Suy nghĩ về con người văn hóa Việt Nam trong văn chương

Hiện nay, trong sáng tác văn chương đang có một tâm thế, xu hướng khá ấn tượng: giải thiêng nhiều vấn đề thực tiễn đời sống, trong đó có việc xem xét/ định giá lại (tái nhận thức) - con người Việt Nam có thực sự tốt đẹp, nghĩa đồng bào có thực sự đáng chiêm bái, các giá trị truyền thống có đáng trân quý, giữ gìn và phát huy? Thậm chí có nhà văn trong tác phẩm của mình quay ngoắt 180 độ, coi đồng bào của mình là “đồng bào ác” (!?), với cách viết dửng dưng, khách quan, lạnh lùng và không khỏi nhẫn tâm (nhưng sách lại bán chạy, thuộc loại best-seller, như một liều doping với độc giả). Hiện có xu hướng “khảo cổ học văn chương”, tái bản những sách đã xuất bản hơn nửa thế kỷ trước, trong đó “tụng ca thân xác” của lớp người vị thành niên, dẫn dụ họ vào “mê cung tình ái”, dưới nhãn hiệu nhân danh “vì con người”, đề cao bản năng gốc, nhưng được ngụy trang bằng công thức “từ tập thể đến cá thể, từ cá thể đến bản thể”. Thậm chí, có những ấn phẩm văn chương xuất hiện dưới khẩu hiệu “thống nhất văn hóa để thống nhất lòng người”, nhưng đọc xong thì độc giả lại thấy tan rã, chia rẽ, khó cố kết.

 Ngoại trừ những hiện tượng không mấy lạc quan (thậm chí đáng lo ngại) đã nêu trên, không ít nhà văn, có thể vô thức hoặc có ý thức, chạy theo hấp lực của thị trường, viết ra những tác phẩm có thể nổi đình đám nhất thời, để rồi nhanh chóng bị quên lãng trong lòng độc giả. Đấy chính là nỗi niềm canh cánh, thậm chí là nỗi lo lắng hàng đầu của nhà văn mỗi khi đối diện với “pháp trường trắng”. Bởi vì, cuối cùng độc giả ngày nay thông minh và công bằng nhận ra, con người (trong đó có mình) không phải như thế. Có thể đó là “ngụy tạo”, chưa kể đến cái gọi là “xuyên tạc”.

Văn chương và thời cuộc

Đã có nhận định không phải không xác đáng và thuyết phục: Văn học nghệ thuật, trong đó có văn chương, đang có nguy cơ xa rời cuộc sống. Điện ảnh là một ví dụ khi có một số bộ phim “Việt hóa” từ kịch bản phim nước ngoài trên sóng truyền hình và cả rạp chiếu phim, nhưng nó lại lấy đi nhiều thời gian và có khi cả nước mắt của không ít khán giả. Trong lĩnh vực văn chương, phải nói thật công bằng, tình trạng đó “nhẹ” hơn, song không thể nói là không có.

Qua hơn hai năm đất nước gồng mình trong đại dịch COVID-19, càng thấy văn hóa, nghệ thuật, trong đó có văn chương, thiếu hơi thở của đời sống. Cũng có một số tác phẩm “cập thời vũ”, nhưng xem ra na ná cách thày, trò dạy và học trực tuyến. Nghĩa là, có một khoảng cách rất xa về không gian sống thực, trong đó nhà văn chỉ thuần túy suy lý và tự nghiệm, viết theo cách gián tiếp về đại dịch và các phương diện đời sống khác. Đó là cách “ngắm rớt”, “nhắm rớt” (theo cách diễn đạt của nhà văn Hoài Thanh) của người viết. Người sáng tác sống và viết như thế thì làm sao tác phẩm có thể “làm nên gió bão của đời sống”, chưa nói đạt đến độ “thổi lên gió bão của đời sống” và “làm thành người” (theo cách diễn đạt của nhà văn Pháp R. Rô-lăng). Tuy nhiên, không ai ngây thơ nghĩ rằng, nhà văn cần tự nguyện biến mình thành các F0, F1 (theo tinh thần tuẫn tiết) để vào trại cách ly tìm cảm hứng viết trên nỗi nhọc nhằn, đau đớn của con bệnh; cũng như không cần thiết nhà văn lao xuống dòng nước lũ để cứu hộ những đồng bào bị đuối nước... Lợi thế và sức mạnh của nhà văn là khả năng tưởng tượng hơn người bình thường. Nhưng trí tưởng tượng nào cũng có cội rễ từ chính đời sống. Vì thế, chúng tôi tâm đắc và chia sẻ với ý kiến của nữ nhà thơ, nhà báo Lữ Mai, tác giả trường ca Chư Tan Kra mây trắng, mới xuất bản và có tiếng vang trên văn đàn: “Tôi không tin một tác phẩm thiếu thực tế lại chạm được vào cảm xúc con người” (1).

Kéo dài trong một tuần lễ, kể từ 20-9-2021, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện trên Fanpage của Nhà xuất bản Trẻ để nhận câu hỏi từ bạn đọc, chọn trả lời mỗi ngày một câu (2). Câu hỏi của ngày là: “Có nhiều ý kiến cho rằng đại dịch không hẳn là trở ngại mà còn là cơ hội, nhất là với nhà văn, khi đặt ra những vấn đề xã hội nhiều bức bối, gợi ý nhiều đề tài sâu rộng. Văn học Việt Nam hình như chưa có tác phẩm lớn vì chưa có sự kiện lớn, thì đây là dịp để các tác phẩm lớn ra đời. Chị nghĩ sao với ý kiến này? Và chị có dự định viết về đại dịch để chia sẻ góc nhìn của mình?”. Câu trả lời của nhà văn khiến chúng ta phải suy nghĩ: “Tôi không có ý thức cái gọi là “tác phẩm lớn”. Mỗi khi thấy cụm từ này là tôi thêm hai chữ “hội chứng” ở đằng trước. Hội chứng tác phẩm lớn (...). Tôi chỉ quan tâm, để ý chuyện hay, dở và tin rằng báo chí mới cần sự kiện lớn. Văn chương thì không”. Ai cũng có quyền trình bày quan điểm cá nhân của mình, nhất là các nhà văn - đặc biệt nhà văn có tài năng là người có khả năng “cá nhân hóa” cao độ cảm xúc sáng tác, cách thức thể hiện. Nói lý lẽ theo cách của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, thì không có gì là không đúng. Nhưng quy luật của sáng tạo nghệ thuật là quy luật tình cảm. Tuy nhiên, đa số người sáng tác văn chương tán thành và chia sẻ với ý kiến của nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, khi bà nói về “phẩm hạnh của người viết”, không có gì khác ngoài sự gắn bó máu thịt với đời sống của nhân dân, đồng bào của mình, nhất là trong những hoàn cảnh điển hình như đại dịch COVID-19 vừa qua: “Khó nhất là vào thời điểm đó, mỗi ngày hàng trăm sinh mạng bị tước đi, cùng rất nhiều khó khăn cho thấy đại dịch thật sự khốc liệt, ám ảnh (...). Tuy nhiên, những khó khăn, đau thương cùng cực, lại là... cơ hội thuận lợi cho chữ nghĩa. Bởi né tránh nỗi đau, né tránh trái tim, người cầm bút sẽ tự tước mất cơ hội được dự phần cùng nỗi đau đồng loại và chia sẻ yêu thương với người, với đời” (3). Nếu nhớ lại định nghĩa của Đại thi hào Đức W.Goethe: “Thơ nào cũng là thơ thời sự”, sẽ thấy một tài năng văn chương bậc thày thế giới cũng không né tránh thời cuộc, coi cái “thời sự” cũng là “muôn thuở” nếu nghệ sĩ ngôn từ có tâm và có tầm.

 Một xu hướng sáng tác văn chương khá nổi trội gần đây là viết lịch sử (xa và gần). Dường như viết về lịch sử (quá khứ) thì nhà văn tránh được sự va đập, cọ xát, đối mặt với thực tại phong phú và phức tạp hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ đời sống lại mở ra rộng và sâu, nhiều xung đột mâu thuẫn gây cấn, gay gắt, quyết liệt như ngày nay. Chưa bao giờ con người bộc lộ bản chất và “chân tướng” rõ rệt dưới thanh thiên bạch nhật như bây giờ. Thực tại đời sống hôm nay có tính chất bất ngờ, không có tiền lệ, khó đoán định đường đi nước bước vì tính chất vẫn được gọi là “phi truyền thống”. Có thể vì thế mà không ít nhà văn trở nên lúng túng, bất lực trong việc chiếm lĩnh thực tại bằng nghệ thuật ngôn từ. Chúng tôi không có ý nói, viết lịch sử là một cách trốn tránh. Bởi vì dẫu viết lịch sử thì nhà văn cũng không thể từ chối những câu hỏi của hiện tại. Vì thế “ôn cố tri tân” là một động hướng tinh thần xã hội nói chung, một “kênh” sáng tác nói riêng, không thể nói là không có hiệu quả thẩm mỹ. Gần đây, một số tác phẩm (chủ yếu là tiểu thuyết lịch sử) đã có những thành công nghệ thuật khả quan, được độc giả đón nhận khá nồng nhiệt như: Thị Lộ chính danh của nhà văn Võ Khắc Nghiêm, đoạt Giải B trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5, 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam; giải thưởng Văn học Đông Nam Á, 2020. Một số tiểu thuyết lịch sử như: Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai, Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang, Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn, Chim bằng và nghé hoa của Bùi Việt Sỹ, Hùng binh của Đặng Ngọc Hưng đã có tên trong danh sách giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) của Hội Nhà văn Việt Nam. Chúng lôi cuốn người đọc vì ở đó họ tìm thấy chân tủy (không phải là chân tướng) của con người Việt Nam, vằng vặc những “sao Khuê”.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra là, để định vị con người Việt Nam trong thế giới mới/ phẳng hôm nay, vì sao nhà văn lại phải “lội ngược dòng”, trở về với lịch sử có bề dày truyền thống hàng ngàn năm để khám phá, phát hiện, miêu tả những “viên ngọc ẩn giấu trong tâm hồn” của thế hệ tiền bối với ý thức tạo nên các hình tượng/ tấm gương nghệ thuật về tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “uống nước nhớ nguồn”, “dĩ công vi thượng”, “ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”, “thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”... Phải chăng, xã hội hiện đại dưới tác động của cơ chế thị trường, dẫu cho là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với mặt trái của nó đang gậm nhấm, thậm chí làm băng hoại các giá trị truyền thống tưởng chừng bền vững? Đã có một triết lý dân gian xuất hiện gần đây, có vẻ không hợp lý (phi logic) nhưng hợp tình: “tình cảm như ngày xưa, kinh tế như ngày nay” (!?). Hình tượng con người Việt Nam vằng vặc sao Khuê vẫn là các nhân vật tiêu biểu trong những tác phẩm viết về lịch sử như các hào kiệt, thi nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du; các tướng lĩnh văn võ song toàn như Lý Thường Kiệt, Võ Nguyên Giáp; lãnh tụ anh minh thiên tài Hồ Chí Minh...

Con người Việt Nam thời đại mới

Liệu còn có “nhân vật anh hùng” trong văn chương hiện nay?

Văn học nghệ thuật trong thời đại cách mạng và chiến tranh (1945-1975) được sáng tác theo cảm hứng lớn - cảm hứng anh hùng (“Thời đại anh hùng đòi hỏi một nền nghệ thuật anh hùng” - M. Gorki). Thời kháng chiến, có câu nói đầu cửa miệng “ra ngõ gặp anh hùng”. Giới nghiên cứu, lý luận cho rằng, sự thay đổi từ thể tài lịch sử - xã hội sang thế sự - đời tư dễ tạo nên sự thay thế thi pháp thời chiến sang thi pháp thời bình. Thực tiễn văn chương đã chứng minh, khi ở bình diện thứ nhất nổi lên những sáng tác lấy “gia đình bé mọn”, “ngõ lỗ thủng”, “góc tăm tối cuối cùng”, “hậu thiên đường”, “bi kịch nhỏ”, “lửa đắng”, “mảnh đất lắm người nhiều ma”, “đám cưới không có giấy giá thú”, “Iam đàn bà”, “lạc lối”... làm cứ địa ươm mầm tác phẩm. Ở đây, cần thống nhất quan niệm, đề tài không có ý nghĩa quyết định toàn bộ thành công của sáng tác văn chương. Sự lựa chọn của nhà văn mới là nhân tố quyết định (anh có ở “tâm bão” của đời sống, có quan tâm đến con người, có đổi mới tư duy nghệ thuật, có đồng sáng tạo với công chúng hay không...).

Ở thời bình, trong cơ chế thị trường, không thể nói là không còn cơ hội cho sự xuất hiện nhân vật anh hùng trong hàm nghĩa mới mẻ của từ này. Những cá nhân nào biết cách làm giàu cho bản thân và cộng đồng, đem lại lợi ích thiết thực và to lớn cho toàn xã hội, họ có thể trở thành anh hùng lao động. Những cá nhân nhà khoa học, nghệ sĩ lớn đem lại vinh quang cho dân tộc, làm phát lộ hào khí và văn hiến dân tộc (“Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo), làm cho hai tiếng Việt Nam vang lên đầy tự hào trên trường quốc tế, họ xứng đáng là người anh hùng thời đại mới. Nếu như có một người Việt Nam đoạt giải Nobel về các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, hòa bình, họ đều xứng đáng được phong danh hiệu anh hùng, xứng đáng bước vào nghệ thuật, trở thành giá trị vĩnh hằng, biểu trưng cho phẩm giá Việt Nam trong thời đại/ thế giới mới. Nhưng cũng cần đề phòng các giá trị ảo dễ gây ngộ nhận. Cho nên, trong các nghị quyết của Đảng về củng cố và xây dựng lực lượng, thường nhấn mạnh yêu cầu “trong sạch” đi trước “vững mạnh”. Anh hùng là những tấm gương lớn về đạo đức, tài trí để cả xã hội noi theo.

Câu hỏi đặt ra là, hiện nay trong thực tế không phải không có người anh hùng trong các lĩnh vực đời sống xã hội, nhưng vì sao nghệ sĩ hoặc không hề quan tâm, hoặc quan tâm nhưng không có cách tiếp cận đối tượng để phản ánh vào tác phẩm nghệ thuật thành công? Có nhiều cách trả lời, nhưng tựu trung - thiếu những điển hình người anh hùng đích thực với tư cách đối tượng phản ánh và thiếu tài năng nghệ thuật đích thực với tư cách chủ thể sáng tạo?

Con người bình thường có vị thế như thế nào trong văn chương hiện nay?

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Minh Châu từng trăn trở: “Con người ta phải biết sống như một người anh hùng và biết sống như một người bình thường” (4). Sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975 đi theo định hướng tư tưởng - thẩm mỹ này. Con người bình thường (tuy nhiên nghiêng về bản năng) đậm đặc, nổi hình nổi khối trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (thậm chí nhà văn tụng ca con người bản năng là tự do vô luân). Con người bình thường chính là “đặc sản” trong truyện ngắn Hồng Nhu, Xuân Thiều, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Nguyễn Quang Lập, Phạm Ngọc Tiến, Sương Nguyệt Minh, Võ Thị Xuân Hà, Như Bình, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư...

Ở đây có vấn đề về cái bình thường (phẩm chất) và cái tầm thường (hạ cấp), cần phân biệt rành rẽ. Triết lý sống của người Mỹ, như ta biết, là ở mức “trung bình” và “bình thường”. Nhưng, để có cuộc sống ở những mức độ ấy không hề dễ dàng, phải đến khi con người cá nhân phát triển, tự tin và tự tại. Con người bình thường khác hẳn con người nhỏ bé (thậm chí trở thành “đầu thừa đuôi thẹo”) trong sáng tác của các nhà văn trước 1945 như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Kim Lân, Bùi Hiển... Từ quan điểm nhân văn, theo cách diễn đạt của nhà thơ Nga tài danh E. Evtushenko: “Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đây?” (5).

Không tránh khỏi sự ngộ nhận của người sáng tác (và cả độc giả) khi nhìn con người bình thường trong những cái/ tính tầm thường của nó, khiến hình ảnh con người bị méo mó, đậm tính chất bản năng gốc. Nếu say mê khai thác và viết về cái tầm thường (hiểu trệch là cái bình thường) thì vô hình trung nhà văn đã hạ thấp con người khi đào bới bản năng gốc (vô luân, loạn luân, điên rồ chẳng hạn). Không phải không có những sai lầm đáng tiếc kể cả với những nhà văn đã có kinh nghiệm và thành tựu văn chương. Ở đây liên quan đến bản lĩnh nghệ thuật của chủ thể sáng tác, nói rộng hơn là căn cốt văn hóa của nghệ sĩ chưa thực sự sâu rộng, đủ đầy.

Con người văn hóa - đối tượng của văn chương Việt Nam hiện nay

Con người văn hóa Việt Nam (như một “sinh thể”, cao hơn là một “phạm trù”) trước hết phải là con người của hôm nay. Con người luôn sống thực với cái hiện tại/ hôm nay theo tinh thần “hiện sinh”, “sinh tồn” (cái thực tồn, hiện hữu, cái thường ngày). Không ai có thể tự túm tóc nhấc mình ra khỏi cái “thung thổ” cụ thể (không gian - thời gian xác định). Đồng thời, con người Việt Nam hôm nay cũng có những dấu hiệu khác xa con người truyền thống. Không ít người hôm nay sống nhanh, sống ảo, không thích kiềm thúc (khuôn khổ lễ giáo)... Chủ nghĩa thực dụng đang lên ngôi (đôi khi núp dưới chiêu bài thực tiễn) khiến con người hôm nay đang đánh mất dần những ước mơ, hoài bão, cao vọng mà các thế hệ tiền bối là những tấm gương về tiết tháo, liêm sỉ, khoan dung, hòa hiếu, nhẫn nại...

Nếu theo dõi thời sự, chúng ta đều biết, ngày 29-10-2021, Chính phủ đã trình Quốc hội Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, với 5 nhóm giải pháp, trong đó, ngoài sự ưu tiên hàng đầu cho các nhiệm vụ: cơ cấu lại, kết nối, nâng cấp, chuyển đổi số... còn chú trọng đặc biệt đến yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử. Một kế sách phát triển mang tính đột phá về kinh tế, xã hội, song đảm bảo tính kế thừa, bền vững khi đề cao đúng đắn các giá trị văn hóa, nhân văn. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng nhấn mạnh: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa...”. Đó chính là tinh thần đổi mới trong bối cảnh mới (so với bước đầu đổi mới, 1986). Con người văn hóa Việt Nam hôm nay vì thế có mối liên hệ khăng khít với truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại, bởi vì cần nhận thức được “ngoài trời còn có trời”, không thể mãi mãi chỉ “con hát mẹ khen hay”... Vì thế, nếu có cao vọng trở thành công dân toàn cầu của lớp trẻ “hậu sinh khả úy” thì cũng không có gì lạ. Những Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu trong các lĩnh vực nghệ thuật và khoa học như là dấu chỉ xác nhận con người văn hóa Việt Nam có đủ cơ sở tự tin để bước ra thế giới phẳng, hòa đồng cùng nhân loại.

Nói đến con người văn hóa với tư cách một nhân vật quan trọng (có thể đến một lúc nào đó nó vượt trội nhân vật anh hùng, nhân vật con người bình thường) của văn chương Việt Nam hôm nay, không thể không nói đến thế giới tâm hồn, tâm linh của nó. Nhà văn Pháp Andre Malraux (1901-1976) đã có nhận xét: “Thế kỷ XX là thế kỷ của tâm linh”. Chỉ dẫn tâm lý này có thể ứng dụng vào cả TK XXI. Nhưng khám phá và miêu tả thế giới tâm linh của con người không hề đơn giản, nhiều khi nhà văn có thể không tìm thấy lối ra nếu không đủ bản lĩnh nghệ thuật. Hơn thế, tâm linh trong đời sống xã hội đang có nguy cơ biến tướng, bị lợi dụng, trục lợi, thương mại hóa (buôn thần bán thánh của các nhóm lợi ích) ở nhiều nơi. Như vậy, chưa có sự tương thích giữa hiện thực khách quan và chủ quan sáng tạo. Vì thế, tâm linh hiện đang bị “phân thân” trong dư luận và thực hành. Đây là một đề tài/ chủ đề mới, có tính chất “gợi mở”.

Kết luận

 “Văn học là nhân học” - M. Gorki, thiết nghĩ, như một định đề/ tiên đề trong toán học. Văn chương cổ kim, đông tây đều lấy con người làm đối tượng trung tâm phản ánh. Tin tưởng hay hoài nghi con người là hai mặt của một vấn đề thuộc nhận thức của chủ thể sáng tạo. Nhưng bất luận trong hoàn cảnh nào, văn chương cũng phải đứng về phía con người (“tôi đứng về phe nước mắt”). Vì đứng về phía con người nên Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du - danh nhân văn hóa thế giới, mới trở thành kiệt tác, trở thành “linh kinh của người Việt” (nhận xét của Giáo sư Đặng Thai Mai).

Xu hướng hạ thấp thần tượng (trong các tác phẩm về lịch sử), tầm thường hóa con người (trong sáng tác về đời tư - thế sự) đều trở nên cực đoan. Người đọc thông minh hôm nay không cần nhà văn “tô hồng” hay “bôi đen” cuộc sống và con người. Con người cần được miêu tả, trước hết, như nó vốn có; song quan trọng hơn, cần đến nghệ thuật, như nó cần có. Trong công cuộc đổi mới đất nước toàn diện và bền vững, văn học nghệ thuật, đặc biệt văn chương, có vai trò to lớn và dài lâu với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam mới - con người văn hóa - trong ý nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Có thể, không là lý tưởng hay ảo tưởng, mỗi con người Việt Nam hôm nay đều có thể tỏa sáng đến độ “mỗi con người nhấp nhánh một vì sao”, để trở thành con người văn hóa như động cơ, mục đích sáng tác của văn chương tiến bộ, nhân văn.

______________

1. Văn nghệ sĩ đang đứng ở đâu, nguoihanoi.com.vn, 6-11-2021.

2. Lam Điền, Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Báo chí mới cần sự kiện lớn, văn chương thì không, tuoitre.vn, 28-9-2021.

3. Tống Phước Bảo, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh: Phẩm hạnh của người cầm bút, vanchuongthanhphohochiminh.vn, 17-10-2021.

4. Di cảo Nguyễn Minh Châu, Nxb Hà Nội, 2009, tr.348.

5. E. Evtushenko, Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời, trong Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX, Bằng Việt tuyển dịch và giới thiệu, Nxb Văn học, 2005.

Tài liệu tham khảo

1. Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

2. Hội Nhà văn Việt Nam, Tuyển tập lý luận, phê bình văn học 1945-2015, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015.

3. Nguyễn Thế Kỷ, Lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam - Nền tảng và phát triển, tập II, Nxb Văn học, Hà Nội, 2019.

4. Nguyễn Thành, Hồ Thế Hà (chủ biên), Văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới (1986-2016) - Sáng tạo và tiếp nhận, Nxb Văn học, Hà Nội, 2017.

5. Phan Trọng Thưởng, Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học, Nxb Văn học, Hà Nội, 2019.

 BÙI VIỆT THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022

;