Tương quan giữa quyền quyết định hôn nhân với sự hài lòng về đời sống hôn nhân trong gia đình

Cùng với sự phát triển của xã hội qua từng thời kỳ, thiết chế hôn nhân cũng không ngừng vận động và biến đổi, trong đó có quyền quyết định và sự hài lòng về đời sống hôn nhân. Bài viết dựa vào kết quả nghiên cứu về đời sống hôn nhân ở xã Hòa Sơn và phường Hòa Quý, Đà Nẵng được thực hiện tháng 5-2016 để tìm hiểu về quyền quyết định hôn nhân và mối tương quan của nó với sự hài lòng về đời sống hôn nhân trong gia đình hiện nay. Cụ thể là xem xét các tiêu chí như: tuổi kết hôn, tôn giáo, trình độ học vấn, ai là người có quyền quyết định hôn nhân, mức độ hài lòng/mức độ hòa hợp hạnh phúc của người trả lời về đời sống hôn nhân của họ... đang có những thay đổi gì trước chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế xã hội của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay ở thành phố Đà Nẵng.

Hôn nhân là sự kiện đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của một đời người. Vì vậy, quyền quyết định hôn nhân được xã hội rất quan tâm, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, những gia đình ở vùng nông thôn hay ven đô với lối sống tình cảm, việc quyết định hôn nhân đối với họ rất quan trọng. Tìm hiểu quyền quyết định hôn nhân, sự thay đổi vai trò của những người tham gia vào quá trình này, mà chủ yếu là sự thay đổi vị trí chủ đạo giữa gia đình và cá nhân, sau đó tìm mối tương quan với mức độ hài lòng về đời sống hôn nhân trong gia đình Đà Nẵng hiện nay.

Khách thể và phương pháp

Khách thể nghiên cứu: 240 người dân đang có vợ, chồng (106 nam, chiếm 44,2%; 134 nữ, chiếm 55,8%) hiện đang sống tại 2 địa điểm trong thành phố Đà Nẵng là xã Hòa Sơn và phường Hòa Quý. Xã Hòa Sơn là xã nông thôn mới của huyện Hoà Vang, chủ yếu làm nông nghiệp có 112 người trả lời (NTL), chiếm 46,7%. Phường Hòa Quý nằm ở ven đô thuộc quận Ngũ Hành Sơn đang chuyển dịch kinh tế trở thành một trong những khu đô thị mới sầm uất của thành phố Đà Nẵng với 128 NTL, chiếm 53,3%. Những người trong mẫu nghiên cứu thuộc 3 nhóm tuổi: 24-35 tuổi; 36-50 tuổi và trên 50 tuổi; nghề nghiệp: trong nhà nước, ngoài nhà nước và không làm việc; trình độ học vấn thuộc 4 nhóm: tiểu học trở xuống, THCS, THPT và cao đẳng - đại học trở lên.

Phương pháp nghiên cứu: điều tra bằng bảng hỏi về các vấn đề liên quan đến đời sống hôn nhân như: tuổi kết hôn, tôn giáo, trình độ học vấn, ai là người có quyền quyết định hôn nhân, mức độ hài lòng, mức độ hòa hợp hạnh phúc của người trả lời về đời sống hôn nhân của họ... Các ý kiến trả lời được xử lý theo phương pháp thống kê toán học (theo phần mềm SPSS 20.0).

Nội dung và kết quả

Thời điểm kết hôn với người vợ/người chồng hiện nay

Kết quả thống kê cho thấy, từ các biến số năm sinh và năm kết hôn ta tính được các thông số: tuổi của khách thể tại thời điểm kết hôn và số năm chung sống đến nay (2017), từ đó phân hạng vào các nhóm để thu gọn số liệu và rút ra nhận xét về những xu hướng lớn như sau: 80% số khách thể có độ tuổi kết hôn từ 20 đến dưới 30 tuổi; 41,2% số khách thể có thời gian kết hôn/chung sống dưới 15 năm và 40,0% số khách thể có thời gian kết hôn/chung sống từ 15 đến dưới 30 năm. Hai nhóm này tương đương nhau và tỷ trọng cộng dồn của 2 nhóm là 81,2%, tức đây là xu hướng chủ đạo trong nhóm khách thể nghiên cứu.

Độ tuổi kết hôn và số năm kết hôn của NTL

Bảng dữ liệu tiếp theo cho thấy, tuổi trung bình kết hôn của nam và nữ là từ 20 đến dưới 30. Sự so sánh giữa các nhóm tuổi chỉ ra xu hướng kết hôn muộn hơn của người dân sống ở xã Hòa Sơn và phường Hòa Quý, Đà Nẵng.

Tương quan giới tính và độ tuổi kết hôn

Về số năm kết hôn, kết quả thống kê chỉ ra số năm kết hôn của khách thể là nữ giới cao nhất với 42,5% nằm trong nhóm kết hôn dưới 15 năm. Số năm kết hôn của khách thể là nam bằng nhau với 39,6%, nằm ở 2 nhóm liền kề nhau là nhóm kết hôn dưới 15 năm và nhóm kết hôn từ 15 đến dưới 30 năm.

Tương quan giữa giới tính và số năm kết hôn

Điều kiện kinh tế khi kết hôn

So sánh mức sống và thu nhập của NTL và vợ/chồng NTL tại thời điểm kết hôn, cả NTL và vợ/chồng NTL về gia đình xuất thân đều có mức sống trung bình, chiếm 94,9% và mức sống nghèo chiếm 86%. Đặc biệt, sự chênh lệch quá cao về mức sống của gia đình xuất thân (nhà này khá giả nhà kia nghèo khó hoặc ngược lại) đều không thấy xuất hiện trong mẫu.

Tương quan mức sống của gia đình xuất thân NTL và mức sống của gia đình xuất thân vợ/chồng NTL

Về tình trạng việc làm, tất cả người được hỏi đều làm việc, có thu nhập từ nguồn ngoài gia đình, chiếm 91,5% và có thu nhập nhưng không đi làm bên ngoài gia đình chiếm 75,4%.

Tương quan thu nhập ngay trước khi kết hôn của NTL với thu nhập ngay trước khi kết hôn của vợ/chồng NLT

Lý do kết hôn

Lý do được đưa ra nhiều nhất là vì tình yêu (74,6%) rồi đến các lý do như để có người chăm sóc gia đình (35,8%), để bản thân có chỗ dựa tinh thần (34,6%) và mong muốn có con (33,3%). Rõ ràng, lý do “yêu là lấy” không phải thể hiện quan điểm kết hôn cổ hủ, theo quan niệm truyền thống, hay yêu mù quáng, mơ mộng, không thực tế. Hơn hết, họ quan niệm như vậy vì họ nhận thức được giá trị của tình yêu chung thủy, sự chín chắn trong việc lựa chọn người yêu làm chồng/ vợ trong tương lai của mình. Quan điểm này thể hiện cái nhìn tỉnh táo, thực tế và luôn có sự cân nhắc kỹ càng trước khi nhận lời yêu và đi đến hôn nhân.

Lý do kết hôn

Các giá trị tinh thần được coi trọng (tình cảm, sự chăm sóc, chỗ dựa tinh thần) hơn các giá trị về vật chất (chiếm 12,9%). Lý do vì tình cảm cá nhân được đặt lên hàng đầu nhưng ưu tiên về lợi ích cho cả gia đình “nhà có thêm người” cũng được đặt lên trên giá trị về chỗ dựa tinh thần cho bản thân, có thể nói yếu tố gia đình vẫn đóng vai trò lớn trong quyết định hôn nhân. Lý do vì muốn sinh con tuy không được đưa lên hàng đầu nhưng vẫn giữ ở 33,3% tức là vẫn chiếm tỷ trọng 1/3, phản ánh giá trị của việc kết hôn ở Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung với việc sinh con nối dõi, khái niệm về “gia đình” vẫn bao gồm việc sinh con chứ không như những giá trị ở phương Tây một “cặp đôi” (couple) cũng có thể được gọi là “gia đình” (family).

Khi xét tương quan các yếu tố: địa bàn sinh sống, giới tính hay tôn giáo với lý do kết hôn, nhận thấy không có sự khác biệt giữa các yếu tố về vấn đề này. Chứng tỏ, dù xuất thân ở nông thôn hay đô thị, dù là nam hay nữ, dù mang tôn giáo nào thì đều có sự tương đồng trong quan niệm về mối quan hệ giữa tình yêu và hôn nhân.

Người quyết định cuộc hôn nhân hiện tại

Kết quả thống kê cho thấy, phương án NTL tự quyết định, có sự đồng ý của bố mẹ được lựa chọn nhiều nhất với 68,2%, lựa chọn hoàn toàn tự quyết định cũng chiếm đến 26,4% số người được hỏi; bố mẹ quyết định hoàn toàn 2,5%; bố mẹ quyết định nhưng hỏi ý NTL 2,5%; ý kiến khác 0,4%.

Như vậy có thể thấy, hầu như bản thân NTL sẽ là người chủ chốt trong quyết định cuối cùng nhưng việc hỏi ý kiến bố mẹ vẫn là một thủ tục không thể thiếu được, dù đôi khi nó hoàn toàn mang tính hình thức. Từ vị thế được hoàn toàn quyết định hoặc quyết định một phần, gia đình chỉ tham gia góp ý kiến với cá nhân và giúp họ tổ chức lễ cưới.

Nếu như trong truyền thống, quyền quyết định hôn nhân diễn ra theo chiều dọc: cha mẹ quyết định, con cái nghe lời, thì ngày nay diễn ra theo cả chiều dọc và chiều ngang: con cái từ chỗ hoàn toàn không có quyền tự quyết định hôn nhân của mình đã trở thành chủ thể chính trong việc quyết định hôn nhân, cha mẹ từ chỗ là người hoàn toàn quyết định hôn nhân của con cái đã mất đi quyền lực tuyệt đối trong việc quyết định hôn nhân của con cái mình.

Mức độ hài lòng về đời sống hôn nhân và tự đánh giá về gia đình của NTL

Mức độ hài lòng về đời sống hôn nhân hiện nay

Hơn một nửa số người dân được hỏi đánh giá từ 8 điểm trở lên với cuộc sống hôn nhân hiện tại (55,0%); gần một nửa người dân đánh giá đời sống hôn nhân của họ đạt từ 5-7 điểm (40,4%); chỉ có 4,6% đánh giá sự hài lòng về cuộc hôn nhân của họ dưới 5 điểm. Kết quả này cho thấy, trong suy nghĩ về gia đình mình, người dân 2 địa bàn này có thái độ rất lạc quan.

Tương quan giữa mức độ hài lòng về đời sống hôn nhân và cảm nhận về mối quan hệ vợ chồng của NTL

Đánh giá hệ số Cronbach’s Alpha với hệ số là 0,945 của 5 tiêu chí về cảm nhận mối quan hệ vợ chồng có ý nghĩa về mặt thống kê. Chỉ số Pearson Chi - Square = 0,945 cho thấy có mối quan hệ giữa mức độ hài lòng về đời sống hôn nhân với những cảm nhận về mối quan hệ vợ chồng của họ.

Đánh giá của người dân về những điều làm họ cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ trong đời sống vợ chồng

Những điều làm người dân cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ trong đời sống vợ chồng

Kết quả thống kê cho thấy, phần lớn người dân được hỏi trả lời họ cảm thấy hạnh phúc/vui vẻ trong đời sống vợ chồng “khi chia sẻ những khó khăn đang gặp phải với vợ/chồng” (94,5%); “làm được một điều gì đó cho vợ/chồng” (91,2%) và “cảm thấy tự hào khi đi cùng vợ/chồng” (90,3%); hầu hết đều cảm thấy hạnh phúc khi “được vợ/chồng thể hiện tình cảm yêu thương” (89,9%) và khi “vợ/chồng thành công/gặp may mắn trong công việc”. Có thể thấy, mức độ người dân cảm thấy hạnh phúc với các giá trị tinh thần nhiều hơn các giá trị vật chất. Việc đưa ra các tiêu chí này khi đánh giá về trải nghiệm hạnh phúc hôn nhân có ý nghĩa về mặt thống kê. Điều này được khẳng định qua việc đánh giá hệ số Cronbach’s Alpha với hệ số là 0,824 của 12 tiêu chí này.

Kết luận

Một số phân tích thống kê chỉ ra rằng có sự chuyển dịch vai trò từ cha mẹ sang con cái sẽ là người quyết định chính của một cuộc hôn nhân. Sự chủ động trong quyết định hôn nhân dẫn đến việc họ sống có trách nhiệm hơn trong cuộc sống của chính gia đình mình. Cả chồng và vợ giữ vai trò đảm bảo sự tồn tại của một thiết chế gia đình. Những kết luận rút ra từ vấn đề này cần được nhìn nhận sâu sắc và toàn diện hơn, nhưng số liệu cũng cho thấy việc giữ vai trò quyết định hôn nhân có mối liên hệ ý nghĩa về mặt thống kê đối với mức độ hài lòng về gia đình của các cặp vợ chồng.

_______________

1. Hà Thị Minh Khương, Sự hài lòng về cuộc sống gia đình sau hôn nhân và quan điểm về một gia đình hạnh phúc, Kết quả nghiên cứu khảo sát 2005-2007. Dự án nghiên cứu liên ngành “Gia đình nông thôn Việt Nam trong chuyển đổi” (VIE-RDE-05). Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006.

2. Nguyễn Hữu Minh, Các yếu tố tác động đến khuôn mẫu tuổi kết hôn của dân cư đồng bằng sông Hồng, Tạp chí Xã hội học, số 4 (72)-2000, tr. 21-32.

3. Lê Ngọc Văn, Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011.

4. Lê Thi, Gia đình Việt Nam trong bối cảnh đất nước đổi mới, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.

5. Trung tâm NCKH về Gia đình và Phụ nữ, Gia đình Việt Nam và người phụ nữ trong gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.

 

Tác giả: Nguyễn Đỗ Hương Giang - Nguyễn Đỗ Hồng Nhung

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018

 

 

;