Tục lệ cưới hỏi truyền thống ở châu Thoát Lãng, tỉnh Lạng Sơn

Trước năm 1945, Thoát Lãng là châu miền núi, có địa hình phức tạp của tỉnh Lạng Sơn, có nhiều tộc người sinh sống như Nùng, Tày, Kinh, Hoa… Các dân tộc thiểu số ở nơi đây đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa tốt đẹp, trong đó có những quy ước liên quan đến cưới hỏi được phản ánh trong hương ước châu Thoát Lãng năm 1942. Hương ước gồm 16 trang, được ghi chép thành 7 mục lớn: tục cheo cưới, tục ở rể, ma chay, các ngày Tết, tế tự, tôn giáo, lệ thưởng - phạt. Theo nội dung ghi ở trang đầu, hương ước tổng Hữu Thu được lập nên để thực hiện “lệnh sức số 558 ngày 6-8-1942 của quan cai trị bản hạt”. Hương ước viết tay và có chữ ký, con dấu của Chánh tổng Hữu Thu. Trong bài viết, chúng tôi sử dụng nguyên văn các thuật ngữ và tên gọi tục lệ theo tư liệu hương ước.

 

1. Khái quát về châu Thoát Lãng và hương ước tổng Hữu Thu

Trong tiến trình lịch sử, Thoát Lãng nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính. “Từ thời thuộc Minh về trước gọi là huyện Thoát. Đầu thời Lê gọi là châu Thoát Lãng” (1). Đầu TK XIX, châu Thoát Lãng thuộc phủ Tràng Định, “cách phủ 69 dặm về phía Bắc” (2), gồm 5 tổng với 20 xã (3). Cuối TK XIX, Pháp vẫn duy trì đơn vị hành chính châu. Từ năm 1945, đơn vị châu được đổi thành huyện, địa giới huyện Thoát Lãng vẫn giữ nguyên. Tháng 8-1964, hai huyện Văn Uyên, Thoát Lãng hợp nhất thành huyện Văn Lãng, huyện lỵ đặt tại thị trấn Na Sầm. Trải qua nhiều biến đổi về địa danh, địa giới, châu Thoát Lãng trước năm 1945 là một phần đất của huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn ngày nay.

Châu Thoát Lãng trong lịch sử và huyện Văn Lãng hiện tại có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó đông nhất là Nùng, Tày, Kinh, Hoa. Trong quá trình cộng cư, tập quán sinh sống, làm ăn riêng lẻ theo tộc người đã được thay thế bằng sự đan xen, hòa quyện không chỉ trong cư trú, sản xuất, mà trong cả quan hệ hôn nhân, gia đình. Mỗi dân tộc vừa có những nét văn hóa độc đáo, phong tục tập quán riêng biệt, vừa có những giao thoa, tiếp biến văn hóa, thể hiện khá rõ trong nội dung văn bản hương ước tổng Hữu Thu năm 1942.

Về mặt văn bản, hương ước tổng Hữu Thu, châu Thoát Lãng, tỉnh Lạng Sơn có nhiều nét khác biệt các văn bản hương ước cùng thời. Hương ước được lập không theo đơn vị làng xã mà theo đơn vị tổng. Việc Chánh tổng Hữu Thu ký xác nhận cho thấy hương ước có hiệu lực với tất cả các làng xã trong tổng. So với một bản hương ước thông thường ở khu vực trung du và đồng bằng, quy mô tác động của bản hương ước tổng Hữu Thu rộng hơn. Phần xác nhận cuối văn bản khá đơn giản, chỉ có một chữ ký và dấu, trong khi các bản hương ước theo đơn vị làng xã có xác nhận của rất nhiều chức dịch.

 Hương ước tổng Hữu Thu cho biết rõ thời điểm soạn thảo là ngày 8-10-1942. Nếu “tạm gọi những hương ước có từ năm 1921 đến trước năm 1945 là hương ước cải lương hương chính” (4), thì hương ước tổng Hữu Thu, châu Thoát Lãng, năm 1942, là một hương ước cải lương. Văn bản hương ước cải lương có cấu trúc hai phần, chính trị và tục lệ, trong đó, phần chính trị chiếm đa số, quy định cụ thể về tổ chức cai trị, việc thực hiện các nghĩa vụ với chính quyền, các biện pháp giữ gìn trị an thôn xóm…

Hương ước tổng Hữu Thu, châu Thoát Lãng năm 1942 chú trọng phần tục lệ, phản ánh nhiều nét phong tục, lễ nghi truyền thống, đã tồn tại qua nhiều đời ở Thoát Lãng. Nó quy định chung, chứ không tách riêng tập tục của từng tộc người. Tập tục cưới xin là một ví dụ cho sự giao thoa, hòa trộn văn hóa ở châu Thoát Lãng. Sự cộng cư của các tộc người trên vùng đất Thoát Lãng đã đưa đến sự tiếp biến văn hóa không chỉ trong nội dung tục lệ cưới hỏi, mà ngay cả trong cách gọi tên tục lệ như xin bát tự, vấn danh, cheo cưới, từ đường, vốn không quen thuộc với địa bàn vùng cao biên giới như Thoát Lãng.

2. Quy ước chung về tục lệ cưới hỏi

Qua hương ước, có thể phục dựng lại một số nghi lễ truyền thống trong cưới hỏi ở Thoát Lãng trước năm 1945 như sau:

Lễ dạm hỏi, xin bát tự

Ban đầu, cha mẹ đã định hỏi con gái nhà ai cho con trai mình thì phải mượn một ông mối hoặc nhờ người bà con đi đến nhà gái để hỏi xin bát tự (lộc mệnh), nghĩa là đại diện nhà trai đến xin nhà gái biên ngày, tháng, năm và giờ sinh của cô gái.

Khi nhà trai đến nhà gái xin bát tự, nhà gái ưng thuận thì thực hiện lễ ben minh (gói lộc mệnh). Để thực hiện lễ, “nhà gái phải sắm sẵn vải hoặc lụa, the (đủ một cái áo dài) để gói tờ giấy lộc mệnh (bát tự) của cô dâu”(5). Nhà gái bằng lòng gả con gái thì mới biên bát tự cho nhà trai, không biên bát tự tức là không bằng lòng gả. Sau khi xin được bát tự của cô gái, nhà trai đem về so với tuổi con trai. Nếu có xung khắc, nhà trai sẽ trả lại nhà gái tờ giấy ghi bát tự. Điều này đồng nghĩa với việc hôn nhân hai bên đã không thành.

Lễ vấn danh

Nhà trai xem tuổi của chàng trai, cô gái, nếu không xung khắc thì ít lâu sau, sẽ nhờ người làm mối nói trước cho nhà gái biết để định ngày làm lễ vấn danh (tặt ben). “Nhà trai phải mang đến nhà gái vài ba cân thịt lợn, một đôi gà trống thiến, một chai rượu, một mâm bánh dày và 2,2 đồng”. Cô gái nhận lễ vấn danh coi như đã có chồng. Từ đó, cô phải biết bổn phận với nhà chồng, những nhà khác cũng “không lai vãng mối lái gì nữa”.

Sau lễ vấn danh, trong 3 năm, mỗi năm 2 lần, người con trai phải đi “sêu”, tức là đưa lễ vật đến nhà gái vào dịp lễ, Tết. Hương ước quy định: “Kỳ Tết đầu tiên thì phải 20 cân thịt lợn, 20 cân gạo nếp, 2 chai rượu, 1 đôi gà, 2 - 3 cân đường và đỗ xanh. Từ Tết thứ trở đi được giảm bớt đôi gà (hay có khi đổi lại, cứ mỗi Tết, đưa 3, 4 hay 5, 6 đồng tùy thời giá)” (6). Sêu Tết thể hiện đạo lý hiếu nghĩa, nhu cầu thắt chặt quan hệ gia đình, một nét đẹp văn hóa trong quan hệ ứng xử hôn nhân gia đình ở châu Thoát Lãng.

Lễ thụ lời

Giữa khoảng thời gian dạm vợ cho đến trước khi diễn ra lễ cưới, hai gia đình còn làm một lễ phụ, gọi là lễ thụ lời (lễ sủ cằm), để bàn bạc thống nhất về lễ cưới. Vào ngày tiến hành lễ, nhà gái mời họ hàng ăn uống rồi quyết định lễ vật, tiền bạc thuộc về lễ cưới để nhà trai biết mà trù biện. Lễ vật thường là “300 cân thịt lợn, 106 đồng tiền mặt, tiền phong bao cho trẻ con, tiền nhập môn, tiền trình họ hết tất cả độ 2 đồng, ít nhiều trầu cau, 2 con gà, 4 cặp bánh chưng, 1 mâm xôi và 2 chai rượu” để làm lễ tổ. Đôi khi, “tùy nhà trai xem họ nhà gái to hay nhỏ mà đưa nhiều ít để nhà gái chia biếu họ hàng”. Trước ngày cưới 2 ngày, nhà trai phải đem đến nhà gái một con lợn khoảng 100 cân (trong 300 cân đã định), còn 200 cân thịt và các lễ vật khác thì đúng ngày cưới, nhà trai sẽ mang đến đủ (7).

Lễ cưới

Người dân Thoát Lãng thường tổ chức lễ cưới từ tháng 8 năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau. “Ngày cưới do nhà trai định, ít nhất phải cách lâu độ một tháng để nhà gái đủ thời gian sắm sửa quần áo cho cô dâu và mời khách”. Vào ngày cưới, nhà trai sang nhà gái thực hiện lễ rước dâu. Đoàn nhà trai thường đi đông người, tất cả mặc trang phục dân tộc truyền thống. Trong đó, thành phần không thể thiếu là một người đàn ông đứng tuổi (quan làng), một người trai trẻ hộ bái (khươi pậu) để phù rể, một đứa bé trai nhỏ đi hầu chú rể (tỳ nhi), một cô gái trẻ (slao rặp) và một người đàn bà đứng tuổi (giả rặp). Khi đến nhà gái, người quan làng đưa trình các đồ cưới giao nộp đủ cho bố mẹ cô dâu. Chú rể dâng lễ bái tổ tiên và cha mẹ vợ.

Để đưa cô dâu về nhà chồng, nhà gái chọn một người đàn bà đứng tuổi (tái sthống), một cô gái trẻ phù dâu (slao pậu) và một cô gái bé hầu cô dâu (tỳ nữ), có nhà còn chọn thêm một người đàn ông (tá sthống) tham gia đoàn đưa dâu. Cô dâu về đến nhà trai, lễ bái tổ tiên và cha mẹ chồng. Hai họ ăn uống rồi chia tay. “Cô dâu ở lại nhà chồng 3 ngày thì chú rể đưa vợ về nhà bố mẹ đẻ. Cô dâu ở lại nhà bố mẹ mình khoảng 1 tháng rồi chú rể lại đến đón về. Từ đấy, cô dâu ở luôn nhà chồng”.

Trong trường hợp nếu nhà trai muốn xin cưới ngay sau lễ vấn danh thì phải được nhà gái bằng lòng. Các lễ vật cưới hỏi cũng phải nộp đủ như tục lệ. “Duy các lễ về các kỳ sêu Tết phải tính đủ 6 kỳ trong 3 năm để thay vào bằng số tiền, mỗi lễ độ 3, 4 hoặc 5, 6 đồng bạc theo thời giá đắt rẻ” (8).

Ở rể và rể kế tự

Các dân tộc ở Thoát Lãng đều theo chế độ phụ hệ. Sau khi cưới hỏi, người vợ phải sống với nhà chồng và chịu sự chi phối của nhà chồng. Tuy nhiên, trong hôn nhân còn tồn tại tục ở rể và lấy rể kế tự, không phải bắt buộc mà tùy vào nhu cầu, hoàn cảnh của hai bên gia đình. Tục ở rể thường diễn ra ở những gia đình không đủ người giúp đỡ công việc đồng áng. Khi đã cho người nào ở rể thì người rể ấy phải sắm lễ vật “độ một nửa trong số lễ vật nhà gái định lấy” để nhà gái làm lễ mời họ hàng ăn uống. “Người rể phải ở luôn nhà vợ, làm ăn nuôi nấng bố mẹ vợ trong 5 - 7 năm. Đợi khi bố mẹ vợ có con cái trưởng thành, giúp đỡ được các việc rồi thì đôi vợ chồng ấy mới trở về nhà mình” (9).

Những gia đình sinh toàn con gái sẽ tìm những gia đình có nhiều con trai, hai bên thống nhất chọn lấy một người làm rể kế tự (rể đời). “Khi lập rể làm kế tự thì phải có họ hàng làm giấy kết lập tự”. Để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ kế tự, “rể phải ở luôn nhà vợ, phải giữ trách nhiệm thờ phụng tổ tiên nhà vợ, phải dưỡng sinh, tống lão bố mẹ vợ, phải đổi họ theo họ nhà vợ và được hưởng các gia tài nhà vợ (con gái đã xuất giá, về ăn ở nhà chồng thì không được hưởng phần gia tài gì nữa). Khi bố mẹ đẻ lâm chung thì không được chống gậy trong khi tế lễ và phải giáng phục, chỉ được để tang một năm và không được hưởng phần gia tài gì của bố mẹ đẻ nữa (vì đã được hưởng gia tài bên bố mẹ vợ rồi). Riêng “người Thổ ty thì không được lấy rể làm kế tự” (10). Trong tục ở rể, người Nùng châu Thoát Lãng không kiêng kỵ gì, vợ chồng người con rể được ở chung nhà với bố mẹ vợ. Còn người Tày thì kiêng kỵ khi lấy người ở rể, bố mẹ vợ làm một cái nhà nhỏ kề cho đôi vợ chồng ở riêng, nhưng vẫn ăn chung và làm việc cho bố mẹ vợ.

3. Một số khác biệt về tục lệ cưới hỏi giữa người Tày và người Nùng

Trong các tộc người sinh sống trên địa bàn Thoát Lãng, người Tày và người Nùng có số dân đông hơn cả. Hương ước đặc biệt tập trung giải quyết các mối quan hệ xã hội và phản ánh đời sống văn hóa của hai tộc người này. Bên cạnh những điều khoản quy định chung về nghi thức cưới hỏi trong tổng, trong châu, hương ước còn cho thấy những khác biệt trong phong tục cưới hỏi của người Tày và người Nùng.

Tục mổ gà (khả cáy): chỉ có trong nghi lễ cưới hỏi của người Nùng. Hương ước quy định: “Sau khi xem bát tự, trai gái đã hợp tuổi, đi sêu Tết được vài ba kỳ rồi thì làm lễ khả cáy. Lễ này nhà trai đem một con lợn độ 40 - 50 cân, trầu cau, rượu và 40 đồng đến nhà gái để làm lễ. Số tiền 40 đồng ấy sau sẽ được trừ vào số tiền cưới. Khả cáy được ít lâu rồi thì nhà trai mới định ngày cưới. Nhưng nhà trai phải đưa đủ số tiền cưới mà nhà gái đã định cho ông mối đem nộp trước cho nhà gái thì mới được cưới” (11). Như vậy, đây có thể xem là lễ ra mắt và đính hôn chính thức, là buổi thỏa thuận về đồ lễ giữa nhà trai và nhà gái. Sau lễ khả cáy, coi như hai gia đình chính thức gả con cho nhau và xem nhau là thông gia, nhà trai chuẩn bị điều kiện vật chất để tổ chức lễ cưới. Từ lúc này đến lễ cưới, thời gian thường kéo dài 1 đến 3 năm, thậm chí lâu hơn.

Lễ từ đường: chỉ có trong nghi lễ cưới hỏi của người Tày châu Thoát Lãng, còn gọi là lễ trình tổ hay lễ trình họ (óc choòng). Hương ước quy định: “Hôm làm lễ cưới, nhà trai còn phải nộp thêm số tiền độ 8 đồng, gọi là tiền làm lễ từ đường”. Đây là lễ bái gia tiên, xin trình diện tổ tiên nhà gái của chàng rể.

Vai trò của ông mối (po mối): có sự khác biệt. Hương ước viết: “Người Thổ đối với ông mối thì không có gì coi là quan hệ mấy. Nhưng người Nùng thì coi ông mối rất quý trọng”. Trong phong tục của người Tày, sau khi đám cưới xong, nhà trai chỉ phải tạ ơn ông mối 1 đồng, 1 cái chân giò lợn và 1 cân thịt lợn của nhà gái biếu. Trong khi đó, 3 ngày sau lễ cưới của người Nùng, “cô dâu chú rể còn phải đem lễ vật đến nhà ông mối để tạ ơn. Rồi từ đấy về sau, mỗi năm cứ đến các Tết cũng phải đưa lễ tết…”. Thậm chí, đến khi ông mối lâm chung, đôi trai gái vẫn phải sửa lễ để phúng viếng và đội khăn trắng trong một tháng (12).

4. Kết luận

Tư liệu hương ước đã phản ánh các nghi lễ cơ bản trong cưới hỏi truyền thống ở châu Thoát Lãng trước năm 1945, theo đó, ngoài các lễ chính như xin bát tự, vấn danh, thụ lời, rước dâu… còn nhiều lễ phụ. Việc đặt ra nhiều lễ như vậy thể hiện việc kết hôn rất hệ trọng, thiêng liêng, không thể tùy tiện.

Cheo cưới là thủ tục nổi bật, mang màu sắc riêng, không thể thiếu trong nghi thức cưới hỏi truyền thống ở Thoát Lãng. Hương ước quy định cụ thể về số tiền và lễ vật cheo cưới mà nhà trai phải đưa sang nhà gái từ lễ vấn danh đến ngày cưới. Theo đó, nhà trai phải nộp cheo qua nhiều lễ mà lễ nào cũng có tiền, lợn, trầu cau… Tính nhân văn trong tục lệ bản địa thể hiện ở “những lễ vật và tiền cưới theo tục thì như thế, nhưng đôi khi nhà gái cũng tùy theo gia tư nhà trai mà tính giảm cho ít nhiều”.

Tục lệ cưới hỏi của các dân tộc thiểu số ở Thoát Lãng có nhiều điểm giống người Kinh nhưng vẫn có những điểm khác biệt, thể hiện bản sắc văn hóa tộc người. Theo thời gian, các nghi lễ và hình thức hôn nhân ở châu Thoát Lãng xưa, huyện Văn Lãng nay, đã giảm đi đáng kể, nhưng những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc vẫn được lưu giữ để thế hệ trẻ biết về nguồn cội.

_____________

1, 2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tr.433, 432.

3. Dương Thị The, Phạm Thị Thoa, Tên làng xã Việt Nam đầu TK XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981, tr.90.

4. Cao Văn Biền, Kho hương ước cải lương hương chính ở Bắc Kỳ, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 3 (298) - 1998, tr.73.

5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12. Hương ước tổng Hữu Thu, châu Thoát Lãng, tỉnh Lạng Sơn năm 1942, ký hiệu HƯ4469, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội.

 

Tác giả: Đàm Thị Uyên - Đỗ Hằng Nga

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 - 2019

 

;