Tư cách của người cán bộ cách mạng trong tác phẩm Đường cách mệnh - Giá trị lý luận và thực tiễn

Tác phẩm Đường cách mệnh (1927) của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là cẩm nang của nhân dân ta về con đường cách mạng vô sản. Trong đó, vấn đề tư cách của người cán bộ cách mạng chân chính được Người đặc biệt coi trọng. Trải qua gần một thế kỷ từ khi ra đời, sức sống của tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong xây dựng, tu dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ta hiện nay.

Những tư tưởng về xây dựng, rèn luyện tư cách, phẩm chất người cán bộ cách mạng được Nguyễn Ái Quốc trình bày xuyên suốt trong tác phẩm Đường cách mệnh và coi đây là việc đặc biệt hệ trọng của cách mạng. Theo Người, cán bộ cách mạng là nhân tố hàng đầu, là “gốc của mọi công việc”, quyết định sự thành bại của cả sự nghiệp cách mạng. Tuy nhiên, để hoàn thành được trọng trách lớn lao đó, cũng như để được nhân dân yêu mến, tin tưởng, trước hết họ phải là người có tư cách, chuẩn mực đạo đức trong sáng của người cách mạng. Tư cách, phẩm chất của người cách mạng được thể hiện ở ba khía cạnh: đối với mình, đối với người và đối với việc.

Thứ nhất, đối với bản thân, tư cách của người cách mạng được thể hiện ở các phẩm chất: “Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật” (1).

Theo Người, cần là sự lao động cần cù sáng tạo, có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật, có kế hoạch, có năng suất, chất lượng cao. Những thói hư, tật xấu như lười lao động, ăn bám, ăn cắp, làm láo báo cáo hay, vô tổ chức, vô kỷ luật… không phù hợp với đạo đức phẩm chất cách mạng. Cần phải luôn đi đôi với kiệm. Kiệm là “tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, đó là tiết kiệm sức lao động, thời gian, tiền của của dân, của nước, của bản thân từ cái nhỏ, đến cái lớn. Của cải nếu hết có thể làm ra được, còn thời gian đã qua đi, không bao giờ quay trở lại. Muốn tiết kiệm thời gian, bất kỳ việc gì, nghề gì cũng phải chăm chỉ, làm nhanh. Không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm, làm mất thời giờ của người khác. Cần với kiệm đi đôi với nhau như hai chân của một người. Cần cù mà không tiết kiệm “thì làm chừng nào xào chừng ấy”, cũng như một cái thùng không đáy, nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy. Ngược lại, tiết kiệm mà không cần cù thì của cải cũng không tăng thêm được.

Hòa mà không tư có nghĩa là người cán bộ cách mạng phải luôn đoàn kết với mọi người vì sự nghiệp chung, không vì một lợi ích riêng tư nào. Trong “Tổ chức công hội”, Người chỉ rõ: “Khi khai hội, đại biểu phải báo cáo tình trạng và ý kiến của công nhân (không phải ý kiến riêng mình), đề nghị và bàn bạc các việc. Khai hội rồi, phải về báo cáo việc hội cho công nhân” (2).

Cả quyết sửa lỗi mình với mục đích để tiến bộ, sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Trong tác phẩm, Người viết: “Đảng nghiên cứu lại, phê bình lại, sai lầm ở đâu, vì sao mà thất bại? Biết rõ ràng những chỗ khuyết điểm mà sửa sang lại. Cũng như rèn một con dao, thử cắt mới biết chỗ nào sắc, chỗ nào cùn; sau cứ theo chỗ cùn mà mài, con dao mới tốt” (3).

Cẩn thận mà không nhút nhát tức là người cán bộ cách mạng làm việc gì cũng phải suy nghĩ thật cẩn thận. Tuy nhiên, cẩn thận không có nghĩa là nhút nhát, không dám đương đầu với khó khăn, gian khổ, đồng thời phải xem xét hoàn cảnh thực tế rồi mới hành động khi có thời cơ thuận lợi thì phải mạnh dạn, dũng cảm, quyết đoán, có như vậy mới đem lại kết quả tốt.

Hay hỏi là người cán bộ cách mạng phải luôn tự mình đặt ra những câu hỏi: Cần phải làm gì? và làm như thế nào? Bên cạnh đó, cần học hỏi, tiếp thu ý kiến của người khác không giấu dốt; phải luôn thể hiện tinh thần cầu thị, cầu tiến bộ của người cách mạng; phải nỗ lực học tập mọi lúc, mọi nơi để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giao cho.

Nhẫn nại là phải kiên trì bền bỉ chịu đựng những khó khăn trong công việc. Đây là một đức tính rất quan trọng và cần thiết của người cán bộ cách mạng để đảm bảo cho sự nghiệp cách mạng giành được thắng lợi cuối cùng.

Hay nghiên cứu xem xét nghĩa là khi làm cách mạng, người cán bộ cách mạng phải xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình mọi mặt để tránh sai lầm do chủ quan, nóng vội.

Vị công vong tư là luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân. Đồng thời, trong những hoàn cảnh nhất định có thể phải hy sinh lợi ích của bản thân vì lợi ích chung của tập thể.

Không hiếu danh, không kiêu ngạo là phải khiêm tốn, phục tùng sự phân công của tổ chức, không lên mặt dạy đời; không coi thường cấp dưới...

Nói thì phải làm nghĩa là người cán bộ cách mạng dù ở cương vị nào cũng phải có tinh thần phụ trách, thành tâm phụ trách. Khi đã có quyết định chính xác thì phải quyết tâm thực hiện, dù khó khăn đến mấy cũng phải tìm mọi cách để cho quyết định được thực hiện. Người nhắc nhở: “Việc gì khó cho mấy, quyết tâm làm thì làm chắc được” (4). Lời nói đi đôi với việc làm, nói được làm được sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Ngược lại, nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm thì sẽ chỉ mang lại những kết quả phản tác dụng.

Giữ chủ nghĩa cho vững là yêu cầu cốt yếu của người cách mạng, tức là phải giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, suốt đời trung thành, kiên định với lý tưởng cách mạng. Có như vậy, mới xây dựng được niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của cách mạng, không dao động trước khó khăn gian khổ, thậm chí hy sinh cả tính mạng mình. Người khẳng định: “Trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy” (5), “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” (6).

Hy sinh là người cán bộ cách mạng phải xác định tinh thần sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng cộng sản, kể cả hy sinh cả tính mạng mình. Theo Nguyễn Ái Quốc, lý tưởng cộng sản là vô cùng trong sáng, tươi đẹp, nhưng để đi đến tương lai tươi sáng đó là cả một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ vượt qua bao khó khăn thử thách.

Ít lòng tham muốn về vật chất tức là không tham danh vị, không tham tiền tài; phải có gan chống lại những ham muốn vinh hoa, phú quý không chính đáng. Theo Người, những kẻ luôn tìm cách đút túi mình tài sản của dân là rất có hại, làm vẩn đục chế độ.

Bí mật là phải luôn tuyệt đối giữ bí mật của Đảng, của tổ chức. Trong quá trình hoạt động cách mạng, nếu bị quân địch bắt và dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng, không phản bội, xưng khai.

Thứ hai, trong quan hệ với những người xung quanh, tư cách của người cách mạng là phải có lòng khoan dung, giúp đỡ, đoàn kết tập thể. Người nêu rõ: “Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người” (7).

Với từng người phải khoan thứ, người cách mạng cần nêu cao tình cảm cách mạng cao cả, luôn khoan dung, độ lượng. Khi đồng chí mắc khuyết điểm phải góp ý chân thành với ý thức xây dựng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng chí sửa chữa khuyết điểm, không giấu giếm khuyết điểm, nhưng cũng không ghen ghét, đố kỵ hoặc có ấn tượng xấu với người mắc khuyết điểm.

Với đoàn thể thì nghiêm tức là cần nêu cao ý thức tập thể, khi được tổ chức cách mạng giao nhiệm vụ phải tuyệt đối phục tùng, không thoái thác nhiệm vụ.

Có lòng bày vẽ cho người nghĩa là những gì mình biết mà người khác chưa hiểu thì phải luôn tìm cách giúp đỡ, bày vẽ để cùng tiến bộ và hoàn thành nhiệm vụ chung. Có lòng bày vẽ cho người hoàn toàn khác với thói ích kỷ, tự cao tự đại.

Trực mà không táo bạo là thẳng thắn, trung thực, quyết đoán nhưng không vội vàng, hấp tấp khi giải quyết công việc, nhất là khi góp ý cho người khác phải nghiên cứu, phải xem xét hoàn cảnh cụ thể, toàn diện, đúng mức.

Hay xem xét người nghĩa là phải có tinh thần tập thể cao, phải thường xuyên quan tâm góp ý chân thành những thiếu sót, khuyết điểm cho đồng chí, đồng đội để cùng nhau sửa chữa, cùng tiến bộ.

Thứ ba, trong công việc, tư cách của người cách mạng được thể hiện ở phẩm chất: “Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể” (8).

Xem xét hoàn cảnh kỹ càng nghĩa là trước khi thực hiện công việc, phải nghiên cứu, đánh giá điều kiện khách quan chủ quan, thuận lợi, khó khăn, khả năng tổ chức thực hiện để có quyết định đúng đắn: tránh vội vàng, chủ quan phiến diện sẽ dẫn đến thất bại.

Quyết đoán là trong giải quyết công việc phải thể hiện phương pháp, tác phong dứt khoát. Khi đã nhận nhiệm vụ cách mạng giao cho phải kiên quyết tìm mọi cách thực hiện; không rụt rè, bàn lùi, thoái chí sẽ dẫn đến thất bại, việc tốt, việc hay, việc có lợi cho cách mạng thì dù nhỏ cũng kiên quyết làm; việc xấu việc sai, dù có đem lại lợi ích cho bản thân thì cũng kiên quyết tránh.

Dũng cảm là đức tính cao quý của người cách mạng, thắng không kiêu, bại không nản, tìm mọi cách để thực hiện nhiệm vụ được giao, dù phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh cả tính mạng cũng quyết tâm hoàn thành.

Phục tùng đoàn thể là phải có ý thức kỷ luật, ý thức tập thể. Khi được tổ chức, đoàn thể phân công bất cứ nhiệm vụ gì cũng phải tuyệt đối chấp hành, vì lợi ích chung.

Với cách giải thích, cách trình bày giản dị, dễ đọc, dễ hiểu, tư cách của người cách mạng được Nguyễn Ái Quốc nêu ra qua 26 phẩm chất đạo đức cơ bản. Người cho rằng, phải lấy “đạo đức làm cốt”, đạo đức là gốc, là nền tảng của người cán bộ cách mạng. Đây là luận điểm sáng tạo, khoa học, phản ánh nhãn quan chính trị sâu sắc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đạo đức cách mạng của người cán bộ được Người trình bày khác hẳn về chất so với những chuẩn mực đạo đức của chế độ thực dân, phong kiến. Đó là đạo đức vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, xây dựng một nhà nước mới, thật sự của dân, do dân, vì dân.

Học tập di sản tư tưởng của Người về tư cách người cán bộ cách mạng trong Đường cách mệnh, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là công bộc của nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã không ngừng củng cố, khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Trong đó, có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, cũng xuất hiện tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bộc lộ nhiều khuyết điểm yếu kém, đặc biệt là tình trạng xuống cấp, suy thoái đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một số cán bộ trong hệ thống chính trị. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa”” (9). Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này là: “Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng; chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc” (10). Đồng thời, “Công tác kiểm tra, giám sát; kỷ luật đảng chuyển biến chưa đều; công tác phòng ngừa chưa được quan tâm đúng mức” (11).

Từ thực trạng nêu trên, Đảng ta đã đưa ra hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác đánh giá cán bộ. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ phương hướng: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” (12). Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần thường xuyên tự nhận thức, tự đánh giá phẩm chất, tư cách đạo đức của bản thân và nghiêm túc, kịp thời sửa chữa, khắc phục những sai lầm, khuyết điểm.

Có thể thấy, những quan điểm về tư cách của người cách mạng thể hiện trong tác phẩm Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ là hệ thống tri thức lý luận sâu sắc, mà còn là bài học quý báu để Đảng, Nhà nước không ngừng củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự là “gốc của mọi công việc”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác đặt ra trong thời kỳ đổi mới đất nước hiện nay.

________________________

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.280, 235, 301, 282, 289, 289, 280, 281.

9, 10, 11, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.92, 91, 92, 27.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

TS PHẠM NGỌC LỢI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;