Kịch kinh điển trên sân khấu Việt Nam - Kỳ 1: Kịch kinh điển đến Việt Nam góp phần quan trọng vào quá trình hình thành kịch nói

Tái hiện lại vở Chén thuốc độc nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu

Định nghĩa kịch kinh điển 

Những tác phẩm kinh điển thường được hiểu là những tác phẩm hay, hấp dẫn, có tính chất mẫu mực, xứng đáng là kinh sách cho các thế hệ sau học tập. Theo một số nhà nghiên cứu thì kinh điển xuất phát từ classique (Pháp), classicus (La tinh), ban đầu mang nghĩa “thuộc về một tầng lớp”, dần có thêm nghĩa là “thứ hạng cao của một tầng lớp”. Cùng với thời gian, định nghĩa về kinh điển đến nay được hiểu là “tác phẩm mang tính tiêu biểu, được làm chuẩn mực, tạo ra sức ảnh hưởng cho các tác phẩm khác cùng thể loại”. Những tác phẩm này vượt qua được sự bào mòn của thời gian, dù tác phẩm ra đời từ rất lâu nhưng người ta vẫn luôn tìm kiếm để được thưởng thức và vẫn còn ý nghĩa, giá trị cho tới ngày hôm nay. Quan trọng hơn, những kiệt tác này tiếp tục duy trì sức ảnh hưởng lớn tới các thế hệ sáng tác sau này, cũng là những thước đo giá trị của đông đảo người thưởng thức…

Kịch kinh điển nói đúng ra là những kịch bản kinh điển trên thế giới cũng như ở Việt Nam (vì rất khó để xác định cũng như tìm lại được các tác phẩm sân khấu từng diễn ra), phải là những tác phẩm văn học kịch đúng những tiêu chí trên. Nhà xuất bản Sân khấu từng ra bộ sách 100 kịch bản kinh điển thế giới cùng những lời bàn, bình của các nhà nghiên cứu lớn về từng tác phẩm. Vì thế, tạm chấp nhận những kịch bản nằm trong bộ sách này được coi là những kịch bản kinh điển theo cách hiểu chung nhất. 

Kịch kinh điển thế giới đến Việt Nam 

Câu hỏi đặt ra ở đây là những tác phẩm kịch kinh điển đến Việt Nam từ bao giờ và những ai từng tiếp xúc với những tác phẩm đó đầu tiên? Do lịch sử đất nước, Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, mà chủ yếu là văn hóa Pháp từ thế kỷ XIX cùng với sự đô hộ của người Pháp tại đây. Vì vậy, tầng lớp Tây học (những người học ở trường do Pháp mở, lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính) được tiếp xúc với các kịch bản trong các chương trình học phổ thông. Các tác phẩm kịch bản này được phổ biến rộng rãi khi được dịch sang tiếng Việt vào những năm đầu thế kỷ XX. Năm 1913, tờ Đông Dương tạp chí do ông Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút đã đăng một số kịch bản kinh điển của Moliere như Trưởng giả học làm sang, Người bệnh tưởng, Người biển lận… bằng tiếng Việt. Bước nhảy vọt chính là vở diễn Người bệnh tưởng diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân ngày thành lập Hội Khai trí Tiến Đức 25/4/1920 do một số công chức, giáo viên… và vợ chồng ông J. Reny dàn dựng. Vở diễn bằng tiếng Việt cho đối tượng khán giả là một số trí thức Tây học cùng người Pháp xem. Sau đó, Hội này còn diễn tiếp các vở Trưởng giả học làm sang, Người biển lận. Những vở diễn này đã dấy lên phong trào học tập văn hóa Pháp, cũng như đem tới cho người làm sân khấu truyền thống Việt Nam những ý tưởng về một hình thức sân khấu hoàn toàn mới. Đó là hình thức sân khấu diễn tả cuộc sống ở dạng thức như vẫn thấy ngoài đời thực, không giống với sân khấu Tuồng, Chèo truyền thống của chúng ta.

Bi kịch Hamlet được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng trên cơ sở kịch bản Hamlet của tác giả William Shakespeare - vở kịch kinh điển nổi tiếng thế giới

Xuất phát từ lòng tự hào dân tộc, các văn nghệ sĩ thời đó băn khoăn khi chúng ta dùng kịch bản, câu chuyện của người Pháp từ thế kỷ XVII để diễn cho người Việt xem. Vì vậy, quyết tâm dùng chính người Việt, diễn tả câu chuyện của xã hội Việt Nam đương thời cho công chúng xem để khai hóa, để tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ văn dĩ tải đạo rất truyền thống. Và kết quả là, vở diễn được coi là mở màn, khai sinh cho kịch nói Việt Nam phải tới ngày 20/10/1921 mới ra mắt. Đó là vở Chén thuốc độc của tác giả Vũ Đình Long khi học theo lối viết kịch Cổ điển Pháp thế kỷ XVII để viết về xã hội Việt Nam, nhằm mục đích giáo dục, cảnh tỉnh cho những con người trong xã hội đương thời. Đây chính là vở diễn gây được tiếng vang lớn, được coi là dấu mốc để kịch nói chính thức ra đời dưới ảnh hưởng của những vở hài kịch Moliere - những kịch bản hài kịch kinh điển hiếm hoi. Vì bi kịch, rồi sau này là chính kịch chiếm tỉ lệ rất lớn trong kho tàng kịch kinh điển thế giới. 

Quảng cáo biểu diễn vở kịch Bệnh tưởng (L’Avare) của Molière, do thành viên Hội Khai-trí tiến- đức biểu diễn ngày 25/4/1920 ở Nhà hát thành phố, Hà Nội

Tại sao chúng ta lại dễ dàng tiếp nhận kịch của Moliere - hài kịch - chứ không phải loại kịch nào khác? Có lẽ, điều đó bắt nguồn từ văn hóa, tâm lý của người Việt Nam. Không hiếm gặp đâu đó những nhận xét như người Việt Nam thích cười, yêu tiếng cười, những tình huống gây cười. TS Trần Đình Ngôn đã nhận định về tâm lý yêu thích sự hài hước, gây cười của người Việt Nam: “Chúng tôi quả quyết rằng, nếu tổ chức một cuộc điều tra xã hội học thì tính bình quân đầu người, trong mỗi người Việt Nam, những câu chuyện mà người ta nhớ nhất, kể lại hoặc được nghe kể lại nhiều nhất là truyện tiếu lâm, nhà thơ được nhiều người biết đến nhất là Hồ Xuân Hương và những miếng hề chèo được người ta nhớ nhất chính là những miếng mẹ Đốp bốc miệng xã trưởng bỏ vào thắt lưng, anh Hề mồi kể chuyện “Oan xin sữa”, chú Hề chèo theo hầu Từ Thức tán về cái “bàn bốc” của tiên, hai chú tiểu tranh nhau làm cột để trói Giáng Hương vào” [1]. Truyền thống văn hóa Việt Nam, tâm lý, tính cách, lối sống… cùng hệ giá trị văn hóa đã được xây dựng từ hàng ngàn năm luôn cổ vũ cho cách nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng, con người một cách hồn nhiên, trong sáng và lạc quan. Vẻ hồn hậu cùng cách nhìn sự vật hiện tượng ở thế đi lên, lạc quan đó khiến cho người Việt rất yêu thích những con người dí dỏm hài hước, những tình huống, câu chuyện gây cười. Sự yêu thích đó chúng ta có thể nhận thấy rất rõ nét trong kho tàng truyện cười vô cùng phong phú cùng các kịch chủng kịch hát lâu đời như Chèo và Tuồng đồ đã là những món ăn tinh thần trong nhiều trăm năm qua của dân tộc. Văn học nghệ thuật là tiếng nói đích thực của tâm hồn, của văn hóa mỗi dân tộc. Một dân tộc yêu thích tiếng cười, luôn cười vui lạc quan trong mọi tình huống chính là hình ảnh được phản chiếu trung thực trong truyền thống văn nghệ nước nhà. Và đó cũng là nguyên nhân sâu sa để khi tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa Pháp hình thành kịch nói, chúng ta tiếp thu trước hết là hài kịch của Moliere, ông vua tiếng cười trên sân khấu Pháp thế kỷ XVI.

Vở kịch kinh điển Hedda Gabler của tác giả Henrik Ipsen do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng

Như vậy, kịch kinh điển, mà cụ thể ở đây là những vở hài kịch của Moliere, đại diện cho văn hóa Pháp ở Việt Nam thời đó, thực sự là “cú hích” để kịch nói Việt Nam ra đời. Nói cách khác, sân khấu Việt Nam trước đây chỉ có Tuồng và Chèo, hai thể loại kịch hát truyền thống dân tộc. Nhờ tiếp thu văn hóa phương Tây (cụ thể là văn hóa Pháp), thông qua các kịch bản kinh điển thế giới đã như sự thúc đẩy để các nhà văn hóa Việt Nam hình thành nên sân khấu kịch nói Việt Nam.

Quá trình người Việt diễn kịch nói 

Ở Việt Nam, kịch nói đã không có dung mạo như vốn có ở các nước phương Tây giai đoạn cố gắng diễn tả cuộc sống chân thực như nó vốn có lên sàn diễn. Nguyên nhân là ở thời kỳ đầu, các nhà dàn dựng, các diễn viên ngày đó đều quan niệm “chơi kịch”, chưa được đào tạo bài bản, chỉ mới tự học, tự hiểu thông qua vài ba lần người Pháp sang diễn kịch tại Việt Nam cho những công dân của họ và một số cá nhân có quan hệ thân thiết với bộ phận người Pháp này. Thứ hai, do tâm lý thưởng thức sân khấu truyền thống ăn sâu đã dẫn tới tình trạng thời kỳ đầu diễn kịch nói có sự pha trộn với kịch hát (hát Chèo, ca Tuồng dùng bộ thức tượng trưng, ước lệ) một cách vô thức, tự phát. Giai đoạn sau này, trong những biến động của hoạt động kịch nói ở thời kỳ chiến tranh cách mạng, sự thiếu thốn trang thiết bị cùng tư tưởng tự giác để làm kịch cho người Việt Nam nên đội ngũ nghệ sĩ đã chủ động tìm tới những tinh hoa của kịch hát, làm giàu thêm cho kịch nói bằng những thủ pháp, những nguyên tắc sáng tạo của kịch hát. 

Vở Bi kịch Hamlet được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng

Nhưng phải tới khi bước sang giai đoạn độc lập năm 1954, (khi miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp tục hành trình cách mạng dân tộc dân chủ), với tinh thần học tập tinh hoa nước ngoài, gạn lọc những điểm độc đáo của văn hóa dân tộc để làm giàu cho sân khấu Việt Nam, những nghệ sĩ đầu của kịch nói Việt mới thực sự nghiên cứu và có một xu hướng hoàn toàn khác trong sáng tạo nghệ thuật. Những tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với sân khấu thế giới thông qua các nghệ sĩ của hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa đã đem lại rất nhiều điểm mới mẻ. Sự hình thành và ngày càng trưởng thành của đội ngũ đạo diễn cùng việc đào tạo diễn viên, hoàn thiện các bộ môn phục vụ cho sân khấu như mỹ thuật, ánh sáng, tiếng nói… đã khiến kịch nói có bước phát triển rõ ràng, có sự định hướng tích cực. Điều này thể hiện khá rõ qua loạt bài viết của NSND,TS Nguyễn Đình Nghi “Sân khấu kịch Việt Nam trên đường tìm về truyền thống” [2]; “Kịch nói Việt Nam đến hiện đại từ truyền thống” [3]. Người sáng tạo từ tác giả, đạo diễn đến đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn đều tự giác áp dụng vào kịch nói, đặc biệt là trong xử lý không gian, thời gian sân khấu. Xử lý không gian, thời gian sân khấu chính là điểm cốt tử của sân khấu khi sàn diễn rất nhỏ bé so với hiện thực mong muốn phản ánh. Cung cách xử lý không gian và cùng với đó là thời gian sân khấu theo quy ước của những ước lệ, cách điệu… khiến người đạo diễn rộng tay hơn rất nhiều, không bị trói buộc vào cơ sở vật chất. Và dần dần, kịch nói Việt Nam đã có dung mạo riêng, mang phong cách riêng của người Việt, ngay cả khi dàn dựng những kịch bản nước ngoài, những kịch bản kinh điển của thế giới. 

Đó là cung cách riêng, độc đáo của người Việt Nam khi học hỏi từ thế giới, từ các nền văn hóa khác để hình thành thể loại sân khấu mới theo cách riêng của mình: kịch nói Việt Nam. Và các kịch bản kinh điển là một trong những điểm hướng tới khi các đạo diễn, diễn viên và các thành phần khác của sân khấu đều mơ ước để thực hiện, đưa chúng từ những tác phẩm văn học kịch lên sàn diễn. Người Việt Nam đã sử dụng khá nhiều kịch bản thế giới, từ những kịch bản thời Hy Lạp Cổ đại, thời kỳ Cổ điển Pháp, kịch bản Xô Viết… để đưa lên sàn diễn kịch nói cũng như các hình thức kịch hát như Tuồng, Cải lương…

                (Còn nữa)

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Trần Đình Ngôn (1997), Đường trường chông chênh, Nxb Sân khấu, tr. 175

2. Nguyễn Đình Nghi (1995), Sân khấu kịch Việt Nam trên đường tìm về truyền thống, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 8 tr 55- 58.

3. Nguyễn Đình Nghi (1999), Kịch nói Việt Nam đến hiện đại từ truyền thống, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 3 tr 74- 77.

NGỌC BẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 535, tháng 5-2023

;