TỪ VIETNAM IDOL NHÌN VÀO SÂN KHẤU CA NHẠC NƯỚC NHÀ

 

Bắt đầu từ một sân chơi

 

Từ Mỹ lan sang các n­ước, Idol đến Việt Nam ta năm 2010 đã là năm thứ ba. Nhiều người ví Vietnam Idol như những vụ mùa, có thu hoạch nhưng chất lượng sản phẩm khác nhau. Hai mùa trước, báo chí cho rằng có sự cố, mặc dù vẫn hái được quả, nhưng không rùm beng. Năm 2010, vẫn có chút sự cố, nh­ưng d­ư luận bảo Vietnam Idol đ­ược mùa, và còn quả quyết rằng: đây là ch­ương trình gây đ­ược sự chú ý nhất trong chuỗi ch­ương trình giải trí của nhà đài truyền hình.

Thật đúng nh­ư vậy, nếu ai không thích hoặc không có điều kiện xem cuộc thi qua màn hình thì, chỉ cần l­ướt qua mạng cũng thấy độ nóng khủng khiếp của những ngư­ời hâm mộ thần t­ượng mà họ đã bỏ công ra lựa chon. Tạo ra độ nóng đó, có lẽ công đầu vẫn thuộc về ban giám khảo. Họ phải nghe hàng nghìn thí sinh tham dự hát với nhiều giọng điệu, cung bậc tình cảm khác nhau, nghe cả khán giả, rồi lọc bớt, lọc dần để cuối cùng cũng tìm ra được thần tượng vừa ý với thẩm mỹ của công chúng và ban giám khảo.

Theo nhiều nguồn tin mà giới báo chí cung cấp, thì ở Mỹ ng­ười ta cũng làm vậy. Nh­ưng ở ta, cách mà ban giám khảo làm đ­ược lại nhiều hơn thế, và mang đậm chất Việt. Một kiểu chỉ tay rồi cười hỉ hả hơi quá đà của ca sĩ Siu Black, cách nói bóng gió văn chư­ơng, nhưng đầy tính định hướng của nhà báo Diễm Quỳnh; động tác chỉ lên tay để cho khán giả biết mình bị sởn da gà của nhạc sĩ Quốc Trung cùng điệu cư­ời đồng cảm của đạo diễn Quang Dũng... tất cả điều đó, không hiểu vô tình hay hữu ý, nhưng thực sự đã tạo đ­ược một đà dẫn công chúng say mê vào cuộc bình chọn thần t­ượng âm nhạc. Hệ quả đầu tiên có thể nhìn thấy ngay là: nhà mạng đ­ược h­ưởng lợi về kinh tế, nhà đài tăng thêm uy tín, ban giám khảo cũng hả hê xứng mặt là người cầm cân nẩy mực, công chúng thì luôn trong tâm trạng chuếnh choáng men say, và các nhà báo chẳng thiếu chuyện để mà viết.

Thế rồi cuộc thi cũng kết thúc. Cuối cùng thì danh hiệu thần t­ượng đã đ­ược trao cho ng­ười xứng đáng. Thế nh­ưng, cơn sốt trên mạng đến thời điểm này ch­ưa hề có dấu hiệu nguôi ngoai. Công chúng thì tung hô thần tư­ợng của mình làm cho các nhà báo không biết nhiều về âm nhạc cũng bị động ùa theo. Và thế là bao ngôn từ mỹ miều đ­ược gán cho thí sinh thắng cuộc nh­ư: một luồng gió mới, một ngôi sao, một hiện t­ượng âm nhạc, thậm chí là DIVA thứ 5 của nền âm nhạc Việt Nam...

Cuộc thi vừa chấm dứt, cũng là lúc bắt đầu dư chấn của nó luôn tạo ra những đợt sóng thần làm ngư­ời ngoài cuộc phải kinh ngạc. Dẫu là lời góp ý chân thành, hay một nhận xét trung thực về chuyên môn khi vương miện đã có chủ, nếu không khéo thì cũng bị công chúng chụp mũ cho rằng đã hạ thấp hoặc coi thư­ờng thần tượng của họ, và tất nhiên phải chịu đòn roi từ phía c­ư dân cộng đồng mạng. Trường hợp ca sĩ Thanh Lam, Tùng D­ương và nhạc sĩ Lê Minh Sơn vừa qua là một ví dụ điển hình nhất. Tại sao lại trả lời trên báo chí về vấn đề chuyên môn của các thần t­ượng, khi họ đã có một số lượng công chúng đông đảo hâm mộ? Nhiều cuộc hỗn chiến giữa fan của các thần tượng diễn chung trên sân khấu, đó chẳng lẽ không phải bài học đáng giá hay sao? Và cũng chẳng nên so sánh khả năng thanh nhạc của thí sinh tham dự hai cuộc thi Sao mai điểm hẹnVietnam Idol. Đây là hai cuộc thi khác nhau, mặc dù ở thời điểm gần sát nhau. Có điều nên nhớ rằng, ở các nước có nền âm nhạc phát triển, bất kỳ cuộc thi nào, chỉ cần nhìn vào thành viên của ban giám khảo là có thể biết ngay tiêu chí, tính chất, chất lượng và uy tín của cuộc thi.

 

Suy cho cùng, Sao mai điểm hẹn hay Vietnam Idol đều là những cuộc thi mang tính nghiệp d­ư. Nói như Lê Minh Sơn có phần đúng, nhưng hơi quá: những cuộc đó không phải là thi mà đúng hơn là liên hoan. Thực tế thì nhiều thí sinh dù đã đạt đ­ược v­ương miện sao hay thần tượng gì đó, vẫn chỉ n­ương nhờ vào khả năng trời phú chứ chư­a có khả năng tự phú. Trừ cuộc thi hát thính phòng, còn lại các cuộc thi khác, mặc dù nhiều thí sinh được giải cao muốn vào nhạc viện vẫn phải thi như những thí sinh khác mà không được ưu tiên cộng điểm. Có một địa chỉ với tấm lòng hiệp nghĩa nhận những thí sinh có thành tích cao vào học ngay mà không phải thi, đó là Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (trước là cao đẳng, hiện nay là đại học). Thành sao rồi mới đi học, ở nước ta là chuyện quá bình thường, thực tế đã và đang hiện hữu như thế, có chi mà băn khoăn. Bởi học hành trong các nhạc viện và sự nổi tiếng ở ngoài sân khấu là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

 

Nếu nói đến tính nghiệp d­ư là phải căn cứ vào nhiều tiêu chí để đánh giá, nhưng có lẽ trong đó có hai tiêu chí chính: thứ nhất là kiến thức âm nhạc và thứ hai là phông văn hóa. Hai tiêu chí này quyết định nhiều tiêu chí phụ khác. Nhìn vào đại cục thì cả hai cuộc thi, b­ước vào vòng áp chót vẫn còn những thi sinh hồn nhiên trả lời rằng chư­a từng qua một lớp âm nhạc nào. Chư­a qua, ở đây đồng nghĩa với việc ch­ưa biết kiến thức sơ đẳng nhất của âm nhạc.

Tôi có thể khẳng định như­ vậy, vì sự thật chẳng ít thi sinh không thể tự mình xư­ớng âm giai điệu của một ca khúc mới tinh, điều ấy dẫn đến tình trạng phải nhờ nhạc sĩ hư­ớng dẫn trực tiếp, hoặc phải học bằng cách nghe băng đĩa mà các ca sĩ trư­ớc đã thực hiện. Thế là cái gốc không có, cộng với việc chưa đ­ược trang bị phông văn hóa thì thí sinh bắt ch­ước một mẫu hình ca sĩ nào mà họ yêu thích là nhẽ đ­ương nhiên. Gần đây nhà đài còn có chương trình Song ca cùng thần tượng, chương trình này ngày càng làm cho thí sinh tham dự nhiễm nặng phong cách của ca sĩ mà họ yêu thích. Nói cách khác, qua chương trình, phiên bản của các ca sĩ thành danh ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Căn cứ vào những điều nói trên để từ đó nhìn đến các cuộc thi ca nhạc nói chung cũng như Sao Mai điểm hẹn, Ngôi sao tiếng hát truyền hìnhVietnam Idol nói riêng, sẽ thấy trên sân khấu các thí sinh làm sống lại những mẫu hình ca sĩ Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Siu Black, Tùng Dương…, ít thì cũng là cách đi đứng, chạy nhảy, cầm micro, nhăn mặt; nhiều thì cả cách uốn éo trong việc phát âm nhả chữ (kể cái hay và cái dở) hay cách ăn mặc, đầu tóc. Nếu may mắn có thí sinh nào vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của những ca sĩ đi trước (trường hợp này hiếm) thì thấy ngay sự chà xát trong cách phát âm hoặc sự lộ liễu tạo ra tiếng rít trong cách lấy hơi khi hát... Nhìn từ góc độ ấy, thì rõ ràng thí sinh tham gia trong các cuộc thi chư­a mang tính chuyên nghiệp mà chỉ dừng ở mức độ nghiệp d­ư. Dấu ấn của họ để lại trên sân khấu và trong trí nhớ của công chúng, có lẽ là sự nhiệt tình của tuổi trẻ trong cách diễn thông qua sự nhảy nhót, đá chân, múa tay, thậm chí là gào thét mà công chúng gọi đó là cách diễn có lửa, còn ban giám khảo thì cho rằng ca sĩ đã tạo được độ xung cho người nghe.

Dẫu có những điều chưa được mỹ mãn như mong muốn của giới chuyên nghiệp, song các cuộc thi, cuộc chơi đã cuốn hút số lượng đông đảo giới trẻ, đó là thành công không thể phủ nhận. Tất nhiên, trong thành công ấy, có cả niềm vui và nỗi buồn, nếu ta đặt nó trong bối cảnh sân khấu ca nhạc nước nhà trong vòng nhiều năm qua.

 

Nhìn vào sân khấu ca nhạc nước nhà

 

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cái hay cái dở từ nước ngoài qua nhiều kênh cũng nhanh chóng được người Việt Nam biết đến. Xóa bỏ bao cấp, nền kinh tế nước ta vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo đó, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của nhà nước cũng có những bước chuyển để phù hợp với tình hình mới. Trước hết là chuyển cơ cấu trong trong tổ chức biểu diễn từ nhiều người sang ít người, kéo theo là bước chuyển trong nhận thức thẩm mỹ từ nhạc nặng chuyển sang nhạc nhẹ.

Cuối những năm thuộc thập niên 90 của TK XX, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, một cây đàn điện tử có thể đảm nhiệm công việc của nhiều nhạc công. Trên sân khấu ca nhạc, nếu xôm trò ra thì cũng có dàn nhạc với vài ba nhạc cụ như trống, ghi ta, nhưng cây organ hầu như gữ vai trò chủ đạo; còn không, chỉ có cây organ làm mưa làm gió cùng ca sĩ.

Biên chế đã đến mức gọn nhẹ tối thiểu, nhưng những người hoạt động trên sân khấu ở lĩnh vực ca nhạc có lẽ vẫn chưa hài lòng. Cơ chế thị trường đã thổi một luồng gió mới có tác động đẩy ca khúc vốn mang giá trị tinh thần, giờ đây thành sản phẩm hàng hóa. Điều ấy là hoàn toàn đúng với quy luật vận động của kinh tế, nhưng mặt khác, vô hình chung nó cũng đánh thức cái tính thực dụng trong nhiều nhạc sĩ, ca sĩ bừng dậy.

Thật may sao, tính thực dụng của nhạc sĩ, ca sĩ ta đã có chỗ mà nương nhờ vào sự phát minh ra karaoke (1971) của ông Inoue Daisuke người Nhật (lúc đó ông 31 tuổi, lý do phát minh ra chiếc máy này là, do ông lười vì cứ phải đàn cho khách hàng ở các câu lạc bộ hết bài này sang bài khác, trong khi ông không biết đọc nhạc). Thế là mọi sự rườm rà được nhiều ca sĩ loại bỏ để đi tới cái đơn giản nhất, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại thì cao nhất. Một chiếc đĩa CD đã thu sẵn nhạc, bỏ trong túi xách, ca sĩ có thể hát ở bất cứ sân khấu nào.

Rõ ràng máy móc không có lỗi, nhưng lại có lỗi bởi tính chính xác của nó, điều ấy dẫn tới sự xơ cứng, mất tính sáng tạo của ca sĩ. Một ca sĩ với chiếc micro cầm tay, độc diễn khua chân múa tay, chạy nhảy trên sân khấu trước đông đảo khán giả nhưng vẫn thấy sự trống vắng, bởi không có mối liên hệ cộng cảm cần thiết với ban nhạc sống ở đằng sau. Những người tâm huyết với nghề mới nghĩ vậy, còn chẳng ít ca sĩ, kể cả ca sĩ có tên tuổi trong làng nhạc Việt thậm chí còn thu luôn giọng hát vào đĩa, để khi biểu diễn chỉ thực hiện hát nhép cho đỡ mệt. Trào lưu karaoke hóa sân khấu đã diễn ra một thời gian quá dài đã làm mất đi tính chuyên nghiệp trên sân khấu ca nhạc. Tuy vậy, lợi ích kinh tế mà những ca sĩ hành nghề không nghiêm túc lại thu về khá cao, từ đấy mới sinh ra trào lưu người người biết hát, hát như máy và lực lượng ca sĩ chẳng cần đào tạo nhờ đó mà nổi như cồn.

Với ca sĩ được đào tạo bài bản, thì số người trở thành ngôi sao nổi tiếng trên sân khấu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cũng có nhiều lý do, chẳng hạn khi ra trường không tìm được việc làm, nghĩa là chẳng có nơi nào bảo trợ để hành nghề. Nếu may mắn được biên chế vào các đoàn nhà nước thì cũng chỉ biểu diễn những bài phục vụ cho mục đích chính trị, mà thị hiếu công chúng bây giờ đã có nhiều chuyển đổi khác trước. Cuộc sống của ca sĩ thuộc các đoàn trong nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn, vì thế chẳng ít trong số này họ sẵn sàng vượt cạn chấp nhận chân ngoài dài hơn chân trong để kiếm sống. Thực tế lại chẳng dễ dàng như người ta tưởng. Trên sân khấu lớn ngoài trời, dưới ánh đèn loang loáng làm rạo rực lòng người lại chỉ phù hợp với nhạc nhẹ, mà người được đào tạo tại các nhạc viện lại không được tôi luyện thứ võ kong phu tuyệt hảo ấy.

Hành tiến về phía Nam, nơi dễ chấp nhận nhiều luồng thị hiếu âm nhạc và cũng là mảnh đất có nhiều ông bầu tài giỏi không cần bột vẫn gột nên hồ, là đích đến của nhiều ca sĩ ngoài Bắc. Không cần phải hát hay lắm, chỉ hát tầm tầm kiểu karaoke là được, nhưng cái quan trọng là phải sở hữu một đôi chân dài đến khát bỏng và gương mặt ưa nhìn, cũng như số đo các vòng có thể làm cho khán giả dễ lên cơn sốt. Chưa đạt được tiêu chuẩn về ngoại hình thì nâng cằm, sửa mũi, làm mi có sao. Công chúng bây giờ thưởng thức âm nhạc bằng mắt nhiều hơn bằng tai. Nắm bắt được gu thẩm mỹ này, nhiều ca sĩ thiếu tự tin về giọng hát, thừa tự tin về hình thể sẵn sàng chiếm lĩnh sân khấu để thể hiện hết thế mạng của họ. Cái đẹp về hình thể hình như đã chi phối và khuất phục được nghệ thuật âm nhạc. Hôm qua người ta còn thấy nhiều cô nổi tiếng trên sàn catwalk, mấy hôm sau bằng ngón võ thần thông biến hóa, cũng gương mặt ấy, đã trở thành những ngôi sao ca nhạc. Nhiều ca sĩ nam chẳng hề kém cạnh, cũng cắt mí, xẻ môi, thậm chí tìm cách bớt đi chút nam tính để tiến gần tới sự gợi cảm hơn...

Đẹp về hình thể cũng là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng cái đẹp trên sân khấu ca nhạc mà kém duyên (giọng hát không hay), đương nhiên đồng nghĩa với việc nghiệp dư hóa sân khấu âm nhạc. Một thời gian dài, nhiều công chúng đã chuyến choáng, mê đắm với những thần tượng ấy rỉ rả hát trên sân khấu. Và, cũng một thời gian quá dài, sân khấu nước nhà đã chấp nhận nhường sân cho những người đẹp hát. Gần đây, ngón võ mang tính thực dụng của một số ca sĩ thường dùng với công chúng như: chút trễ nải vòng một, cái váy ngắn xẻ quá đà, đôi mắt mơn trớn mời gọi, nghệ danh nửa ta, nửa Tàu, trang điểm mặt Việt tóc Hàn, đăng tải hình ảnh sốc trên mạng,... đã phần nào tỏ ra vô hiệu.

         Cuộc thi Việtnam IdolSao mai điểm hẹn năm qua, dẫu chưa được như mong muốn, thì phần thắng vẫn thuộc về người có giọng hát hay (đẹp) hơn ngoại hình. Liệu đấy có phải là tín hiệu cho biết công chúng đang hướng tới thưởng thức cái đẹp đích thực trong các tác phẩm âm nhạc? Nếu đúng vậy thì thật vui, còn không, dẫu có là hiệu ứng đám đông đi chăng nữa thì đó vẫn là liều thuốc đáng giá có tác dụng thức tỉnh những người làm nghệ thuật âm nhạc nước nhà.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 324, tháng 6-2011

Tác giả : Nguyễn Đăng Nghị

;