Triển lãm nghệ thuật nhiếp ảnh "Ngôi sao sáng và tối"

Chiều ngày 20-4, tại Trường Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh với chủ đề "Ngôi sao sáng và tối - Light and Dark Stars" của nghệ sĩ đến từ Đức Adrian Sauer.

Tham dự khai mạc triển lãm có: ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe; ông Jorg Kinnen, tham tán Văn hóa, Báo chí và khoa học, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam; PGS, TS Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam; các cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam; các cán bộ CHLB Đức và một số nước đang công tác, học tập ở Việt Nam. 

Trong khuôn khổ triển lãm, trưng bày 5 chùm ảnh với 72 tác phẩm trong không gian Bảo tàng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Adrian Sauer đã mang những tác phẩm đặc sắc đến với công chúng yêu nghệ thuật ở Việt Nam một cái nhìn mới mẻ đầy sáng tạo, đa góc nhìn trong các kỹ thuật ảnh dường như trong suốt và vô hình. Adrian Sauer là Giáo sư về Nhiếp ảnh và Hệ thống hình ảnh Sáng tạo tại Đại học Bielefeld.

Ông Oliver Brandt Viện trưởng Viện Goethe phát biểu tại lễ khai mạc

Tại buổi khai mạc, ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe phát biểu: “Adrian Sauer sinh ra ở Đông Berlin, vào năm 1976 và hiện đang sinh sống ở Leipzig. Anh học nhiếp ảnh tại Học viện Nghệ thuật Thị giác ở Leipzig. Anh là một nghệ sĩ nhiếp ảnh đã có những đóng góp rất quan trọng trong nền nghệ thuật nhiếp ảnh hiện đại. Các tác phẩm sáng tạo nghệ thuật của anh đã được trưng bày trong nhiều triển lãm nhóm, cá nhân tại các phòng trưng bày và tổ chức công cộng trên nhiều quốc gia. Hôm nay, tại Việt Nam, đây là một dịp để những người yêu thích nghệ thuật biết về lịch sử nghệ thuật nhiếp ảnh, với sự liên quan giữa kỹ thuật số với nhiếp ảnh, liên quan giữa kinh tế với sáng tác. Đề tài trong sáng tác của Adrian Sauer nói rất nhiều về nguồn gốc, giữa cái cũ truyền thống và cái mới hiện đại. Đây là lần đầu tiên nghệ sĩ Adrian Sauer triển lãm ở Việt Nam, và cũng là sự kết nối giữa văn hóa hai đất nước, CHLB Đức và Việt Nam. Đồng thời, như là sự đại diện về cách nhìn mới của nghệ thuật nhiếp ảnh, trong sự biến đổi và hậu nghệ thuật nhiếp ảnh Đức với mỹ thuật Việt Nam. Cảm ơn sự quan tâm của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và công chúng yêu nghệ thuật tại Việt Nam, mong rằng qua cuộc triển lãm lần này, mối quan hệ tình hữu nghị sâu sắc, gắn bó hơn và có cái nhìn mới mẻ hơn trong sự phát triển văn hóa và nghệ thuật”.

PGS, TS Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam phát biểu 

Phát biểu tại buổi khai mạc, PGS, TS Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Sự có mặt của nghệ sĩ và các tác phẩm của anh, các cán bộ, giảng viên nhà trường chúng tôi và đặc biệt là sinh viên, đã được tiếp cận với một cách nhìn mới trong nghệ thuật nhiếp ảnh, nhất là là qua một loại hình nhiếp ảnh kỹ thuật số. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam trong tương lai sẽ đưa bộ môn nghệ thuật nghiếp ảnh vào làm trọng tâm trong đào tạo cho sinh viên Mỹ thuật Việt. Với chiến lược phát triển mới của nhà trường, trong thời gian tới sẽ mở rộng ngành đào tạo, và tôi hy vọng Viện Goethe sẽ hỗ trợ kết nối cho Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam để đưa vào mở rộng đào tạo loại hình nghệ thuât nhiếp ảnh này. 

Nghệ sĩ Adrian Sauer chia sẻ những cảm xúc của mình với công chúng yêu nghệ thuật

Nghệ sĩ Adrian Sauer  đã xúc động chia sẻ với công chúng yêu nghệ thuật của mình: “Trong nhiều tác phẩm thành công của tôi, điều tôi nhận thức đầu tiên là làm thể nào để chụp ảnh mà chúng ta sẽ thấy đẹp và hấp dẫn. Có thể thấy rằng, nghệ thuật nhiếp ảnh mới, có nhiều hơn một bước để áp dụng công nghệ trong quá trình sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, tôi đã dùng máy ảnh công nghệ số, hoặc các phần mềm photoshop trong quá trình thiết kế, đồng thời kết hợp với các kỹ thuật truyền thống. Thông qua tất cả những tác phẩm, câu chuyện và hành trình mà tôi đã thể hiện trong các tác phẩm, trong buổi trưng bày hôm nay, tôi muốn nói về hành trình, về mặt nhận thức khi mà chúng ta có thể cảm nhận được thông qua các kỹ thuật công nghệ nhiếp ảnh, để chúng ta cảm nhận được cái hiện thực thông qua nhiếp ảnh ở một thời điểm, khoảnh khắc hiện thực, khi mà mọi người đã nhận ra điều đó và ở đây nhiếp ảnh cũng cần một sự hỗ trợ của mỹ thuật.  Tôi mang những tác phẩm này đến với không gian tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hôm nay, như một quan điểm mới và cách nhìn của tôi trong kỹ thuật nhiếp ảnh mới dành cho các bạn. Trong không gian triển lãm những tác phẩm này, tôi muốn cho mọi người thấy, nhiếp ảnh không chỉ là phương tiện để chúng ta ghi lại được khoảnh khắc hiện thực, mà nó còn có thể tạo nên cho chúng ta không gian sáng tạo mới nhiều hơn, và đặc biệt đối với môi trường mỹ thuật của các bạn sinh viên ở đây, luôn biết vận dụng các kỹ thuật nhiếp ảnh hiện đại và sáng tạo nó nhiều hơn, để có được những sản phẩm, tác phẩm với cách tư duy từ hiện thực đến ý niệm; cảm ơn các bạn đã đến với nghệ thuật”.

Công chúng đến với triển lãm

 Đối với Adrian Sauer, nhiếp ảnh là phương tiện để phản chiếu. Yếu tố ánh sáng trong tác phẩm của anh đã làm nên điều kỳ diệu, phản xạ từ các vật thể khác nhau tạo ra hình ảnh đại diện trên vật liệu, nhưng đồng thời, nhiếp ảnh cũng dường như trong suốt và vô hình. Chiêm ngưỡng các tác phẩm của anh, công chúng sẽ nghĩ rằng mình đang nhìn thấy chủ đề, chủ thể chứ không phải bức ảnh. Trong các tác phẩm trưng bày tại Nhà Bảo tàng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nghệ sĩ cố gắng thay đổi mối quan hệ này. Anh ấy cho phép vật liệu và quá trình chụp ảnh trở nên hữu hình và cho phép xem chế độ đa phối cảnh.

Nhiếp ảnh đối với Adrian Sauer không chỉ là phương tiện để đạt được mục đích, mà trong công việc, anh còn có những suy nghĩ và tìm tòi nghiên cứu. Anh luôn đặt nhiều câu hỏi về phẩm chất và khả năng của nó. Trong các tác phẩm như 256 Graustufen (2020, 256 bậc xám), anh đã làm như với chính các phương tiện nhiếp ảnh. Các quy trình kỹ thuật số dựa trên việc giảm tất cả thông tin có thể tưởng tượng thành số không và số một, đơn vị nhỏ nhất này được gọi là bit. Để không bị giảm xuống 0 và 1 hoặc đen trắng trong ảnh kỹ thuật số, một số bit được kết hợp. Nếu kết hợp 8 bit sẽ có được 2 tùy chọn. Với 256 độ chuyển màu mắt người gần như có thể hiển thị độ chuyển màu liên tục. Tác phẩm 256 như được thể hiện đại diện trong các ô vuông 10x10centimet. Đơn vị hình ảnh kỹ thuật số nhỏ nhất, pixel, do đó, gần như mở rộng và có thể được trải nghiệm một cách cảm tính.

Tác phẩm: Ziegel (2021, Những viên gạch)

Ngoài tác phẩm được lấy tiêu đề cho triển lãm 256 Graustufen (2023, 256 bậc xám) ở Triển lãm Ngôi sao sáng & tối lần này ở Hà Nội còn giới thiệu nhiều tác phẩm khác: 256 Graustufen (2017) và Ziegel (2021, Những viên gạch) và Palast der Republik (1993, Cung cộng hòa). 

Không gian trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh “Ẩn dụ về sự biến đổi trong lòng nước Đức và Hậu nhiếp ảnh - Ngôi sao sáng & tối”

Triển lãm trưng bày đến ngày 20-5-2023.

Bài, ảnh: MAI HƯƠNG

;