh những nét văn hóa mới, tạo nên mối quan hệ đặc biệt, phong phú, góp phần làm cho văn hóa bản địa của Phú Thọ thêm sinh động hơn.

1. Tiếp biến, giao lưu văn hóa Việt - Mường

Vùng đất Tổ nổi bật với hai hệ ngôn ngữ văn hóa Việt - Mường và Tày - Thái, đây là hai nhóm chính của người Việt cổ cư trú trên địa bàn Phú Thọ. Trong các mối giao lưu văn hóa này, yếu tố văn hóa        Việt - Mường có chiều hướng đậm đặc hơn, do đó, trong khuôn khổ bài viết chúng tôi nghiên cứu riêng về yếu tố văn hóa của nhóm người Việt - Mường.

Việt - Mường hay Lạc - Việt là người Việt cổ, chủ nhân của văn hóa Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đông    Sơn - văn hóa thời đại Hùng Vương và là dòng văn hóa nguyên thủy chủ lưu ở vùng đất Tổ. Nghiên cứu so sánh mối liên hệ văn hóa Việt và Mường với nền văn hóa Hùng Vương, ta có thể phỏng đoán được quá trình chia tách thành hai nhóm tộc người         Việt - Mường ở Phú Thọ và cả nước. Sự chia tách từ người Lạc - Việt ra thành người Việt và người Mường chắc chắn đã diễn ra rất từ từ, chậm chạp trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Ngoài các yếu tố cùng nhóm tộc người về nhân chủng, cùng hệ ngôn ngữ                  Việt - Mường, tại Phú Thọ còn khá nhiều tài liệu về dân tộc học, địa danh học,  tín ngưỡng, văn hóa dân gian chứng minh cho sự giao thoa và chia tách đó.

Sự tiếp biến và giao lưu văn hóa Việt - Mường ở Phú Thọ được thể hiện trong nhiều lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, tín ngưỡng dân gian. Trước hết về tín ngưỡng, cả hai dân tộc Việt và Mường đều có tục thờ cây, thờ thần núi, tiêu biểu là tục thờ chung thần núi Tản Viên, thờ thần nước. Đồng bào Kinh Phú Thọ thờ Hà Bá, Long Vương, Long Hải Đại Vương, thờ cả bờ ngòi cho nước. Đồng bào Mường thờ thuồng luồng mà họ quen gọi là ma khú. Ở xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập, đồng bào Mường thờ thần sông Lao (ngòi Lao) là Bằng Giang công chúa… Tục thờ Sơn Quân thần Hổ có ở nhiều làng xã cổ truyền với lễ tục cúng thần bằng thịt chó sống. Tín ngưỡng thờ vật linh từ dạng nguyên thủy sơ khai tới bước phát triển cao ở xã hội Văn Lang, nhất là tín ngưỡng phồn thực gắn với nền nông nghiệp lúa nước của cả hai dân tộc Việt - Mường giống nhau gần như một.

Tục lệ thờ quốc Tổ, Tổ họ của người Mường và thờ cúng tổ tiên của người Việt xét về bản chất đều như nhau, chỉ có khác đôi ba nét về thể thức, quan niệm. Cả hai dân tộc cùng thờ Hùng Vương, thờ thánh Tản Viên và đều có tục thờ nhân thần. Nếu như người Kinh thờ những người có công lao với dân, với nước thì người Mường thờ những ông Khai sáng, bà Khai sáng hay bà Chúa Tổ họ, đức Tiên công… Đặc biệt, người Việt cổ có tục thờ thần Lúa ở nhiều nơi với nhiều hình thức lễ hội nông nghiệp như lễ khai canh, lễ thượng - hạ điền, lễ mừng cơm mới… Đền thờ các vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao (nay thuộc thành phố Việt Trì), tỉnh Phú Thọ là di sản văn hóa vật thể, cơ sở chủ yếu để thể hiện hình thức sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống độc đáo và đặc sắc ấy.

Núi Nghĩa Lĩnh là ngọn chủ sơn trong hệ thống Tam sơn cấm địa, là nơi hội tụ những hình thức tín ngưỡng thờ thần tự nhiên của cư dân Lạc Việt. Nhờ đó đã tạo thuận lợi cho tư duy tín ngưỡng mà đời sau có cơ sở để phát triển thành tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng và những người có công dựng nước. Trong quá trình phát triển của tín ngưỡng ấy, luôn luôn có sự đan xen và tồn tại tín ngưỡng nguyên thủy và tín ngưỡng thờ tự các vua Hùng. Tại khu vực đền Thượng, trước khi tiến hành trùng tu di tích năm 1917, người ta thấy vẫn còn dấu tích bệ thờ một hạt lúa thần có kích thước rất lớn, to bằng chiếc thuyền ba cắng (1), có hình giống như một hạt thóc khổng lồ… Truyền thuyết cho rằng, hằng năm, các vua Hùng vẫn lên đền Thượng để gọi vía lúa.                  

Nếu như trước đây tại khu đền Thượng thuộc di tích Đền Hùng có thờ một hạt thóc thần làm bằng gỗ, to bằng chiếc thuyền ba cắng với bài hát gọi vía lúa, ở làng Nam Cường có tục múa mo gọi vía lúa, thì người Mường cũng có các nghi lễ tương tự, chỉ có điều họ gọi bằng cái tên Mường, chẳng hạn hạ điền gọi là khụng mùa. Ở xã Tất Thắng, đồng bào Mường cũng có thầy mo hát gọi vía lúa khi làm lễ hạ điền: Lúa ở mường trời/ Lúa nghe mường con kêu gọi/ Lúa về mường này làm giàu làm có/ Bao nhiêu khốn khó bay về mường xa/ Hỡi lúa nếp, lúa tẻ/ Hãy nghe mường ta kêu gọi/ Bông con vừa bằng vòi hái/ Bông cái vừa bằng đuôi trâu…

Xã Đồng Lạc huyện Yên Lập, thầy mo khi cầu cúng cũng hát: Cầu cho mạ tốt như dâu,/ Lúa tốt bằng đầu/ Bông cái bằng bông lau/ Bông con bằng bông sậy

Trong lễ hội làng Thanh Đình (Lâm Thao), người ta dùng bó mía có cài bông lau (sậy) và bó cỏ de tượng trưng cho cây lúa và cỏ để nuôi trâu, bò. Như vậy, có thể thấy, văn hóa Việt - Mường luôn có mối giao thoa, quan hệ tương đồng khá chặt chẽ. Ngoài ra, các ngôi đình, chùa của hai dân tộc này từ kiến trúc đến nghi lễ thờ cúng cũng không khác nhau nhiều.

Văn hóa dân gian Việt - Mường ở Phú Thọ có nhiều nét tương đồng, nhất là trong kho tàng tục ngữ, ca dao và dân ca. Tục hát nước nghĩa, còn gọi là hát Ghẹo Nam Cường hay hát Ghẹo Phú Thọ được hình thành từ tục kết nước nghĩa giữa các làng: Nam Cường, Bảo Vệ (huyện Tam Nông và Hùng Nhĩ), Thục Luyện (Thanh Sơn). Đây có lẽ là một bằng chứng rõ rệt nhất về sự giao lưu văn hóa Việt - Mường ở Phú Thọ.

Ngôn ngữ Việt - Mường cũng có nhiều nét gần gũi, tương đồng từ phát âm cho tới cấu tạo âm tiết, chẳng hạn như: bà/ pá, gà/ ca, gạo/ cảo, lúa/ ló,      đi/ ti, sớm/ khớm, trâu/ tru, cày/ cáy, bừa/ pứa, trèo/ téo, quạt/ quát, cửa/ cừa… Vì vậy, từ xưa đến nay, giữa hai dân tộc Việt và Mường ở Phú Thọ luôn có sự giao lưu rộng rãi, gắn kết trên nhiều lĩnh vực vì thế người ta vẫn quen gọi gộp với hai tiếng: người Việt Mường. Sử thi Đẻ đất đẻ nước thể hiện bằng tiếng Việt - Mường, được xem là tiêu biểu, đồ sộ, vĩ đại và là báu vật chung của người Việt - Mường, xa hơn nữa là của cư dân Lạc - Việt. GS. Phan Ngọc đã từng nhận xét: “Đây là sử thi viết bằng tiếng    Việt - Mường, tức là ngôn ngữ chung của hai dân tộc người Kinh và người Mường, khi hai ngôn ngữ còn chưa tách ra khỏi nhau. Hay nói đơn giản hơn, cha ông ta vào TK VIII trở về trước đã nói ngôn ngữ này. Ngay cả Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn vẫn còn nói ngôn ngữ này. Chỉ vào đầu TK XI, khi kinh đô chuyển từ một trung tâm Mường là Hoa Lư về Thăng Long, năm 1010, lúc đó tiếng Việt mới tách khỏi tiếng Mường thành hai ngôn ngữ riêng, còn trước đó ta chỉ có một ngôn ngữ chung với hai phương ngữ là phương ngữ Kinh ở đồng bằng sông Hồng và phương ngữ Mường ở vùng chân núi” (2). Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị và ý nghĩa của sử thi Đẻ đất đẻ nước đối với người     Việt - Mường, trong đó có Sử thi đẻ đất đẻ         nước - Một cách tiếp cận của Cao Sơn Hải (3).

Văn hóa Văn Lang - Âu Lạc luôn thống nhất trong tính đa dạng cả về đời sống vật chất và tinh thần. Cư dân nơi đây đã sử dụng công cụ lao động, vũ khí cả bằng đồ đồng và đồ sắt. Nghề trồng lúa nước được coi là chủ đạo, nghề dệt, trồng trọt, chăn nuôi, làm đồ gốm, nghề săn bắn, đánh cá… đều phát triển ở mức khá đồng đều. Các phong tục, tập quán sinh hoạt như cưới hỏi, xăm mình, ăn trầu, lễ hội đua thuyền, tục thờ trời, thờ thần Núi, thần Nước, thờ nõ nường và tín ngưỡng phồn thực khá phát triển.

Nghệ thuật âm nhạc, múa và tạo hình phát triển mạnh. Nhạc cụ có nhiều loại, đa dạng về kiểu dáng và cách thức diễn tấu. Bộ gõ có trống đồng, trống da, chuông nhạc, phách, cồng. Bộ hơi có khèn, sáo, tiêu, tiêu biểu nhất phải kể đến đó là nhạc khí trống đồng. Cư dân Văn Lang đã biết sử dụng phối hợp nhiều nhạc cụ trong lễ hội, trên mặt trống đồng Đông Sơn đã thể hiện việc sử dụng dàn trống đồng từ 2-4 chiếc, dàn cồng từ 6-8 chiếc và một tốp người vừa múa vừa sử dụng các nhạc khí khác nhau. Có tượng đồng Đông Sơn thể hiện cảnh người hóa trang hoặc vũ trang nhảy múa, múa đơn hoặc múa đôi.

 Cư dân Văn Lang - Âu Lạc có cuộc sống định cư, nhà ở có nhiều loại. Khi chết, phong tục mai táng vẫn kế tục nền văn hóa tiền Đông Sơn. Đặc biệt họ đã phát hiện ra thuyết vũ trụ quan trời tròn, đất vuông và tư duy lưỡng phân, lưỡng hợp cùng với kỹ nghệ chế biến lương thực, thực phẩm (bánh chưng, bánh dày, chè lam, bánh nếp, bánh mật…).

Tôn giáo, tín ngưỡng và lễ hội ở vùng đất này cũng rất đa dạng, phong phú. Bên cạnh những tàn dư của các hình thức tôn giáo nguyên thủy như tín ngưỡng thờ vật tổ, ma thuật, tín ngưỡng phồn thực, ý thức cộng đồng được hình thành cùng với sự hình thành lãnh thổ chung, quốc gia và nhà nước thống nhất đã làm nảy sinh và ngày càng trở nên phổ biến hệ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sùng bái các anh hùng, thủ lĩnh, ý thức về cội nguồn, tổ tiên, tập quán chung.

Như vậy, sau hàng ngàn năm lao động sáng tạo, cư dân sinh sống trên phạm vi vùng đất Tổ đã có những bước tiến mới, đưa xã hội ngày càng phát triển, từ một nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa dùng cuốc tiến đến nông nghiệp dùng lưỡi cày đồng, có sức kéo của trâu, bò. Cùng với những tiến bộ khác trong đời sống văn hóa, xã hội, các bộ lạc sống bên nhau, cùng có chung một số phận lịch sử, một nhu cầu, lợi ích giống nhau để tồn tại và phát triển, đã dần từng bước hình thành một lối sống chung, một nền văn hóa thống nhất. Và như vậy, từ các đơn vị cộng cư của một xã hội nguyên thủy đã hình thành các đơn vị hành chính của một quốc gia với lãnh thổ chung, cộng đồng các dân tộc chung, một tổ chức chung để quản lý và điều hành xã hội. Tổ chức chỉ đạo thực hiện những yêu cầu vì lợi ích chung của xã hội đó là nhà nước Văn Lang, nhà nước Âu Lạc. Thời ấy, nước ta nằm trong vùng văn hóa Đông Nam Á cổ với tộc Bách Việt phong phú đã tạo ra một dòng chảy truyền thống mà cũng kèm theo những sự biến thiên đa dạng của một tộc người cho đến tận hôm nay.

2. Văn hóa Đông Sơn và nền văn minh lúa nước sông Hồng, đỉnh cao của giao lưu văn hóa Việt - Mường

Thành tựu vĩ đại của nền văn hóa Đông Sơn, thể hiện trình độ của nền văn minh lúa nước sông Hồng chính là trống đồng Đông Sơn. Theo các nhà khảo cổ học, ở Phú Thọ đã khai quật được 75 chiếc trống đồng, phân bố chủ yếu ở các vùng Mường, Thanh Sơn (58), Yên Lập (10), còn lại xuất hiện ở các nơi như Việt Trì, Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy với đầy đủ cả bốn nhóm, từ H.I đến H.IV (Heger - thuật ngữ quốc tế). Trống đồng Đông Sơn xưa nay vẫn được xem là bức tranh toàn cảnh về xã hội người Việt cổ.

Trống đồng Đông Sơn ở Phú Thọ chứa đựng vô vàn những tinh hoa văn hóa cùng các tri thức, các quan niệm của người Việt cổ, nó vừa là đồ thờ tự, vừa là biểu tượng của uy quyền, vừa là nhạc khí đồng thời là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao, một kho báu trí tuệ của quá khứ. Trong di sản văn hóa này có chứa đầy đủ những “mã văn hóa” mà chủ yếu là các “mật mã” không dễ giải mã được hết, chúng ta có thể hiểu thông qua một số khía cạnh mà nhiều nhà nghiên cứu đã nói tới: Hoa văn trên mặt trống đã thể hiện vũ trụ quan của người Việt cổ. Ngôi sao ở chính giữa là biểu tượng của mặt trời, những vòng tròn xung quanh là biểu hiện vòng quay của trái đất. Vì vậy, các hình ảnh khắc vẽ trên các vòng quay đó đều chuyển động theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, nghĩa là từ Tây sang Đông, đúng như thuyết thái dương hệ mà chúng ta đã biết. Bên cạnh đó, hoa văn trên cả mặt trống, tang trống thể hiện rất sinh động đời sống lao động và chiến đấu, kể cả đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nông nghiệp trồng lúa nước. Chim Lạc là hình ảnh in dấu vết Tô Tem giáo - thờ vật tổ. Hình tượng trai gái giã gạo chày tay và tượng cóc ôm nhau, cặp đôi chim - hươu đực, hươu cái cùng với những hình tròn, hình tam giác, hình vuông đan xen nhau là ảnh xạ của tín ngưỡng phồn thực. Hình người cầm vũ khí và thuyền chiến, cảnh xử tội hoặc nghi lễ hiến tế là sự mô phỏng hành động chiến đấu chống kẻ thù hai chân và bốn chân, chứng tỏ cả hai công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước đều rất được quan tâm. Ngoài ra, lễ hội trống đồng, lễ hội đua thuyền đánh thức nước, thả diều cầu cạn của cư dân nông nghiệp lúa nước; kiến trúc nhà sàn, trang phục váy, áo, khăn, khố, mũ cắm lông chim của người Đông Sơn đã được phản ánh một cách rõ nét.

Bên cạnh đó, đồng bào Mường ở Phú Thọ có những cách giải mã khác về hoa văn trống đồng. Tại hai huyện Thanh Sơn và Yên Lập, người ta đã khai quật được gần 70 chiếc chủ yếu là loại H.II. Có lẽ vì vậy mà có nhà nghiên cứu gọi trống đồng loại II là trống Mường. Trong sử thi Đẻ đất đẻ nước, vua Dịt Dàng cho đúc 1.960 chiếc trống đồng theo đúng mẫu chiếc trống bằng đồng thau mà em gái vua khi gội đầu ở bên suối nhìn thấy nó nổi lên rồi trôi vào bãi cát. Người Mường cũng ca ngợi vẻ đẹp của hoa văn trống đồng. Theo họ, trên mặt trống có hình chim ây, chim ứa (tức là hình chim Lạc theo cách gọi của người Kinh). Con nhái (tức con cóc) trên mặt trống để ghi nhớ nghề trồng lúa nước. Hình tượng mặt trời để ghi nhớ thời kỳ đại hạn. Cảnh thuyền bè trên tang trống để nhớ về thời kỳ đại hạn và lụt lội. Người Mường còn cho rằng, tiếng trống đồng cơ bản là thanh âm trầm hùng, âm vang của nó khiến kẻ thù nghe thấy phải “bạc tóc”.

 Qua đây, các nhà khoa học đã khẳng định còn rất nhiều “tầng văn hóa” và nhiều lớp “mật mã” tàng trữ trên trống đồng chưa có điều kiện và cũng chưa thể nghiên cứu, khám phá để hiểu hết các ý nghĩa của nó, vì vậy, trống đồng Đông Sơn đúng là một vỉa quặng, một kho tàng tri thức cổ quý giá đồng thời cũng là di sản văn hóa, văn minh cội nguồn đất Tổ, cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Nền văn minh sông Hồng có nguồn gốc từ những nền văn hóa đá mới, được hình thành và trải qua một quá trình lâu dài hàng ngàn năm từ văn hóa tiền Đông Sơn đến văn hóa Đông Sơn, từ sự ra đời và phát triển của thuật luyện kim (từ sơ kỳ thời đồng thau đến sơ kỳ thời đại sắt). Quá trình phát triển cùng nhiều bước thăng trầm của lịch sử, sự đúc kết qua thời gian bằng những công trình nghệ thuật đã khẳng định cho giai đoạn lịch sử nền văn minh lúa nước sông Hồng với nhiều thành tựu vĩ đại lưu truyền muôn đời sau: nền văn hóa Đông Sơn với lưỡi cày đồng, trống đồng, thạp đồng, qua đồng, vũ khí bằng đồng... ; sự ra đời nhà nước Văn Lang - Âu Lạc của tộc Bách Việt với thành ốc Cổ Loa, trong đó nổi bật là thành tựu kiến trúc và nghệ thuật quân sự; phát minh hai giống lúa nếp - tẻ và thuần dưỡng súc vật làm sức kéo; phát hiện nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, làm đồ gốm và chế tác thủy tinh; phát kiến việc canh tác lúa nước qua hệ thống thủy lợi, làm mương, phai và đắp đê ngăn lũ lụt...

Thực chất văn minh sông Hồng là một nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, một nền văn minh bản địa, có cội nguồn sâu xa trong lịch sử văn hóa của người Việt cổ, có mối quan hệ gần gũi và giao lưu mật thiết với các nền văn hóa, văn minh của các quốc gia láng giềng. Nền văn minh sông Hồng ra đời và phát triển là kết quả của sự tác động và dung hợp nhiều nền văn hóa địa phương ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, của những thành phần cộng đồng dân cư khác nhau, hợp thành một nền văn hóa, văn minh thống nhất trong tính đa dạng phong phú, đã định hình bản sắc văn hóa và lẽ sống cao đẹp của người Việt ta.

Có thể nói, Phú Thọ là vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. Cách đây hàng ngàn năm, các vua Hùng đã chọn nơi đây làm đất đóng đô của nước Văn Lang cổ đại. Nhân dân Phú Thọ cần cù trong lao động sản xuất, sáng tạo nhiều loại hình văn nghệ dân gian phong phú. Trong suốt chiều dài lịch sử, các tộc người cùng sinh sống trên mảnh đất này, làm nảy sinh sự tiếp biến và giao lưu văn hóa một cách tất yếu. Đặc biệt, đối với 2 tộc người Việt - Mường, các yếu tố giao thoa văn hóa được thể hiện tương đối rõ nét trong nhiều lĩnh vực như: tiếng nói, chữ viết, văn nghệ, tín ngưỡng dân gian.

_______________

1. Cắng là đơn vị đo lường thời xưa.

2. Phan Ngọc, Qua Đẻ đất đẻ nước” ta thấy cả một nền văn hóa cổ đại Việt - Mường, Tuyển tập truyện thơ Mường - Thanh Hóa, tập I, Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986.

3. Cao Sơn Hải, Sử thi Đẻ đất Đẻ nước - Một cách tiếp cận, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2018.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thụy Loan, Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1994.

2. Xuân Thiều, Ngô Quang Nam, Địa chí văn hóa dân gian Vĩnh Phú, Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phú,1986.

3. Nhiều tác giả, Truyền thuyết Hùng Vương, Hội Văn nghệ dân gian, Sở Văn hóa - Thể thao Vĩnh Phú, 1973.

4. Hà Văn Tấn, Văn hóa Đông Sơn và mối quan hệ trong khu vực, Nxb Khoa học Xã hội, 1994.

5. Viện Khảo cổ học, Hùng Vương dựng nước, tập 1, 2, 3, 4, Nxb Khoa học Xã hội, 1970 - 1974.

6. Viện khảo cổ học, Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1996.

Tác giả: Ths Tạ Thị Thu Hiền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021

;