Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giáo dục thanh niên - thế hệ tương lai của đất nước. Chính vì vậy, giáo dục thanh niên là nhiệm vụ quan trọng của dân tộc ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, công tác giáo dục thanh niên đòi hỏi phải nâng cao về chất lượng và tăng cường khả năng hội nhập quốc tế. Việc nghiên cứu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nội dung giáo dục là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà, trong đó có giáo dục thanh niên, bài viết làm rõ những vấn đề cơ bản trong việc giáo dục, đào tạo thanh niên thành những người kế cận xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về việc giáo dục thanh niên
Quan điểm của Hồ Chí Minh về nội dung giáo dục thanh niên là một nhiệm vụ vừa sâu sắc, vừa toàn diện. Bởi vì, thanh niên là lực lượng quyết định đến sự phát triển của cách mạng dân tộc. Nội dung giáo dục gắn với mục tiêu đào tạo ra những công dân toàn cầu; chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiệm vụ giáo dục thanh niên là “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, phát triển toàn diện con người, thúc đẩy hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” (1). Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, đất nước thịnh hay suy là có một phần đóng góp không nhỏ của lực lượng thanh niên. Do đó, công tác giáo dục thanh niên phải nhằm mục tiêu: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ”; “Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”; “Học để sửa chữa tư tưởng”; “Học để tu công đạo đức cách mạng”; “Học để tin tưởng”…
Nội dung giáo dục thanh niên là giáo dục, bồi dưỡng, phát triển toàn diện con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chương trình giáo dục thanh niên phải chú trọng giáo dục lý tưởng sống, mục tiêu, nhiệm vụ của thanh niên trong việc giữ gìn sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của dân tộc: “phải phục tùng đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân, học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế” (2). Chính vì thế, công tác giáo dục thanh niên phải góp phần đào tạo ra được những người lao động mới. Đó là những người có lòng yêu nước nồng nàn, “trung với nước, hiếu với dân”, có đạo đức cách mạng trong sáng, có chí khí hăng hái vươn lên, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, có tinh thần gan dạ, dũng cảm, khiêm tốn, thật thà, cần cù, tiết kiệm, trong sạch, giản dị, có tri thức và sức khỏe để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Chương trình giáo dục thanh niên là hướng đích của nền giáo dục. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục thanh niên là phải giáo dục toàn diện. Chính vì thế, việc giáo dục thanh niên cần giáo dục về tư cách, nhân phẩm, năng lực, đạo đức, tri thức, kiến thức. Bởi theo Người, đạo đức đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển nhân cách, bên cạnh “tài” thì “đức” là một nhân tố quan trọng hình thành nên con người toàn diện: “Tự mình không có đạo đức, không có căn bản... thì còn làm nổi việc gì?” (3). Nói chuyện với cán bộ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21-10-1964, Người chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng” (4). Trong quá trình giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn nhấn mạnh dạy học là dạy kiến thức, nhưng các thày, cô giáo cũng phải luôn quan tâm, giữ gìn sức khỏe học sinh: “Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu” (5). Để đạt mục tiêu giáo dục toàn diện, Người chỉ rõ, phải có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và cần giáo dục ngay trong từng mối quan hệ cụ thể từ trong gia đình ra ngoài xã hội.
Theo Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước là niềm tự hào, cũng là truyền thống vô cùng quý báu của thanh niên Việt Nam. Tinh thần yêu nước của thanh niên không chỉ là cơ sở, nền tảng, mục đích của sự tồn vong đối với mỗi quốc gia, dân tộc mà còn là yếu tố cốt lõi nhất, cơ bản nhất, đầu tiên, được xếp hạng bậc nhất trong nội dung giáo dục thanh niên. Do đó, công tác giáo dục thanh niên Việt Nam phải chú trọng tới việc giáo dục về tinh thần yêu nước. Phải ra sức tổ chức, tuyên truyền, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả thanh niên Việt Nam có cơ hội được phát huy.
2. Thực trạng công tác giáo dục thanh niên của nước ta hiện nay
Giáo dục và đào tạo thanh niên là một phần quan trọng trong hệ thống giáo dục của nước ta hiện nay. Chính vì thế, Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Để phát triển đất nước, nhiệm vụ quan trọng đối với vận mệnh dân tộc là công tác giáo dục thanh niên. Bởi vì, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, vì thế công tác giáo dục thanh niên luôn được Đảng, Nhà nước ta ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã thực hiện mục tiêu là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.
Để công tác giáo dục thanh niên được hiệu quả, cần có nhiều chính sách công bằng trong tiếp cận giáo dục, đặc biệt đối với trẻ dân tộc thiểu số, trẻ ở vùng khó khăn. Để có nguồn ngân sách giáo dục thanh niên cho các địa bàn có nhiều khó khăn, phát hành công trái giáo dục để hỗ trợ cho các tỉnh miền núi, vùng khó khăn xây dựng trường học kiên cố, đạt chuẩn chất lượng và thực hiện xóa đói giảm nghèo, thông qua đó tạo cơ hội cho trẻ tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ giáo dục. Đồng thời, những thay đổi trong chính sách đãi ngộ đối với giáo viên giúp tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của bậc phổ thông.
Giáo dục thanh niên có năng lực thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, do vậy, phải đẩy mạnh phát triển thanh niên thành nguồn nhân lực chất lượng cao với trình độ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người. Trong việc giáo dục thanh niên cần chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức. Bởi thực tế hiện nay, phương thức dạy nghề cho thanh niên trong các trường vẫn còn nặng về kiến thức lý thuyết, việc phối hợp giữa nhà trường với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... chưa hiệu quả như mong muốn.
Thực tế, việc giáo dục thanh niên gắn với chất lượng giáo dục về “năng lực công dân; năng lực thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn” là một năng lực quan trọng, thể hiện rõ nhất việc đổi mới mục tiêu giáo dục lần này. Năng lực được hiểu là sự vận dụng tổng hợp nhiều yếu tố (kiến thức, kỹ năng, thái độ, động cơ, hứng thú…) nhằm thực hiện công việc có hiệu quả. Quan niệm này chi phối toàn bộ các yếu tố của quá trình giáo dục, từ nội dung, phương pháp đến đánh giá kết quả học tập. Mục tiêu phát triển năng lực nhằm khắc phục tình trạng quá chú trọng vào trang bị kiến thức hàn lâm, kinh viện; người học biết nhiều lý thuyết nhưng thực hành, vận dụng kém…
Theo Quyết định số 619/QĐ-BGDĐT ngày 3-3-2022 ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2030 làm rõ việc giáo dục thanh niên cho thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng là nội dung mới nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và nền kinh tế tri thức. Ngoài hai nội dung trên, mục tiêu thanh niên học hết trung học cơ sở phải có tri thức phổ thông nền tảng, giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương cũng là nội dung mới.
Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực” (6). Chính vì thế, giáo dục phổ thông đã tương đương với nhóm các nước phát triển (OECD), trong top 40; giáo dục đại học nằm trong top 70, đào tạo nghề ở vị trí khoảng 90. Theo báo cáo đánh giá năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38/174 nền kinh tế. Trong đó, thành phần giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.
Bên cạnh những điểm tích cực, công tác giáo dục thanh niên vẫn còn những hạn chế về chương trình và sách giáo khoa, qua đó, bỏ bớt những nội dung quá khó hoặc chưa cần thiết với thanh niên; loại bỏ các thông tin đã lạc hậu; trao quyền tự chủ cho giáo viên trong việc sắp xếp lại nội dung, cấu trúc bài giảng sao cho phù hợp với đối tượng người học của từng vùng miền; đổi mới việc ra đề thi theo hướng mở, tăng cường yêu cầu vận dụng kiến thức, giảm các yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, thuộc lòng các nội dung học tập.
Như vậy, nhìn lại quá trình thực hiện giáo dục Việt Nam là cơ sở để Đảng, Nhà nước chú ý đến thanh niên, những giá trị tốt đẹp của con người, những giá trị nhân văn để phát triển con người, phát triển văn hóa, xây dựng một xã hội đùm bọc, tương trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn.
3. Giải pháp về công tác giáo dục thanh niên Việt Nam hiện nay
Để công tác giáo dục thanh niên được hiệu quả, việc giáo dục cần chú trọng những điểm sau: Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục đào tạo. Nguồn nhân lực thanh niên nước ta cần được giáo dục công bằng, dân chủ về nội dung, chương trình giáo dục. Do đó, các địa phương cần rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp, tạo điều kiện để thanh niên được tham gia học tập.
Hai là, chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (7). Nâng cao chất lượng giáo dục thanh niên, cần triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho thanh niên. Cuối cùng, cần thay đổi cách dạy, cách học và cách đánh giá kết quả học tập của thanh niên. Dạy là dạy cách học, là truyền cảm hứng, cùng trao đổi, giải quyết vấn đề cho thanh niên. Học là học phương pháp học, tinh thần tự học, tranh luận, phản biện, học suốt đời. Đánh giá kết quả học tập phải chú trọng và đánh giá năng lực học tập, khả năng học tập, đánh giá khách quan và cả quá trình chứ không phải kiểm tra kiến thức đã học.
Ba là, đẩy mạnh công tác giáo dục thanh niên cần gắn chặt với thực hiện hội nhập quốc tế trong giáo dục đào tạo. Để giáo dục thanh niên nước ta toàn diện, Việt Nam cần xây dựng và tổ chức triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế trong giáo dục, đào tạo của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045, đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua việc hợp tác với các cơ sở giáo dục có uy tín của nước ngoài hoặc được cấp có thẩm quyền công nhận.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên khá sâu sắc, toàn diện, hệ thống cả về vai trò, mục đích, nội dung, phương pháp giáo dục thanh niên. Đánh giá cao vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Hồ Chí Minh yêu cầu họ phải vươn mình lên để hoàn thành trọng trách lịch sử của mình. Giáo dục có vai trò hết sức to lớn trong việc cải tạo con người cũ, xây dựng con người mới, đáp ứng những trọng trách mới của xã hội.
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.34.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.293.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.186.
4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.400.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.266.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.167.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.233.
TS BÙI XUÂN DŨNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022