Tri thức địa phương với vấn đề bảo vệ tài nguyên rừng của đồng bào các dân tộc miền Tây tỉnh Thanh Hóa

Miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa là nơi sinh tụ lâu đời của nhiều dân tộc như: Thái, Mường, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú... Đây cũng là địa bàn chiến lược về kinh tế với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng. Với địa thế cao dốc và thảm thực vật phong phú, khu vực này đóng vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái của cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Nguồn tài nguyên rừng có ý nghĩa quan trọng đối với sự sinh tồn của cá nhân và cộng đồng, chính vì vậy việc được cộng đồng quy định một cách chặt chẽ trong luật tục, quy định của bản làng, các thế hệ của cộng đồng tộc người đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình khai thác, sử dụng.

1. Tri thức địa phương của các tộc người ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa

1.1. Quan niệm về tri thức địa phương

Trong những năm gần đây, cụm từ tri thức địa phương (local knowledge) hay kiến thức bản địa (indigenuos knowledge) đã được sử dụng trong một số công trình nghiên cứu của các tác giả với nhiều tên gọi khác nhau. Từ những cách gọi khác nhau như trên, các nhà nghiên cứu có những quan niệm và cách hiểu khác nhau về nội hàm của cụm từ “tri thức bản địa”. Theo PGS.TS Lê Trọng Cúc: “Tri thức địa phương hay còn gọi là tri thức bản địa là hệ thống tri thức của các cộng đồng dân cư bản địa ở các quy mô lãnh thổ khác nhau. Tri thức địa phương được hình thành trong quá trình lịch sử lâu đời, qua kinh nghiệm ứng xử với môi trường xã hội, được định hình dưới nhiều dạng thức khác nhau, được truyền từ đời này sang đời khác qua trí nhớ, qua thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội. Nó hướng đến việc hướng dẫn và điều hòa các quan hệ xã hội, quan hệ giữa con người và thiên nhiên”. GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Tri thức bản địa là toàn bộ những hiểu biết của con người về tự nhiên, xã hội và bản thân, hình thành và tích luỹ trong quá trình lịch sử lâu dài của cộng đồng, thông qua trải nghiệm trong quá trình sản xuất, quan hệ xã hội và thích ứng môi trường. Nó tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau và truyền từ đời này sang đời khác bằng trí nhớ và thực hành xã hội”.

Phong cảnh vùng cao miền Tây Thanh Hóa - Ảnh: Thanh Hà

Theo định nghĩa chung của tổ chức UNESCO, thuật ngữ “tri thức bản địa hay tri thức địa phương dùng để chỉ những thành phần tri thức hoàn thiện được duy trì, phát triển trong một thời gian dài với sự tương tác qua lại rất gần gũi giữa con người với môi trường tự nhiên. Đó là một phần của tổng hòa văn hóa, tập hợp những hiểu biết tri thức bao gồm hệ thống ngôn ngữ, cách định danh và phân loại, phương thức sử dụng tài nguyên, các hoạt động sản xuất, các lễ nghi, giá trị tinh thần và thế giới quan...”.

Như vậy có nhiều cách phân loại tri thức bản địa theo các quan điểm nghiên cứu khác nhau. Ở đây, chúng tôi phân loại tri thức bản địa gắn mối quan hệ với tự nhiên và xã hội trong các thành tố văn hóa tộc người như sau: tri thức địa phương trong khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên (rừng, đất, nước…); tri thức địa phương trong hoạt động sản xuất (kinh nghiệm chọn đất, chọn giống, kỹ thuật canh tác, thời tiết, lịch canh tác…); tri thức địa phương trong văn hóa vật chất (nhà ở, trang phục, ẩm thực…); tri thức địa phương trong ứng xử xã hội và quản lý cộng đồng (ứng xử gia đình, dòng họ, làng bản, lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng…); Tri thức địa phương trong chăm sóc sức khỏe (kiêng cữ, sinh đẻ, chăm sóc con cái, dưỡng sức, trị bệnh…).

1.2. Tri thức bảo vệ rừng của các tộc người phía Tây tỉnh Thanh Hóa

Là những tộc người sống chủ yếu dựa vào rừng, gắn bó mật thiết với rừng (lấy thức ăn từ rừng, lấy gỗ làm nhà, canh tác trên đất rừng, tin tưởng vào sự che chở của thần núi, thần rừng, thần cây, vui chơi, sinh hoạt cộng đồng trong lễ hội cảm tạ thần rừng...) (1), các dân tộc ở đây đã tích lũy được những kinh nghiệm, những tri thức trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên rừng một cách hợp lý. Điều này không chỉ thấy ở các tộc người sống ở rẻo giữa, rẻo cao, có truyền thống canh tác nương rẫy (các dân tộc trong nhóm ngôn ngữ Tạng Miến, Mông - Dao, Môn - Khơme) mà còn thấy ở một số tộc người có truyền thống canh tác lúa nước lâu đời như Thái, Mường… Thậm chí, đối với người Thái, Mường, những quy định trong khai thác và sử dụng tài nguyên rừng được quy định và ghi chép lại trong luật tục của cộng đồng.

Người Thái quy định không ai được đụng chạm đến khu rừng măng cấm (pảnỏtăn) và rừng săn (đenhúa) khi chưa đến mùa săn bắn, hái lượm. Các trường hợp xâm phạm khi chưa được phép của toàn mường sẽ bị coi là ăn cắp tài sản chung của cộng đồng. Sau những trận mưa đầu mùa, măng mọc rộ, người ta mới tổ chức cho cả bản vào rừng hái măng. Sau đó lại “đóng cửa” đợi đến đợt măng sau hoặc mùa măng sau. Người ta không được hái những măng nhỏ để cho nó phát triển thành cây, không chặt phá bừa bãi cây trong lúc khai thác… vì vậy, rừng săn và rừng măng luôn được giữ gìn và giữ được sự phát triển tự nhiên của nó. Hằng năm, cứ đến cuối tháng 5 âm lịch mới được vào rừng lấy măng, nhưng chỉ được hái lứa đầu và lứa thứ tư. Ai làm sai bị phạt 1 nén bạc kèm theo rượu, thịt.

Cây gỗ, cây quế trong rừng dù lớn hay nhỏ, nhưng trên thân cây có dấu chữ thập hoặc dấu nhân là cây đã có chủ, không ai được chặt cây gỗ đó nữa.

Trong việc phát rừng làm rẫy phải được Tạo bản cho phép; nếu tự ý làm, sẽ bị phạt từ 1 đến 3 nén bạc kèm theo rượu, thịt.

Đối với rừng phòng hộ ở đầu nguồn nước thì tuyệt đối cấm khai thác; rừng dành cho việc khai thác tre, gỗ để dựng nhà, phục vụ cho các nhu cầu của cuộc sống thì tuyệt đối không được chặt đốt làm nương. Mỗi mường đều có minh bản nen mương (hồn thiêng bản mường), có nơi chôn lắc mương (cột hồn mường). Đầu mường có rừng hồn chiềng gọi là cửa xen, cuối mường có rừng hồn chiềng gọi là cửa pọng, cạnh mường có khu rừng mang tên chiềng kẻo là khu rừng ma của mường. Các rừng này đều là rừng kiêng cấm, không được chặt cây, khai phá nương rẫy...

Những khu rừng đon khuông được coi là rừng của thần linh trú ngụ, tuyệt đối không được phá, nếu ai xâm phạm thì sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lường. Những khu rừng cấm này không ai dám xâm phạm, dù là chỉ hái một ngọn măng, chặt một cành cây, săn bắt một con chim thú… Thậm chí ai đi qua cũng phải cúi lạy, kể cả phìa tạo cũng phải xuống ngựa, chị em phải cởi khăn piêu xuống lặng lẽ bước qua, thú bị thương trong những cuộc săn bắn nếu chạy vào đây không ai được đuổi theo và sẽ được rừng che chở bảo vệ.

Người Thái nói về rừng, rừng thiêng và trách nhiệm bảo vệ rừng của mỗi người một cách cụ thể: Pá đông xông cột, mạy pên khôn, côn pên nuốt, pá cắm đông kheo, mạy hua ta, nga hua bó, pá tắm đin piêng, pá heo đông căm, pá cấm đông xên… Có nghĩa là: Cây có lông (có nghĩa là cây cổ thụ), như người già có râu, rừng xanh bát ngát, là rừng đầu nguồn, rừng đầu mỏ nước, rừng ngút ngàn tít tắp, rừng cúng tế, rừng kiêng, rừng linh thiêng… Bảo vệ rừng để cho hôm nay, cho ngày mai và cho muôn đời thế hệ mai sau (2).

Người Mường quy định về thu hái măng nói rõ: Đúng ngày 20-6 âm lịch (tuỳ theo các làng mường tự quy định có thể trước hay sau thời điểm này vài ngày) hằng năm, lý trưởng hay lang, đạo cai quản các mường họp bàn, quyết định phát hiệu lệnh cho phép bằng chiêng, trống hay rao mồm, lúc đó người dân mới được thu, hái măng.

Theo kinh nghiệm dân gian của người Mường, mùa măng mọc bắt đầu từ mùa xuân. Trong thời gian từ mùa xuân cho đến gần hết tháng 6 âm lịch, số lượng măng phát triển thành cây rất cao, vì giai đoạn này khí hậu, môi trường nóng, ẩm thuận lợi cho măng mọc, khả năng kháng sâu bệnh cao. Từ tháng 7 âm lịch về sau, măng vẫn còn mọc nhiều nhưng thời tiết vào mùa này thường có những cơn mưa dầm dài ngày nên phát sinh nhiều sâu bệnh hại măng, kèm theo gió, bão thường làm gãy măng. Do vậy số cây phát triển từ măng thời gian này rất thấp, nên người xưa cho thu hoạch măng ở thời kỳ này. Ai vi phạm dù là con trẻ hay người lớn (kể cả các gia đình thả rông gia súc vào rừng dẫm đạp làm gãy măng) nếu bị phát hiện thì gia đình đó phải nộp phạt cho mường 1 con lợn cái (lợn nái đã đẻ).

Quy định trong luật tục của người Mường về vấn đề này thể hiện sự am hiểu thiên nhiên khá sâu sắc và có tính khoa học cao.

Người Thổ rừng thiêng được coi là nơi cư ngụ của các vị thần linh và cũng là nơi xuất phát nguồn nước của các con sông, con suối. Đồng bào thường gọi rừng thiêng với nhiều tên khác nhau. Rừng thiêng được bảo vệ bằng luật tục và cơ chế “thiêng hóa”. Theo quan niệm của đồng bào, không ai trong cộng đồng được tự tiện xâm phạm vào khu rừng này, nếu xâm phạm sẽ bị thần linh trừng phạt.

Với quy định tài nguyên rừng là tài sản chung của cả cộng đồng, do đó làng được xem là chủ sở hữu chung của mọi nguồn tài nguyên rừng trong phạm vi quản lý. Mọi vấn đề liên quan đến phân chia quyền lợi từ tài nguyên rừng của các thành viên trong làng đều phải tuân theo những quy định chung của làng: làng là đại diện quản lý chung tài nguyên rừng, là chủ thể quản lý những tài nguyên rừng trong phạm vi làng. Trường hợp xảy ra những tranh chấp với làng khác, các tổ chức điều hành của làng là người đại diện đứng ra giải quyết. Những vấn đề liên quan đến khai thác tài nguyên rừng: địa điểm, thời gian, cách thức, các loại tài nguyên được khai thác đều phải tuân theo những quy định chung của làng. Nếu các thành viên trong cộng đồng vi phạm sẽ bị xử lý theo luật tục.

Ngoài các khu rừng cấm, người Thổ còn các khu rừng thuộc sở hữu chung của cộng đồng thôn bản gọi là cung cấp nguyên liệu làm nhà, củi đun, rau rừng… Người Thổ còn tổ chức các cuộc săn bắt ở khu rừng chung này nhưng theo quy ước nhất định nhằm bảo vệ rừng, bảo vệ các thú nhỏ.

Người Mông có tục ăn ước hay còn gọi là lễ nào sồng hay nào cống vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch. Trong lễ này, người ta xây dựng thêm hay nhắc lại các quy ước bảo vệ rừng, đồng thời quy định lại các hình thức xử phạt nếu có người vi phạm. Ai không tôn trọng quy ước bảo vệ rừng đều bị xử phạt giống như gia súc phá hoại mùa màng. Ai tự tiện vào rừng cấm để chặt cây bị phạt một con lợn hoặc bị phạt từ 50.000 đến 100.000 đồng. Mỗi gia đình có những khoảnh rừng riêng, mọi người phải tôn trọng quyền sử dụng của người đó. Những ai không tôn trọng quy ước bảo vệ rừng đều bị xử phạt với hai hình thức sau: Bồi thường thiệt hại bằng cách trồng đền, trả giống, trả sản phẩm theo mức thu của mỗi vụ. Rừng gỗ, rừng nứa của họ nào, họ đấy sử dụng, nếu đi phát lẫn của nhau là phạm vào tội ăn trộm (3). Ai muốn lấy phải báo cho trưởng họ, cho phép mới được chặt. Chỗ rừng cấm không ai được đến phát nương. Sau lễ cúng rừng, đồng bào Mông nghỉ kiêng ba ngày để tạ ơn Thần Rừng, cũng trong ba ngày này mọi người phải tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục, đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc…

Tri thức bảo vệ rừng của người Mông còn khác nhau giữa các dòng họ. Theo em Thao Tông Xai ở huyện Quan Sơn cho biết: Dòng họ Sùng và họ Thao, làm lễ tế trời vào ngày 17 và 27-7 âm lịch. Trong những ngày này, đồng bào không được vào rừng khai thác, không được sử dụng dao. Nếu như dùng dao bị chảy máu thì đó là điềm gở, vì đây là lễ cúng rừng, thể hiện sự tôn trọng đối với thần rừng, không được chặt cây. Dùng dao là một hình thức chặt cây trong rừng nên sẽ bị thần rừng trừng phạt. Ở dòng họ Hờ và họ Tráng, lễ này được thực hiện vào ngày 19 và 29-9 âm lịch. Trời là đấng tối cao trong tâm niệm của con người, thần rừng là vị thần trông coi, bảo hộ bản mệnh của các làng bản, cộng đồng các dân tộc miền núi.

Người Dao theo tập quán người Dao đỏ, ngày 15 tháng Giêng hằng năm các gia đình phải đến nhà trưởng bản để họp bàn việc thực hiện các quy ước của bản trong khai thác tài nguyên rừng. Một số vùng, người Dao còn quy định khi vợ chồng sinh con thì phải trồng một cây tre, cây chàm hoặc cây quế để đánh dấu sự kiện trọng đại này, khi đẻ mà con chết phải trồng một cây chuối hoặc một cây ăn quả bất kỳ và phải chăm sóc cho cây đến khi ra hoa kết trái. Tục này cho thấy trong quan niệm của người Dao, tài nguyên rừng vô cùng quý giá và thiêng liêng như việc một đứa trẻ ra đời. Người và rừng có mối quan hệ mật thiết như máu mủ của cha mẹ với con cái. Điều này cũng dễ hiểu, bởi người Dao là cộng đồng tụ cư chủ yếu ở rẻo giữa và rẻo cao, đời sống kinh tế nương rẫy bấp bênh, họ phải dựa vào nguồn tài nguyên từ rừng để bổ sung nhu cầu về cái ăn, giải quyết vấn đề về cái mặc và nhu cầu về việc làm nhà.

Tất cả những việc này, con người dựa vào rừng, lấy gỗ từ rừng để làm nhà, lấy măng, rau, thuốc từ rừng và trước kia, lấy vỏ cây, lá cây để che thân…

Người Khơ Mú quy định ai lấy cây ở khu rừng cấm sẽ bị phạt tiền hoặc tịch thu xung công quỹ, nếu vi phạm vào “ rừng ma”, bị phạt gà, rượu, gạo, trước là cúng, sau là để dân bản đến ăn, uống nhắc nhở lần sau không được vi phạm. Theo quy ước, sau khi đã chọn được mảnh đất để làm nương, người đi chọn làm the le (tấm phên đan mắt cáo cài trên gốc cây to hoặc buộc vào cành lá xanh), xung quanh phát quang một khoảng rộng để không bị cây rừng che khuất. The le là dấu hiệu để nhận biết một mảnh nương đã có chủ. Người nào vi phạm, cố tình canh tác chỗ đất ấy thì chủ nhân của mảnh nương có quyền thu hoạch toàn bộ hoa lợi… Đến mùa làm nương, gia đình có trâu bò phải cử người chăn dắt cẩn thận, nếu để phá hàng rào trên nương thì chủ trâu bò đó phải đi rào lại. Trâu bò phá hoại hoa màu, lúa lần đầu tiên và thứ hai phạt tiền. Lần thứ ba chủ nương có thể bị bắn chết. Rừng trồng giao cho từng gia đình quản lý, trâu bò phá hoại sẽ phạt tiền, rừng đầu nguồn, rừng cấm không được tự tiện chặt phá.

1.3. Một vài nhận xét

Trước hết, tri thức bản địa là những sáng tạo của cộng đồng nhằm thích ứng với điều kiện sinh thái của mỗi tộc người. Tri thức bản địa gắn liền với kinh nghiệm trong sinh hoạt và ứng xử với môi trường của mỗi tộc người ở mỗi địa phương nhất định. Trong quá khứ, cộng đồng các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc sống phụ thuộc rất nhiều vào môi trường tự nhiên và nhằm thích ứng với điều kiện sinh thái đó, họ sáng tạo những kho tàng tri thức về môi trường ở địa phương.

Hầu hết các tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc được duy trì bằng trí nhớ, truyền miệng, thực hành xã hội. Chỉ người Thái, người Mường được ghi chép lại trong luật tục, hịt khỏng bản mường. Mặc dù vậy, có thể thấy rằng, các tri thức bản địa có ý nghĩa quan trọng nên có sức sống mãnh liệt, được trao truyền và vận hành từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tụ cư ở địa hình núi cao, gắn bó mật thiết với rừng nên trong hệ thống tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số nơi đây được coi là kho kinh nghiệm trong việc bảo vệ rừng rất phong phú. Nước ta ¾ lãnh thổ là đồi núi. Đây là điều kiện thuận lợi với trữ lượng rừng lớn, giàu tiềm năng về môi trường sinh thái, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên… Đối với cộng đồng các dân tộc sinh sống ở khu vực miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, rừng cung cấp: gỗ làm nhà, làm củi đốt, thảo dược phục vụ y học... Ngoài ra rừng còn bảo vệ con người khỏi thiên tai lũ lụt, điều hòa khí hậu…

Rừng không chỉ là nguồn tài nguyên có giá trị lớn trong đời sống kinh tế, xã hội mà còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của các dân tộc thiểu số nơi đây phản ánh sinh động, rõ nét về lối sống, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa tộc người. Đặc biệt, tri thức bản địa trong bảo vệ tài nguyên rừng là sự phản ánh sâu sắc quan niệm tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào. Đây chính là cơ chế thiêng hóa niềm tin về rừng, về vai trò của rừng với cộng đồng (4).

Mỗi bản của các dân tộc thiểu số ở đây đều có những khu rừng thiêng, là khu rừng đầu nguồn nước là nơi cấm khai thác gỗ, săn bắt cũng như làm rẫy, luôn giữ nguồn nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Đặc biệt khi phát rừng làm rẫy, đồng bào bao giờ cũng chừa lại những khoảnh rừng trên đỉnh núi. Theo quan niệm là để cho các vị thần linh về trú ngụ, nhưng tri thức bản địa cho thấy những khu rừng này chống hiện tượng mưa lũ xối từ trên đỉnh núi, đồng thời là tác nhân tái sinh các loại cây hoang dại khi rẫy được bỏ hóa trong quá trình luân canh luân khoảnh. Đồng bào quan niệm rừng và cây rừng, con thú trong rừng đều có linh hồn như con người. Mỗi cây trong rừng có một cây thần chủ thiêng liêng.

Người Thái, họ Lương, họ Hoàng, họ Quàng kiêng không ăn thịt hổ, thờ hổ, hàng năm cúng thịt sống cho hổ (Quan Hóa, Mường Lát). Họ Lò thờ chim táng lò, họ Hà thờ chim bìm bịp…

Như vậy, quan niệm về rừng, nhìn nhận về rừng vừa phản ánh mối quan hệ thân thiện hòa hợp với rừng, vừa linh thiêng hóa rừng. Từ đó, các dân tộc thiểu số nơi đây có tri thức đặc biệt quan tâm đến rừng, có thái độ kính trọng, sợ hãi hoặc luôn chăm sóc rừng như đối với người thân, bề trên. Cơ chế thiêng hóa rừng giúp cho các tri thức bản địa có tính cưỡng chế trong cộng đồng. Xuất phát từ niềm tin thiêng liêng ấy, bất cứ thành viên nào trong cộng đồng cũng tuân theo một cách nghiêm ngặt những quy ước của làng bản trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên rừng. Từ đó, có thể thấy rằng tri thức bản địa có vai trò quản lý và tổ chức xã hội, điều chỉnh hành vi và hoạt động của con người, hướng dẫn con người thực hành các chuẩn mực đời sống: không vi phạm vào những quy ước của cộng đồng trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên rừng. Ngoài ra, nó còn là tấm gương phản chiếu mang tính giáo dục, răn đe, khích lệ động viên, khen thưởng, xử phạt đối với các hành vi của cá nhân: người nào vi phạm sẽ phải làm lễ cúng tạ tội với thần rừng và nộp phạt theo quy định của bản. Phần lễ vật nộp phạt đó sẽ được cúng tế thần rừng và toàn dân bản được thụ hưởng.

Tri thức bản địa trong bảo vệ tài nguyên rừng có những quy định rõ ràng về thời gian khai thác. Điều này cho thấy đồng bào các dân tộc thiểu số có sự am hiểu nhất định thời kỳ sinh trưởng của cây trồng, các thói quen của động vật, các thời điểm thích hợp cho việc gieo trồng…

Như vậy, trong việc sử dụng tài nguyên rừng, đồng bào đã bước đầu quan tâm đến sự phát triển bền vững. Vì vậy, các tri thức bản địa phương của các dân tộc thiểu số không chỉ có ý nghĩa trong xã hội cổ truyền mà còn có ý nghĩa thiết thực trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội các tộc người hiện nay một cách bền vững.

2. Kết luận

Tri thức bản địa chính là nền tảng cơ sở để duy trì cuộc sống của các xã hội truyền thống tự quản khép kín với nền kinh tế tự cung tự cấp. Trong điều kiện hạn chế về khoa học, kỹ thuật, đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây đã sáng tạo và tích lũy được kho tàng kinh nghiệm trong quá trình tác động với môi trường tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên các tri thức bản địa cũng có tính hạn chế, xuất phát từ đặc tính địa phương, tộc người nên khó phổ biến tới các cộng đồng khác và vùng khác. Mặc dù vậy, vẫn phải khẳng định vai trò của các tri thức bản địa trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, xây dựng các mô hình phát triển nông thôn bền vững.

Nghiên cứu tri thức bản địa trong bảo vệ tài nguyên rừng có ý nghĩa quan trọng trong hoạch định chính sách phát triển bền vững tài nguyên rừng dựa vào cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số miền Tây tỉnh Thanh Hóa.

________________

1. Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc), Nxb Khoa học xã hội, 1978.

2. Ngô Đức Thịnh, Tìm hiểu luật tục các tộc người ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 2003.

3. Khổng Diễn, Bùi Minh Đạo (chủ biên), Dân tộc học Việt Nam thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, Nxb Khoa học xã hội, 2003.

4. Trần Hữu Sơn, Tri thức bản địa của người Hà Nhì ở Việt Nam với vấn đề bảo vệ rừng, Hội thảo Việt Nam học lần 3, 2008.

Tác giả: Nguyễn Thế Anh - Nguyễn Đình Thảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

;